Chủ Nhật, 2024-11-24, 8:23 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 13 » Khi đạo đức được đem đi đấu giá
7:30 PM
Khi đạo đức được đem đi đấu giá


Cụ Phan Châu Trinh sau 18 năm bôn ba hải ngoại, trở về nước, ngay trong bài diễn thuyết đầu tiên, đêm 19.11.1925 tại nhà hội Việt Nam ở Sài gòn, cụ đã nói ngay đến vấn đề đạo đức và luân lý, một vấn đề ảnh hưởng đền sự tồn vong của dân tộc:

“...
Thưa anh em đồng bào, nay tôi đã được gặp anh em đông đủ ở đây, tôi xin anh em cho phép tôi được giải bày đôi chút ý kiến về "Đạo đức luân lý Đông Tây" mà mong rằng anh em để ý hiểu cho. Đáng lẽ theo thời nay, không thiếu chi vấn đề rất quan trọng làm rung động các dân tộc trên toàn cầu, tôi có thể nói chuyện cùng anh em được, thế mà tôi lại không lựa đến mấy vấn đề mới mẻ ấy, chỉ chọn lấy cái vấn đề "Đạo đức và luân lý" rất tầm thường mà rất cũ kỹ thế này.

Tôi chọn lấy vấn đề này, là vì tôi tưởng rằng từ xưa đến nay bất cứ dân tộc nào, bất luận quốc gia nào, dầu vàng, dầu trắng, dầu yếu, dầu mạnh, đã đứng cạnh tranh hơn thua với các dân tộc trên thế giới thì chẳng những thuần nhờ sức mạnh thôi, mà phải nhờ cái đạo đức làm gốc nữa; nhất là dân tộc nào bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên trên thì lại cần có một đạo đức vững chặt hơn dân tộc đang giàu mạnh hơn mình...


Và cụ khẳng định:

“...Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng: Không! Một xứ đã bị chuyên chế thì tính chất gì thuộc về đạo đức cũng không thể nào sinh sản được...” [1]

Thượng bất chính, hạ tất loạn

Quả thật đúng như vậy, nhìn vào hiện tình xã hội của các chế độ độc tài toàn trị cầm quyền bởi chính quyền cộng sản: vấn đề khủng hoảng đạo đức xã hội và chính trị là điều không thể chối cãi. Điều này được nói đến nhiều và đã từ lâu, và lại vừa được đề cập trong một vài bài viết gần đây trên Thông Luận:

”...Đảng cộng sản đã không chừa một lãnh vực đạo đức nào của xã hội. Họ muốn thay đổi hết những căn bản đạo đức bằng tư tưởng của Mác-Lê. Nhưng lịch sử đã chứng minh với sự sụp đổ toàn diện của Cộng Hoà Liên Bang Xô Viết, chủ nghĩa cộng sản chỉ làm cho con người thoái hoá và xã hội vữa nát. Tinh thần liên đới hoàn toàn vắng bóng dưới chế độ chủ nghĩa xã hội. Con người chỉ còn biết luồn lách mà sống, giành giựt địa vị để có uy quyền, và không có một cơ chế nào để ngăn chặn lòng tham và ham muốn quyền lực của con người. Với lời khẳng định ghi trong hiến pháp đảng cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, nước Việt Nam không thể nào có cơ hội vươn lên. Kẻ ở chức vị cao luôn có khuynh hướng muốn ở địa vị càng lâu càng tốt, nhu cầu bành trướng thế lực của mình mỗi lúc một nhiều hơn. Điển hình là tư gia của Lê Khả Phiêu với nhà cửa trang hoàng những quý vật, những đồ cổ vô giá, và chân dung của chính bản thân để tự vinh danh. Lại thêm ông Nguyễn Tấn Dũng xây dựng từ đường nguy nga để tôn vinh gia tộc của mình. Bản thân những việc này không có gì đáng trách, vì mọi người đều có quyền tự tôn vinh bản thân, tôn vinh dòng họ. Nhưng chỉ có phiền là những gì chủ nghĩa cộng sản chủ trương đã không được thi hành, việc phân chia đồng đều chẳng thấy đâu mà chỉ thấy các cán bộ cao cấp của đảng vinh thân phì gia, nhà cửa sang trọng trong khi đó người nông dân vẫn nghèo, người công nhân vẫn bị bóc lột. Xét cho cùng, chủ nghĩa cộng sản chẳng qua là một nguỵ thuyết cho phép kẻ không có của cướp kẻ có của một cách hợp pháp và sau đó kẻ cướp trở thành chủ nhân ông và tiếp tục lo sợ bị kẻ khác cướp lại...” [2]

