Thứ Tư, 2024-12-04, 1:20 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 14 » Phải chấm dứt lối im lặng hèn nhát
11:33 AM
Phải chấm dứt lối im lặng hèn nhát

Ngô Nhân Dụng

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91995&z=7

Tại sao tầu Trung Quốc cố ý đụng độ tầu Mỹ ở Biển Ðông nước Việt vào cuối tuần vừa qua? Có người giải thích là giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn thử coi ông tổng thống mới của nước Mỹ sẽ phản ứng thế nào. Có giả thuyết coi vụ gây rối xẩy ra vì ông đô đốc chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tới thăm Hà Nội. Gây ra vụ rắc rối này là bắn một mũi tên nhắm 2 con chim, Mỹ và Việt Nam.

Năm 2001 chính quyền Trung Quốc đã từng thử trắc nghiệm cựu Tổng Thống George W. Bush một lần, ba tháng sau khi ông Bush nhậm chức. Phi cơ chiến đấu Trung Quốc đã bay sát một chiếc máy bay thám thính của hải quân Mỹ, phi công Mỹ phải xin phép hạ cánh khẩn cấp xuống một phi trường ở đảo Hải Nam, trong Vịnh Bắc Việt. Năm đó 24 nhân viên phi hành đoàn chỉ được thả sau 11 ngày ăn cơm Tầu, sau khi chính phủ Mỹ tỏ ý ân hận, mặc dù không chính thức xin lỗi. Từ đó, mối bang giao giữa Bắc Kinh và Washington thắm thiết suốt 8 năm trời và máy bay Trung Quốc không bao giờ lượn ép gần phi cơ thám thính của Mỹ nữa.

Năm nay, tân Tổng Thống Mỹ Barack Obama mới tuyên thệ chưa được 7 tuần, năm chiếc tàu Trung Quốc đã vây bủa, ngăn chặn, phá đám công việc thăm dò biển của một chiếc tầu thám thính Mỹ trong vùng biển quốc tế cách đảo Hải Nam 75 dặm. Tầu Mỹ dùng vòi rồng phun nước đuổi các tầu Trung Quốc đi, nhưng các thủy thủ Trung Hoa đã cởi quần áo ngoài và tiếp tục lướt sóng xông tới. Khi tầu Impeccable báo hiệu xin mở đường để tránh đi nơi khác, vẫn còn chiếc tầu Trung Quốc chặn ngang đường, cách nhau chỉ có 8 mét. Trước khi xẩy ra vụ này, tầu Hải quân Trung Quốc đã quấy nhiễu một tầu thăm dò đáy biển khác của Mỹ trong vùng Hoàng Hải ở phía Bắc.

Vào cuối tuần, Bộ Quốc Phòng Mỹ ngỏ lời than phiền về những hành động bất thân thiện và nguy hiểm trên. Ðầu tuần này Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã đáp lại, họ tố cáo tầu Mỹ vi phạm công ước quốc tế về luật biển, xâm phạm ranh giới 200 dặm thuộc vùng kinh tế độc quyền trên biển (exclusive economic zone, EZZ) của họ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rất mạnh, gọi hành động của tầu thủy Mỹ là “không thể chấp nhận được.”

Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) ấn định lãnh hải của các nước là 12 hải lý, nhưng xác định mỗi nước có quyền khai thác tài nguyên trong vòng 200 hải lý, gọi là EEZ. Công ước này cho phép tầu thủy các nước được đi vào vùng kinh tế của nước khác, trong đó có quyền thám thính; nhưng không nói gì đến các tầu quân sự. Trung Quốc ký vào bản công ước này năm 1996, còn chính phủ Mỹ chưa ký, mặc dù vẫn tự nguyện tôn trọng phần lớn các quy định trong 320 điều khoản và 8 bản phụ đính trong công ước này.

Ngày Thứ Tư, Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì đã tới gặp Ngoại Trưởng Hillary Clinton tại Bộ Ngoại Giao Mỹ, hai bên tuyên bố sẽ cố gắng tạo không khí hòa dịu. Ông Dương Khiết Trì tuyên bố cuộc bang giao hai nước đang bắt đầu những bước tốt đẹp. Trong chuyến đi Bắc Kinh tháng trước, bà Clinton đã không lên án những vụ Trung Quốc vi phạm nhân quyền, mà nhấn mạnh vào liên hệ kinh tế, đề cao trách nhiệm chung của hai nước phải cùng giúp thế giới thoát cơn suy thoái.

Nếu bà Clinton đã mở đường hòa hiếu như vậy thì tại sao tầu Trung Quốc lại quấy rối tàu Mỹ ở ngoài Biển Ðông nước Việt Nam? Họ có thể nhắm vào cả nước Mỹ lẫn Việt Nam.

