Thứ Ba, 2024-11-05, 8:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 15 » Thấy gì sau dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên?
7:23 PM
Thấy gì sau dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên?


Nguyễn Văn Huy

“...Tây Nguyên hiện nay vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm, vì cộng đồng người Thượng tại đây chưa hoàn toàn hội nhập vào xã hội Việt Nam. Bắc Kinh có thể sử dụng cộng đồng này như một áp lực đối với Việt Nam nếu những yêu sách không được toại nguyện. Từ đây Việt Nam sẽ mất quyền làm chủ địa bàn chiến lược Tây Nguyên mà các cấp lãnh đạo cộng sản trước kia đã cố gắng gìn giữ trong suốt hai cuộc chiến Đông Dương...”

Chưa bao giờ việc một dự án khai thác quặng mỏ tại Việt Nam được dư luận trong và ngoài nước chú ý theo dõi như hiện nay.

Nguyên do của sự chú ý này xuất phát từ Thông báo số 17/TB-VPCP của văn phòng chính phủ ký ngày 13-1-2009 yêu cầu ("chỉ đạo") các phương tiện truyền thông trong nước không đưa tin về ảnh hưởng môi trường trong việc khai thác quặng bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm tại các tỉnh trên Tây Nguyên.

Cái gì đã xảy ra? Tại sao ngăn chặn thông tin về việc khai thác quặng bauxite? Đó là những dấu hỏi lớn cho đến nay chưa có một giải thích rõ ràng từ phía chính quyền.

Một quyết tâm đầy nghi vấn

Khi còn nắm giữ độc quyền cai trị trên Tây Nguyên từ cuối thế kỷ 19 đến 1954, công việc đầu tiên của chế độ thực dân Pháp là xây dựng đường sá để dò tìm và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tại đây họ đã khám phá ra rất nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng không quặng nào được khai thác vì lợi ích kinh tế không cao: mỏ vàng Bồng Miêu, mỏ than Nông Sơn, quặng nhôm (bauxite) ở Đắc Lắc, sắt ở Kontum và Bassac (Nam Lào). Cuối cùng họ dồn mọi nỗ lực vào việc lập đồn điền trồng cây công nghiệp: trà, cà phê và cao su. Ngành chăn nuôi không hề được quan tâm vì một lý do giản dị: Tây Nguyên thiếu nước.

Cũng nên biết, nhôm là một kim loại được ưa chuộng nhất trong việc sản xuất vũ khí, vì những đặc tính nhẹ, rắn chắc và không rỉ sét. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960-1975), Hoa Kỳ, một quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, không thể bỏ qua cơ hội khai thác một tài nguyên quốc phòng đáng kể này, nhưng họ đã không làm. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng thế, nếu quả thật Tây Nguyên có quặng mỏ bauxite quan trọng thì cho dù có khó khăn đến đâu họ cũng dốc tâm khai thác một tài nguyên quý hiếm này.

Trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc bùng nổ năm 1979, ngày 3-11-1978 Việt Nam chính thức gia nhập khối COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế hỗ tương), một khối hợp tác kinh tế giữa Liên Xô với 8 quốc gia cộng sản Đông Âu (1949-1961), Mông Cổ (1962), Cuba (1972) và Việt Nam. Nhân dịp này, Hà Nội có đưa ra dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên, vì lúc đó Liên Xô đang là siêu cường quân sự đối đầu với Hoa Kỳ và rất cần nhôm, nhưng hội đồng này đã từ chối vì lợi ích khai thác bauxite không cao, hơn nữa Tây Nguyên không đủ nước để tẩy rửa quặng bauxite nguyên chất. Cũng như người Pháp, khối COMECON khuyên và giúp Việt Nam khai thác chương trình trồng cây công nghiệp cao su, trà và cà phê.