“... Với cuộc di cư của trên 1 triệu người từ Bắc vào Nam (1954-1956), 20 năm nội chiến, và làn sóng vượt biển tìm tự do sau biến cố 30 tháng 4…, khó có thể cho rằng XHCN tượng trưng cho một sự thay đổi tư tưởng có tính chất nhân hoà. Thêm vào đó, với phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ chưa bao giờ tàn 30 năm sau khi chủ nghĩa CS toàn thắng, nền giáo dục XHCN thật ra đã không thành công ở mức đáng để gọi là một Paradigm Shift. Có hay chăng đó chỉ là một Paradigm Shift ngược chiều văn hoá dẫn đến các tệ nạn khó tin nhưng có thật như tranh giành gà vịt có lệnh tiêu huỷ, cướp giật lương thực sau tai nạn xe cộ thay vì cứu người, phá huỷ hội hoa Xuân, chính quyền tranh giành địa bàn với ông đồ trong dịp Xuân, bịt miệng trước toà án, Công An tát dân, Cảnh Sát Giao Thông hành hung người đi đường, “vô tình” rút kiếm tấn công nhân viên an ninh sân bay, ngăn chặn SV biểu tình chống Bắc phương xâm chiếm lãnh thổ, hỏi cung một học sinh 10 tuổi đến điên loạn, quan chức đánh bạc đến cả triệu USD, ngang nhiên đòi tiền hối lộ công trình với CT nước ngoài, cấm tự ý làm từ thiện, cấm ngực lép lái xe, bột đá trộn trong kẹo, v.v. Kể cả một cường quốc như Trung Quốc cũng phải đối diện với sự suy đồi văn hoá trong việc huỷ hại môi sinh, coi thường sinh mạng (ô nhiễm thực phẩm). Cho dù có biện bạch như thế nào đi nữa, thì sự thật vẫn là sự thật, hệ thuyết XHCN tượng trưng cho sự thoái trào trong tư tưởng văn hoá con người...” [3]

Với chính quyền cộng sản Trung Quốc, vấn đề khủng hoảng đạo đức càng được thể hiện rõ nét qua mọi sự kiện xã hội: từ chuyện dàn dựng bắn pháo bông giả tạo đến chuyện bắt buộc một em bé hát nhép trong lễ khai mạc Olympic 2008; từ chuyện nhiễm độc thực phẩm nuôi chó mèo, kem đánh răng, đồ chơi trẻ em đến câu chuyện bột sữa trộn hóa chất melamin giết chết và tổn thương không biết bao nhiêu trẻ em.

Đối với thế giới bên ngoài, hành động vô đạo đức tạo nên những khủng hoảng chính trị của chính quyền cộng sản Trung Quốc được phơi bày khá rõ nét: những trò tráo trở, lật lọng trong các chính sách chèn ép, bóp nghẹt tiếng nói phản kháng đòi tự trị của Tây Tạng [4]; những thủ đoạn đê hèn đốn mạt từ cuộc chiến tranh Việt Nam – Cambodia 1978 [5], đến cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 [6], cho đến việc đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa; những thủ đoạn hiếp đáp chính quyền cộng sản Việt Nam để cướp đất, cướp biển trong Hiệp định Biên giới Việt – Trung; và gần đây nhất là vấn đề khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên đang rất nóng bỏng [7]. Còn hơn thế nữa, chỉ mới cách nay vài ngày, ngày 08/03/2009, năm chiếc tàu chiến Trung Quốc, với tham vọng chứng tỏ chủ nghĩa bá quyền, đã cố tình khiêu khích và quấy nhiễu tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ không trang bị vũ khí đang thi hành công vụ tại biển Đông, và sau đó lại lớn tiếng xảo trá tố cáo tàu Hoa Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế. Vụ việc này xảy ra ngay trong thời gian tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đô đốc hải quân Robert Willard, đang viếng thăm Hà Nội. Điều này chứng tỏ tham vọng bành trướng và thách đố ngạo mạn của chính quyền Cộng sản Trung Quốc đối với chính quyền Việt Nam ngày ngày càng căng thẳng.[8]

Xin kể thêm câu chuyện nhỏ để khẳng định sự bất chính và lưu manh của chế độ độc tài toàn trị cộng sản Trung Quốc: một trò cười trên thương trường quốc tế, một hành xử không thể chấp nhận trong thời đại văn minh. Nhưng thực tế một điều đáng buồn, bản chất lưu manh đó vẫn đang được một phần đội ngũ lãnh đạo của chính quyền cộng sản Việt Nam (phe thân Trung Cộng) ngưỡng mộ và cố gắng đi bằng hai đầu gối bước theo. (Điều này đúng hay sai, xin nhờ các nhà lãnh đạo chính quyền cộng sản Việt Nam trả lời giúp).

