Trần Quốc Hiên - ĐDCND
Vị trí chiến lược của Tây Nguyên
Trong các Hồi ký, Tướng Giáp từng nhận xét về vị trí chiến lược của
Tây Nguyên: “Tây Nguyên nằm ở Nam Trung Bộ, nối liền 2 miền Bắc Nam của
đất nước, tiếp giáp với Hạ Lào và Bắc Campuchia, có vị trí chiến lược
quan trọng bậc nhất trên chiến trường Đông Dương. Nếu còn tham vọng
chiếm Đông Dương, địch không thể để mất địa bàn chiến lược cực kỳ lợi
hại này”… “Nhiều nhà quân sự, cả ta và địch, đều nói nắm được Tây
Nguyên là khống chế được toàn bộ chiến trường miền Nam Đông Dương. Đây
là mái nhà của miền Nam bán đảo Đông Dương”.
|
Sự thật, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt về quân sự, quốc
phòng, hơn là về phát triển kinh tế; đây là vùng cao nguyên trải dài
nằm tiếp nối với dãy Trường Sơn hùng vĩ, tạo thành một bức tường thiên
nhiên liên hoàn, hiểm trở. Quá trình Nam Tiến của nhiều thế hệ người
Việt gắn liền với việc khai mở tuyến đường mòn Trường Sơn, vượt qua dãy
Hải Vân tiến vào kiểm soát Tây Nguyên, làm chủ cả vùng Nam Trung Bộ,
rồi Nam Bộ, và tiến ra Biển Đông đóng giữ tại quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa.
Sau này, người Pháp, người Mỹ cũng nhận thức được vị trí chiến lược
của Tây Nguyên: nơi đây là vị trí “yết hầu”, “tử huyệt” của cả nước, là
“mái nhà của Đông Dương”.
Như vậy, với nhãn quan chiến lược, Tướng Giáp và Bộ thống soái tối
cao Cộng sản Bắc Việt đã lựa chọn Tây Nguyên là trận quyết chiến chiến
lược. Chiến dịch Tây Nguyên làm rung chuyển chiến trường miền Nam, tạo
thế chia cắt mạnh mẽ, mang đến thời cơ mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, rồi
tiếp đó mở cuộc tấn công vào Sài Gòn làm tan rã hoàn toàn quân đội Việt
Nam Cộng Hòa.
Trường Sơn, Tây Nguyên và Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng
như vậy, và tập đoàn bành trướng Cộng sản Trung Quốc biết rất rõ điều
này, do đó năm 1975, họ đề nghị được viện trợ cho Việt Nam 2000 xe vận
tải vào Trường Sơn, nhưng phải cho 500 lái xe người Trung Quốc đi cùng.
Theo lời bà Bẩy Vân, vợ của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trả lời phỏng vấn
đài BBC, thì khi ấy ông đã nói dứt khoát: “Một thằng tôi cũng không
cho… Nó nói đưa người vào giúp ta, nhưng thực chất là muốn đưa dân vào
lập làng, lập huyện người Tàu ở Trường Sơn và Tây Nguyên. Nắm được
Trường Sơn và Tây Nguyên là khống chế được toàn Đông Dương”.
Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước CSVN
Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 12/2001, ông Tổng bí thư Nông Đức
Mạnh đã ra tuyên bố chung: “hai bên nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các
doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án (bauxite) Bô-xít nhôm Đắc
Nông”. Tiếp đó, ông Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Trung Quốc ngày
30/5 đến 2/6/2008, tái khẳng định trong tuyên bố chung: “hai bên tăng
cuờng hợp tác trong các dự án như: Bô-xít Đắc Nông…”. Điều này được ông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đảm bảo chắc chắn: “Khai thác bô-xit Tây
nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được nêu trong
Nghị quyết đại hội X của Đảng, Bộ Chính trị đã nghe và kết luận về phát
triển bô-xit Tây nguyên. Chính phủ đã phê duyệt một quy hoạch về bôxit
Tây nguyên…”.
Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước CSVN đã mở đường cho hàng vạn
người Trung Quốc, dự kiến có khoảng 20 ngàn công nhân Trung Quốc, sẽ
vào làm việc tại Tây Nguyên. Cùng đi với đoàn người Trung Quốc đó, sẽ
có các chuyên gia, kỹ sư, quản lý, đặc biệt là sự có mặt của các An
ninh mật và Gián điệp Trung Quốc. Cũng không loại trừ khả năng các Công
ty quân đội Trung Quốc đưa người vào Tây Nguyên.
