Thứ Hai, 2025-01-20, 8:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 15 » Biển Đông nhìn từ phía Trung Quốc
6:18 AM
Biển Đông nhìn từ phía Trung Quốc


Khu trục hạm Thanh Đảo của Trung Quốc

Khu trục hạm Thanh Đảo của Trung Quốc trong một chuyến thăm Úc tháng 5/1998

Vụ va chạm ngoài biển gần đảo Hải Nam hôm Tám tháng Ba vừa qua đã tiếp tục là đề tài quốc tế quan tâm, đặc biệt là sau khi Tổng thống Barack Obama ra lệnh cho chiến hạm Mỹ vào khu vực này để trợ giúp các hoạt động thăm dò của Hoa Kỳ.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ hành xử ra sao và vụ gây hấn với tàu The Impeccable vừa qua là một đột biến trong chính sách biển của Bắc Kinh hay chỉ là một chiến thuật thăm dò.

Nhà phân tích về Trung Quốc của BBC World Service, ông Shirong Chen (Trần Thời Vinh) trả lời phỏng vấn BBC Việt Ngữ rằng cần nhìn biển Nam Trung Hoa trong toàn cảnh quan hệ của Bắc Kinh và các nước láng giềng:

Shirong Chen (SC): Trước hết Trung Quốc đang tập trung vào vùng biển phía đông mà nước này có tranh chấp các nước trong đó có cả Nam Hàn và Nhật Bản, thứ hai, nước này cũng chú ý đến vùng biển Nam Trung Hoa ở phía Đông Nam. Những gì Trung Quốc nhận là của mình nằm sâu vào vùng kinh tế của các nước láng giềng vì vậy dù thế nào các nước cũng có những tranh chấp. Nhìn chung, người Trung Quốc cho rằng các hoạt động quân sự của Mỹ đã diễn ra nhiều thập kỷ nay. Còn nhớ cách đây tám năm, vào ngày Một tháng Tư, một máy bay do thám của Mỹ đã đâm phải một chiến đấu cơ của Trung Quốc và buộc phải hạ cánh. Vậy vụ va chạm lần này không phải là điều mới mẻ. Điều đáng nói là khả năng quân sự của Trung Quốc rõ ràng đã lớn mạnh cùng khả năng kinh tế và giờ nước này có quyền nghĩ đến đòi chủ quyền. Hơn thế nữa, bên trong Trung Quốc có nhiều người tin rằng: "chúng ta đứng thứ ba thế giới về kinh tế mà không đòi được chủ quyền cho chính mình". Vậy đây là điều mà Trung Quốc sẽ muốn giải quyết.

BBC: Thế còn chiến lược của Trung Quốc thì sao? Liệu vụ việc ngày Tám tháng Ba năm nay có thể hiện chiến lược mới của nước này trong việc đưa tàu hải quân ra cản trở tàu do thám của Mỹ?

Shirong Chen

̀̀

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có va chạm về hải quân với nước ngoài

Shirong Chen, phân tích gia của BBC

SC: Tôi không nghĩ đây là lần đầu. Đây có thể là vụ đầu tiên được đưa tin trong năm nay nhưng hẳn nó sẽ còn diễn ra nữa. Theo các nguồn tin, một tàu đánh cá đã tiến quá gần tới tàu do thám của Mỹ đến mức phía Mỹ phải ra cảnh báo. Nhưng vào lúc này Trung Quốc làm được gì? Họ sẽ không thể mang tàu ra tấn công vì khu vực đó còn đang tranh chấp và Mỹ có thể nói rằng đây là vùng biển quốc tế cho dù Trung Quốc tự nhận đó là vùng biển của mình. Trung Quốc không muốn công khai có xung đột với Mỹ, vì vậy bất kỳ vụ việc có tính quân sự nào diễn ra trong khu vực này sẽ bất lợi cho nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

BBC: Quay sang những gì Trung Quốc và Việt Nam tự nhận là của mình trên vùng biển này. Như ông biết các bên liên quan phải trình lên Liên Hiệp Quốc trước ngày 13 tháng Năm, chúng tôi biết rằng Philippines đã trình, Việt Nam có khi đang suy nghĩ, thế còn với Trung Quốc điều này có ý nghĩa gì không?

