Quy định trên được nêu trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện về
việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, mô tô hai bánh, ba bánh …để vận
chuyển hành khách và hàng hóa do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng. Dự
kiến, thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Theo dự thảo, những người muốn hành
nghề xe ôm phải làm đơn xin kinh doanh vận tải hành khách gửi cơ quan
chức năng. Đối với người có hộ khẩu thường trú, thời hạn hiệu lực của
đơn được xác nhận là một năm, đối với người có giấy tạm trú, thời hạn
hiệu lực của việc xác nhận đơn phụ thuộc vào thời hạn giấy tạm trú,
nhưng tối đa không quá một năm.
|
Những 'bác tài' xe ôm sẽ phải có thẻ, đồng phục khi hành nghề ở các bến xe, nhà ga. Ảnh: T.K. |
Ngoài ra, những người hành nghề xe ôm
phải đảm bảo các điều kiện như: được tổ chức thành các tổ, đội hoặc do
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tổ chức kinh doanh theo hình
thức tự quản hoặc xã hội hóa. Các tổ đội này phải đăng ký trong đơn
việc sử dụng phù hiệu (thẻ), quần, áo, mũ hoặc có thể cả bộ đồng phục
trong khi hành nghề. Điểm đỗ để chờ đón khách phải được cơ quan có thẩm
quyền công bố. Nếu một điểm đỗ công cộng có từ hai tổ, đội hoặc doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trở lên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ
phân công vùng đón khách.
Kẻ lo, người mừng
Một số người hành nghề xe ôm đã tỏ ra lo lắng khi biết quy định trên.
Anh Hoàng Tuấn, hành nghề xe ôm tại Bến
xe Mỹ Đình, Hà Nội, băn khoăn, quy định về đơn xin kinh doanh có thể
biến tướng thành giấy phép “con” với nhiều thủ tục nhiêu khê. “Ngoài
ra, nếu quy định điểm đón và trả khách không hợp lý hoặc chỉ giới hạn ở
bến tàu, bến xe khách sẽ khiến nhiều xe ôm không còn “đất” hành nghề”,
anh Tuấn nói.
Anh Trần Long, hành nghề xe ôm tại cổng
bến xe Giáp Bát, Hà Nội, nói: “Quy định phải tham gia vào các tổ, đội
có thể ảnh hưởng đến miếng cơm, manh áo của những người hành nghề xe ôm
tự do như chúng tôi”.
Bác Đỗ Hữu Hên, 70 tuổi, chạy xe ôm ở
ngã 4 Phú Nhuận, TP HCM, bức xúc: “Tôi chạy xe ôm tự do đã 37 năm,
không đăng ký gì. Nay nếu bắt buộc phải làm đơn xin kinh doanh tui sẽ
nghỉ ngay. Thu nhập xe ôm không đáng bao nhiêu, nếu làm đăng ký thế nào
cũng sẽ bị mất khoản này khoản kia nên tui thà nghỉ chạy cho khỏe”
Ngược lại, vẫn có một số người hành
nghề xe ôm đón nhận thông tin trên khá tích cực. Anh Trương Văn Út hành
nghề xe ôm (thường trú khu vực Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình
Thủy, thành phố Cần Thơ) tâm sự: “Tôi chạy xe ôm nhiều năm nay chẳng
chịu sự quản lý của ai. Sắp tới nếu làm đơn xin hành nghề, hoạt động
theo bến bãi, được cấp áo có số hiệu… sẽ rất tốt. Bởi vì, hành nghề mà
có được sự quản lý của địa phương, được bảo vệ quyền lợi thì an tâm
hơn”.
Trước đó, TP HCM đã hình thành những tổ
xe ôm tự quản do công an phường quản lý. Người hành nghề nộp hồ sơ gồm:
sơ yếu lý lịch có chứng thực của địa phương, đăng ký xe, ảnh thẻ, tiền
mua đồng phục, logo gắn áo. Hàng tuần, hàng tháng các xã viên đều được
nghe phổ biến về phòng chống tội phạm, giữ gìn an toàn trật tự tại bến
bãi. Các tổ viên sẽ được phân tài, chia khu vực hoạt động.
Còn ở Cần Thơ, năm 2008, UBND thành phố triển khai thí điểm ở hai quận
Ninh Kiều và Thốt Nốt. Ông Nguyễn Anh Hoài, Chủ tịch UBND phường Tân
An, quận Ninh Kiều (một trong những nơi có đông người chạy xe ôm nhất
thành phố Cần Thơ), cho biết: “Việc quản lý xe ôm ở phường, xã là rất
thiết thực. Người chạy xe có tổ chức, hoạt động có trật tự, được bảo vệ
quyền lợi chính đáng. Chính quyền địa phương cũng quản lý được con
người, đảm bảo các điều kiện cần thiết khác như bằng lái, giấy tờ xe,
sức khỏe…”.
Chưa áp dụng đối với xe ôm tự do
Giải đáp lo lắng của những người hành
nghề xe ôm tự do, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Đường bộ
Việt Nam, cho biết, trước mắt, quy định trên chỉ “nhắm” đến các đối
tượng hành nghề xe ôm chuyên nghiệp, hoạt động tại các bến xe khách,
nhà ga, chứ chưa thể áp dụng đối với các xe ôm tự do. Vấn đề thu phí
đăng ký kinh doanh của xe ôm cũng đang được Ban soạn thảo cân nhắc.
Theo dự thảo, những người hành nghề xe ôm nếu vi phạm quy định của thông tư này, ngoài việc bị
xử phạt hành chính, tùy thuộc mức độ có thể lập biên bản tại chỗ và thu
hồi đơn gửi về cơ quan có thẩm quyền để đình chỉ hoạt động trong thời
gian 3 - 6 tháng; nếu tái phạm có thể bị thu hồi đơn và đình chỉ hoạt
động một năm.
Ông Thanh khẳng định, thông tư trên sẽ
giúp cho hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng
phương tiện thô sơ, xe gắn máy…đi vào nề nếp hơn. “Đối với đối tượng
hành nghề xe ôm, việc quản lý chặt chẽ là cần thiết nhằm chấm dứt tình
trạng lộn xộn của hoạt động kinh doanh này thời gian qua”.
Chứng nhận đơn xin kinh doanh trong hai ngày
Theo dự thảo Thông tư, UBND xã, phường, thị trấn hoặc doanh nghiệp nơi
có tiếp chuyển phương thức vận tải (bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng)
trực tiếp nhận và giải quyết bằng cách xác nhận vào đơn của những người
đăng ký kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi. Định
kỳ báo cáo tình hình hoạt động tại địa phương và số lượng đơn đã xác
nhận về phòng (ban) giao thông cấp huyện, quận…Kể từ khi nhận đủ hồ sơ
hợp lệ, trong thời hạn hai ngày, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải
chứng nhận cho người hoặc tổ, đội, doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh
doanh có đơn. |