Năm 2007, không biết bị thúc đẩy bởi động cơ nào, một dự án bị cho "chìm xuồng" từ 1980 lại được lôi ra chào mời giới đầu tư quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo suy luận của một người có tầm nhìn chiến lược, quyết định khai thác bauxite trên Tây Nguyên của chính quyền cộng sản Việt Nam không vô tư. Qua những tài liệu đã được phổ biến, người viết bài này có thể khẳng định rằng chính Bắc Kinh đã gợi ý Đảng Cộng Sản Việt Nam nhượng cho Trung Quốc quyền khai thác các quặng mỏ trên Tây Nguyên, đặc biệt là quặng bauxite, đổi lại Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng và mở rộng đường sá từ Tây Nguyên xuống cảng Cam Ranh, kể cả việc tân trang mở rộng hải cảng này và xây dựng hoàn toàn mới một tuyến đường sắt, dài từ 200 đến 300 km, để chuyển hàng từ Đắc Nông xuống Bình Thuận. Không tốn một đồng xu lại được tất cả, còn gì lý tưởng bằng!

Với những đề nghị như vừa nói, ban lãnh đạo đảng cộng sản không những khó lòng từ chối mà còn quyết tâm thực hiện cho bằng được đề nghị này vì sự chính đáng: vừa phát triển được Tây Nguyên vừa thu được một nguồn lợi tức không nhỏ. Chính vì thế từ năm 2007 trở đi, chính quyền cộng sản Việt Nam đã bằng mọi cách biến ước muốn này thành hiện thực. Nhiều người tố cáo Đảng Cộng Sản Việt Nam tự đặt mình dưới trướng Đảng Cộng Sản Trung Quốc là không đúng. Ban lãnh đạo đảng cộng sản đã đánh giá sai chứ không khờ dại.

Từ sau ngày đó chính quyền cộng sản đã giao cho một nhóm tư vấn (cố vấn) Việt Nam quyền soạn thảo quy hoạch (kế hoạch) khai thác bauxite-nhôm trên Tây Nguyên. Ngay sau khi bản quy hoạch này vừa hoàn tất, ngày 1-11-2007 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký một quyết định (số 167/2007/QĐ-TTg) thông qua và Tập đoàn Than Khoáng Sản, một công ty quốc doanh, liền được giao quyền khai thác dự án.

Ngay tức thì, một làn sóng phản đối trong nội bộ đảng liền xảy ra, lúc đầu còn ngấm ngầm và nhẹ nhàng (phản đối gián tiếp bằng miệng) nhưng càng về sau, khi sự thật dần dần được phơi bày, sự chống đối càng mãnh liệt và công khai.

Thấy gì qua những phản đối ?

Về trình độ của nhóm tư vấn, những chuyên gia không tham gia trực tiếp vào việc khai triển dự án này nhận xét: các cán bộ quản lý chỉ đạo từ cấp tập đoàn đến cấp kỹ thuật trực tiếp làm việc với các "đại gia" nước ngoài chỉ có trình độ về khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh. Với một trình độ giới hạn như thế, các chuyên gia này lại đưa ra tới 15 dự án khai thác (tức bằng 1/4 tổng số dự án trên thế giới về nhôm, 55 dự án) với tổng công suất thiết kế 18 triệu tấn (bằng 1/4 tổng trữ lượng của thế giới về nhôm, 70 triệu tấn). Thật là đồ sộ !

Lúc đầu là những ý kiến phê bình "nhẹ nhàng". Trong buổi hội thảo tổ chức ngày 22-10-2008 tại Đắc Nông, địa bàn khai thác bauxite chính, với chủ đề: "Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bauxite", những phát biểu được lưu ý nhất là của các ông:

- Mai Thanh Truyết, nhà hoạt động cho môi trường, cho biết "muốn khai thác quặng thì sau khi phá đất của vùng có mỏ thì phải sử dụng nguồn nước để tẩy rửa rất nhiều, (vì) mỏ bauxite chứa sắt và nhiều chất arsenic rất nguy hiểm cho môi trường".