SC: Về một mặt nào đó, đây là điều có thể làm Trung Quốc lo lắng. Nước này biết rằng Philippines kiểm soát vùng biển qua một số hòn đảo, tàu đánh cá và ngư dân Trung Quốc đã từng bị Philippines giam giữ trong thời gian dài. Trung Quốc biết rằng Việt Nam kiểm soát hầu hết các hòn đảo thuộc vùng biển Nam Trung Hoa, và mặc dù Trung Quốc đã giải quyết những tranh chấp về biên giới với Việt Nam sau cuộc chiến tranh biên giới cách đây 30 năm, biển Nam Trung Hoa vẫn có nhiều vấn đề. Mặt khác, Trung Quốc đang thực hiện "chính sách người láng giềng thân thiện" nên sẽ không muốn tham gia vào bất kỳ tranh chấp trực tiếp nào với các nước láng giềng trong đó có Nga ở phía Bắc, Ấn Độ ở phía Tây, Việt Nam ở phía Nam và Nhật Bản ở phía Đông.

BBC: Vậy điều này thể hiện chính sách hữu hảo của Trung Quốc?

SC: Đúng vậy. Trung Quốc không thể cho phép mình có bất kỳ tranh chấp quân sự nào vào lúc này.

BBC: Nhưng Trung Quốc cũng có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc hoặc bất kỳ nỗ lực nào thông qua diễn đàn Liên Hiệp Quốc để bàn về tranh chấp với Philippines, Việt Nam hay Malaysia?

USS Stennis

Hàng không mẫu hạm USS Stennis của Hoa Kỳ hoạt động ở Thái Bình Dương

SC: Chúng ta đang nói về một chủ đề rất lý thú. Kể cả nếu Trung Quốc có cơ sở trong việc đòi chủ quyền vùng biển Đông, khu vực này quá gần với vùng kinh tế của các nước láng giềng đến mức các nước này đều có quyền kiểm soát. Hải quân Trung Quốc không đủ mạnh để đặt tàu hoặc trạm kiểm soát tại đây. Tuy nhiên, để đối phó, họ đã trang bị máy nhắn tin tầm xa cho tàu đánh cá để có thể được thông báo ngay khi có điều gì xảy ra với những con tàu này, chẳng hạn như khi tàu hải quân của Philippines hoặc Việt Nam tiến tới gần.

BBC: Như vậy đây chẳng qua là việc dùng tàu đánh cá cải trang vào các mục đích quân sự hoặc bán quân sự? Một số nguồn tin cho rằng vụ việc tuần trước liên quan đến tàu đánh cá chứ không phải tàu quân sự Trung Quốc. Nhưng có lẽ các ngư dân cũng biết được vai trò của mình?

SC: Họ biết họ đang làm gì và có lẽ họ được hậu thuẫn từ đảo Hải Nam. Chúng ta có thể nghĩ rằng có sự phối hợp giữa hai con tàu nhưng tôi không tin vào điều này, bởi họ biết rằng đây là vùng biển tranh chấp và tàu đánh cá Trung Quốc đã được cảnh báo phải tránh xa khu vực tranh chấp. Một điều đáng nói nữa là nếu Trung Quốc không đủ sức đòi chủ quyền thì có người cho rằng: "chúng ta muốn thực hiện chính sách hữu hảo, ta không tự bảo vệ được vùng biển của mình, ta đã có quá nhiều tranh chấp với các nước láng giềng, vậy thì tại sao ta không thay đổi sách lược nhỉ?". Trên thực tế đây là sách lược mà bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã chọn. Theo tôi nếu các nước láng giềng cũng đồng thuận thì đây sẽ là giải pháp trong tương lai. Trung Quốc đã thỏa thuận với Nhật Bản trong việc chia sẻ việc phát triển khu vực cũng như những nguồn khí đốt trong khu vực biển phía đông của Trung Quốc. Tôi được biết Trung Quốc cũng đã có đề xuất tương tự với chính phủ Việt Nam về một số hòn đảo thuộc khu vực biển Nam Trung Hoa mặc dù nước này cũng lớn tiếng cảnh báo các công ty nước ngoài muốn cùng Việt Nam khai thác dầu khí trong khu vực.

Category: Chính trị | Views: 683 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0