Sau
khi sự cố dầm cầu Chợ Đệm bị sập, nhà thầu công trình này là Công Ty Cổ
Phần Cầu 11 Thăng Long lập tức lên tiếng cho rằng lỗi do sai sót của
công nhân và cũng do gió mạnh gây ra.
photo courtesy of vnexpress
Dầm cầu Chợ Đệm bị gãy đôi trong lúc đang thi công, khiến 1 công nhân tử nạn, 1 người khác bị thương nặng.
Dư luận báo
chí không đồng tình với lập luận này và các cơ quan chức năng vẫn đang tiến
hành việc điều tra. Mặc Lâm phỏng vấn GSTSKH Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia
về cơ học hiện đang hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Việt Nam.
Không cốt sắt
Mặc Lâm :Thưa
Giáo Sư, sau khi dầm cầu Chợ Đệm bị sập thì các nhà thầu cho rằng sự cố sở dĩ
xảy ra do gió mạnh cộng với sai sót của công nhân gây ra. Là chuyên gia cơ học,
Giáo Sư có đồng ý với sự giải thích này hay không?
GS Nguyễn
Đăng Hưng : Tôi
không đồng ý với sự đổ lỗi của nhà thầu về vấn đề này là do gió và do nhân
công, bởi vì ngày hôm ấy tôi đang ở Sài Gòn thì không phải là một ngày gió bão,
mà là một ngày cũng bình thường, không có gì đặc biệt. Đó là điểm thứ nhứt.
Thứ hai,
không nên đổ lỗi cho nhân công bởi vì đây là trách nhiệm của nhà thầu.
Nếu các kỹ thuật di chuyển những dầm cầu lớn và quan trọng như thế
này mà không có những tiêu chuẫn về kỹ thuật và tay nghề của nhân công chưa
được chuẩn thì đây cũng là trách nhiệm của nhà thầu mà thôi.
Không nên đổ lỗi cho nhân công bởi vì đây là trách nhiệm của nhà thầu.
Nếu các kỹ thuật di chuyển những dầm cầu lớn và quan trọng như thế
này mà không có những tiêu chuẫn về kỹ thuật thì đây cũng là trách nhiệm của nhà thầu.
GS Nguyễn Đăng Hưng
Cho nên vấn
đề chạy tội như thế này thì tôi thấy là không thoả đáng; vì vậy vấn đề này cần
phải được thẩm định kỹ hơn, xem rõ hơn để xác định rõ trách nhiệm của nhà thầu
trong vấn đề này. Và tôi nghĩ rằng trách nhiệm này (nhà thầu) khó có
thể trốn tránh được.
Mặc Lâm :Theo
một bản tin của báo Pháp Luật đăng tải, sau khi quan sát vết gãy của dầm cầu
các chuyên gia không thấy lõi thép chính giữa của bê tông. Từ phát hiện này tờ
báo kết luận rằng có thể công trình cầu Chợ Đệm đang bị rút ruột. Giáo
Sư nghĩ sao về nhận định này?
GS Nguyễn
Đăng Hưng : Tôi
cũng không dám đoan chắc, nhưng mà đã có những bài báo, đặc biệt là báo Pháp
Luật. Trước đây có những cơ quan thẩm tra đã phát hiện một số cá nhân đã thực
hiện rút ruột công trình, nhứt là công trình Chợ Đệm đấy, nhưng mà sự tương
quan hỗ tương giữa sự rút ruột này và tai nạn xảy ra thì phải cần điều tra
thêm.
Khi không có cốt sắt như vậy thì ngay cả không có tai
nạn sự cố xảy ra trong lúc xây dựng thì nó cũng có vấn đề trong
lúc sử dụng nó, bởi vì như thế thì nó không thể nào có tuổi thọ đúng mức
như ta mong đợi ở một công trình tầm cỡ này được.
