Thứ Ba, 2024-11-05, 8:41 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 14 » Tham nhũng là bản chất của chế độ Cộng sản
11:17 AM
Tham nhũng là bản chất của chế độ Cộng sản

Hoàng Công Luận

 
Vụ tham nhũng đại lộ Đông Tây gọi tắt là PCI
Khởi đầu năm Kỷ Sửu, dư luận trong và ngoài nước đều quan tâm đến hai sự kiện tham nhũng từ trung ương tới địa phương của cán bộ cầm quyền đảng CSVN. Đó là, vụ án đại lộ Đông Tây gọi tắt là PCI, và vụ án bớt tiền hỗ trợ Tết của dân nghèo từ Bắc vào Nam.

Tham nhũng là hành vi dùng công quyền để tư lợi. “Giá trị tham nhũng” của các cán bộ Cộng sản tỉ lệ thuận với chức vụ quyền hạn. Nghĩa là chức vụ càng cao, thì tầm vóc tham nhũng càng lớn. Sự tham nhũng ở các cấp tuy có khác nhau về trị số nhưng đều là hành vi tham ô có cùng ý nghĩa tội trạng như nhau.

Chúng ta biết các quốc gia trên thế giới, với các thể chế chính trị khác nhau đều phải đối diện với tham nhũng các thời đại. Nhưng ở Việt Nam, phải nói rằng tham nhũng đang trở thành một “quan niệm sống” của những kẻ có quyền lực. Tham nhũng trải đều từ cấp Bộ, Ban Ngành, Hội Đoàn; từ người trưởng thôn đến Thủ tướng, Tổng Bí Thư của nhà nước. Nó hiện diện một cách phổ quát trong các ngành dễ tham ô như Xây dựng, Hàng Không, Đường Sắt, Hải Quan, Giao Thông, Ngân Hàng, Viễn Thông, Giáo Dục, Y Tế, Cứu Tế, v.v... Nhưng đáng nói là tham nhũng còn hiện diện cả trong lực lượng Công an, Tư pháp -- những ngành có chức năng ngăn chận và truy tố tham nhũng. Vì thế, phe cánh tham nhũng có điều kiện đứng trên cả luật pháp. Vì phe phái tham nhũng có vây cánh quá đông, nên nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam càng hô hào chống tham nhũng thì tham nhũng càng cấu kết nhau ngồi xổm trên luật pháp, và lan rộng nối kết để mạng lưới tham nhũng được vững vàng hơn.

Những ai thường theo dõi thời sự trong và ngoài nước đều có thể hình dung tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hiện nay tai hại đối với đất nước ra sao, sự khốn cùng của dân tộc thế nào, và dẫn đến sự suy đồi của xã hội bao nhiêu.

Để đo lường được mức độ tham nhũng của cán bộ đương quyền và tổng hợp toàn cảnh của tập đoàn cầm quyền Cộng sản Việt Nam, chúng ta hãy suy nghiệm vài điều biểu trưng sau đây:

1. Hầu hết các quan chức lãnh đạo cấp Trung ương của đảng Cộng sản, Chính phủ, Bộ chính trị đều có số lượng cổ đông lớn nhất trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Tài sản lên tới hàng trăm triệu đô la, hoặc hơn nữa, được tẩu tán ra các ngân hàng ngoại quốc hoặc chuyển cho thân nhân ở nước ngoài qua các hình thức chuyển ngân chui. Nhà ở của thành phần quyền cao chức trọng này toàn là biệt thự kiến trúc khang trang bậc nhất của thành phố, con cháu đều được du học ở nước ngoài. Thử hỏi, so với đồng lương trung bình dưới 100 mỹ kim mỗi tháng của họ, thì làm sao có được những điều kiện đế vương như vậy? Không một cơ quan luật pháp nào có quyền kiểm tra tài sản của họ; dù mọi người biết rõ những tài sản, tiện nghi đó đều xuất phát từ những nguồn thu nhập bất minh, do hành động rút ruột tài sản của quốc gia, hay các công trình phúc lợi chung của nhân dân.

