Thứ Sáu, 2025-01-03, 4:36 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 13 » Việt Nam: Pháp quyền vô pháp luật
7:23 PM
Việt Nam: Pháp quyền vô pháp luật

Phạm Trần

Cán bộ, Đảng viên lộng quyền để hành dân

Đảng Cộng sản Việt Nam tự khoe “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền”, của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhưng người dân lại bị hạn chế nhiều quyền và thường xuyên phải sống bên lề luật pháp để nhìn cán bộ, đảng viên loạn quyền.

Ngang trái hơn, khi Nguyễn Văn Yểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đòi phải “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước pháp quyền” (Tạp chí Cộng sản số 1-2007), thì nhà nước lại để cho đảng viên tự do xâm phạm các quyền của dân đã được Hiến pháp công nhận. Quan trọng hơn cả là các quyền làm chủ đất nước, quyền tự quyết định lấy thể chế chính trị và quyền chọn người đại diện cho mình tại các Hội đồng Nhân dân và Quốc hội.

Lề lối tổ chức nhà nước, bầu cử, chọn người do đảng duy nhất cầm quyền quyết định trọn gói đã vi phạm các nguyên tắc “của dân, do dân”, và phản bội lời thề của đảng nói rằng “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.

Vậy mà Nguyễn Văn Yểu vẫn có thể vo tròn, bóp méo: “Trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã khẳng định nhiệm vụ "xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng". Đó chính là sự tiếp tục phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền trong điều kiện mới. Ngay từ buổi đầu được thành lập và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, Nhà nước ta đã mang những yếu tố của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, gắn bó chặt chẽ và phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Nhà nước đã từng bước thực hiện việc quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.”

Thứ “dân chủ” mà ông Yểu nói “không ngừng phát huy” là thứ dân chủ gì? Hiến pháp công nhận dân có đủ mọi thứ quyền, nhưng đảng và nhà nước không cho dân hưởng bằng cách lập ra đủ mọi thứ Luật để nhiễu hoá và hạn chế các điều ghi trong Hiến pháp.

Bằng chứng như quyền tự do ngôn luận ghi trong Điều 69 viết rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” , nhưng nhà nước lại cấm tư nhân ra báo và buộc các báo được phép xuất bản phải tuyên truyền cho đảng là điều không hề ghi trong Hiến pháp thì có phải nhà nước đã vi phạm Hiến pháp không?

Cũng như quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã viết rất rõ trong Điều 70 rằng: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

thì hà cớ gì nhà nước lại chỉ cho phép các tổ chức tôn giáo hoạt động theo các điều kiện của nhà nước, và thường xuyên khủng bố những tổ chức tôn giáo không cho nhà nước xen lấn vào sinh hoạt nội bộ để kiểm soát? Nhà nước còn ngăn cấm việc tự do truyền đạo, in kinh sách và các tài liệu tôn giáo.

Như vậy thì nhà nước của đảng CSVN có còn chút giá trị gì là “nhà nước pháp quyền” nữa không, hay tính vô luật pháp của hành động là nhằm xoá đi Hiến pháp?

Khổ nỗi Hiến pháp vẫn còn đó mà nhà nước CSVN vẫn tiếp tục vi phạm bằng cách viết ra đủ mọi thứ Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh, Nghị định, Kết luận, Quyết định v.v... chồng tréo lên nhau để giới hạn tuyệt đối các quyền của công dân.

Hãy nghe Nguyễn Viết Thực, Ban Dân vận Trung Ương “giảng giải” thêm về ý nghĩa cao siêu của nhà nước pháp quyền: “Nhà nước pháp quyền XHCN là nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và thể hiện địa vị tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức nhà nước, cán bộ công chức nhà nước và các thành viên khác của xã hội phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh tự giác. Nhà nước phải quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Mọi vi phạm pháp luật phải được pháp luật xử lý nghiêm minh, kịp thời, thực hiện nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật.” (Báo điện tử ĐCSVN, 4-02-2009)

Tham nhũng – lạm quyền

Nhưng trong thực tế nhân dân có được hưởng như thế không? Hãy lấy “quốc nạn” tham nhũng của cán bộ đảng viên để chứng minh cho tình trạng liên tục vi phạm pháp luật của cán bộ đảng viên.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng ngày 06-03-2009, Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung Ương về Phòng chống Tham nhũng (PCTN) nói: “Tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, hiệu quả công tác PCTN còn thấp. Công tác PCTN trong hai năm qua còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém biểu hiện ở:

Việc chuyển biến từ nhận thức thành hành động trong công tác PCTN còn nhiều hạn chế. Một số cấp ủy chưa nhìn thẳng vào thực trạng tham nhũng, lãng phí diễn ra ở địa phương, đơn vị mình. Việc thực hiện các quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác PCTN ở không ít địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc; việc vận dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức quyền còn yếu kém. Công tác kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chủ động, chưa thường xuyên; việc phát hiện tham nhũng của cơ quan quản lý cấp trên; phát hiện thông qua hoạt động giám sát và tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất hạn chế. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra trên thực tế. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN ở nhiều nơi còn lúng túng. Sự phối hợp của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là: Thứ nhất là, do cơ chế, chính sách còn nhiều sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Thứ hai là, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu kém; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy trong công tác PCTN. Tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ cũng như điều kiện vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ PCTN. Thứ ba là, đối tượng tham nhũng hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.”

Như vậy thì có “pháp quyền” không hay cán bộ, đảng viên đã “loạn quyền” để thu vén tiền của mồ hôi, nước mắt của nhân dân?

Có điều nên biết là những lời thú nhận của Trương Vĩnh Trọng được đưa ra ra sau hai năm cả đảng thi đua chống tham nhũng, theo Nghị quyết Trung ương 3 năm 2006.

Hồi đó, Nghị quyết Hội nghị 3, họp từ 24 đến 29-7-2006, đảng CSVN đã nhìn nhận: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của Ðảng và chế độ ta...”

“... Nhiều tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng, lãng phí, nên lãnh đạo không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung túng, bao che cho tham nhũng, lãng phí; chưa thực sự dựa vào dân và chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức nói riêng còn nhiều yếu kém. Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Như vậy có phải công tác Phòng, Chống Tham nhũng đã thành “Dã Tràng xe cát biển đông” hay nhà nước gọi là pháp quyền của đảng CSVN đã biến thành nhà nước vô kỷ luật nên cán bộ, đảng viên mới có thể lộng quyền để hành hạ, bóc lột dân như thế ?

Phạm Trần
03/09
Nguồn: Ðối Thoại
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 793 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0