Chủ Nhật, 2024-12-22, 1:07 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 14 » Người dân Tây Nguyên với dự án khai thác bauxite
10:30 PM
Người dân Tây Nguyên với dự án khai thác bauxite

Võ Ngọc Cang


Nhà người Tày ở Tây Nguyên

Chính quyền Việt Nam đang dọn đường thành lập nhà nước Đega?

Những tháng ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nói và viết rất nhiều về dự án khai thác bauxite tại huyện Đăk Nông trên Tây Nguyên theo ‘chủ trương lớn’ của nhà nước Việt Nam. Nhiều bài viết khi đọc tưởng chừng như tác giả đang chấm nước mắt của mình để viết thay vì chấm mực. Những bài khác bộc lộ sự lo lắng trong thất vọng như một lời kêu cứu giữa sa mạc. Lợi nhuận đem lại do khai thác nguồn khoáng sản trên mặt đất và những hậu quả tai hại sau khi khai thác đã được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia phân tích cặn kẽ và được đưa lên bàn cân xem xét một cách tỷ mỷ. Tuy thế, cho đến giờ phút này người ta vẫn chưa nghe tiếng nói của chủ nhân vùng đất sẽ được khai phá, những người con của núi rừng Tây Nguyên. Khi nào họ sẽ lên tiếng?

Đất có Thổ công, sông có Hà bá

Vùng đất núi rừng trùng điệp nằm dọc theo dãy Trường Sơn trải dài trên ba cao nguyên Pleiku, Daklak, Lâm Đồng là nơi cư trú từ rất lâu đời của nhiều cộng đồng tộc người thuộc hai dòng ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Tuy khác nhau về tiếng nói, phong tục nhưng tất cả khối cộng đồng này đã cùng chia sẻ với nhau những thăng trầm lịch sử của vùng đất nơi cha ông họ đã từng sống và chiến đấu.

Trải dài hơn hai trăm năm đầu thế kỷ 12, Tây Nguyên là vùng đệm giữa sự tranh chấp quyết liệt của hai vương triều Chàm và Khmer. Người Khmer tìm mọi nỗ lực để liên kết gắn bó với các cư dân bản địa trên Tây Nguyên với ý muốn mượn nơi này làm bàn đạp để đưa quân đánh người Chàm và để ngăn cản người Chàm đưa quân tấn công họ. Người Chàm không chịu lép vế, đã đưa người lên vùng núi cao ấn giữ bảo vệ đế chế, họ đã xây dựng những tháp Chàm rải rác khắp nơi từ Pleiku đến vùng trũng nơi nối tiếp của hai con sông Ayun và Apa. Phản ứng của người bản địa là sự im lặng, tránh né. Im lặng không phải hoàn toàn có nghĩa là đồng ý hay sợ hãi. Sự im lặng vốn là bản tính cá biệt của người Tây Nguyên. Gặp sự khó khăn, gặp điều không vừa ý họ luôn im lặng, khép kín và tự tìm giải pháp. Khi có sự đồng thuận chung trong gia đình, với cộng động họ sẽ phản ứng. Thường sự phản ứng rất mạnh mẽ và quyết liệt. Với tổ chức xã hội ngày xưa làng là một cơ chế độc lập tự cung tự quản. Giữa các làng không có liên hệ hành chánh, kinh tế, tín ngưỡng. Nếu có chỉ là những quan hệ gia đình hình thành qua hôn nhân, kết nghĩa cha con hay làng này tách ra từ làng kia. Trong hoàn cảnh đơn lẻ yếu đuối ấy, để khỏi bị diệt vong chỉ còn cách chọn lựa duy nhất là im lặng để tồn tại.

Trong suốt thời kỳ đô hộ Việt Nam, người Pháp cũng đã cố gắng khám phá vùng đất huyền bí này. Nhiều nhà khoa học được giao nhiệm vụ khảo sát để vẽ bản đồ, quy hoạch từng vùng nhằm tạo thông thương về phía Bắc, cạnh tranh với người Anh, sau đó từng bước chính thức tách rời các tỉnh Kontum, Gialai ngày nay khỏi hệ thống hành chính của Lào để sát nhập vào lãnh thổ Việt nam với tên gọi là ‘Pays Montagnard du Sud Indochinois’ (PMSI). Những nét vẽ ngoằn ngoèo trên giấy thời ấy sau này đã biến đổi hoàn toàn số phận Tây Nguyên và cư dân bản địa: họ được gọi là công dân của nước Việt Nam. Họa hay là Phúc ?