- Trần Đình Thiện, viện phó Viện Kinh Tế Việt Nam, phản biện quan điểm cho rằng khai thác nhôm cao cấp từ quặng bauxite là không thực tế vì nhôm cao cấp chưa bao giờ là mặt hàng quí hiếm trên thị trường thế giới, hơn nữa việc xuất khẩu quặng mỏ chưa chế biến sẽ làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia và không mang lại lợi ích trực tiếp nào cho người dân.

- Nguyên Ngọc, nhà văn kiêm dân tộc học, cho biết Tây Nguyên còn nhiều vấn đề chưa giải quyết, trong đó có vấn đề các sắc tộc ít người. "Từ trước đến nay chưa bao giờ ta thành công khi đưa những người sắc tộc thiểu số vào làm việc ở các nhà máy và khi những kế hoạch đưa ra thì người ta loại hẳn những nhóm người này ra khỏi nơi sinh sống của họ".

- Trần Bỉnh Chư, phó trưởng bộ môn địa chất thuộc đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội, cảnh báo việc sử dụng hoá chất để tuyển quặng bauxite có thể gây tác hại cho môi trường.

- Nguyễn Trung, chuyên gia về quặng mỏ, khuyến cáo: "khai thác bauxite ở Tây Nguyên hiện nay nếu hạch toán đủ, cầm chắc sẽ lỗ lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng trên nhiều phương diện cho quốc gia, nhất là nước ta đất chật người đông, thiên tai có xu hướng ngày càng gia tăng".

Sự chống đối chỉ trở nên công khai và dữ dội khi bản Tuyên bố chung giữa hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới dự án khai thác quặng bauxite (bauxite) ở Đắc Nông chính thức được chính thức công bố ngày 11-2-2009 vừa qua.

Mặc dù bản Tuyên bố xác nhận : "Hai bên nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng. Hai bên nhất trí phát huy đầy đủ vai trò của uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, quy hoạch tổng thể và thúc đẩy toàn diện hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, xây dựng cơ chế giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan trung ương hữu quan của hai đảng, thúc đẩy hợp tác về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, thúc đẩy cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa các bộ, ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh"... mọi người đều hiểu bản Tuyên bố này chỉ là bước đầu của sự đồng hoá hợp tác giữa hai đảng cộng sản, sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh của tổng bí thư Nông Đức Mạnh từ 30-5 đến 2-6-2008 vừa qua. Bắt đầu là "quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như "Bô-xít Đắc Nông", các dự án trong khuôn khổ "hai hành lang, một vành đai kinh tế" và các dự án lớn khác" (hai hành lang ở đây phải hiểu là quốc lộ 1 của Việt Nam và quốc lộ 13 của Lào, một vành đai kinh tế là vùng Nam Hoa và ba quốc gia Đông Dương), v.v.

Nổi bật và có giá trị nhất là bài viết của ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Công Ty Năng Lượng Sông Hồng, với tựa đề "Thảm họa dự án khai thác bauxite Tây Nguyên", tháng 2-2009, được phổ biến rộng rãi trên mạng internet. Mặc dù đang là một chức sắc trong guồng máy chính quyền, ông Nguyễn Thanh Sơn đã không ngần ngại chỉ trích kế hoạch (quy hoạch) khai thác bauxite trên bốn điểm: do những người không có trình độ nghiệp vụ soạn thảo nên "chẳng giống ai", có quá nhiều dự án không cần thiết, có quá nhiều rủi ro không quản lý được (thị trường, tài chính, tài nguyên, kỹ thuật, công nghệ), có quá nhiều bất cập không được tính đến (không cân đối giữa các khâu đầu nguồn và cuối nguồn, các dự án triển khai ở vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội, được triển khai ở vùng hiếm nước, mất cân đối về cung cấp điện, hệ thống hạ tầng cơ sở không triển khai cùng với dự án). Nói chung quy hoạch khái thác bauxite trên Tây Nguyên có cái gì đó không bình thường.

Trước những chống đối ôn hòa này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết khai thác bauxite trên Tây Nguyên là một chính sách lớn của Việt Nam và ông cương quyết tiến hành dự án.