Ðây có thể là một hành động do giới quân nhân lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Bắc Kinh xướng xuất, Bộ Chính Trị cộng sản Trung Quốc có thể biết, nhưng cũng có thể không biết trước. Ở nước nào cũng vậy, các tướng lãnh có thể gây ra những rắc rối nhỏ để cho các nhà chính trị phải biết kính nể vai trò quan trọng của họ. Giới quân sự vẫn coi là họ chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, một vấn đề phức tạp và nặng nề mà những người dân sự không hiểu nổi.

Trong hành động gây rối với tầu Mỹ, giới quân sự Trung Quốc muốn thông báo cho thế giới biết rằng vùng biển Nam Hải là “ao nhà” của họ, đừng ai tính xía vô (cũng như người Mỹ vẫn coi Tây Bán cầu là sân sau của mình). Quan niệm Châu Mỹ là chuyện riêng của nước Mỹ sẽ được người Trung Hoa áp dụng ở miền Ðông Á Châu, đặc biệt là trong vùng biển phía Nam nơi nhiều quốc gia đang tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mặt khác, giới quân sự Trung Quốc cũng muốn dằn mặt nhóm cầm quyền cộng sản Việt Nam, cho họ biết rằng người Trung Quốc không nể nang gì Mỹ cả (bị phun nước nhưng vẫn cởi trần xông tới). Do đó, họ nhắn bảo cộng sản Việt Nam hãy ngưng lén lút bàn chuyện “dan díu” với Mỹ qua cuộc gặp gỡ đô đốc Robert Willard. Báo chí ở Việt Nam, do đảng cộng sản kiểm soát, đã loan tin đô đốc Willard thảo luận hợp tác trong nhiều lãnh vực, trong đó có cả những vấn đề an ninh và quốc phòng ở Biển Ðông.

Ðiều đáng tiếc là trước một biến cố xẩy ra trong vùng biển của nước mình, thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam quá rụt rè, có thể nói là nhu nhược. Khi được hỏi về hành động của thủ tướng Mã Lai Á bay tới thăm đảo Ðá Hoa Lau trong quần đảo Trường Sa, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội chỉ nhắc lại những quy tắc đại cương như việc tôn trọng chủ quyền các nước theo luật biển và Công ước 1982, để “không làm tình thình thêm phức tạp.”

Ðáng lẽ ra, nhân những biến cố xẩy ra giữa tàu Hải quân Mỹ và Trung Quốc, người cầm quyền ở Việt Nam phải lợi dụng cơ hội này xác nhận lại chủ quyền của nước mình trên vùng biển xẩy ra những vụ rắc rối đó.

Vì vụ tầu Impeccable cũng xẩy ra trong “vùng kinh tế trên biển, EZZ” của Việt Nam, nằm trong khoảng 200 hải lý cách bờ biển nước ta ở Hoàng Sa. Trong khi Trung Quốc nhân cơ hội này xác định vùng EZZ của họ, Việt Nam không nên để lỡ cơ hội mà không nhắc lại Hoàng Sa là một quần đảo thuộc nước Việt mặc dù đã bị Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1974.

Khi hai quốc gia có những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải, bổn phận của chính quyền là luôn luôn tìm cơ hội nhắc lại chủ quyền bất khả xâm phạm của mình trên những vùng tranh chấp đó. Nhất là khi Hải quân Trung Quốc cố ý phô bầy cho cả thế giới biết là vùng Biển Ðông nước ta là “ao nhà” của họ, không cho ai xía vào, thì bất cứ chính quyền Việt Nam nào cũng phải tìm cách phản bác bản thông điệp ngấm ngầm như vậy. Thái độ im lặng của đảng cộng sản Việt Nam cho thấy họ vẫn theo một đường lối ngoại giao tránh né nếu không phải là sợ sệt dối với nước cộng sản đàn anh phương Bắc.

Trong một bài tham luận về vấn đề tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mới được phổ biến trên mạng lưới của các cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh Việt Nam Cộng Hòa, kỹ sư Trần Văn Khởi đã lên án đảng cộng sản Việt Nam là nhu nhược, nếu không nói là hèn nhát, khi tránh né nêu lên vấn đề chủ quyền này.

Một thái độ nhu nhược lộ rõ nhất là suốt hai chục năm qua đảng cộng sản Việt Nam đã không công khai lên tiếng để làm cho minh bạch vụ bức thư của Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai năm 1958. Như đã trình bày trong mục này nhiều lần, bất cứ chính quyền Việt Nam nào, bây giờ và trong tương lai, đều có thể giải thích bức thư “oan nghiệt” đó theo cách khác với Bắc Kinh, để bênh vực quyền lợi đất nước, bác bỏ cách giải thích của chính quyền Trung Quốc.