Các dự án này đang được triển khai gấp rút, trong tháng 12/2008 đã
có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường, đến
nay lượng người Trung Quốc vào Tây Nguyên tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày.
Cùng với đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, tỉnh Đắc Nông đang gấp rút
chuẩn bị khởi công nhà máy luyện quặng bô-xít.
Cũng như những chủ trương lớn trước đây của Đảng và Nhà nước CSVN,
như việc phá bỏ Hội trường Ba Đình, mở rộng Hà Nội gấp hơn 3 lần… thì
nay “chủ trương mở đường cho hàng vạn người Trung Quốc vào Tây Nguyên
khai thác bô-xit nhôm” đã gây ra phản ứng rất mạnh mẽ từ dư luận xã
hội; nhiều ý kiến phản đối kịch liệt từ giới khoa học, trí thức, tướng
lĩnh quân sự, cựu chiến binh, và đặc biệt là người dân sống ở Tây
Nguyên, những người trực tiếp bị ảnh hưởng xấu về môi trường sống và cơ
hội làm việc.
Trong thư gửi Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, hôm 5/1/2009, Tướng Giáp đã
nói rõ: “Việc xác định chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn
đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc
phòng. Tôi đề nghị Thủ tướng cho dừng triển khai các dự án khai thác
bô-xít ở Tây Nguyên…”.
Mới đây, báo điện tử VietnamNet có đăng bài phân tích của 2 chuyên
gia quân sự, Đại tá Nguyễn Huy Toàn, chuyên gia lịch sử quân sự và ông
Quách Hải Lượng, chuyên gia Viện nghiên cứu Chiến lược Quân sự, nêu ý
kiến: "khu vực này (Tây Nguyên) rất không nên đưa bất cứ một người nước
ngoài nào vào khai thác, vì đây là địa chính trị, địa kinh tế và địa
quân sự rất nhạy cảm. Ta phải biết cách bảo vệ và gìn giữ “yếu huyệt”
này. Nếu chỉ vì lợi ích trước mắt, chúng ta sẽ có tội với thế hệ mai
sau".
Trung Quốc là nước đang đói khát tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là
nhôm dùng cho ngành công nghiệp quốc phòng, chế tạo vũ khí tối tân. Họ
đã vào đến Tây Nguyên, vùng đất giàu có tài nguyên, không chỉ có bô-xít
nhôm, mà còn nhiều loại khoáng sản quý hiếm khác. Môi trường Tây Nguyên
sẽ bị tàn phá nặng nề; văn hóa Tây Nguyên sẽ bị đe dọa nghiêm trọng;
người dân Tây Nguyên sẽ bị xáo trộn cuộc sống, nơi ở; an ninh quốc
phòng tại Tây Nguyên sẽ bị sơ hở, rối ren… nhưng đó là chủ trương lớn
của Đảng và Nhà nước CSVN.
Thế trận bao vây chiến lược của Trung Quốc
Vừa qua, hai Nhà nước Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố
chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến
biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, đúng thời hạn mà lãnh đạo cấp
cao hai nước đã thỏa thuận là kết thúc trong năm 2008…! Vào hạn chót
đó, Cộng sản Việt Nam đã buộc phải chấp nhận nhượng bộ, để mong được
yên ổn biên giới phía Bắc.