Trong suốt thời kỳ Tây Nguyên đặt dưới sự cai trị của người Pháp, một số người bản địa có điều kiện đi học đã thấy rằng ngoài núi rừng Tây Nguyên còn có nhiều dân tộc khác trên thế giới, và hiểu rằng con người có quyền được nói, được tự do tín ngưỡng cùng nhiều quyền về chính trị và dân sự khác.


Chăn bò trên vùng Tây Nguyên

Sau khi lên nắm chính quyền, tổng thống Ngô Đình Diệm đã áp dụng chiến thuật Việt nam hóa các cư dân từ lâu sống tách biệt riêng lẻ, khó kiểm soát và hơn nữa lại được Pháp và vua Bảo Đại ký kết vùng đất này thuộc nhà vua ‘hoàng triều cương thổ’. Lần này cộng đồng người Thượng với sự lãnh đạo của những người có học thức được đào tạo trong các trường Pháp đã đấu tranh quyết liệt hơn với những tổ chức vũ trang, khôn khéo hơn trong ngoại giao và đã đưa vấn đề Tây Nguyên trở thành khó xử cho chế độ. Kết quả của những lần đấu tranh cam go, tù đày, chết chóc là những văn phòng đại diện đầu tiên của người Thượng được hình thành, người Thượng có đại diện trong quốc hội, những tù nhân người Thượng trước đây bị giam tù nay được thả ra. Cùng trong thời gian này chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã tổ chức những đợt di dân lên Tây Nguyên thành lập những khu dinh điền rải rác khắp núi rừng từ Kontum đến Đồng Nai. Sự xâm nhập của người Kinh vào thời điểm này chưa đông và nhiều để cán cân dân số nghiêng về phía họ. Người Thượng chưa cảm thấy bực bội gò bó ngược lại sự cộng sinh sống gần gũi bên nhau đã giúp rất nhiều cho cộng đồng các cư dân bản địa học thêm nhiều kinh nghiệm trong canh tác nương rẫy, chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ và một số ít trẻ em được đi học.

Chính quyền cộng sản sau năm 1975, với đội ngũ cán bộ dốt nát nhưng tàn bạo, đã đảo lộn mọi trật tự xã hội truyền thống trên Tây Nguyên. Họ gièm pha chỉ trích phong tục tập quán đặc thù của các cộng đồng dân bản địa theo cảm tính cá nhân. Dùng quyền lực ra lệnh không được cử hành những nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Họ và chính quyền không biết rằng niềm tin về một sức mạnh siêu nhiên vô hình là trung tâm của mọi sinh hoạt đời sống đời thường của người dân bản địa. Sự cấm đoán tin và thực hành nghi thức tín ngưỡng truyền thống là một ngăn cấm quá sức chịu đựng của người dân bản địa, sự kiện đã thúc đẩy người dân miền núi tìm tin vào một sức mạnh siêu nhiên khác. Họ đã ồ ạt theo đạo Công giáo và đạo Tin lành. Trong sinh hoạt của những tôn giáo này, người Thượng cảm thấy mình còn có một chỗ đứng và cảm thấy mình còn là con người, bình đẳng với mọi người khác, trong đó có người Mỹ, Pháp trước mặt đấng họ tin.

Với chương trình kinh tế mới những năm 1978, dân ở các tỉnh phía Bắc đã ồ ạt tràn vào Tây Nguyên như một cơn sóng thần. Trên bước đường đi họ xóa sạch những vết tích của cư dân bản địa đã sống tại chỗ từ nhiều ngàn năm. Những xã thôn người Kinh mọc lên như nấm sau cơn mưa chia cắt các buôn làng vốn đã xa nay càng xa hơn. Những nghi thức cúng tế thần linh, phong tục truyền thống của cư dân bản địa bị dòm ngó, chê bai đã kích, khinh miệt. Người Tây Nguyên cảm thấy chật chội, khó chịu với sức ép mới, và đã từng bước dời làng ra xa hơn những nơi người Kinh chiếm đóng.

