Đỗ Thái Nhiên
Luật sư Lê Trần Luật (bên phải) cùng giáo dân Thái Hà
Anh hùng là người dám làm một hoặc nhiều
công việc mà người bình thường không dám làm. Công việc vừa đề cập phải
là công việc được xã hội tri ân. Tin tức thời sự trong thời gian gần
đây cho thấy một nhân vật anh hùng đang được dư luận ngày càng ngưỡng
vọng. Nhân vật anh hùng kia chính là Luật Sư Lê Trần Luật.
Lê Trần Luật là một luật sư rất trẻ, không vướng mắc gì tới chiến tranh
Việt Nam trước 1975. Nội dung giáo dục mà Lê Trần Luật hấp thụ là
chương trình giáo dục do đảng CSVN thiết kế. Trong đó học tập điều được
goi là “đạo đức bác Hồ” là môn học bắt buộc. Tốt nghiệp đại học, hậu
đại học và tự nghiên cứu thêm trong đủ loại sách báo, Lê Trần Luật là
một luật sư có hiểu biết cao cấp về luật pháp, có tài kinh doanh. Luật
sư Luật đặt văn phòng chính tại Ninh Thuận và hai văn phòng chi nhánh
tại Saigon. Số lượng nhân viên toàn thời gian cho cả ba văn phòng là 20
người. Nhìn chung luật sư Lê Trần Luật là người có đủ kiến thức và tài
năng để có thể có được cuộc sống vinh hoa phú quý trong xã hội Việt Nam
dưới quyền cai trị của người Cộng Sản. Tuy nhiên, tâm thức của vi luật
sư trẻ tuổi này lại đòi hỏi: phục vụ lẽ phải cần được xem là mục đích
tối thượng của đời sống. Mọi quyền lợi khác đều là thứ yếu. Đó là lý do
giải thích tại sao thân chủ của luật sư Lê Trần Luật đa số là dân oan,
những người đấu tranh cho tự do dân chủ, những người sẳn sàng chết để
tự do tôn giáo được sống… Mỗi hồ sơ là một bài biện hộ nồng nhiệt. Thế
nhưng biện hộ nồng nhiệt không thể làm cho xã hội Việt Nam khởi sắc.
Muốn mang lại công bằng và thịnh vượng cho quê hương, luật sư Lê Trần
Luật không thể không tấn công thẳng vào hệ thống pháp luật đầy dẫy
nghịch lý của CSVN.
Ngày 29/12/2008, tại Hà Nội, nhân một hội nghị của ngành tư pháp nhằm
chuẩn bị cho công tác tư pháp năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng
CSVN có đưa ra nhận định như sau:
“Việc điều hành của chính phủ phải tuân theo luật pháp, người dân, các
doanh nghiệp cũng phải làm theo luật pháp, nhưng luật pháp còn nhiều
vướng mắc. Nếu chúng ta không quyết liệt tháo gỡ, sẽ khó khăn trong
điều hành. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt công tác tư pháp
năm 2009 của bộ Tư Pháp sẽ góp phần cùng chính phủ giải quyết tốt khâu
điều hành, giải quyết những khó khăn của đất nước”.
Nói ngắn và gọn, nhận dịnh của Nguyễn Tấn Dũng gồm ba điểm:
1) Luật pháp nắm giữ vai trò tối quan trong công cuộc điều hành việc nước.
2) Luật pháp Việt Nam có nhiều vướng mắc.
3) Chúng ta phải quyết liệt tháo gở vướng mắc.
Câu hỏi đặt ra là: vấn nạn “vướng mắc” của luật pháp nên giải quyết như thế nào?
Ngày 02/02/2009, trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Hiền Vy, đài Á Châu Tự Do, luật sư Lê Trần Luật cho biết ý kiến của ông về hai chữ vướng mắc:
“Hệ
thống luật pháp Việt Nam rất lộn xộn chứ không phải vướng mắc. Nếu hiểu
ở cấp độ pháp lý thì vướng mắc có nghĩa là những điều luật bị mâu thuẩn
lẫn nhau… Nói như thủ tướng là vướng mắc thì chưa chính xác mà phải nói
là luật pháp Việt Nam còn rất nhiều lộn xộn. Hay nói là một hệ thống
luật pháp còn rất là mông muội, sơ khai.”
