Thứ Tư, 2025-01-22, 11:38 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 13 » Khác biệt về nhân quyền
7:29 PM
Khác biệt về nhân quyền


Toà án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội (ảnh toaan.gov.vn)

Đại học Luật TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên thành lập một trung tâm nghiên cứu pháp luật về nhân quyền hôm 6/03/09.

Việc thành lập trung tâm này liên quan tới khuôn khổ một hợp tác mà qua đó Chính phủ Đan Mạch tài trợ chính thức nhiều triệu đô-la cho Việt Nam trong lĩnh vực cải cách quản lý công và hành chính.

Nhân dịp này, hôm 11/3, BBC Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi, chuyên gia về pháp luật nhân quyền công tác tại Trung tâm.

Trước hết ông Khôi cho biết sự khác biệt trong cách hiểu về nhân quyền của Việt Nam và cách hiểu quốc tế:

TS. Đỗ Minh Khôi: Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cũng có những cái khác và cái giống nhau. Nhân quyền chia sẻ những giá trị chung, nhưng điểm khác là con người lại không có con người chung, mà là những con người cụ thể, ở nước này, nước kia.

Nhân quyền là một giá trị chung. Cả thế giới đều phấn đấu đạt đến nó.

TS. Đỗ Minh Khôi

Khó có thể nói giống nhau hay khác nhau hoàn toàn. Việt Nam cũng là những con người, nhưng con người sống ở hoàn cảnh, điều kiện nào, thì có những giá trị, tiêu chí văn hoá phù hợp với hoàn cảnh đó. Do đó, tôi nghĩ, nhân quyền có những điểm giống nhau, nhưng cũng có những đặc thù.

BBC: Việt Nam có theo một mô hình nào đó hay tự sáng tạo ra riêng một mô hình về nhân quyền?

TS. Đỗ Minh Khôi: Nhân quyền là một giá trị chung. Cả thế giới đều phấn đấu đạt đến nó. Tuy vậy sự phát triển làm cho các giá trị nhân quyền luôn thay đổi theo. Còn với Việt Nam, tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ chia sẻ cái chung nhưng phải xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình. Do vậy con đường đi, bước đi cũng sẽ có những cái khác nhất định. Từ những cái đích, Việt Nam cũng thể có những khác biệt một chút. Ví dụ như các đặc trưng văn hoá, địa lý, truyền thống hay điều kiện kinh tế cũng có thể khác.

Quốc hội Việt Nam

Ông Khôi cho rằng chế độ tập quyền không chỉ có ở VN mà còn tồn tại ở Anh, Mỹ, Nhật.

BBC: Vừa qua hôm 25/2/09, Bộ ngoại giao Mỹ ra phúc trình thường niên về nhân quyền thế giới năm 2008. Trong đó, có đánh giá Việt Nam còn nhiều hạn chế, vẫn còn đàn áp bất đồng chính kiến, bắt người tham gia hoạt động chính trị, toà án không công bằng, lạm dụng giam giữ chính thức, ngoài ra còn những hạn chế về quyền tự do như ngăn chặn báo chí, hạn chế tụ tập, đi lại và hội họp, nhiều người hoạt động cho quyền lợi người lao động bị bắt giữ hoặc sách nhiễu. Ý kiến của ông?

'THƯỚC ĐO KHÁC NHAU'

TS. Đỗ Minh Khôi: Tôi chưa trực tiếp đọc báo cáo này cụ thể, nhưng tôi cho rằng mỗi một đánh giá có những lý thuyết đứng sau. Trên cơ sở đó, người ta có các tiêu chí đánh giá khác nhau. Cho nên khó có thể xem xét sự đánh giá đó trong điều kiện này. Bởi vì đó là theo lý thuyết này, tiêu chí này, nhưng ở góc độ khác lại có thể thấy khác. Mỗi một đánh giá dựa trên một 'thước đo', khó có thể nhìn một cách toàn diện để phán ra một đánh giá. Còn về mặt thông tin, có thông tin này thì có thông tin khác, có đánh giá này thì có đánh giá khác. Tôi không có ý kiến gì về vấn đề này.

