Thứ Hai, 2025-01-20, 8:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 13 » Báo Cáo Tình Hình Nhân Quyền Việt Nam năm 2008 của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ (phần 1)
7:51 PM
Báo Cáo Tình Hình Nhân Quyền Việt Nam năm 2008 của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ (phần 1)
Nhóm thành viên X-cafevn chuyển ngữ
BÁO CÁO NHÂN QUYỀN VỀ VIỆT NAM
Phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động
Báo cáo về Thực thi Nhân quyền cấp Quốc gia năm 2008


25 tháng 2 năm 2009

Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với dân số khoảng 86 triệu người, là một nhà nước chuyên chế do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền. Cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất vào tháng Năm 2007 đã không được tự do hoặc không công bằng vì tất cả những ứng cử viên điều được giới thiệu bởi Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) thuộc ĐCSVN, vốn là một cơ quan bao quát chuyên kiểm tra các tổ chức quần chúng trong nước. Chính quyền dân sự nhìn chung đã nắm giữ được việc quản lý các lực lượng an ninh một cách hiệu quả.

Hồ sơ nhân quyền của chính phủ vẫn nằm ở mức độ chưa được thỏa mãn. Người dân không thể thay đổi chính phủ và những hoạt động chính trị đối lập bị cấm đoán. Chính quyền vẫn tiếp tục đàn áp những người đối lập, bắt giữ các nhà hoạt động chính trị, làm cho nhiều người đối lập phải rời khỏi đất nước. Cảnh sát thỉnh thoảng vẫn ngược đãi nghi phạm mỗi khi bắt giữ, tạm giam và thẩm vấn họ. Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng trong ngành công an, và đôi khi các nhân viên công an được bảo vệ nếu lạm quyền. Điều kiện trong nhà giam thì rất tệ hại. Cá nhân tham gia hoạt động chính trị bị bắt giữ tuỳ tiện và bị từ chối xét xử một cách công bằng và nhanh chóng. Chính quyền tiếp tục hạn chế quyền riêng tư của công dân và thắt chặt việc kiểm tra báo chí và tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình và lập hội. Chính quyền duy trì việc cấm đoán các tổ chức nhân quyền độc lập. Bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn là một vấn đề đáng quan ngại. Nạn buôn người vẫn tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng. Một số nhóm dân tộc thiểu số phải chịu đựng nạn kỳ thị trong xã hội. Chính quyền giới hạn các quyền lợi của người lao động và đã giam giữ hoặc quấy nhiễu các nhà hoạt động công đoàn.

TÔN TRỌNG NHÂN QUYỀN

Phần 1 - Tôn Trọng Quyền Con Người Trọn Vẹn, Bao Gồm Quyền Tự Do Không Bị

a. Cướp Đi Mạng Sống Một Cách Phạm Pháp hoặc Tuỳ Tiện:


Chính quyền hoặc nhân viên của họ không nhúng tay vào bất cứ việc giết người nào mang động cơ chính trị. Tuy nhiên, đã có báo cáo về một trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ.

Vào ngày 1 tháng 5, Y Ben Hdok, một người dân tộc vùng cao nguyên tỉnh Đắc Lắc, đã chết trong trại giam công an tỉnh ở Ban Mê Thuột. Công an đã bắt giữ ông vào ngày 28 tháng 4 để thẩm vấn việc ông bị tình nghi tham gia xúi giục biểu tình. Các quan chức cho biết nghi can tự treo cổ khi đang nghỉ giải lao trong lúc bị thẩm vấn, nhưng gia đình nạn nhân cho biết có những vết bầm trên thi thể ông ta. Đã không hề có bất cứ cuộc điều tra nào về việc này và có báo cáo rằng gia đình nạn nhân đã bị từ chối không cho khám nghiệm tử thi.

Có những tường trình cho biết một tù nhân người dân tộc khác cũng đã chết không lâu sau khi được công an thả, nhưng nguyên nhân tử vong đã không được kiểm chứng.

Không có bất cứ tình tiết nào mới liên quan đến cái chết của Y Ngo Adrong vào năm 2006.

b. Mất Tích

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (không được đăng ký chính thức) cho biết tu sĩ Thích Trí Khải đã bị công an bắt giữ tại nơi ông trụ trì ở Lâm Đồng vào tháng 4 nhưng đến cuối năm vẫn chưa có tung tích.

Theo nguồn tin của các tổ chức phi chính phủ và báo chí, nhà hoạt động chính trị Tim Sakhorn, người bị án tù một năm vào tháng 11 năm 2007 về tội "phá hoại sự toàn vẹn quốc gia" đã được thả ra vào tháng 7 và hiện đang quản thúc tại gia ở An Giang và bị công an theo dõi thường xuyên. Lê Trí (Tuệ), một công dân Việt Nam và nhà hoạt động chính trị, đã mất tích tại Campuchia vào tháng 5 năm 2007 và cho đến cuối năm vẫn không có tung tích.

c. Tra Tấn và Những Đối Xử hoặc Hình Phạt Tàn Ác, Hạ Thấp Nhân Phẩm hoặc Vô Nhân Đạo

Luật pháp cấm đoán việc hành hạ thân thể nhưng công an thường đối xử mạnh tay với nghi phạm trong quá trình bắt giữ hoặc tạm giam.

