Chủ Nhật, 2024-11-24, 5:09 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 22 » Thủ tướng cam kết nông dân phải có lãi
4:56 PM
Thủ tướng cam kết nông dân phải có lãi


2009-03-21

Trong chuyến công tác tại vùng đồng bằng sông Cửu Long trong tuần qua, thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đưa ra chỉ đạo là phải đảm bảo người trồng lúa phải có lãi.

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam

Nông dân Việt Nam thu hoạch lúa mùa.

Hồi tháng Hai, người đứng đầu chính phủ vẫn còn nhắc tới mức lãi cam kết từ 30 tới 40% mà nông dân phải được hưởng. Lần này chỉ đạo của thủ tướng được đáp ứng, lúa đông xuân đang thu hoạch đã được doanh nghiệp và thương lái thu mua đều đặn và có thể nói là nông dân có lãi.

Vụ mùa bội thu và được giá

Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết:

Tôi làm 8 hectare đã thu hoạch xong cũng bán xong rồi, năng suất khá cao. Tôi làm lúa thường giống 2517, tôi bán được 4.400đ/kg. Nếu tính bình quân mỗi hectare tôi lời 15 triệu.”

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu chỉ tính toán trong thời điểm vụ đông xuân hiện nay, khi lúa mới thu hoạch được khoảng 50% diện tích 1 triệu 550 ngàn ha, thì đây là một vụ mùa bội thu và được giá. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định:

“Vụ Đông Xuân này chi phí của 1kg lúa là dưới 2.000đ mà hiện nay nông dân bán trên 4.000đ. Điều này cho thấy vượt mức lãi 30% mà là 50 tới 60%.”

Giá lúa thì Nhà nước cũng không kiểm soát được, tại vì mấy tay thương lái cấu kết với công ty lương thực, đặc biệt là tình trạng nông dân mình làm ăn cá thể mạnh ai nấy làm.

GS Võ Tòng Xuân

Theo báo SGGP, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ngày 19/3 tại Cần Thơ rằng, phải đảm bảo nông dân tiếp tục có lãi, đảm bảo xuất khẩu gạo đúng chủ trương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra chỉ đạo và cũng có thể hiểu đó là một lời cam kết, dù rằng vụ hè thu 2008 khi lúa ứ đọng trong dân không ai mua, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo phải mua hết lúa cho dân với mức lãi 40%. Mệnh lệnh của thủ tướng đã không thực hiện được, nông dân chịu rất nhiều thiệt thòi. Vào thời điểm vụ hè thu 2008 bế tắc, Giáo Sư Võ Tòng Xuân nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nhận định:

“Nhà nước không giúp đỡ gì cho người nông dân hết, từ việc tài trợ chút đỉnh tiền hay phân bón thuốc trừ sâu thì cũng không tài trợ được, giá lúa thì Nhà nước cũng không kiểm soát được, tại vì mấy tay thương lái cấu kết với công ty lương thực, đặc biệt là tình trạng nông dân mình làm ăn cá thể mạnh ai nấy làm.”

Trở lại cam kết đảm bảo nông dân tiếp tục có lãi mà người đứng đầu chính phủ VN đưa ra vào ngày 19/3 tại Cần Thơ. Trước một số quan ngại rằng vụ đông xuân bội thu cần được tiêu thụ hết trong quí 2, nếu không có thể bị ứ đọng vì nông dân thu hoạch tiếp vụ hè thu và vụ 3 sau đó. TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa ra nhận định:

“Trong vụ Đông Xuân này Đồng Bằng Sông Cửu Long có thể đạt 10 triệu tấn, hiện nay vấn đề là cái đầu ra và ký xuất khẩu đã đạt trên 3 triệu tấn. Vụ Đông Xuân đang thu hoạch tới cuối tháng sẽ đạt 50%, qua hết tháng Tư khả năng Nhà nước thu mua dần dần cũng có thể đạt.”

Cho đến nay có một trục trặc lớn, là trước vụ đông xuân ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân trồng lúa hạt dài chất lượng cao để xuất khẩu. Tuy vậy trong vụ đông xuân này thực tế đã diễn biến trái chiều, lúa chất lượng cao bán giá không cao mà những ai làm lúa 50404 hay các giống lúa thường lúa ngang lại đạt lợi nhuận cao. Một phụ nữ làm ruộng ở Cần Thơ phát biểu:

“Giờ chắc người ta không nghe bên nông nghiệp nói nữa, tại vì hôm sạ vừa rồi kêu sạ lúa dài đừng sạ lúa tròn Nhà nước không mua, mua ít lắm. Vì vậy nông dân sạ lúa dài hết trơn, lúa dài bây giờ mua bằng giá lúa ngang mà năng suất không bằng. Bây giờ người ta không chịu nghe lời mấy người đó nữa. Lúa ngang lúa tròn giá 4.300đ/kg, lúa chất lượng cao thơm nhẹ 4.400đ-4.500đ/kg cũng cao hơn lúa tròn có một hai phân à .”

Xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo

Nhân chuyến công tác thực tế vùng đồng bằng sông Cửu Long của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, báo SGGP đưa lên mạng nhiều bài viết liên quan tới những khiếm khuyết kéo dài trong sản xuất lúa gạo ở miền Tây. Tờ báo cho thấy chính phủ nay đã quyết tâm xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo, để có thể mua hết lúa cho dân không tiếp tục tình trạng tồn đọng. TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận định:

“Vấn đề kho tàng rất quan trọng để nâng cao chất lượng hạt gạo VN, thứ hai là để có thể tồn trữ chủ động trong khâu xuất khẩu, điều tiết và dự báo được giá cả khi nào bán là thuận lợi nhất.”

Theo bài viết của SGGP Online, trung bình mỗi năm cả nước thu hoạch 38 triệu tấn lúa, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long 3 vụ lúa một năm làm ra khoảng 18 triệu tấn lúa, trong đó dành khoảng 10 triệu tấn lúa tương đương 5 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Tờ báo cho rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có đủ kho chứa khoảng 1 triệu 200 ngàn tấn gạo, nhưng phần lớn là các kho cũ kỹ lạc hậu, không đủ điều kiện về bảo quản gạo lâu dài.

Vấn đề kho tàng rất quan trọng để nâng cao chất lượng hạt gạo VN, thứ hai là để có thể tồn trữ chủ động trong khâu xuất khẩu, điều tiết và dự báo được giá cả khi nào bán là thuận lợi nhất.

TS Lê Văn Bảnh

Tờ báo nhấn mạnh rằng, không có kho chứa lúa gạo, thì không thể chủ động trong xuất khẩu cũng như giá cả. Dẫn tới việc nông dân luôn phải bán lúa thật nhanh sau thu hoạch, chịu giá thấp, khi giá lên thì không còn lúa để bán. Ngoài ra, thiếu kho chứa cũng là một trong các nguyên nhân gây thiệt hại do tổn thất sau thu hoạch. Tờ báo ghi nhận là riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm tổn thất sau thu hoạch khoảng 1 triệu tấn lúa gạo.

Tờ báo cho biết, trong kế hoạch kích cầu nông nghiệp, gia tăng thu mua lúa cho nông dân, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đã đến lúc phải khẩn trương xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo đủ mạnh. Điều mà người đứng đầu chính phủ VN gọi là bài toán chiến lược.

Bộ NN-PTNT đang thực hiện đề án xây dựng hệ thống kho chứa lúa gạo hiện đại với tổng sức chứa lên tới 4 triệu tấn để thủ tướng phê duyệt. Theo tin này, việc xây dựng hệ thống kho chứa sẽ được thực hiện theo hai phương án là sửa chữa nâng cấp các kho cũ và xây dựng mới các kho hiện đại. Dư luận tỏ ra chú ý về hệ thống kho tối tân được xây dựng mới với tổng công suất 2 triệu 800 ngàn tấn gạo. Báo SGGP trích lời giới chức Bộ NN-PTNT cho biết, những kho xây dựng mới sẽ theo hai loại thiết kế. Loại một là các silos có tổng dung tích 800 ngàn tấn gạo. Những silos này được trang bị kỹ thuật hiện đại, có hệ thống tháp sấy gạo, đảo trộn gạo, băng chuyền, hệ thống thông gió tự động cũng như máy xay xát, sân phơi và dĩ nhiên có hệ thống giao thông đáp ứng. Các kho theo loại hai sẽ có tổng sức chứa 2 triệu tấn gạo. Đây là các kho vòm cuốn kho A 1, và bảo đảm có đủ hệ thống sân phơi, máy sấy và chống ẩm. Tờ báo cho biết kinh phí dự trù khoảng 7 ngàn tỷ đồng để thực hiện việc thiết lập hệ thống kho vừa nói. Thời gian hoàn thành các dự án là 3 năm.

Vẫn theo báo SGGP Online, hiện đã có 13 tỉnh và một số doanh nghiệp lớn đăng ký dự án xây dựng kho chứa lúa gạo. Chính phủ sẽ ưu đãi vốn vay lãi suất thấp với thời hạn từ 5 tới 10 năm cùng một loạt các biện pháp hỗ trợ về thuế, hỗ trợ đầu tư và giải phóng mặt bằng. Những địa điểm dự kiến xây dựng hệ thống kho trữ gạo bao gồm Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần thơ, Saigon.

Chỉ cần 7 ngàn tỷ đồng tương đương 1/7 trị giá gạo xuất khẩu 1 năm, để có thể thiết lập hệ thống kho chứa lúa gạo hiện đại và tối cần thiết, thật không thể giải thích là tại sao vấn đề này đến nay mới được đặt ra một cách nghiêm túc.

Category: Kinh tế | Views: 797 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0