2. Các quan chức thuộc hàng Thứ trưởng, Bí thư, Chủ tịch cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp Huyện, hầu hết là đàn em phe cánh của cấp trung ương, cũng dựa theo cấp trên đua nhau tham nhũng, làm ăn phi pháp trục lợi mà không sợ bị luật pháp trừng trị. Chỉ cần tổng lượt một số tin tiêu cực của các cán bộ bị đăng tải trên báo chí nhà nước, người ta cũng có thể hình dung được “con bệnh tham nhũng” này đang đục khoét nguồn công ích của xã hội ra sao.

3. Còn quan chức cấp địa phương như Phường, Xã, Thôn thì cũng ăn cướp của dân, ăn cắp của công trong những “phi vụ” do địa phương cai quản, như xẻ cắt các khoản tiền trợ cấp An sinh xã hội địa phương, tiền cứu tế dân nghèo. Cụ thể gần đây nhất là các Trưởng thôn đã  coi thường pháp luật, tự bày ra luật rừng rú ăn chia tiền hỗ trợ cho dân nghèo, vốn để mua chút  hoa quả, gạo thơm cúng tế Tổ tiên, đón Tết Kỷ Sửu. Chuyện này không phải chỉ là trường hợp đơn lẻ ở một vài thôn, mà xảy ra hàng loạt ở nhiều tỉnh.

 
 Ăn bớt tiền hỗ trợ Tết của dân nghèo từ Bắc vào Nam
Tại sao hầu hết cán bộ CSVN đều dính vào đường dây tham nhũng mà không có gì phải lo ngại? Câu trả lời quá dễ dàng. Đó chỉ vì lực lượng tham nhũng quá lớn, bao gồm cả những thành phần lãnh đạo cao cấp, có quyền lực trong tay rất mạnh mẽ, được che chắn bảo vệ rất vững vàng, không ai có thể động tới được. Những ai còn có lương tâm, muốn phanh phui tham nhũng, kết tội tham nhũng thì chính những người đó sẽ bị trù dập và bị đẩy vào tù một cách nhanh chóng để bịt miệng; còn những tên tội phạm tham nhũng thì được bộ máy nhà nước bảo vệ bằng nhiều cách, lắm khi rất nghịch lý, trâng tráo và trơ trẽn. Cứ nhìn vào thực tế những vụ xét xử phạm nhân cấp cao tham nhũng thì biết ngay. Những quan chức này khi bị phát hiện đều được xét xử miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, được thay đổi tội danh, tình tiết tham nhũng được giảm nhẹ, đặc xá vì là đảng viên Cộng sản.

Trước toà, vụ án tham nhũng PMU18 được tuyên bố: Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được  miễn truy cứ trách nhiệm hình sự; Bùi tiến Dũng được thay đổi tội danh, giảm bớt tội danh, Mai văn Dậu thì được đặc xá trước thời hạn; còn Võ thanh Bình (Bí thư tỉnh uỷ Cà Mau) nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng, nhưng ra toà thì chỉ bị đình chỉ chức vụ.

Chúng ta hãy chờ xem nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ xử lý ra sao vụ tham nhũng PCI đã làm cho người Việt nhục nhã không chỉ với Nhật quốc, mà với cả thế giới bởi những hành vi tham ô, khuất lấp trắng trợn tiền viện trợ để kiến thiết nước nhà. Có những bình luận cho rằng việc bắt giữ Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ là hành động xoa dịu Nhật Bản do sự hiện diện của Thái tử Nhật Bản ở Việt Nam và sự phẫn nộ của công luận, chứ không phải là động thái tích cực để chống tham nhũng. Hãy chờ xem Huỳnh Ngọc Sỹ sẽ ra toà với tội trạng gì? Màn kịch của Cộng sản sẽ đạo diễn đoạn kết vụ Huỳnh Ngọc Sỹ ra sao?