Những trường hợp bị công an hà hiếp được báo cáo ở các tỉnh Điện Biên, Thanh Hoá, Sơn La, Thái Bình. Những người khiếu kiện về đất đai ở An Giang cũng báo rằng họ bị chính quyền địa phương sách nhiễu.

Đã có những báo cáo về việc công an hà hiếp hoặc đánh đập những người dân tộc thiểu số khi họ từ Campuchia quay về lại vùng Cao nguyên miền Trung, mặc dù hầu hết các báo cáo này không có đầy đủ bằng chứng. Các quan sát viên nhận thấy rằng đa số các trường hợp trên thường liên quan đến đất đai, tiền bạc hoặc mâu thuẫn trong gia đình.

Trong suốt cả năm chính quyền đã sử dụng việc ép buộc những nhà hoạt động vào các bệnh viên tâm thần như là một biện pháp để dẹp yên bất đồng chính kiến.

Tình Trạng của Nhà Tù và Trại Tạm Giam

Điều kiện nhà tù tuy tồi tệ nhưng nhìn chung không đe doạ đến mạng sống của tù nhân. Điều kiện sống chật chội, thức ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu nước uống sạch và tình trạng mất vệ sinh vẫn là vấn đề nghiêm trọng trong nhiều nhà tù. Tù nhân được hưởng những chăm sóc y tế căn bản cộng thêm những dịch vụ y tế khác từ các bệnh viện cấp huyện và tỉnh. Nhưng trong nhiều trường hợp các nhân viên đã ngăn cản không cho thân nhân được tiếp tế thuốc men cho can phạm. Phạm nhân thường bị bắt phải lao động nhưng không được hưởng lương. Thỉnh thoảng, tù nhân bị giam cách ly và bị tước đi quyền được đọc và viết tài liệu trong thời gian có thể kéo dài đến vài tháng. Các thân nhân đã đưa ra một số thông tin đáng tin cậy rằng tù nhân sẽ được sự đối đãi tốt hơn nếu họ hối lộ cho nhân viên trại giam.

Thân nhân của những người bất đồng chính kiến cho biết điều kiện sống trong tù ở nhà tù Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai có tiến bộ. Trong thời gian viếng thăm nhà tù vào tháng 6, các nhà ngoại giao nước ngoài đã nhận thấy khu vực sinh sống trong tù còn hoang sơ nhưng sạch sẽ và các điều kiện lao động nói chung chấp nhận được. Thân nhân của một nhà hoạt động chống đối bị gãy tay trong một nhà tù ở Kiên Giang cho biết việc vì điều kiện y tế thiếu thôn nên cánh tay ông đã mất đi một số chức năng hoạt động. Thân nhân của linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết ông vẫn tiếp tục bị từ chối việc sở hữu một cuốn Thánh kinh.

Chính quyền nói chung không cho phép Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ hoặc các tổ chức phi chính phủ thăm viếng tù nhân và không hề có bất cứ cuộc thăm viếng nào diễn ra trong toàn bộ năm nay. Tuy nhiên, họ cho phép các nhà ngoại giao và các phái đoàn tôn giáo được phép thăm viếng nhà tù và gặp gỡ các tù nhân một cách có giới hạn. Hầu hết các đề nghị của các nhà quan sát quốc tế để được thăm viếng tù nhân đều bị từ chối.

d. Tuỳ Tiện Bắt Bớ hoặc Giam Giữ

Điều luật hình sự cho phép chính phủ được quyền giam giữ người dân vô thời hạn mà không cần án cáo dưới những điều khoản "an ninh quốc gia" chung chung như Điều luật số 84, 88 và 258. Chính phủ cũng bắt giam vô thời hạn người dân bằng những điều luật khác. Nhà cầm quyền cũng đã bắt một số nhà bất đồng chính kiến trong cả nước vào các trại quản lý hoặc quản thúc tại gia.

Vai Trò của Công An và Hệ Thống An Ninh

Hệ thống an ninh trong nước nằm dưới sự quản lý của Bộ Công An (BCA); nhưng ở những vùng sâu, quân đội là cơ quan chính của nhà nước trong công tác trị an, bao gồm việc giữ gìn trật tự công cộng trong trường hợp nổi loạn. BCA quản lý ngành cảnh sát, cơ quan đặc nhiệm điều tra an ninh quốc gia và những đơn vị nội an khác. Bộ này thiết lập một hệ thống hộ khẩu và tổ dân phố để theo dõi dân chúng. Nhìn chung những hệ thống này không quá xoi mói nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng để theo dõi những cá nhân bị tình nghi đang hoặc có ý đồ tham gia những hoạt động chính trị trái phép. Những báo cáo khả tín cho rằng các lực lượng công an địa phương đã sử dụng những "côn đồ đánh thuê" và "toán dân phòng" để sách nhiễu và tấn công những nhà hoạt động chính trị, những người theo tôn giáo, thường được xem là "phá rối" hoặc "đe doạ" đến an ninh xã hội.