Như vậy, theo
cách diễn đạt của luật sư Luật, luật pháp chỉ gọi là vướng mắc chừng
nào luật pháp đã có hướng tiến rõ rệt, tuy nhiên, một vài mâu thuẫn nào
đó đã làm cho bánh xe luật pháp bị khựng lại. Con người chỉ cần giải gở
những mâu thuẫn kia, những vướng mắc kia, là luật pháp có thể vận hành
êm ả.
Luật pháp Việt Nam không vướng mắc mà là lôn xộn, là không có hướng
tiến, là nay thế này mai thế kia. Luật sư Lê Trần Luật giải thích với
phóng viên Hiền Vy về hai chữ lộn xộn như sau:
“Cái căn nguyên của sự lộn xộn đó là ở trong tư tưởng của những nhà
lãnh đạo. Đó là tư tưởng tham quyền và một cái bề ngoài cần một hệ
thống pháp luật dân chủ.”
Nhằm mô tả tình trạng lộn xộn của luật pháp Việt Nam một cách cụ thể, luật sư Lê Trần Luật dẫn chứng:
“Ví dụ như khi họ làm luật doanh nghiệp thì lại giao cho bộ Kế Hoạch
Đầu Tư làm, như thế thì theo nguyên lý, cơ quan hành pháp tự tạo ra một
dự thảo luật thì họ luôn luôn có khuynh hướng là giành lấy quyền luật
cho cơ quan hành pháp.”
Kiểu diễn đạt của luật sư Luật đã
cho thấy: bộ Kế Hoạch Đầu Tư viết dự thảo luật đầu tư sau đó lại chuyển
đến quốc hội của CSVN để quốc hội gật đầu thông qua thành luật. Sự việc
này có hai lộn xộn:
1) Hành pháp làm luật chứ không phải lập pháp làm luật.
2) Hành pháp, lập pháp hay tư pháp đều là con cái của đảng CSVN. Tất cả
đều phải trung thành với đảng, thay vì trung thành với quốc gia.
Hai cái lộn vừa nêu tao ra tình huống: bánh xe luật pháp Việt Nam phải
đối diện với hai dấu hỏi: Có nên hay không đầu hàng quyền lực của đảng
CSVN? Có nên hay không nghiêm chỉnh tuân hành nguyên tắc tam quyền phân
lập của thể chế dân chủ? Dĩ nhiên hai dấu hỏi kia nếu được trả lời bằng
cách nhập chung CS va luật pháp dân chủ vào một nồi như CSVN hiên đang
làm thì luật pháp Việt Nam chỉ là một nồi cám heo. Cám heo chỉ dành cho
gia súc, không thể áp dụng cho xã hội loài người. Đó là nội dung cốt
lõi của hai chữ lộn xộn
mà luật sư Lê Trần Luật đã dùng để diễn tả trung thực tính chất của
luật pháp Việt Nam. Lộn xộn có nghĩa là không thể đi hàng hai giữa độc
tài và dân chủ. Lộn xộn có nghĩa là CSVN không thể tiếp tục dối gạt dư
luận bằng cách dùng chiếc áo luật pháp dân chủ để che đậy chân tướng
độc tài và tham ô của CSVN.