Ngày nay nhờ vào mạng lưới thông tin, phương tiện giao thông, trao đổi buôn bán, thế hệ mới của người Thượng không còn tránh né, sợ hãi, im lặng trong vỏ bọc của làng mình như trước. Ranh giới làng đã thay đổi, quan niệm về tổ chức xã hội trưởng thành hơn. Sự giao lưu qua lại giữa các cộng đồng khác biệt ngôn ngữ ngày càng dâng cao, những liên hệ gia đình qua hôn nhân giữa các cộng đồng phát triển. Nói chung, ngày nay ranh giới làng đã biến đi nhường chỗ cho một khái niệm chung là Người Tây Nguyên bao trùm tất cả các cộng đồng sống trên các cao nguyên miền Trung Việt Nam. Khái niệm mới này là kết quả của sự trưởng thành từng bước trong nhận thức của lớp người mới được đi học và được cọ sát với sinh hoạt thế giới qua truyền thông và truyền hình. Người Thượng đã biết mình có quyền được sống an lành. Có quyền tự do tin một tín ngưỡng và có quyền đòi hỏi và nói lên khi bị ức chế. Sự kiện hàng ngàn người Thượng khắp các tỉnh trên Cao Nguyên ôn hòa xuống đường những năm 2001 và 2004 đã minh chứng rỏ điều đó. Chính quyền Việt Nam thay vì đối thoại để giải quyết những đòi hỏi và nguyện vọng của cư dân bản địa, họ đã dùng bàn tay sắt đập tan cuộc biểu tình bằng nhiều hình thức. Sau đó bố ráp, truy lùng bắt bớ số người bị tình nghi là cầm đầu xách động. Kết quả hơn 1000 người Thượng đã chạy trốn sang Cam-Bốt và được định cư ở Mỹ. Người Thượng lại im lặng. Một sự im lặng đáng sợ.

Máu và nước mắt

Qua những tin tức trên các phương tiện truyền thông, chính quyền Việt Nam đã đồng ý cho người Trung Quốc đến khai thác mỏ bauxite ở huyện Đăk Nông như là một chủ trương lớn của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Sự có mặt của người Trung Quốc trên tây Nguyên thật sự chỉ để khai thác quặng mỏ hay sau lưng còn giấu giếm một mưu mô thâm độc nào khác?

Trong hơn 30 năm qua, đám nô bộc của đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảng giao: dập tắt mọi ý kiến, hành vi không có lợi cho đảng. Kết quả việc làm của đám này đã xua đẩy người dân Việt Nam qua bên kia trận tuyến của oán thù và đối kháng. Đa số gia đình nào của người Thượng cũng là nạn nhân của sự đàn áp, cướp đất, bất công. Sự uất ức như hơi nóng cao độ bị dồn nén trong một phòng kín, ngày nào đó chỉ cần một khe hở để không khí lọt vào, hơi nóng vô hình kia sẽ biến thành ngọn lửa thiêu cháy mọi vật từ trước đến nay đã cản trở dồn ép nó. Người Thượng đã mất trắng tay. Họ đang trông chờ một bàn tay đưa ra để nắm chặt lấy như một chiếc phao cứu sinh. Sự kết hợp thỏa hiệp với Trung Quốc, Cam-Bốt, Lào hay bất cứ quốc gia nào khác với họ chỉ là một nếu những đối tác này giúp họ được sống, được tự do thở như họ đã sống trước kia. Quan niệm về người Trung Quốc của người Thượng khác với người Kinh, họ chưa bao giờ bị đế quốc này lấn chiếm, đàn áp, tru diệt. Với họ người Trung Quốc cũng như người Thái lan, người Cam-bốt. Nếu người Trung Quốc đứng sau lưng vịn vai, trao vũ khí, giúp đỡ phương tiện cho người Thượng đứng lên đòi tự trị chắc chắn Tây Nguyên sẽ ngập chìm trong máu và nước mắt. Sự căm thù và bản tính của người dân sống trong núi rừng, luôn chấp nhận chân lý mạnh được yếu thua sẽ giúp họ bắn nhiều hơn, bắn nhanh hơn.

Phía Bắc quân đội Trung Quốc đang hăm he, ngoài biển khơi hải quân của họ cũng đã sẵn sàng và được trang bị vũ khí hiện đại tối tân để lấy cho được Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam sẽ nằm trong thế ba bên thọ địch khi ấy Trung Quốc có biểu ký nhượng tòa nhà quốc hội chắc Việt Nam cũng phải ký.

Chính quyền nhà nước Việt Nam phải sáng suốt trong quyết định chấp nhận cho người Trung Quốc đặt chân cư trú hợp pháp trên lưng của mình qua dự án khai thác quặng mỏ bauxite trên Tây Nguyên. Đồng thời phải hòa hợp hòa giải với cộng đồng người Thượng. Thả tất cả số tù nhân lương tâm về với gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi cho người Thượng hội nhập vào sinh hoạt xã hội và chính trị. Họ sẽ yên tâm hơn khi có một văn phòng đại diện thật sự, do chính người Thượng đề cử người đứng ra thay mặt họ đệ trình cho nhà nước những oan khuất, những nguyện vọng của họ. Ai sẽ là chiếc phao để người Thượng chụp bắt: Việt Nam hay Trung Quốc?

Võ Ngọc Cang
Nguồn: VietCatholic News
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 922 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0