Các cơ quan cảnh sát có mặt ở cấp tỉnh, huyện và địa phương và nằm dưới sự điều hành của hội đồng nhân dân các cấp. Nhìn chung ngành công an làm việc rất hiệu quả trong việc ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhưng khả năng của công an, đặc biệt là trong công tác điều tra thì rất thấp. Phương tiện và việc huấn luyện công an rất lỗi thời.

Tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong tất cả mọi tầng lớp của ngành công an và nhân viên công an thường được bao che. Việc thanh tra nội bộ công an cũng có nhưng phải chịu ảnh hưởng chính trị. Trong năm qua chính quyền đã hợp tác với một số quốc gia khác để đề xuất một chương trình cho công an cấp tỉnh cũng như ngành quản lý trại giam nhằm giúp tăng cường tính chuyên nghiệp của các lực lượng an ninh.

Bắt Bớ và Giam Giữ

Luật hình sự đã hướng dẫn quá trình từ lúc bắt giữ, xử lý đối tượng cho đến khi họ được đưa ra toà phán xử. Viện Kiểm sát Nhân dân đưa ra lệnh bắt giữ, thường là do yêu cầu của công an. Nhưng công an cũng có thể bắt giữ mà không cần lệnh, chỉ dựa trên yêu cầu của bất cứ cá nhân nào. Viện Kiểm sát sẽ đưa lệnh có hiệu lực trước trong những trường hợp này. Viện Kiểm sát phải đưa ra quyết định để bắt đầu quá trình điều tra tội phạm chính thức đối với người bị bắt giữ trong vòng 9 ngày; nếu không, công an sẽ phải trả tự do cho người ấy. Trên thực tế thời hạn 9 ngày này thường bị phá lệ.

Thời gian điều tra thường kéo dài khoảng 3 tháng đối với những vi phạm nhẹ (hình phạt lên đến 3 năm tù) đến 16 tháng cho những tội phạm nghiêm trọng (hình phạt lên đến hơn 15 năm hoặc tử hình), hoặc 20 tháng cho những trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng đôi khi việc điều tra kéo dài vô tận. Luật hình sự còn cho phép Viện Kiểm sát yêu cầu giam giữ đối tượng thêm 2 tháng sau khi điều tra để cân nhắc việc khởi tố hoặc để yêu cầu công an điều tra thêm. Những nhân viên điều tra đôi khi sử dụng những phương pháp như cách ly, kéo dài thời gian thẩm vấn hoặc làm thiếu ngủ để bắt đối tượng nhận tội.

Theo luật pháp thì người bị bắt giữ được phép tiếp xúc với luật sư từ khi họ bị giam giữ. Nhưng nhà cầm quyền thường dùng những trì hoãn quan liêu để từ chối quyền tham vấn luật sư. Trong những trường hợp liên quan đến những điều luật khái quát về an ninh quốc gia, nhà cầm quyền thường trì hoãn việc luật sư bào chữa được gặp thân chủ của mình cho đến khi cuộc điều tra đã hoàn tất và nghi can đã chính thức bị truy tố phạm tội. Bên cạnh đấy tình trạng thiếu thốn luật sư chuyên nghiệp và quyền lợi nhằm bảo vệ bị cáo không được đầy đủ dẫn đến việc người bị bắt được gặp luật sư đúng lúc rất hiếm khi xảy ra. Trên thực tế chỉ có những cá nhân đã chính thức bị truy tố những tội sát nhân mới được chỉ định luật sư bào chữa.

Theo luật pháp luật sư phải được thông báo và được phép hiện diện trong những cuộc thẩm vấn của thân chủ. Nhưng trước tiên bị cáo phải yêu cầu sự có mặt của luật sư, nhưng việc nhà cầm quyền có luôn cho bị cáo biết quyền lợi này hay không thì không rõ. Luật sư phải được quyền xem xét hồ sơ vụ án và được phép sao chép những tài liệu này. Đôi khi các luật sư đã có thể thực hiện những quyền này.

Công an thường thông báo cho gia đình của người bị bắt rằng họ đang ở đâu, nhưng thân nhân chỉ được quyền thăm viếng khi được phép của nhân viên điều tra nhưng sự cho phép này không hẳn là tự động. Trong quá trình điều tra, nhà cầm quyền thường xuyên không cho phép đối tượng được gặp thân nhân, đặc biệt là trong những vụ án liên quan đến an ninh quốc gia. Trước khi có bản cáo trạng chính thức, đối tượng được quyền thông báo cho thân nhân. Nhưng nhiều nghi can trong những trường hợp vi phạm an ninh quốc gia đã bị bắt giữ và không được liên lạc ra ngoài. Vào cuối năm vừa qua đã có một số người bị bắt giữ trong năm vẫn chưa được gặp gỡ thân nhân hoặc luật sư, và họ cũng không chính thức bị truy tố phạm tội.