Câu chuyện bịp bợm để phá hoại cuộc bán đấu giá cổ vật ở Paris mới vừa xảy ra, chính quyền Trung Quốc tưởng rằng họ đã thành công như tất cả bao nhiêu lần khác, nhưng không, cũng như những sự kiện xảo trá trước đây, hậu quả của nó là những bài học rất đắt giá.

Ngày 25/02/2009, nhà bán đấu giá nổi tiếng Christie’s đem ra bán đấu giá ở Paris hai cổ vật bằng đồng: đầu thỏ và đầu chuột. Hai cổ vật này là tài sản của nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent và người cộng sự, ông Pierre Bergé.

Đầu thỏ và đầu chuột này thuộc bô sưu tập 12 đầu thú, tượng trưng cho 12 cung hoàng đạo của người Hoa. Bộ sưu tập này đã bị thất lạc khỏi Hạ Cung ở Bắc Kinh vào năm 1860. Thierry Portier, một chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Phương Đông ở Paris, cho rằng: những nghi vấn về bộ sưu tập bị đánh cắp và việc Hạ Cung bị thiêu rụi vẫn còn là dấu hỏi lớn, do đó có khả năng xảy ra việc Trung Quốc bán đi những cổ vật này để mua nha phiến của người Anh trong suốt cuộc Chiến tranh Nha Phiến lần thứ II vào thập niên 1850~1860.

Hiện nay, 5 trong số 12 đầu thú của bộ sưu tập này đã trở về Trung Quốc. Gần đây nhất là vào năm 2007, nhà bán đấu giá Sotheby's đã bán lại cho một doanh nhân Trung Quốc một đầu ngựa với giá $8.84 triệu usd.

Trước khi có cuộc bán đấu giá đầu thỏ và đầu chuột, các luật sư Trung Quốc được sự ủng hộ của chính quyền cố gắng ngăn cản cuộc bán đấu giá này nhưng bất thành. Nhà bán đấu giá Christie’s vẫn cương quyết mở cuộc bán đấu giá vì theo toà án Pháp quốc, cuộc bán đấu giá này hoàn toàn hợp pháp.

Cuối cùng, một người đàn ông Trung Quốc đã thắng cuộc với mức giá đỉnh điểm là $39.63 triệu usd ($31.49 triệu euros) cho cả hai đầu thỏ và chuột. [9]

Sau đó, danh tính người thắng thầu đấu giá được xác nhận, đó là ông Thái Minh Triều (Cai Mingchao
), một chuyên viên của Quỹ Ngân khố Quốc gia Trung Quốc (China's National Treasures Fund). Trả lời trong cuộc họp báo ngày 02/03/2009 tại Bắc Kinh, ông Thái Minh Triều nói ông ta không có ý định mua các cổ vật này vì ông ta không có tiền, thế nhưng ông ta đã trả giá thật cao để phá bĩnh cuộc bán đấu giá này.

Một điều chắc chắn hành động của ông Thái Minh Triều không phải là hành động cá nhân mà hành động này được chỉ thị và thúc ép từ ý đồ của chính quyền cộng sản Trung Quốc, một ý đồ phải thực hiện bằng mọi thủ đoạn. Thế nhưng ngay sau đó, ngày 03/03/2009, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng từ chối tất cả mọi sự liên quan đến cú phá bĩnh của ông Thái Minh Triều.

Với thói quen một của chính quyền độc tài toàn trị chuyên áp đặt mọi hành động bất chấp luật lệ, cho dù hành động đó rất trơ trẽn và vô đạo đức, có lẽ chính quyền Trung Quốc đã thực hiện được điều họ mong muốn: phá hoại cuộc bán đấu giá cổ vật, kích thích tinh thần dân tộc một cách quá khích và mù quáng khi ca ngợi hành động của ông Thái Minh Triều là hành động của một người yêu nước.

Thế nhưng, cái giá chính quyền Trung Quốc phải trả cũng quá đắt: họ đã đánh mất chữ tín trên thương trường quốc tế; việc trở về cố quốc của hai cổ vật này trở nên vô vọng khi ông Pierre Bergé tuyên bố sẽ giữ hai cổ vật này cho đến khi nào ông Thái Minh Triều (thực chất là chính quyền Trung Quốc) trả giá cao hơn; bang giao giữa Paris và Bắc Kinh trở nên tồi tệ không đáng có.