Không có quy định nào của pháp luật nói rằng anh bị hạn chế cái này, hay cái kia vì anh thực hiện nhân quyền

TS. Đỗ Minh Khôi


BBC: Gần đây luật sư Lê Trần Luật, người bảo vệ cho giáo dân bị bắt trong vụ án Thái Hà, cho hay ông bị chính quyền ngăn chặn không cho bay từ nơi ông đặt văn phòng luật sư, ra Hà Nội để gặp gỡ các thân chủ trong vụ giáo dân kiện truyền thông trong vụ việc. Liệu đây có phải là những động tác mang tính sách nhiễu, gây khó dễ cho giới luật sư bảo vệ nhân quyền hay không?

TS. Đỗ Minh Khôi: Như tôi đã nói, việc hạn chế đi lại đối với một người có thể có nhiều lý do. Có thể do chính anh ta không đi lại được vì lý do này, khác, mà không hẳn là nhân quyền. Nhưng cũng có thể anh ta làm hai việc gì đó cùng một lúc, và người ta gắn đó thành nhân - quả. Cho nên tôi không biết việc đó có thực hay không. Muốn trả lời câu hỏi, tôi cần phải biết có đúng anh ta thực hiện vụ án đó hay không. Thứ hai, anh ta có bị sách nhiễu, mà sự sách nhiễu là kết quả của việc thực hiện nhân quyền hay không. Nếu chỉ nghe nói mà đưa ra kết luận ngay, tôi e rằng hơi vội.

Luật sư Lê Trần Luật (đầu tiên, bên phải)

Luật sư Lê Trần Luật bào chữa cho một số giáo dân bị bắt giữ trong vụ Thái Hà.

'KHÔNG CÓ HẠN CHẾ'

BBC: Theo ông thì có đúng là ở Việt Nam không có điều luật nào quy định hạn chế, hay ngăn cản các luật sư hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền?

TS. Đỗ Minh Khôi: Về mặt pháp lý, không có quy định nào của pháp luật nói rằng anh bị hạn chế cái này, hay hạn chế cái kia vì anh thực hiện nhân quyền. Vì chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước công khai hướng tới phát triển toàn diện con người, không chỉ là ở nhân quyền mà nhiều thứ khác nữa. Do đó, về mặt hình thức pháp lý, tôi nói rằng, chưa có, không có. Còn trên thực tế, tôi chưa rõ là chuyện hạn chế đó xuất phát từ nhân quyền, hay từ việc anh ta vi phạm một chuyện nào đó. Cũng có những chuyện luật sư vi phạm pháp luật như trốn thuế. Nhưng nhân cái đó, nếu kết nối lại thành nguyên nhân - kết quả thì cũng mệt lắm. Tôi không biết rõ, nên không dám trả lời.

Theo tôi, mô hình thể chế và vận hành quyền lực là bài toán mà mỗi quốc gia phải giải.

TS. Đỗ Minh Khôi


BBC: Ở Việt Nam, như người ta thường nói, ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp (hay còn gọi là tam đầu chế) đều do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm, làm sao có khách quan của pháp luật?

TS. Đỗ Minh Khôi: Xin nói là vấn đề này không phải chỉ ở Việt Nam. Ở Anh cũng vậy, với chế độ đại nghị, tất cả đều nằm trong tay nghị viện và cũng một đảng nắm trong tay quyền lực mấy chục năm trời. Như thế liệu ở Anh có dân chủ hay không? Ở Nhật, đảng NPD cũng thực hiện sự quản lý liên tục trong liền 55 năm thì cũng vậy. Tôi không dám đánh giá là có dân chủ hay không vì giữa vấn đề anh nói và dân chủ không phải là kết luận tất yếu mà là hai chuyện khác nhau. Theo tôi, mô hình thể chế và vận hành quyền lực là bài toán mà mỗi quốc gia phải giải. Nhưng dân chủ là kết quả của bài toán đó. Và có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng nữa, chứ không chỉ phải là tam đầu chế hay tập quyền như ở Việt Nam, hay phân quyền như ở Mỹ.

Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật về Nhân quyền mới thành lập, thuộc Đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Ông trả lời với tư cách cá nhân của một chuyên gia nghiên cứu về pháp luật nhân quyền. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến của quý vị.

Mời quý vị tiếp tục đóng góp ý kiến bằng cách bấm vào đây.

Nguyen

Không chỉ có sự khác biệt nhận thức về nhân quyền, những giá trị phổ quát giữa chính quyền Việt Nam với thế giới văn minh bên ngoài mà còn có sự khác biệt giữa chính quyền Việt Nam với người dân Việt Nam về những vấn đề đó.