Không có chức năng bảo lãnh tại ngoại hoặc những hệ thống tương tự. Thời gian tạm giam được tính gộp vào trong thời gian thụ án sau khi bị truy tố và tuyên án.

Toà án có thể gia hạn quản thúc đến 5 năm kể từ sau thời gian thụ án. Ngoài ra công an hoặc các tổ chức quần chúng có thể đề nghị thực hiện một trong năm "biện pháp quản lý" do chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện và tỉnh áp đặt mà không cần xử án. Những biện pháp này bao gồm hình phạt từ 6 đến 24 tháng trong các trại cải huấn thiếu niên hoặc trại giam và thường được dùng cho những trường hợp tái phạm với tiền sự phạm tội không nghiêm trọng như trộm cắp hoặc "hạ thấp phẩm giá người khác". Chủ tịch hội đồng nhân dân cũng có thể sử dụng khung hình "quản lý tạm tha", thường là dưới hình thức cấm đoán việc đi lại. Mặc dù Sắc lệnh 31 đã được bãi bỏ vào tháng 3 2007 nhưng chế độ quản lý vẫn thường được dùng để trừng phạt những người bị tình nghi là chống đối chính trị. Nhà cầm quyền tiếp tục trừng phạt một số cá nhân bằng những từ ngữ mơ hồ trong những điều khoản về an ninh quốc gia của bộ luật hình sự.

Việc bắt giữ tuỳ tiện, đặc biệt là đối với những nhà hoạt động chính trị, vẫn là một vấn đề quan tâm. Nhà nước đã dùng những sắc lệnh, qui định và biện pháp để bắt giữ những người hoạt động khi họ bộc lộ quan điểm đối kháng chính trị một cách hoà bình. Trong năm qua chính quyền đã giữ một số người vì đã vi phạm Điều khoản 88, trong đó cấm đoán việc "tuyên truyền chống phá nhà nước." Những cáo buộc về việc vi phạm Điều khoản 88 thường bị tuyên án đến 5 năm tù. Trong khi một số nhà hoạt động được giảm án tù sau khi kháng cáo, một số khác bị tuyên bố y án với mức phạt ban đầu. Vào tháng 9, một người viết blog đã bị truy tố về tội trốn thuế và bị kết án 30 tháng tù khi ông viết về nạn tham nhũng và biểu tình phản đối về hành động của Trung Quốc trong vùng đảo tranh chấp Hoàng Sa/Trường Sa.

Vào tháng 8 và tháng 9, chính phủ đã bắt giữ ít nhất 13 nhà hoạt động mà phần đông có dính líu đến một phong trào chính trị mang tên Khối 8406, và cũng đã tạm giữ trên mười người khác. Vào ngày 7 tháng 11, thành viên Khối 8406 và là người khiếu kiện đất là bà Lê Thị Kim Thu đã bị tuyên án 18 tháng tù vì tội "phá rối trật tự công cộng." Cho đến cuối năm nay những nhà hoạt động còn lại vẫn chưa bị truy tố hoặc tuyên án.

Công an đã dùng vũ lực để xâm nhập vào nhà riêng của một số nhà bất đồng có tiếng trong nước như Nguyễn Khắc Toàn và Đỗ Nam Hải, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động và những tài liệu khác.

Trong năm qua đã có những báo cáo về việc nhân viên chính quyền ở vùng Cao nguyên miền Trung và Tây Bắc đã tạm giữ những người thiểu số vì đã liên lạc với cộng đồng của họ ở nước ngoài.

Những người biểu tình bất bạo động khiếu kiện đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bị tạm giam, theo dõi và một số người cầm đầu bị bắt giữ nhưng chính quyền đã không dùng vũ lực quá đáng khi đối phó với những cuộc biểu tình này. Những cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa cũng đã dẫn đến việc tạm giam và bắt giữ một số nhà hoạt động vì tội biểu tình không có giấy phép. Vào tháng 9 nhà cầm quyền đã bắt giữ bốn nhà hoạt động và tạm giam một số khác với mục đích dập tắt các cuộc biểu tình và làm nản lòng những nhóm này tụ họp công khai.

Vào tháng 11 2007, năm nhà hoạt động chính trị gồm 2 người Việt và 3 người ngoại quốc đã bị bắt giữ, hai người ngoại quốc đã được trả tự do vào tháng 12 2007. Vào ngày 13 tháng 5, ba người còn lại đã bị truy tố và kết án về tội khủng bố với án tù được tính vào thời gian tạm giam; một người Việt được trả tự do ngay, những người ngoại quốc bị trục xuất vài ngày sau đó, người Việt còn lại đã được trả tự do vào tháng 8.

