Chủ Nhật, 2024-12-22, 1:28 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 14 » Hi vọng gì ở “Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Nhân quyền” mới được thành lập?
11:38 AM
Hi vọng gì ở “Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Nhân quyền” mới được thành lập?

Phong Uyên

“… Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi không dưng lại tự thú nhận là Trung tâm nghiên cứu này không những chỉ là một cơ quan bày ra pháp luật để đàn áp nhân quyền, mà còn là một công cụ tuyên truyền của Đảng nữa …”

Ngày 11-3-09 vừa rồi phóng viên Quốc Phương ban Việt ngữ đài BBC có làm cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật về Nhân quyền mới được thành lập trong khuôn khổ trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Tiền phí tổn và điều hành trung tâm này được trích ra từ quĩ tài trợ nhiều triệu đô la của chính phủ Đan Mạch để cải tiến quản lí công và hành chính.

Mới thoạt nhìn, những ai quan tâm tới nhân quyền ở Việt Nam đều không thể không cho là thành lập một trung tâm nghiên cứu pháp luật về nhân quyền, Việt Nam đã làm một bước tiến hơn hẳn mọi nước trên thế giới vì ngay ở những nước nổi tiếng là dân chủ cũng chỉ có những tổ chức dân sự phi chính phủ do những cá nhân lập ra để giám sát những vi phạm về nhân quyền phần nhiều đến từ những người nắm quyền thế chứ chưa có một chính phủ nào tự đứng ra làm một trung tâm nghiên cứu về nhân quyền cả.

Nhưng khi phân tích từng chữ một và đọc kỹ bài phỏng vấn, tôi mới hiểu là Trung tâm này có chủ đích không phảỉ là nghiên cứu luật bảo vệ quyền làm người mà nghiên cứu pháp luật về nhân quyền. Ai cũng biết là trong chế độ CSVN, luật dành riêng cho Đảng, người dân chỉ có pháp luật và pháp luật sẽ thẳng tay trừng trị những kẻ "phạm pháp", nghĩa là phạm luật Đảng. Về định nghĩa "Nhân quyền" Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi đã nói rất rõ: "... không có con người chung, mà là những con người cụ thể ở nước này nước kia... có những giá trị, tiêu chí văn hoá phù hợp với hoàn cảnh đó". Theo đúng định nghĩa này "con người Việt Nam" không phải là "con người chung" của nhân loại, tất nhiên không thể đòi hỏi những luật bảo vệ nhân quyền chỉ dành cho "con người chung". Đòi hỏi những quyền đó là ra ngoài những giá trị, tiêu chí của Đảng đã đề ra và rõ ràng là có ý vi phạm "pháp luật". Con người Việt Nam không giá trị bằng con người chú Chệt trong bảng cấm chó ở một công viên dành cho người Âu Mỹ thế kỷ thứ 19!

Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi không dưng lại tự thú nhận là Trung tâm nghiên cứu này không những chỉ là một cơ quan bày ra pháp luật để đàn áp nhân quyền, mà còn là một công cụ tuyên truyền của Đảng nữa khi nói: "Vì chủ trương chính sách Đảng và Nhà nước công khai hướng tới phát triển toàn diện con người không chỉ ở nhân quyền mà còn nhiều thứ khác nữa..." .

Tôi cũng hơi nghi ngờ không biết ông Đỗ Minh Khôi thuộc về loại tiến sĩ nào khi nói bóng gió về chuyện luật sư Lê Trần Luật đi gặp thân chủ bị làm khó dễ: "Còn trên thực tế tôi chưa rõ là chuyện hạn chế đó xuất phát từ nhân quyền hay từ việc anh ta vi phạm một chuyện nào đó... có những chuyện luật sư vi phạm pháp luật như trốn thuế". Chỉ có công an mới có cái ngụy biện theo kiểu: "Có một luật sư trốn thuế. Ông Lê Trần Luật là một luật sư. Ông Lê Trần Luật trốn thuế". Lại còn tệ hại hơn công an nữa khi ông Khôi có ý coi những ai dám trái ý Đảng đều thuộc cùng một thành phần: Nhà báo Điếu Cày bị kết tội trốn thuế đâu có phải là luật sư mà lại dính ông Lê Trần Luật vào?

Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi còn đả kích những chính thể đại nghị như Anh và Nhật là không có dân chủ: "Ở Anh cũng vậy... và cũng một đảng nắm trong tay quyền lực mấy chục năm trời... có dân chủ hay không?". Tuyên bố như vậy với một đài đứng đầu thế giới về tự do ngôn luận, của một nước có nền dân chủ lâu nhất thế giới, thì thật là điếc không sợ súng; không sợ người ta chê cười cái kém hiểu biết của mình. Không có lẽ ông Khôi không biết là những Đảng cầm quyền các nước đó phải cứ 5 năm ra trước cử tri một lần. Nếu liên minh của mình được đa số (nghĩa là 50,1% chứ không phải 99%) mới được nắm lại quyền hành pháp và chỉ quyền hành pháp. Bao giờ ĐCSVN dám bỏ " Đảng cử dân bầu", bỏ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí", tách Đảng ra khỏi Nhà nước, Đảng chỉ giữ quyền hành pháp và nhà nước chỉ lo về hành chánh, thì đã phúc 70 đời cho Việt Nam rồi. Người dân Việt không những sẽ hoan hô Đảng mà còn có thể tiếp tục giao quyền hành pháp cho Đảng 100 năm nữa nếu Đảng vẫn tiếp tục được tín nhiệm khi có bầu cử tự do.

Tôi cũng biết các vị tiến sĩ trong Ban Tư duy Đảng rất giỏi về trò chơi chữ. Vẫn "chữ nghĩa" như mọi người nhưng chỉ cần thêm cái đuôi là chữ đổi nghĩa liền: Cộng hoà Xã hội thêm cái đuôi "chủ nghĩa". Kinh tế thị trường thêm cái đuôi "định hướng"... Nay muốn làm một trung tâm đàn áp nhân quyền chỉ cần thêm cái đuôi "pháp luật" là người bản xứ hiểu liền. Tiếng Âu tây đâu có chữ thừa nhưng nghĩa rộng như tiếng Việt: Trung tâm nghiên cứu (pháp luật) về nhân quyền chỉ cần được dịch là " Centre d'étude des droits de l'homme " là người Đan Mạch vui vẻ ứng tiền ra liền, đâu có biết rằng tiền đó lại vẫn chạy thẳng vào túi các quan chức Đảng để tiếp tục đàn áp người dân dám đòi quyền sống của mình.

Phong Uyên

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 754 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0