Mặt khác, trên quan điểm của môn triết học về luật pháp, goi tắt là triết pháp, luật sư Lê Trần Luật mạnh mẽ xác định:
“Về mặt nội dung, pháp luật phải tôn trọng những qui luật khách quan,
hay nói đúng hơn là trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo phải nghĩ rằng
pháp luật là một nhu cầu khách quan. Pháp luật không có mục đích tự
thân của mình mà pháp luật phải tương thích và phù hợp với những nhu
cầu khách quan, chứ pháp luật không thể là ý chí của giai cấp cầm quyền
được.” (Đài Á Châu Tự Do 2/2/2009)
Nói dễ hiểu hơn “Ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp”. Vì vậy luật pháp
phải thường hằng chạy theo xã hội, phục vụ xã hội. Luật pháp không thể,
không bao giờ có thể là ý muốn riêng của nhà cầm quyền. Ngày nào đảng
CSVN còn duy trì tham vọng dùng luật pháp tiền chế của chế độ Hà Nội để
cưỡng bách toàn dân phải phục vu quyền lợi của đảng CS, ngày đó luật
pháp Việt Nam vẫn là một guồng máy trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.
Nhìn chung:
Về thực tiễn sinh hoạt của xã hội: luật pháp Việt Nam đang “vướng
mắc”. Nó là tảng đá nằm chắn ngang con đường điều hành công việc quốc
gia.
Về mặt kỹ thuật pháp lý: tam quyền phân lập giả vờ đã và chắc chắn sẽ
làm cho luật pháp Việt Nam tê liệt. Tam quyền phân lâp là một kỹ thuật
pháp lý thiếu nó xã hội không thể vươn mình lên.
Về mặt triết pháp: mang luật pháp tiền chế của đảng CS để áp đặt vào xã
hội Việt Nam là một hành động chống lại nhân dân, chống lại qui luật
vận hành xã hội. Hành động này hiển nhiên sẽ bị lịch sử đào thải.
Vậy thì giải pháp thích nghi cho luật pháp Việt Nam là gì? Luật sư Lê Trần Luật trả lời:
“Trong điều kiện Việt Nam, chỉ có cách thức là cho đa nguyên, đa đảng
thì khi đó mới có thể thực hiện được sự phân quyền một cách rõ rệt.”
Đa nguyên đa đảng có nghĩa là điều 4 hiến pháp 1992 của CSVN phải bị
dẹp bỏ. Đa nguyên đa đảng có nghĩa là người dân dùng lá phiếu để yêu
cầu đảng CSVN độc-tài-vô-hạn, tham-ô-dày-đặc phải rời bỏ sân khấu chính
trị Việt Nam.
Tại Việt Nam ngày nay, người dân có thể tự do rong chơi trong xã hội
đen, tự do sinh sống vô trật tự. Thế nhưng có một số điều tối kỵ. Đó là
đừng bao giờ nói hoăc làm bất kỳ điều gì có liện hệ tới việc gây nguy
hại cho quyền lực thống trị của CS. Đừng bao giờ đòi bỏ điều 4 hiến
pháp. Đừng bao giờ nêu bật tính phi chính thống của chế độ Hà Nội. Luật
sự Lê Trần Luật đã hiên ngang vi phạm các điều cấm kỵ kia bằng cách
dùng thực tiễn đời sống cộng với triết pháp cộng với kỹ thuật pháp lý
để minh chứng một cách khoa học và bình tĩnh rằng: Việt Nam không thể
có chọn lựa nào khác hơn là con đường dân chủ đa nguyên. Dĩ nhiên luật
sư Lê Trần Luật thừa biết rằng giấy phép hành nghề luật sư có thể bị bộ
tư pháp CS thâu hồi bất kỳ lúc nào. Văn phòng luật sư có thể bị công an
CS phá tan với ngàn lẻ một lý do. Cá nhân của luật sư sẽ bị giam bó
trong ngục tù biệt giam. Sau cùng vợ con của luật sư Lê Trần Luật sẽ
nhanh chóng rơi vào cảnh túng thiếu cơm áo. Những cái biết vừa kể không
làm luật sư Luật khiếp sợ. Ông vẫn lừng lững bước vào con đường đả phá
độc tài, áp bức. Đó là tính anh hùng của Lê Trần Luật, vị luật sư rất
trẻ, rất tài ba và rất yêu nước.
Đỗ Thái Nhiên
Nguồn: Thông Luận
|