Một số trong khoảng 30 nhà hoạt động bị bắt giữ trong một chiến dịch của chính phủ trong giai đoạn 2006-07 đã bị tuyên án trong năm qua. Những người còn lại vẫn đang bị điều tra và đang nằm trong diện quản lý mà không chính thức truy tố.

Những nhà hoạt động tôn giáo và chính trị đã phải chịu quản thúc dưới nhiều hình thức tại nơi cứ trú.

Ân Xá

Chính quyền trung ương không chính thức tuyên bố Tết hoặc Quốc khánh là dịp ân xá. Dù vậy, hội đồng nhân dân tỉnh trong cả nước thường thực hiện việc ân xá cho tù nhân trong khu vực của mình vào dịp Tết hoặc Quốc khánh. Những tù nhân có tên tuổi không được hưởng đặc ân này trong năm qua.

e. Từ Chối Xử Án Công Khai và Công Bằng

Luật pháp qui định tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm viên nhưng trên thực tế ĐCSVN điều khiển hệ thống toà án ở mọi cấp một cách hiệu quả bằng cách nắm quyền bổ nhiệm thẩm phán và những cơ cấu liên quan. Trong rất nhiều vụ án ĐCSVN là người quyết định bản án. Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các thẩm phán đều là đảng viên ĐCSVN và được đề bạt một phần là dựa trên quan điểm chính trị của họ. Trong những năm vừa qua, hệ thống pháp lý đã bị lũng đoạn rất nhiều do ảnh hưởng chính trị, việc tham nhũng cục bộ và thiếu khả năng. Ảnh hưởng của ĐCSVN đặc biệt nổi bật trong những vụ án lớn trong đó bị cáo bị truy tố là thách thức hoặc gây tổn hại đến ĐCSVN và nhà nước.

Hệ thống pháp lý bao gồm Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC); các toà án nhân dân cấp tỉnh và huyện; các toà án quân sự, hành chính; kinh tế, lao động và các toà án khác được luật pháp thiết lập. Mỗi huyện có một toà án nhân dân có nhiệm vụ là toà sơ thẩm chuyên thụ lý những vụ án gia đình, dân sự và hình sự. Mỗi tỉnh cũng có riêng toà án nhân dân có nhiệm vụ của một toà phúc thẩm cho những kháng cáo từ huyện. TANDTC, do Quốc hội quản lý, là toà án phúc thẩm cao nhất. Toà án hành chính chuyên xét xử những khiếu nại của công dân về những lạm quyền và tham nhũng của nhân viên chính phủ. Còn có những uỷ ban đặc biệt chuyên hoà giải những tranh chấp địa phương.

Số lượng thẩm phán và luật sư chuyên nghiệp đang bị thiếu hụt. Tình trạng lương thấp trong hệ thống pháp lý đã cản trở nỗ lực phát triển đội ngũ nhân viên tư pháp chuyên nghiệp. Một số ít thẩm phán được đào tạo chính qui nhưng thường là đã học tập từ những quốc gia có hệ thống pháp luật cộng sản.

Không có luật sư đoàn hoạt động độc lập. Vào tháng 1 thủ tướng đã phê chuẩn đề xuất thành lập một đoàn luật sư quốc gia nhưng đến cuối năm việc này vẫn chưa thực hiện.

Chính quyền vẫn đang tiếp tục thực thi những chương trình nhằm đối phó với vấn đề thiếu hụt lực lượng thẩm phán và nhân viên pháp luật chuyên nghiệp.

Những toà sơ thẩm cấp huyện và tỉnh gồm có thẩm phán và hội thẩm viên, nhưng toà phúc thẩm tỉnh và TANDTC chỉ có thẩm phán. Hội đồng nhân dân lựa chọn hội thẩm viên từ một nhóm người do MTTQ đề cử. Hội thẩm viên yêu cầu phải có "tư cách đạo đức tốt," nhưng không bắt buộc phải qua đào tạo pháp lý và vai trò của họ đa số chỉ mang tính tượng trưng.

Mặc dù được tài trợ bởi Bộ Quốc phòng, toà án quân sự hoạt động theo những luật lệ giống như các toà án khác. Hội đồng xét xử đại diện cho bộ và đứng đầu hệ thống toà án quân sự là phó chủ tịch TANDTC. Các thẩm phán và bồi thẩm viên là những người tại ngũ do TANDTC và bộ quốc phòng lựa chọn nhưng chịu sự quản lý của TANDTC. Luật pháp cho phép toà án quân sự quyền pháp lý đối với những vụ án hình sự liên quan đến những thành phần của quân đội, kể cả những doanh nghiệp do quân đội làm chủ. Quân đội có sự lựa chọn trong việc sử dụng các toà án hành chính, kinh tế hoặc lao động cho các vụ án dân sự.