Như chúng ta đã biết, vào Tháng Chín năm 1958, chính phủ Trung Quốc đưa ra bản tuyên bố về hải phận 12 hải lý của họ. Tuy bản tuyên bố này nhắm vào việc xác định chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Ðài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ, vân vân, nhưng trong đoạn số 4 có nhắc tới các quần đảo Ðông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của nước ta), Nam Sa (tức Trường Sa). Lúc đó, vì đang phải xin Trung Quốc giúp xâm chiếm miền Nam Việt Nam, Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã dại dột cho ông Phạm Văn Ðồng viết lá thư công khai tán thành bản tuyên bố của chính phủ Trung Quốc. Từ đó tới nay, Bắc Kinh đã vin vào lá thư đó để coi là cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn chấp nhận chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng, như kỹ sư Trần Văn Khởi giải thích, người Việt Nam có thể giải thích cách khác, nói rằng lá thư Phạm Văn Ðồng chỉ công nhận quan điểm lãnh hải 12 cây số đối với các đảo đã thuộc Trung Quốc mà thôi, chứ không bàn đến vấn đề chủ quyền trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Một điều quan trọng hơn nữa là kỹ sư Trần Văn Khởi cho biết năm 1979, đảng cộng sản Việt Nam cũng đã nêu lên vấn đề này một lần rồi.

Như chúng ta đều biết, Tháng Hai năm 1979, quân Trung Quốc xâm chiếm và tàn phá các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của nước ta rồi rút về. Ngày 30 Tháng Bẩy năm đó, chính phủ Bắc Kinh đã đưa ra một bản tuyên bố nói về chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dựa trên lá thư của Phạm Văn Ðồng. Nhưng một tuần sau, Bộ Ngoại Giao Hà Nội đã đưa ra những lời tuyên bố phản bác ý kiến đó.

Nhưng từ khi cộng sản Việt Nam chịu quay đầu khuất phục trước cộng sản Trung Quốc trở lại, không bao giờ họ lên tiếng nhắc lại những lời phản bác trên. Tại sao họ lại chọn thái độ im lặng nhu nhược như vậy? Ngay cả trong cuộc họp của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc với quân chủng hải quân Việt Nam gần đây, đã được báo Lao Ðộng ở Hà Nội loan tin, mọi người cũng chỉ nói chung chung về chủ quyền trên các quần đảo và khuyến cáo nên giáo dục thanh thiếu niên Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (một đề nghị của thi sĩ Bùi Minh Quốc) nhưng tất cả vẫn hoàn toàn im lặng không nhắc tới lời giải thích chính thức năm 1979 về lá thư của Phạm Văn Ðồng!

Chỉ có thể nghĩ rằng các lãnh tụ cộng sản Việt Nam đang phải quỵ lụy cộng sản Trung Quốc vì họ đã “há miệng mắc quai.” Giới cầm đầu đảng Cộng Sản Việt Nam bị ràng buộc trong nhiều vấn đề khác, mà vì quyền lợi của đảng, họ phải im lặng. Họ tự bào chữa là đường lối ngoại giao của họ là bên ngoài tỏ vẻ thân thiện, bên trong vận động ngầm có thể hữu hiệu hơn. Nhưng lối tự biện hộ đó chỉ để che giấu một thái độ khuất phục hèn nhát.

Bởi vì khi hai quốc gia có những tranh chấp về lãnh thổ hoặc lãnh hải thì nước nhỏ không thể nào tạo sức ép trên nước lớn nếu chỉ vận động ngầm bên trong. Làm như vậy là mang tính cách xin xỏ, năn nỉ, giống như chịu phận đàn em cúi đầu mong đàn anh thông cảm. Chính quyền nước lớn họ không bao giờ hy sinh quyền lợi của nước họ để thỏa mãn một thứ tình “đồng chí anh em” mà ai cũng biết là giả dối.

Muốn ép chính quyền một nước lớn phải chú ý và tôn trọng quyền lợi của dân tộc mình, thì nước nhỏ phải trông cậy vào sức ép quốc tế. Phải đặt vấn đề quyền lợi của nước mình vào trong khung cảnh quyền lợi chung của tất cả các nước khác, nhất là những nước lớn khác. Phải chứng tỏ đó là một vấn đề quốc tế, cho nên phải làm lớn câu chuyện lên. Ông thủ tướng Mã Lai Á đã làm công việc đó khi ông bay tới thăm những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa mà nước ông coi là của họ.

Cho nên, nhân dịp xẩy ra vụ đụng độ giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ ở vùng Biển Ðông, chính quyền Việt Nam cần phải lên tiếng để xác nhận vùng biển này nằm trong vùng khai thác kinh tế EEZ của Việt Nam. Ðó là một dịp để xác nhận lại chủ quyền của nước ta trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là Hoàng Sa, nơi mà năm 1974 các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu bảo vệ tổ quốc.

Nếu đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ im lặng thì mọi người dân Việt Nam phải lên tiếng, và yêu cầu họ từ bỏ thái độ hèn nhát đó. Mọi người Việt Nam đều có quyền lên tiếng bảo vệ tổ quốc, không thể phó mặc cho một nhóm lãnh tụ cộng sản tự tung tự tác mãi được.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 751 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0