Địa lý chiến lược của Đắc Nông

Sự chống đối của những chuyên gia và các cấp chính quyền tập trung vào hai lo ngại: thứ nhất là sự huỷ hoại môi trường do từ chất thải bauxite gây ra, thứ hai là sự hiện diện của người Trung Quốc trên Tây Nguyên. Về huỷ hoại môi trường và đe dọa sức khỏe của người Tây Nguyên, có thể nói hầu hết mọi người Việt Nam đều đồng ý. Về sự hiện diện của người Trung Quốc trên Tây Nguyên, ít người đề cập đến vì thiếu hiểu biết và thông tin.

Trong thực tế, sự tác hại của dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên trầm trọng hơn những dự đoán. Sự chống đối của các chuyên gia và các cấp chính quyền chỉ tập trung vào những vấn đề kỹ thuật, kinh tế và môi trường do khai thác bauxite mang lại. Ít ai dám phiêu lưu xa hơn trong lý luận.

Về mặt chiến lược, Tây Nguyên là xương sống, là địa bàn an ninh chiến lược của ba nước Đông Dương cũ. Sau khi đuổi được quân Xiêm La sang bên kia bờ hữu ngạn sông Mekong, phái đoàn thám hiểm Auguste Pavie thành lập vương quốc Lào (tháng 3-1893) và tổ chức chức phân ranh và thiết đặt chế độ bảo hộ. Trong suốt thời gian từ 1893 đến 1936, quân đội Pháp đã bằng mọi cách áp đặt sự thống trị của mình trên toàn khu vực Đông Dương, đặc biệt là khu vực Tam Biên (Ngã Ba Biên Giới: Cambodge, Annam và Cochinchine), tức địa bàn tỉnh Dak Nông hiện nay. Ai nắm được vùng này là nắm cả Đông Dương.

Trong hai cuộc chiến Đông Dương (1946-1954 và 1960-1975), Pháp, sau đó là Hoa Kỳ, đã bằng mọi giá củng cố khu vực Tam Biên. Khi Buôn Ma Thuột thất thủ tháng 3-1975, toàn bộ ba nước Đông Duơng sụp đổ theo, như thế cờ domino. Mặc dù vậy, một lực lượng duy nhất dám chống trả lại sự xâm nhập của bộ đội cộng sản Việt Nam vào vùng này là FULRO Thượng từ 1975 đến 1992.

Từ sau 1975 đến nay, toàn bộ Tây Nguyên đặt dưới quyền quản trị trực tiếp của quân đội. Sự áp đặt này là một bất hạnh lớn cho các tỉnh Kontum, Pleiku, Đắc Lắc, Lâm Đồng, vì chức năng của quân đội không phải để phát triển kinh tế. Để có nguồn thu nhập, quân đội chỉ biết chặt cây đốn rừng xuất khẩu gỗ, gần đây thì chiếm đất lập nông trường trồng cây cao su, trà, cà phê và hồ tiêu xuất khẩu. Khi giá cà phê, trà và hồ tiêu trên các thị trường quốc tế sút giảm, quân đội liền nghĩ tới việc khai thác quặng mỏ để có nguồn thu nhập, trong đó có bauxite để sản xuất alumina, nguyên liệu cơ bản để chế biến nhôm.