Quá Trình Xét Xử

Hiến pháp qui định rằng người công dân vẫn được xem là vô tội cho đến khi có bằng chứng phạm tội. Nhưng nhiều luật sư đã than phiền rằng các thẩm phán thường quyết đoán tội trạng. Phiên toà thường được xử công khai nhưng trong những vụ án nhạy cảm, thẩm phán thường xử kín hoặc giới hạn chặt chẽ số người tham dự. Toà không sử dụng hệ thống bồi thẩm đoàn. Bị cáo được quyền dùng luật sư đại diện trước toà mặc dù không nhất thiết là luật sư mà họ muốn, và trên thực tế quyền lợi này thường không được tôn trọng. Những bị cáo không có điều kiện mướn luật sư thường được chỉ định luật sư nhưng chỉ trong những vụ án mà họ có thể bị tuyên án chung thân hoặc tử hình. Bị cáo và luật sư bào chữa có quyền thẩm vấn các nhân chứng hoặc phản bác cáo trạng. Luật sư bào chữa thường có rất ít thời gian trước khi xử án để xem xét bằng chứng chống lại thân chủ mình. Người bị kết án có quyền kháng cáo. Các toà án cấp huyện và tỉnh không thông báo trình tự tố tụng. TANDTC tiếp tục thông báo các vụ án được tái xét.

Vẫn tiếp tục có những tường trình khả tín về việc luật sư bị áp lực không nhận bào chữa cho các bị cáo là các nhà hoạt động tôn giáo và dân chủ.

Viện kiểm sát nhân dân đề xuất việc truy tố nghi can và đóng vai trò công tố viên trong quá trình xét xử. Đã có những thay đổi trước đây trong luật xét xử án hình sự nhằm biến quá trình tố tụng từ hệ thống "điều tra", trong đó thẩm phán nắm quyền chất vấn, sang thành hệ thống "đối kháng", trong đó kiểm sát viên và luật sư bào chữa tranh luận quan điểm của hai bên. Việc thay đổi này nhằm tăng cường sự bảo vệ cho bị cáo và ngăn ngừa việc thẩm phán ép cung bắt bị cáo thừa nhận tội lỗi. Cải cách này được áp dụng không nhất quán giữa các tỉnh.

Vào tháng 5, các quan chức của chính quyền đã cho phép cái đại diện ngoại giao nước ngoài tham dự vụ án xét xử 3 thành viên của Đảng Việt Tân. Và vào tháng 12, 4 nhân viên ngoại giao nước ngoài được phép tham dự phiên xử án chung của 8 bị cáo trong vụ Thái Hà. Những yêu cầu được tham dự các vụ án khác của những nhà ngoại giao nước ngoài đã bị từ chối.

Tù Nhân và Những Người Bị Giam Giữ Vì Lý Do Chính Trị

Không có ước lượng chính xác về con số tù nhân chính trị. Chính phủ tuyên bố rằng họ không giữ tù nhân chính trị, họ chỉ giữ những người phạm pháp. Cho đến cuối năm, chính phủ giam giữ ít nhất 35 tù nhân chính trị mặc dù nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng con số lên đến vài trăm.

Vào tháng 4, một làn sóng biểu tình mới ở Cao nguyên miền Trung đã dẫn đến vài chục vụ bắt bớ và giam cầm những người bị nghi ngờ tổ chức biểu tình. Những nhà quan sát địa phương kể rằng tham gia những cuộc biểu tình này là những người thuộc sắc tộc thiểu số phản đối chính sách sử dụng đất đai ở địa phương.

Ngày 14 tháng 8, nhà chức trách bắt giam một nhà tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai, bà Lê Thị Kim Thu ở Hà Nội với lý do phá rối trật tự công cộng bằng cách tổ chức một cuộc biểu tình trong công viên đối diện Văn phòng Chính phủ. Vào ngày 7 tháng 11, bà ta đã bị kết án và bị phạt 18 tháng tù. Trong suốt năm, những người cầm đầu tranh đấu cho quyền sở hữu đất đai đã tường trình là có khoảng chục người biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã bị kết tội từ “phá rối trật tự công cộng” cho đến “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Trong tháng 9 và 10, các nhà hoạt động thuộc Khối 8406 như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc,Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Kim Nhân, Nguyễn Văn Tinh, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Dương Văn Nam và Lê Thanh Tùng bị bắt vì đã tìm cách tổ chức biểu tình công khai, rải truyền đơn cổ vũ dân chủ, phản đối chính phủ tịch thu đất đai và những hành vi của chính quyền Trung Quốc và treo biểu ngữ phê bình chính phủ. Cho đến cuối năm, tất cả vẫn còn bị giam chờ ngày chính thức bị truy tố và xét xử.

Vào ngày 8 tháng 12, tám người từng tham dự vào những buổi cầu nguyện ở giáo sứ Thái Hà ở Hà Nội đã bị xử cùng lúc tại Tòa án Nhân dân Đống Đa ở Hà Nội và bị kết án phá rối trật tự và phá hoại tài sản công cộng. Bảy giáo dân bị tù treo từ 12 cho đến 15 tháng; trong số những người này, bốn người bị quản thúc hành chính từ 22 cho đến 24 tháng. Người thứ tám bị cảnh cáo và không ai bị kết án tù thêm.