Thanh Nhut

Nghe ông tiến sĩ trả lời mà phát ngán, cái gì cũng không biết, cái gì cũng chưa đọc chưa nghe nói, trả lời như ông tôi thấy chỉ mất công người đi phỏng vấn, nghe mấy ông lớn trả lời như vậy thiệt là rầu cho nước VN ghê.

Hồng Quốc

Đọc xong những câu trả lời phỏng vấn của vị tiến sỹ này, tôi cảm thấy, chúng ta nên dẹp trung tâm này đi là vừa, vì chỉ tổ tốn tiền của mà thôi. Có lẽ Trung tâm nghiên cứu này sẽ góp phần tạo nên những "chuẩn mực" mới về nhân quyền cho VN, nhân quyền "theo định hướng XHCN" chẳng hạn. Tôi nghĩ, nhân quyền là như nhau cho tất cả mọi nơi, mọi quốc gia trên thế giới.

Sự khác biệt mà ông đề cập chỉ là (nên) rất ít vì tính đặc thù về văn hóa mà thôi. Sự khác biệt về nhân quyền được tạo nên bởi mục đích nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị như bảo vệ một chế độ độc tài nào đấy thì không còn gọi là nhân quyền nữa, vì nó đã bị bóp méo ngay từ đầu. Mọi cách lập luận nhằm bảo vệ luận điểm này đều là ngụy biện. Vì nếu không là như vậy, các chế độ độc tài sẽ có những "chuẩn mực" nhân quyền riêng của mình.

Rất may cho nhân loại là Hitler hay Polpot không còn sống, chứ nếu không thì họ chắc chắn cũng sẽ lập luận như ông tiến sỹ này và tạo nên sự "khác biệt" về nhân quyền.

Tân Sơn, SG

Tôi là một luật sư ở Sàigòn. Tôi thấy ông Khôi trả lời hình như với tư cách là cán bộ tuyên truyền chứ không phải với tư cách tiến sĩ luật đang lo về nhân quyền. Người Việt có thể lo ngại khi những anh này phụ trách về vấn đề nhân quyền. Ý kiến ông Khôi có vẻ chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ và chưa nắm được cái gì cả. Anh làm về nhân quyền mà anh trả lời chưa đọc báo cáo về nhân quyền thì cũng giống ông nông dân gieo lúa mà chưa biết ruộng có nuớc có phân chưa. Và luận điệu chung của VN là hễ ai nói về nhân quyền thì lập tức nói "con người mỗi nơi mỗi khác", nghĩa là người Việt còn kém lắm sao? Hài hước quá.

Huy, Hà Nội

Trong bối cảnh hiện nay, T.S Khôi cũng chỉ có thể trả lời BBC đến như vậy thôi. Tôi nghĩ ông còn hiểu và biết hơn thế nhưng ở Việt Nam thì chỉ trả lời một cách an toàn như vậy.

SG

Các câu trả lời rất chung chung, thiếu tiêu chí rõ ràng.

Tôi đồng ý với ông có con người cụ thể nhưng con người chỉ có 2 tay, 2 chân và một lối nghĩ. Vì thế phải có những quyền hạn nhất định chứ không thể chối bỏ bởi những ý đồ chính trị.

Vì ông còn có những nỗi sợ của riêng ông và cũng là nỗi sợ chung của tầng lớp trí thức VN.

Sam Nương, Đức

Bài trả lời quá chung chung, không vạch rõ được nhân quyền VN và thế giới như thế nào.

Mai Nam, VN

"Đồng chí" tiến sĩ này nguỵ biện quá. Cá nhân mỗi Người VN dẫu mũi tẹt da vàng thì vẫn là mỗi con người, phải có quyền tự do ngôn luận, ứng cứ... Sao cá nhân tôi không có quyền đó? Nhà nước VN ký kết vào bản tuyên ngôn nhân quyền, vậy mà tới nay cứ như kẻ lén lút : Chưa một lần nào chính thức công bố cho toàn dân được biết.

Không nêu tên

Tiến Sĩ Khôi đã hoàn thành bài Phỏng Vấn rất tốt, có sự chuẩn bị rất chu đáo trong từng câu, chữ. Xin cám ơn TS Khôi, Nhờ vậy mà PV Quốc Tế không thể bắt bẻ chúng ta trong vấn đề cũ rích là "nhân quyền".

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 740 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0