Về địa lý, năm 2004, chính quyền cộng sản Việt Nam thành lập một tỉnh mới mang tên Đắc Nông (tỉnh thứ 5 trên Tây Nguyên). Phần lớn diện tích của tỉnh này (6.514,5 km2, 400.000 dân) được tách ra từ sáu huyện phía nam của tỉnh Đắc Lắc, gồm 8 đơn vị hành chánh: thị xã Gia Nghĩa (tỉnh lỵ), huyện Cư Jút (thành lập ngày 19-8-1990, tách từ huyện Đắc Mil và thị xã Buôn Ma Thuôt), huyện Đắc Glong (đổi tên từ huyện Đắc Nông tháng 6-2005, sau khi thành lập tỉnh Đắc Nông), huyện Đắc Mil (có từ 1975), huyện Đắc R’lập (trước kia la Kiến Đức, thành lập ngày 22-2-1986, tách từ huyện Đắc Nông), huyện Đắc Song (tách từ huyện Đắc Nông và Đắc Mil), huyện Krong Nô, Huyện Tuy Đức thành lập trên cơ sở xã Đắc Buk So của huyện Đắc Rlâp cũ (1-2007). Đa số dân cư Đắc Nông là người Kinh, kế là người Ê Đê (Rhadé), Mnong, Nùng và Tày (hai sắc tộc miền Bắc).

Tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Đắc Nông không nhiều, lợi tức chính yếu do nghề trồng trà, cà phê, hồ tiêu mang lại. Tài nguyên khoáng sản duy nhất của tỉnh là quặng bauxite, toàn tỉnh có 7 mỏ chính: 1 tháng 5, Nhân Cơ, Quảng Sơn, Tuy Đức, Đắc Song, Bắc Gia Nghĩa và Gia Nghĩa II. Trữ lượng bauxite của Đắc Nông không nhiều và cũng không lớn: 3,4 tỉ tấn quặng nguyên khai (tổng dự trữ thế giới: 27 tỉ tấn), có thể chế biến thành 850 triệu tấn aluminium, tương đương 91% trữ lượng của cả vùng Tây Nguyên, chiếm giữ hơn 2/3 trữ lượng cả nước, nhưng lại tản mạn khắp nơi rất khó khai thác. Theo dự trù, từ 2007 đến 2015, dự kiến toàn tỉnh sẽ có bốn tổ hợp công nghiệp chế biến bauxite với khả năng sản xuất từ 44 đến 68 triệu tấn/năm (tức từ 11 triệu đến 17 triệu tấn nhôm), đây là một con số dự trù khá lạc quan vì Tây Nguyên hiện nay không đủ điện nước để tẩy rửa bauxite và chế biến thành alumine. Với tổng số tiền dự trù đổ vào để đầu tư (khoảng 10 tỉ USD) và tổng số nguyên liệu alumine sản xuất ra (hơn 1 triệu tấn aluminium), chỉ số lợi ích kinh tế không cao.

Thấy gì qua đề nghị của Trung Quốc ?

Tờ Nhân Dân nhật báo phát hành tại Bắc Kinh cho biết, năm 2008 Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa gần một trăm mỏ bauxite trong vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây và trong huyện Tĩnh Tây thuộc tỉnh Quảng Tây, vì "quặng bauxite tàn phá môi trường, gây ra nhiều bệnh tật lạ cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người". Tin này được phổ biến vào lúc ông Nông Đức Mạnh, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, chính thức viếng thăm Trung Quốc và ra một tuyên bố chung ngày 1-6-2008: "hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như bauxite Đắc Nông...". Rõ ràng là sản xuất bauxite tại chính quốc là độc hại, Bắc Kinh muốn chuyển sang Việt Nam để khai thác. Nhưng đó chỉ là một lý cớ. Lý do chính của Bắc Kinh là muốn hiện diện trên Tây Nguyên.

Cũng nên biết, quốc lộ 13 nối liền miền Bắc Lào xuống Nam Lào vừa hoàn tất cuối năm 2008. Đây là con đường chiến lược đối với Trung Quốc vì các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây không có đường thông ra biển cả sẽ không còn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Hiện nay Bắc Kinh đang giúp Kampuchia khai thác dầu lửa trên đất liền cũng như xây dựng lại quốc lộ 7, con đường vận chuyển từ miền Bắc xuống hải cảng Kampot và Kompong Som (Sihanoukville) trong vịnh Thái Lan, dự trù sẽ hoàn tất cuốinăm 2009 này. Nếu dự án nối liền miền Nam Trung Quốc với vịnh Thái Lan hoàn tất, hàng hoá xuất khẩu và tài nguyên nhập khẩu sẽ bằng con đường này sẽ tự do ra vào miền Nam Trung Quốc, vừa ít tốn kém vừa không lệ thuộc các tỉnh ven biển. Đây là con đường mà Trung Quốc gọi là Hành lang 2 (Hành lang 1 là quốc lộ 1 của Việt Nam) trong mục đích tăng cường giao thương với ba nước Đông Dương cũ, mà họ gọi là "một vành đai".