Sau khi bị kết án vào năm 2007 vì vi phạm Điều khoản 88, một số nhà hoạt động có tên tuổi vẫn còn bị tù đầy, họ gồm có Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và hai luật sư về nhân quyền Nguyễn v\Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Ông Đài, bà Nhân và ba thành viên của Đảng Dân chủ Nhân dân được giảm án sau khi kháng cáo.

Vào tháng Giêng, nhà văn và nhà báo Trần Khải Thanh Thủy đã bị giam từ tháng 4 2007 vì vi phạm Điều Khoản 88. Bà bị đưa ra tòa, kết án tù bằng thời gian đã bị giam, và được tha vì lý do chữa bệnh.

Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Bá Đang bị bắt từ tháng Năm 2007 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước,” hình như vẫn còn bị giam trong Trại Kinh Chi ở tỉnh Hải Dương.

Vào tháng 5, một trong bốn thành viên của Hiệp hội Đoàn kết Công nông (HHĐKCN) đã bị bắt và kết án từ tháng 12 2007 và được thả sau khi mãn tù; ba người còn lại vẫn còn trong tù (Xem phần 6.a.)

Vào tháng Giêng, sau 17 tháng bị giam giữ, Trương Quốc Huy, thành viên của Khối 8406 đã bị truy tố và kết án sáu năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước.”

Các nhà tranh đấu thuộc đảng Việt Tân gồm Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thế Vũ và Nguyễn Quốc Hải bị bắt từ năm 2006, bị xử và kết án vào tháng 5 theo Điều khoản 84 vì tội liên quan đến khủng bố, họ đã được trả tự do sau khi hết hạn tù.

Một số nhân vật chống đối thuộc những tổ chức chính trị bị đặt ngoài vòng pháp luật như Khối 8406, Đảng Dân chủ Nhân dân, Đảng Nhân dân Hành động, Tổ chức Việt Nam Tự do, Tổ chức Đoàn kết Công nông và những tổ chức khác vẫn còn bị giam trong tù hoặc bị quản thúc tại gia ở nhiều nơi khác nhau.

Những tổ chức phi chính phủ quốc tế ước đoán là có vài trăm người dân thiểu số vẫn còn bị cầm tù vì đã liên quan đến những cuộc biểu tình vào năm 2004 ở Cao nguyên miền Trung.

Thủ Tục Tố Tụng Dân Sự và Bồi Thường

Không có một cơ chế rõ ràng và hiệu quả để sử dụng luật dân sự nhằm đòi hỏi sửa đổi hay đền bù cho những trường hợp bị lạm dụng bởi nhà chức trách. Những vụ kiện dân sự được xử bởi tòa “hành chính,” tòa dân sự và tòa hình sự, tất cả đều giống thủ tục tố tụng của những vụ án hình sự và được xét xử bởi cũng chính những thẩm phán và hội thẩm viên. Cả ba loại toà án này đều mắc phải vấn đề về tham nhũng, thiếu độc lập và không có kinh nghiệm.

Theo luật pháp, một công dân muốn kiện một công chức về tội vi phạm nhân quyền phải làm đơn đề nghị viên chức đương sự cho phép đưa những khiếu nại của mình lên tòa án hành chính. Nếu đơn xin phép bị bác, người dân có thể đệ đơn lên thủ trưởng của viên chức. Nếu viên chức đó hay thủ trưởng đồng ý cho đệ đơn, hồ sơ sẽ được tòa hành chính chấp thuận. Nếu tòa hành chính đồng ý trường hợp nên được tiếp tục, đơn sẽ được đưa sang tòa dân sự cho những vụ kiện dính dáng đến thương tích mà nạn nhân đòi bồi thường dưới 20 phần trăm phí tổn điều trị gây ra bởi sự lạm quyền, hoặc đưa lên tòa hình sự cho những vụ kiện đòi bồi thường trên 20 phần trăm của phí tổn. Trên thực tế, hệ thống chuyển đơn và xin xỏ phức tạp này làm cho dân chúng có ít phương tiện hiệu quả để theo đuổi những thủ tục tố tụng dân sự và hình sự để đòi hỏi đền bù cho những vi phạm nhân quyền, và cũng ít có chuyên gia luật pháp đầy đủ kinh nghiệm về hệ thống này.

Bồi Thường Tài Sản

Có rất nhiều báo cáo về tham nhũng trong giới chức trách và chính phủ thường thiếu minh bạch trong cách thức tịch thu đất đai và dời dân để sửa soạn cho những công trình hạ tầng cơ sở. Theo luật pháp, người dân phải được bồi thường khi họ bị dời chỗ ở vì những công trình này, nhưng đã có nhiều than phiền ngay cả từ Quốc hội là việc bồi thường không đầy đủ hoặc chậm trễ. Sau những vụ biểu tình về quyền đất đai năm 2007, chính phủ thành lập một nhóm chuyên trách để thanh tra vài tỉnh miền nam, nhưng ít có trường hợp của người đi kiện được giải quyết.