Ông Triệu Ấu (Zhao Yu
趙嫗), một chuyên viên cao cấp của Bộ Văn Hóa Trung Quốc đã thốt lên với phóng viên tờ Nhật báo Bắc Kinh rằng: ông Thái Minh Triều đã làm cho giới thương nhân Trung Quốc mất hết sự tín nhiệm trên thương trường đấu giá quốc tế.

Chính quyền Trung Quốc đã đem bán đấu giá nền văn hóa đạo đức của dân tộc Hán với giá quá rẻ mạt: “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”.
Căn bệnh cần thuốc chữa.

Trước những vấn nạn đạo đức đó, với người dân Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ đang rất cần một nhận thức đúng đắn rõ ràng hơn cho việc chỉnh sửa lại tư tưởng (đạo đức) sau một thời gian dài bị huỷ hoại bởi đống hổ lốn những triết lý Marx-Lenin và những học thuyết của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Khi những người trẻ bị mất phương hướng, thì những cách hành xử vô đạo đức vẫn cứ xảy ra hàng ngày, cứ tiếp diễn, trở thành thói quen, trở thành một căn bệnh trầm kha không thuốc chữa. Căn bệnh “vô đạo đức” đang đục khoét phá vỡ tất cả, từ gia đình cho đến xã hội, mà mọi người cứ thản nhiên như không hề biết, vì đã “quen sống với lũ”. Và dần dà căn bệnh này khoác lên mình tấm áo màu mè sặc sỡ với những sắc màu giả tạo, che chắn hết “ánh sáng thật”, làm mọi người không còn ý nghĩ và nhu cầu của sự đổi mới, làm cho mọi người không còn khả năng vươn tới. Lúc đó con người trở nên những người vô cảm với nhau, thờ ơ với xã hội và sợ hãi sự thay đổi, cho dù sự thay đổi đó mang lại sự thật và công lý.

Hiện trạng đau lòng này bắt buộc mỗi người chúng ta phải suy xét và can đảm mổ xẻ để tìm thuốc chữa cho chính chúng ta, cho chính đất nước của chúng ta.


Hoàng Vũ
(Edmonton)

[1] Phan Châu Trinh,
Đạo đức và luân lý Đông Tây. Học viện Công Dân.

[2] Nguyễn Gia Thưởng,
“Đạo đức suy đồi” Thông Luận, ngày 07/03/2009.

[3] Khuyết Danh,
“Dân chủ cho VN: Chuyển đổi Hệ Thuyết và sự chuyển tiếp Thế Hệ” Thông Luận, ngày 28/02/2009.

[4]
“Bắc Kinh bị tố cáo có hành động khiêu khích trên hồ sơ Tây Tạng”. Đài RFI, ngày 03/03/2009; “Đức Đạt Lai Lạt Ma tố cáo Trung Quốc đã biến Tây Tạng thành ''địa ngục trần gian''”. Đài RFI, ngày 10/03/2009.

[5]
“Bắc Kinh, tòng phạm vắng mặt trong phiên xử tội ác Khờ me đỏ”. Đài RFI, ngày 23/02/2009.

[6] Xem:
“30 năm cuộc chiến biên giới”. BBC Tiếng Việt 11/02/2009 ; “30 năm sau cuộc chiến tranh biên giới, hai chính quyền muốn xòa nhòa quá khứ”. Đài RFI, ngày 16/02/2009.

[7] Xem: Một công dân Việt Nam,
“Bô-xít Tây Nguyên - ông Mạnh, ông Dũng và Tướng Giáp” Thông Luận, ngày 09/03/2009; Nguyên Ngọc, “Tây Nguyên trước nguy cơ bị tàn phá vì dự án khai thác bauxit” Thông Luận, ngày 05/03/2009.

[8] Xem :
“Tàu Trung Quốc Gây Hấn Tàu Hoa Kỳ Tại Biển Đông” Đài RFA, ngày 09/03/2009 ; “GS Carl Thayer: Trung Quốc đang tìm cách chứng tỏ chủ nghĩa bá quyền” Đài RFA, ngày 08/03/2009 ; “Mỹ, TQ tố cáo lẫn nhau về vụ đối đầu trong vùng biển Nam Trung Quốc” Đài VOA, ngày 10/03/2009.;

[9]
“Chinese 'Patriot' Sabotages Paris Auction” Radio Free Europe, ngày 03/03/2009.

Category: Chính trị | Views: 895 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 32
Khách: 32
Thành Viên: 0