Vì tầm quan trọng chiến lược của con đường này, Bắc Kinh phải bằng mọi cách giữ gìn an ninh và sự an toàn của nó. Để thực hiện, sự hiện diện đông đảo của "người Trung Quốc" trên lãnh thổ của Lào và Kampuchia là một bắt buộc, dưới hình thức công nhân hay cố vấn làm việc trong các công ty, nhà máy khai tài nguyên thiên nhiên như gỗ rừng, xây dựng đập nước, làm đường sá, khai thác mỏ quặng. Không ai biết rõ vai trò của những "người Trung Quốc" này là gì: công nhân hay quân nhân. Hiện nay, dọc hai con đường huyết mạch nam-bắc này, sự hiện diện của những "người Trung Quốc" này đã rất đông đảo.

Muốn bảo vệ con đường này, sự hiện diện của những "người Trung Quốc" này trên Tây Nguyên là một bắt buộc khác. Và Bắc Kinh đang được toại nguyện. Mặc dù các dự án khai quặng bauxite chưa được thông qua, người ta thấy "người Trung Quốc" đã có mặt và đang dùng máy móc mở đường, đào bới những khu vực mà họ sẽ xây dựng nhà máy và công xưởng. Chắc chắn trong những công trình này, công ty Chalco của Trung Quốc sẽ không tuyển dụng nhân công Việt Nam.

Tây Nguyên hiện nay vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm, vì cộng đồng người Thượng tại đây chưa hoàn toàn hội nhập vào xã hội Việt Nam. Bắc Kinh có thể sử dụng cộng đồng này như một áp lực đối với Việt Nam nếu những yêu sách không được toại nguyện. Từ đây Việt Nam sẽ mất quyền làm chủ địa bàn chiến lược Tây Nguyên mà các cấp lãnh đạo cộng sản trước kia đã cố gắng gìn giữ trong suốt hai cuộc chiến Đông Dương.

Nguyễn Văn Huy

© Thông Luận 2009

Bài liên quan:

• Nguyễn Trung, “Mất và được trong việc khai thác bô - xít Tây Nguyên”. Tuần Việt Nam, ngày 02/12/2008.

• Nguyễn Trung, “Triển vọng bô-xít Tây Nguyên - Tìm hiểu tại chỗ”. Tuần Việt Nam, ngày 07/01/2009.

• Nguyên Ngọc, “Cái giá văn hoá-xã hội-chính trị của các đại dự án bô-xít”. Tuần Việt Nam, ngày 09/01/2009.

“Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên”. Thông Luận, ngày 11/01/2009.

“10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên”. Tuần Việt Nam, ngày 13/01/2009.

• Bùi Tín, “Chớ có nhầm, rồi hối không kịp!”. Thông Luận, ngày 10/02/2009.

• Đỗ Thái Nhiên, “Bauxite: thế trận xôi đậu”. Thông Luận, ngày 13/02/2009.

“Thông báo số 17/TB-VPCP (13/01/2009), thông báo kết luận của TTg Nguyễn Tấn Dũng về thăm dò, khai thác bauxít, sản xuất alumin và luyện nhôm”. Viet-Studies, ngày 20/02/2009.

“Tuyên bố chung Trung - Việt (1-6-2008)“ (kết thúc chuyến thăm TQ của Nông Đức Mạnh năm 2008). Trang thông tin điện tử Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

• Ts. Nguyễn Thanh Sơn, “Thảm hoạ dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên”. Thông Luận, ngày 26/02/2009.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 727 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 459
Khách: 459
Thành Viên: 0