Vào tháng Giêng, những người Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn trước Tòa Khâm Sứ cũ ở Hà Nội. Toà nhà này đã bị chính phủ trưng thu và là đối tượng của tranh chấp hiện nay. Sau khi chính phủ hứa giải quyết vấn đề, những buổi cầu nguyện chấm dứt. Ngày 19 tháng 9, nhà chức trách thành phố thông báo rằng họ sẽ xây một công viên ở khu vực này và lấy Tòa Khâm Sứ làm thư viện. Ngay lập tức, các viên chức thành phố đã bắt đầu việc phá huỷ những căn nhà. Một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra vào ngày 21 tháng 9 với khoảng 15 nghìn giáo dân Công giáo tham dự buổi cầu nguyện và rước lễ đặc biệt do Đức Tổng Giám Mục làm chủ lễ.

Vào các tháng Giêng, tháng 4, và tháng 9, giáo dân Công giáo đã tổ chức những buổi cầu nguyện lớn cho những khu đất đang bị tranh chấp mà giáo xứ Thái Hà từng sở hữu. Tám người đã bị bắt vào tháng 8 và tháng 9 và đã bị kết án vào tháng 11 vì đã tham gia vào những buổi cầu nguyện tại Thái Hà với tội phá hoại tài sản và phá rối trật tự công cộng. Những tổ chức tôn giáo khác cũng phản đối việc dùng đất bị tịch thu của họ cho mục đích của chính phủ hay thương mại.

Nhiều người thuộc những nhóm sắc tộc thiểu số ở Cao nguyên miền Trung và Tây bắc tiếp tục than phiền rằng họ chưa nhận được bồi thường tương xứng cho đất đai đã bị chính phủ tịch thu để thiết lập những đồn điền cà phê và cao su với qui mô lớn. Một vài người dân cho rằng nguyên nhân của những cuộc biểu tình vào tháng 4 ở Cao nguyên miền Trung là do dân thiểu số đã thất vọng và không hài lòng với những chính sách sử dụng đất đai của chính phủ.

f. Can Thiệp Tùy Tiện Vào Đời Sống Riêng Tư, Gia Đình, Chỗ Ở hoặc Thư Tín

Luật pháp cấm can thiệp tùy tiện vào đời sống riêng tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín; tuy nhiên, trên thực tế chính phủ không tôn trọng những cấm đoán này. Hệ thống đăng ký hộ khẩu và dân phòng được thành lập để theo dõi tất cả công dân mặc dù nói chung những hệ thống này ít lạm dụng hơn so với trước đây. Chính quyền đặc biệt chú ý vào những người bị nghi ngờ có dính líu đến các hoạt động chính trị hoặc tôn giáo bị cấm.

Không ai được phép dùng vũ lực để đột nhập vào nhà riêng nếu không có lệnh của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, lực lượng an ninh hiếm khi tuân thủ những thủ tục này, thay vì thế họ thường yêu cầu cho phép vào nhà với ngầm ý đe dọa là sẽ phải trả giá nếu không hợp tác. Nhiều người từ chối hợp tác với những "yêu cầu" như vậy. Công an đôi khi bỏ đi khi bị từ chối, nhất là ở những khu vực thành thị.

Chính phủ mở và kiểm duyệt thư từ của các đối tượng đang bị để ý, tịch thu bưu kiện và thư từ, và theo dõi các cuộc điện đàm, điện thư, tin nhắn qua điện thoại di động, và thông tin qua fax. Chính phủ cắt đường dây điện thoại nhà và làm gián đoạn điện thoại di động cũng dịch vụ cung cấp Internet của một số các nhà hoạt động dân chủ và thân nhân của họ.

Việc trở thành đảng viên ĐCSVN vẫn là một điều kiện tiên quyết cho sự thăng tiến đối với những ai làm việc trong chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp của chính phủ. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa kinh tế khiến cho việc trở thành đảng viên ĐCSVN và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo đã bớt quan trọng trong việc được tăng thưởng về tài chính và xã hội.

Chính phủ tiếp tục thi hành chính sách kế hoạch hóa gia đình để khuyến khích các gia đình không được quá hai con, nhưng chính sách này chỉ nhấn mạnh về việc cổ vũ và giáo dục chứ không ép buộc. Chính phủ có thể từ chối không đề bạt hoặc tăng lương cho những công chức có quá hai con, và đã có vài trường hợp bị từ chối tăng chức hay phạt tài chính, và dường như chính sách này không được áp dụng một cách đồng nhất. Các hình phạt này càng trở nên ít hiệu nghiệm vì phần lớn dân chúng, nhất là ở những nơi thành thị, tiếp tục chuyển sang làm việc cho lĩnh vực tư nhân.
Nguồn: Đại Sứ Quán Hoa Kỳ
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 844 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0