Sự kiện các vụ tham nhũng cấp cao bị phanh phui nhưng không bị truy tố nghiêm minh hay xử tù đúng tội đã bị dư luận lên án nặng nề, nhưng những người có lãnh đạo nhà nước vẫn an nhiên tự tại một cách vô cảm.

Vụ xà xẻo tiền hỗ trợ Tết của dân nghèo hay những vụ án tham nhũng với hàng trăm triệu mỹ kim chỉ khác nhau về mặt giá trị tiền bạc nhưng đều đáng bị lên án. Tất cả những hành vi tham nhũng đều phải bị trừng trị thích đáng, bởi tham nhũng không chỉ gây phương hại cho đất nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của hàng triệu người dân nghèo. Tham ô không những là hành vi phạm pháp, là sự phản bội lại công sức xây dựng đất nước của toàn thể nhân dân. Trọng tội này cần phải được nghiêm trị.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapor khi tiếp xúc với các quan chức CSVN đã nói rằng: “ Ở Singapor, nếu muốn tham nhũng thì cũng không dám tham nhũng, vì Singapor là một thể chế dân chủ đa đảng, không dễ gì lạm dụng chức quyền để tham nhũng”. Ông còn nói thêm: “Vì nhà nước ấy là nhà nước pháp quyền, không một con người nào, tổ chức chính trị nào, đứng trên quyền ấy. Bất kỳ ai tham nhũng thì sẽ bị luật pháp trừng trị nặng nề thích đáng”.

Như vậy, rõ ràng tham nhũng tại Việt Nam là kết quả tai hại từ sự độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng CSVN. Vì đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra toàn khắp trong giới cầm quyền nhưng không có luật pháp nào có thể ngăn cản được. Đến nay, tham nhũng trở thành một hệ thống và bản chất tự nhiên của chế độ. Vì bản chất ấy, ai chống tham nhũng là bị coi như chống chế độ, chống lại thế lực cầm quyền. Trường hợp nhà báo Phạm văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Thượng tá Đinh văn Hỳnh là cán bộ trong nhà nước phải bước ra vành móng ngựa vì dám phanh phui tham nhũng là một bằng chứng rõ ràng nhất. Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do về vụ án PMU18, luật sư Bùi quang Nghiêm phát biểu: “Chúng ta đang chống tham nhũng hay tham nhũng đang chống lại chúng ta?”

Với cơ chế độc tài lãnh đạo hiện nay, việc chống tham nhũng chỉ là một chiêu bài mỵ dân của chế độ. Không ai có thể chống lại hay giải quyết được quốc nạn này.

Thứ giặc nội xâm này chỉ bị tận diệt khi đất nước được giám sát bởi một thể chế dân chủ đa đảng. Nói khác hơn, trong nền dân chủ Pháp trị thì tham nhũng không thể có cơ hội hoành hành sâu rộng như vậy.

Bởi lo sợ điều này nên Cộng sản Việt Nam càng cấu kết chặt chẽ để bảo vệ nhau và dùng bạo lực để trù dập tất cả những ai chống đối tham nhũng, bằng cách ghép tội chống lại nhà cầm quyền.

Bởi ý thức được điều này, những người muốn phục hồi công bằng xã hội không còn con đường nào khác hơn là góp phần dân chủ hoá đất nước để tạo điều kiện trong sạch hoá bộ máy cầm quyền, giải quyết nạn tham nhũng hầu đưa đất nước đi lên. Đấu tranh chống tham nhũng đã trở thành phương châm đơn giản và thực tế nhất để cúu nước và cứu lấy nhân dân ta.

Hoàng Công Luận
(Đảng viên Đảng Vì Dân ở Tây Nguyên Việt Nam)
(Trích Tập san Hoa-Mai #35 -- Phát hành tháng 03/2009)
www.tapsanhoamai.com
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1210 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 459
Khách: 459
Thành Viên: 0