GS Nguyễn Đăng Hưng
Riêng tôi,
nhìn thấy hình ảnh chỗ gãy đổ (của dầm cầu Chợ Đệm) đó thì không thấy cốt sắt,
mà như thế thì đây là một vấn đề rất nguy hiểm, bởi vì ta biết bê-tông là một
vật liệu rất giòn và chịu lực kéo rất kém (trong khi chịu tốt lực nén) cho
nên khi di chuyển nó mà có những sự chênh vênh thì sẽ gây ra lực kéo và như vậy
thì sự gãy đổ sẽ không thể không có được.
Và khi mà
không có cốt sắt như vậy thì ngay cả thực hiện xong rồi, ngay cả không có tai
nạn sự cố xảy ra trong lúc xây dựng thì nó cũng có vấn đề trong
lúc sử dụng nó, bởi vì như thế thì nó không thể nào có tuổi thọ đúng mức
như ta mong đợi ở một công trình tầm cỡ này được.
Cho nên tôi
cho đây là một vấn đề cần được nghiên cứu thêm, cần thẩm định thêm để xác
định việc rút ruột công trình có liên quan trực tiếp đến tai nạn gãy đổ này mà
đã làm cho một người chết và một người bị thương nặng đang nằm trong bệnh viện.
Yếu tố kỹ thuật
Mặc Lâm :Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh Tra Sở LĐTB&XH, nói
rằng khung thép của dầm cầu Chợ Đệm được chế tạo, lắp đặt không đúng kỹ thuật
và không có biện pháp giằng chống những chuyển dịch dọc - ngang nên vì vậy
mà dầm cầu đã bị sập khi có sự rung động. Giáo Sư có chia sẻ gì về
những ý kiến này?
GS Nguyễn
Đăng Hưng : Tôi
thấy ý kiến của ông Dũng như thế rất gần với ý kiến của tôi, nhưng mà cũng nên
cẩn thận, và tôi mong mỏi có dịp khám nghiệm mặt cắt của chỗ gãy.
Với khoa học
ngày nay chúng ta có thể khám nghiệm mặt cắt chỗ gãy và chúng ta có thể
suy đoán được một cách chính xác lý do của sự gãy đổ và có thể phát hiện những
trách nhiệm từ khâu xây dựng công trình.
Điều này tôi
nghĩ rằng cơ quan chức năng đang có một cuộc điều tra kỹ lưỡng và nên kêu gọi
sự góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lãnh vực này, và phải làm
thế nào để làm sáng tỏ được trách nhiệm và nhứt là quyền lợi của công nhân,
quyền lợi của ngưòi dân trong vấn đề này được bảo đảm.
Bạn nghĩ gì về vụ tai nạn này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn email: vietweb@rfa.org; hoặc
cùng tham gia thảo luận tại Trang blog Ban
Việt ngữ RFA
Mặc Lâm :Ý
kiến của Giáo Sư cho rằng đây là tiêu biểu của hiện tượng phá hủy giòn do rạn
nứt trong bê tông. Giáo Sư có thể giải thích thêm về vấn đề
này được không?
GS Nguyễn
Đăng Hưng :
Đây là tính chất của vật liệu. Bê-tông là một vật liệu chịu nén tốt nhưng nó
không thể kéo dãn được. Tính dẻo của nó rất là giới hạn.
Đây là một
bài học có thể nói là sơ đẳng về vật liệu, cho nên sử dụng bê-tông luôn luôn là
phải có cốt sắt để cốt sắt chịu đựng được nếu có lực kéo xảy ra. Đây là bài học
sơ đẳng ở trung cấp chứ không phải là cái gì phải cần đến chuyên gia.
Một điều mà
chúng tôi thắc mắc là cái đòi hỏi sơ đẳng này lại không được thể hiện trong
công trình khiến cho xảy ra tình trạng gãy đổ. Nếu chúng ta khám nghiệm cụ thể
chúng ta thấy không có cốt sắt ở mặt gãy thì rõ ràng là đây là một trách nhiệm
đáng phán nàn.
Mặc Lâm :Xin
cám ơn Giáo sư Nguyễn Đăng hưng đã dành thời gian cho chúng tôi trong cuộc
phỏng vấn ngày hôm nay.