Phạm Ðình Trọng
Tôi viết THƯ NGỎ CỦA MỘT CON DÂN NƯỚC VIỆT GỬI THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ trong tâm trạng bất an và sự thôi thúc không thể không viết. Lòng yêu nước và trách nhiệm công dân thôi thúc tôi.
Thật đáng buồn là cả hai nơi tôi chính thức gửi Bức thư ngỏ bằng văn
bản theo đường chuyển phát nhanh của bưu điện là Thủ tướng Chính phủ và
Chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam thì đến nay, gần hai tuần đã qua vẫn im
lặng! Hòan toàn im lặng!
Ba ngày sau gửi Bức thư ngỏ theo đường chuyển phát nhanh lên Thủ tướng,
tôi mới gửi Bức thư đó theo đường email cho một trang báo mạng và ba
trang website. Lại thêm một nỗi buồn nữa là trang website của hội Nhà
Văn Việt Nam, vanvn.net, nhận được bức thư đó cũng im lặng! Lại hòan
tòan im lặng!
Thật may là Bức thư viết bằng năm tháng cuộc đời chiến đấu của tôi cho
Tổ quốc, viết bằng dòng máu Lạc Hồng trong tim tôi, viết bằng mồ hôi,
máu và nước mắt của đồng đội và nhân dân tôi đã được một tờ báo mạng
nổi tiếng thế giới và hai trang website của hai nhà văn bầu bạn thân
thiết của tôi, một ở Hà Nội, trang website trannhuong.com và một ở
thành phố Hồ Chí Minh, trang website daohieu.com nhanh chóng đưa lên
mạng tòan cầu. Lập tức, Bức thư ngỏ được nhiều trang báo mạng, nhiều
trang web và blog cá nhân tải về.
Cũng lập tức điện thọai của tôi suốt hơn tuần qua liên tiếp nhận được
hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn, bộc lộ nỗi xúc động, tán thành, chia sẻ
với vấn đề Bức thư ngỏ đề cập. Có người gọi điện giọng còn nghèn nghẹn,
run lên vì xúc động! Có người không tin rằng bức thư do một người có
thật viết nên gọi điện kiểm tra! Có người sửng sốt không ngờ sự thật
đáng buồn đến thế! Có người lo ngại cảnh báo cho tôi biết những rắc rối
có thể xảy ra, nhắc tôi rằng cả điện thọai cũng có thể bị vào black
list, tất cả voice, message đều bị ghi lại, theo dõi! Rất nhiều người
động viên tôi bằng sự khẳng định sẽ đứng bên tôi. Có người là bạn lính
từ thời chiến tranh. Có người là bạn văn quen biết thân thiết từ vài
chục năm nay. Có người tôi chưa biết mặt, biết tên, chưa hề được gặp.
Có cụ ông ngòai tám mươi tuổi, là bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống
Pháp. Có chị là nội trợ ở Nam Định. Có rất nhiều bạn trẻ đang còn đi
học. Người từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam
Định, Hà Nam, Khánh Hòa, Cần Thơ, Cà Mau. Có cả những người từ những
nơi xa xôi trên thế giới, Mĩ, Anh, Pháp, Úc . . . Tất cả đều nồng nhiệt
đồng cảm, ủng hộ, tán thành Bức thư ngỏ.
Tôi chân thành cảm ơn sự đồng cảm chia sẻ nồng nhiệt, cao quí đó. Đặc
biệt tôi chân thành cảm ơn nhà văn Trần Hòai Dương, đã chia sẻ với tôi
nhiều trăn trở, đã khích lệ tôi rất nhiều. Cảm ơn cháu Trần Lê Quỳnh ở
đài BBC Luân đôn, Cảm ơn nhà văn Trần Nhương ở Hà Nội, nhà văn Đào Hiếu
ở thành phố Hồ Chí Minh đã mau lẹ đưa Bức thư ngỏ lên mạng. Nhà văn
Trần Nhương còn có bài viết rất xúc động “Nước mắt rơi trên bàn phím”,
ghi lại tình cảm các nhà văn dành cho Bức thư ngỏ. Cảm ơn các báo điện
tử, các trang web, blog cá nhân, cảm ơn nhà văn Dương Hướng ở Quảng
Ninh, nhà văn Lưu Quốc Hòa ở Hà Nam, họa sĩ, nhà phê bình mĩ thuật Đặng
Trường Lưu và tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, kĩ sư Nguyễn Đức Tỏan ở Hà
Nội đã có nhiều hình thức nhân bản Bức thư ngỏ. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo, nhà thơ Trần Quốc Minh, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã có sáng
tác kịp thời đồng cảm với Bức thư ngỏ. Cảm ơn nhà văn Hòang Minh Tường,
nhà văn Dương Duy Ngữ, nhà văn Tô Đức Chiêu, nhà văn Thái Bá Tân, nhà
văn Nhật Tuấn, nhà thơ Thái Thăng Long, nhà văn Nguyễn Quang Thân, nhà
văn Nguyễn Khắc Trường, nhà văn Trần Huy Quang, họa sĩ Phạm Việt, nhà
báo Lê Phú Khải, nhà văn Đắc Trung, nhà giáo Nguyễn Thượng Long . . .
và rất nhiều người tôi chưa kịp biết tên, chỉ có số điện thọai lưu
trong điện thọai di động của tôi. Sự đồng cảm chia sẻ đó chính là sự
lên tiếng của lòng yêu nước, của ý thức dân tộc.
Đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết trong bài thơ “Gửi bạn đồng
môn Phạm Đình Trọng”: Tưởng câm hết rồi không nói được – Bỗng từ tim óc
phọt lên lời – Chuông vàng cất kín chăng tơ nhện – Trọng đã gõ rền
tiếng “Nước ơi!”. Tôi chỉ là người gõ quả chuông vàng yêu nước trong
đáy lòng tôi và được sự cộng hưởng từ những quả chuông vàng khác.
Những ngày chiến tranh khốc liệt. Nửa triệu quân Mĩ đổ vào miền Nam
nước ta. Trên trời bom B52 rơi như vãi mạ. Dưới đất dồn dập những cuộc
hành quân “Tìm – Diệt” của những sư đòan quân Mĩ. Quân Mĩ rải kín đất
Quảng Trị. Xe tăng Mĩ bò kín đất Bình Dương. Quân Nam Hàn càn quét dọc
dải đất khu Năm. Trực thăng bay rợp trời đổ quân xuống Plây Me, Ia
Đrăng. Sau cuộc đảo chính của Non Lon lật đổ Xi ha nuc ngày 18. 3. 1970
ở Phnôm pênh, con đường hậu cần tiếp tế cho Tây Nguyên qua ngả
Campuchia bị cắt. Có đợt lính Tây Nguyên chúng tôi cả tuần không có một
hạt gạo. Rồi những ngày Hà Nội bị đánh bom. Ở Tây Nguyên, chiếc máy thu
thanh bán dẫn Orionton của tôi đang nghe bản tin thời sự của đài Tiếng
nói Việt Nam bỗng câm bặt, không còn sóng nữa! Những ngày nguy nan đó,
vàng mắt vì đói, trọc đầu vì sốt rét, mù trời bom đạn nhưng tôi vẫn
bình tâm, vững tin vào ngày chiến thắng. Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ
xâm lược thật sự là ý chí sắt đá từ trên xuống dưới. Vì thế mà tin! Vì
thế mà trong lòng bình an!
Nhưng những năm tháng hòa bình vừa qua lại có quá nhiều điều làm cho
tôi thấy bất an! Có quá nhiều điều nói vậy mà không phải vậy! Có quá
nhiều ngôn từ mang nội hàm tốt đẹp bỗng trở thành trống rỗng! Hành xử ở
vĩ mô làm cho tôi thấy không thể vô tâm gửi lòng tin được nữa! Cả đến
gia bảo thiêng liêng cũng bị mang ra đổi chác thì làm sao còn có thể
gửi lòng tin! Đất đai lãnh thổ là gia bảo của tổ tiên để lại cũng bị
mất mát, vơi hụt, còn nỗi đau, nỗi thất vọng nào lớn hơn!
Hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh
bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Kỉ niệm tròn ba mươi năm cuộc
chiến tranh đẫm máu để bảo vệ bờ cõi mà cả hệ thống truyền thông khổng
lồ của nhà nước không có một lời tri ân những người đã ngã xuống! Vì
sao vậy? Chỉ có thể giải thích rằng chúng ta không dám nhắc đến cuộc
chiến tranh oan nghiệt đó vì sợ làm phật lòng nước lớn đã động binh gây
nên cuộc chiến! Sợ đến nỗi trong một tập truyện mỏng của nhà xuất bản
cấp địa phương Đà Nẵng vừa in xong có một truyện ngắn viết về cuộc
chiến tranh đó: “. . . ở chiến trường này tôi còn thấy rõ người dân hai
bên biên giới liền một khúc ruột, chung một tiếng nói mà sao lại phải
tàn sát lẫn nhau khủng khiếp như vậy, hở giời . . . Ai đó ở tận xa thăm
thẳm xua lính và dân binh sang bên này cướp hiếp, đốt sạch, phá sạch,
chứ người Mông, người Dao bên ấy cũng chỉ như đàn cừu, bày ngựa bị lùa
đi, họ nào có muốn!” Truyện ngắn dám phê phán cuộc chiến là vô lí, oan
nghiệt nên tập truyện chưa kịp phát hành đã bị thu hồi! Trong khi quân
triều đình bên kia biên giới tràn sang tàn sát dân ta rồi họ trở về
viết sách, làm phim ca ngợi sự tàn sát đó thì nhà xuất bản cấp quốc gia
của ta dịch và in cuốn sách đó phát hành ra cả nước cho dân ta đọc! Thế
là độc lập dân tộc của ta cũng mất rồi!
Người của nước lớn phương Bắc kia lừng lững vào khai thác bô xít ở Tây
Nguyên nước ta, bỏ qua ý nguyện dân ta, bỏ qua lợi ích quốc gia của ta,
bỏ qua cả trình tự thủ tục pháp lí của nhà nước ta! Thế là độc lập dân
tộc của ta đã mất thật rồi!
Nỗi đau mất đất đai, nỗi nhục mất độc lập dân tộc thôi thúc tôi phải
viết và tôi chân thành cảm ơn những tấm lòng đồng cảm chia sẻ với tôi.
Phạm Ðình Trọng Nguồn: Lề Bên Trái
|