Có người cho rằng việc cắm mốc biên giới lần này là một “bức tường
thành văn minh” ngăn chặn quân bành trướng phương Bắc. Nhưng đây chỉ là
biên giới cứng ! Sự thật ảnh hưởng của Trung Quốc đã mở rộng “biên giới
mềm” đến toàn bộ Việt Nam và Đông Dương: Họ đã chiếm lĩnh các cao điểm
lợi hại ở dọc biên giới phía Bắc nước ta, tiến vào vị trí “tử huyệt” ở
Tây Nguyên. Tại Biển Đông, hải quân Trung Quốc vẫn đang hoành hành, đe
dọa, khiêu khích các Tàu nước ngoài đi vào vùng biển này…
Khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cho xây dựng căn cứ quân sự,
cơ sở hạ tầng, sân bay, tiến hành tập trận và khai thác du lịch. Còn
tại quần đảo Trường Sa, sau khi đánh chiếm 6 đảo do quân đội Cộng sản
Việt Nam đóng giữ (năm 1988), họ cho xây dựng các cơ sở quân sự và vận
tải trên các hòn đảo này. Trung Quốc cũng đánh chiếm đảo Đá Vành Khăn
(Mischief Reef) từ tay Philippines vào đầu năm 1995, đặt ở đây chiến
hạm, và sử dụng nơi này để yểm trợ các chiến dịch hải quân; kiểm soát
huyết mạch giao thông trên biển. Cùng với việc thành lập Thành phố Tam
Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, Trung Quốc ưu tiên tăng cường cho Hạm Đội Nam Hải thành lực
lượng hải quân hùng mạnh nhất; quân chủ lực tinh nhuệ, hùng hậu nhất
của hải quân Trung Quốc đều thuộc Hạm Đội Nam Hải, cho thấy chiến lược
của họ là Nam Tiến. Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đang xây dựng một
căn cứ hải quân rất lớn ở gần thành phố Tam Á, phía Nam đảo Hải Nam,
chỉ cách bờ biển Việt Nam 200 km; đây là một căn cứ trọng yếu
cho các tầu ngầm nguyên tử và hàng không mẫu hạm.
Nhờ căn cứ hải quân lợi hại này, quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm
soát vùng Biển Đông và các tuyến đường hàng hải trong khu vực, đồng
thời tranh giành ảnh hưởng với Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ.
Gần đây, hải quân Trung Quốc đang có những bước đi mang tầm chiến
lược, khiến Mỹ đặc biệt quan tâm. Các hành động này cho thấy Trung Quốc
đang từng bước thay đổi từ chiến lược “phòng ngự biển gần”, chuyển sang
hướng phát triển “hải quân viễn dương”; với lực lượng hải quân hùng
mạnh, đủ sức tác chiến tại vùng biển xa. Cộng sản Trung Quốc đang tham
vọng chiếm đoạt Biển Đông, chờ đợi thời cơ chiếm nốt quần đảo Trường
Sa. Mục đích của họ rất rõ ràng: tấn công quân sự quy mô nhỏ; thực hiện
đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng biển tranh chấp;
bắn giết, bắt giữ các ngư dân, ngăn chặn các đối thủ tiến hành khai
thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp; chia rẽ các nước trong khu vực
ASEAN bằng kinh tế và ngoại giao; tuyên truyền về chủ quyền và thái độ
cứng rắn của họ đối với vấn đề Biển Đông trên toàn thế giới.
Nếu tại Tây Nguyên, Trung Quốc bí mật cho xây dựng căn cứ quân sự,
thiết lập đường tiếp tế từ Lào và Campuchia, cùng lúc đưa dân Trung
Quốc vào lập làng, lập huyện ở đây núp dưới vỏ bọc “khai thác bô-xít
nhôm”, khi đó Việt Nam sẽ hoàn toàn nằm trong thế trận bao vây chiến
lược của Trung Quốc.
Tây Nguyên trong thế gọng Kìm
Về mặt chiến lược, nếu nắm được địa bàn Tây Nguyên, làm chủ vùng Bắc
Tây Nguyên, thì sẽ dễ dàng đánh chiếm 2 thành phố lớn là Huế - Đà Nẵng,
cắt đôi nước Việt Nam tại đây. Điều này không khó, khi mà Trung Quốc có
căn cứ quân sự ở Bắc Tây Nguyên, gần ngã 3 Đông Dương, nơi tiếp giáp
với Lào và Campuchia.
Họ đã có căn cứ Tam Á hùng mạnh ở đảo Hải Nam, chỉ cách bờ biển Huế
- Đà Nẵng 200 km, phạm vi hoạt động lý tưởng của tàu ngầm và chiến hạm.
Quá trình xây dựng căn cứ này được tiến hành song song với việc Trung
Quốc đề nghị thúc đẩy hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Tây
Nguyên, nó cho thấy rõ ý đồ muốn biến Tây Nguyên thành căn cứ quân sự
của Trung Quốc. Hai căn cứ quân sự này sẽ tạo thành thế trận gọng Kìm
vô cùng lợi hại nhắm vào Huế - Đà Nẵng.
Trong thế trận bao vây chiến lược, cùng với thế trận gọng Kìm, đất
nước sẽ đứng trước nguy cơ bị chia cắt, rơi vào một cuộc nội chiến vô
cùng tàn khốc; đây sẽ là cuộc chiến đẫm máu hủy diệt giống nòi Lạc
Hồng, được sự hậu thuẫn, giật dây của bọn bành trướng Trung Quốc, nó
đánh gục sức kháng cự của dân tộc ta mãi mãi. Đây là thời cơ để Trung
Quốc thôn tính Biển Đông, khống chế Việt Nam, Đông Nam Á và một phần
Đông Bắc Á, hoàn thành mộng bá chủ, trở thành mối đe dọa cho Hòa bình
trên thế giới.
Làm cho Việt Nam suy yếu, ép nước ta theo “quỹ đạo” trở thành “chư
hầu” quy phục Thiên Triều Bắc Kinh. Âm mưu thâm độc ấy của Trung Quốc
được ngụy trang khéo léo dưới vỏ bọc “đồng chí XHCN”. Sách lược “đánh
vào trái tim” bằng việc trói buộc “Ý thức hệ Cộng sản”, từ đó khống chế
mọi hành động của “đồng chí” Việt Nam, nhờ đó họ dễ dàng thực hiện các
bước đi chiến lược, và đang tiến rất gần tới đích.
Không loại trừ khả năng họ mua chuộc lãnh đạo Đảng CSVN và dùng “mỹ
nhân kế”, làm cho đối thủ mất cảnh giác, đắm chìm trong cuộc sống xa
hoa hưởng lạc. Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, và nay Chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng đã tạo thời cơ rất tốt cho họ tiến vào Tây Nguyên.
Cái bắt tay của hai Chính quyền Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc làm
chúng ta nhớ lại bài học Mị Châu – Trọng Thủy từ hơn 2000 năm trước.
Bài học Mị Châu – Trọng Thủy
Tổ tiên ta đã sớm biết đoàn kết để giữ nước, chống ngoại xâm phương
Bắc. Khi mà đất nước là của riêng kẻ cầm quyền, dòng họ, hay gia đình
trị; không biết dựa vào dân để chống ngoại xâm, thì sẽ mất nước.
Đó là bài học lịch sử to lớn đầu tiên từ truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy.
Thục Phán An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc, triều đại kế tiếp các
Vua Hùng, ông cho xây thành Cổ Loa kiên cố và chế tác vũ khí Nỏ Thần
lợi hại. Tần Thủy Hoàng bên Tàu cho quân sang xâm phạm, đã bị đánh
thua. Triệu Đà, vốn là tướng Nhà Hán, dùng gian kế “cầu hòa”; xin cho
con trai là Trọng Thủy kết duyên với Mị Châu con gái vua An Dương
Vương, thực chất là cho người sang làm Gián điệp nhằm phá hoại từ bên
trong.
An Dương Vương đã mắc mưu kẻ địch, tưởng là gả con gái cho Bắc
Triều, mong giữ hòa hiếu mà giữ được ngôi báu. Do mất cảnh giác, lại bị
đánh bất ngờ, An Dương Vương đã thua chạy, kết cục nước mất nhà tan,
dân ta chìm đắm trong cảnh lầm than suốt 1000 năm Bắc Thuộc… Nàng Mị
Châu bị vua cha chém đầu, còn Trọng Thủy vì nhớ vợ cũng gieo mình xuống
giếng tự vẫn.
“16 chữ vàng” và “4 tốt” không bảo vệ được “ngôi báu” của Đảng CSVN;
dựa vào CNXH đặc sắc Trung Quốc với “lý luận tương đồng, vận mệnh tương
quan” để giữ Chế độ này lại càng sai lầm; cắt đất nhượng biển và bán
bô-xít cho Trung Quốc cũng không thể mang lại yên ổn cho đất nước; lịch
sử đã chứng minh chỉ có Dân chủ hóa, phát huy sức mạnh toàn dân, mới
giữ được đất nước trọn vẹn.
Chúng ta không được để tấn bi kịch Mị Châu – Trọng Thủy sẽ tái diễn
trong thời đại ngày nay. Vào thời điểm lịch sử này, chúng ta hiểu ra
rằng để bảo vệ vững chắc nền Độc lập của đất nước, chỉ có duy nhất con
đường tiến tới Dân chủ hóa.
Việt Nam, ngày 14-3-2009
Trần Quốc Hiên
Nguồn: Ðảng Dân Chủ Nhân Dân