Vũ Ánh
Năm
nay, Tết Mậu Tý lại là năm đánh dấu 40 năm Tết Mậu Thân. Tại sao lại
cần phải ghi dấu mốc đặc biệt của Mùa Xuân năm Mậu Thân như vậy? Phía
Việt Cộng, những người mà từ 40 năm nay luôn luôn cho đó là một cuộc
"tổng tấn công và nổi dậy" làm "nền tảng cho đại thắng Mùa Xuân 1975"
lại rất thích thú khi lộng ngôn như vậy.
Những
từ tôi để trong ngoặc kép là trích dẫn một bài bình luận hồi đầu tháng
1 năm 2008 trên báo Nhân Dân vào dịp mà Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng Cộng
Sản Việt Nam ra lệnh ăn mừng rầm rộ điều được gọi là "chiến thắng Tết
Mậu Thân của đảng CSVN".
Trên
tờ Nhân Dân, Nguyễn Ðình Ước, trung tướng Việt Cộng viết: "Cuộc tổng
tấn công đã đi vào lịch sử là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh cách
mạng Việt Nam thể hiện một đỉnh cao ý chí và trí tuệ của Việt Nam trong
cuộc chiến tranh nhỏ thắng lớn. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và
Chủ Tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đánh thắng oanh liệt một cuộc
chiến tranh cục bộ lớn nhất trong thế kỷ 20..."
Nội
dung suy nghĩ của một trong những viên tướng Việt Cộng như Nguyễn Ðình
Ước tại một đất nước đã bước vào thế kỷ 21 và những gì xảy ra trong Tết
Mậu Thân cách đây 40 năm vẫn không có thêm điều gì khác hơn là những
lời lẽ dao to búa lớn của những con vẹt, chí ít thì họ cũng là những
tên đồ tể của họ Hồ, hay những tội phạm chiến tranh đã nhúng tay vào
máu của nhân dân miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân, đặc biệt là ở
Huế, Quảng Trị, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi.
Người
viết bài này vào thời điểm đó là phóng viên mặt trận, đã chứng kiến
việc khai quật các mồ chôn tập thể gồm gần 6,000 người ở Huế, gồm cả
thường dân, công chức, cảnh sát, thành viên các đảng phái, văn nghệ sĩ,
các dân cử VNCH, thủ lãnh sinh viên và thậm chí cả những tu sĩ công
giáo người Việt Nam lẫn ngoại quốc.
Ngoài
ra, tôi cũng là người đã theo chân các đơn vị VNCH hành quân tìm những
nấm mồ tập thể nhỏ hơn nằm rải rác trong vùng tiền sơn tỉnh Quảng Trị,
Quảng Ngãi, Bình Ðịnh: ít ra cũng có khoảng từ 1,500 đến 2,000 thường
dân và các nhân viên xã ấp, đảng phái bị dẫn đi mất tích và bị giết ở
vùng núi thuộc Bồng Sơn, Tam Quan, An Khê, An Lão, Hoài Ân (thuộc Bình
Ðịnh), Quế Sơn, Thăng Bình (Quảng Ngãi), Tam Kỳ (Quảng Tín), Thường Ðức
(Quảng Nam), Phong Ðiền và Hương Ðiền (Quảng Trị).
Những
chi tiết về các cuộc tàn sát của Việt Cộng đối với các con tin và tù
binh được ghi nhận trong những báo cáo, những bài tường thuật của báo
chí, những cuộc phỏng vấn nhân chứng đã được in thành một cuốn bạch thư
gởi đi các sứ quán của VNCH. Những hình ảnh cũng được thu thập đầy đủ
làm thành một cuốn phim tài liệu khá dài do Trung Tâm Quốc Gia Ðiện Ảnh
VNCH thực hiện lấy tên là "Sóng Ðỏ".
Biến
cố 30-4-1975 đã giúp bọn đồ tể và bọn tay sai của Cộng Sản ở Huế như Lê
Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thân Trọng Một...
thủ tiêu những bằng chứng của cuộc tắm máu ở Huế cũng như ở Thừa Thiên,
Quảng Trị và các nơi khác.
Những
tội phạm chiến tranh này vẫn sống nhơn nhơn đến ngày hôm nay, báo chí
ngoại quốc không đề đả động tới tội ác của chúng trong khi hình ảnh
Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn ngay tại mặt trận một tên đặc công vừa
giết người, đốt nhà dân chúng trên đường Lý Thái Tổ Sài Gòn để làm kế
thoát thân trước khi bị chính dân chúng bắt giữ thì bị bêu riếu trên
những trang báo Mỹ cho đến nay ở ngay tại một quốc gia mà báo chí nổi
tiếng là rất tôn trọng sự công bằng như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi vẫn tin
rằng CS chỉ có thể thủ tiêu được một số tài liệu liên quan đến Tết Mậu
Thân 1968 tại VN, chứ họ sẽ chẳng bao giờ thủ tiêu được những tài liệu
ấy mà Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ và những nhân chứng còn sống ở trong
nước cũng như ở hải ngoại còn cất giữ.
Riêng
đối với cá nhân Tướng Nguyễn Ðình Ước thì tôi có những lời khuyến cáo
ông như thế này: - Ông ca tụng chiến thắng Tết Mậu Thân đi vào lịch sử
là một "sáng tạo độc đáo", thật sự nó chẳng độc đáo gì đâu! Bọn Ðức
Quốc Xã đã đi trước các ông nhiều bước rồi: họ đã giết hàng trăm ngàn
tù binh và đã thiêu sống 6 triệu người Do Thái.
Nhưng
tôi phải công nhận rằng, cách giết người của các ông đặc biệt thật,
đúng như lời tuyên bố của cố Bác Sĩ Lê Khắc Quyến, nguyên giám đốc bệnh
viện Trung Ương Huế vào thời gian ấy: "Ðây là lối giết người của thời
trung cổ". (Tôi đã phỏng vấn Bác Sĩ Quyến ngày khai quật mồ chôn tập
thể ở Phú Thứ và Giạ Lê Thượng, Gia Hội, Bao Vinh... và tài liệu được
lưu trữ tại Ðài Phát Thanh Sài Gòn).
Bác
Sĩ Quyến so sánh như thế vì đa số những nạn nhân trong mồ tập thể ở Phú
Thứ và khu vực quanh trường tiểu học Gia Hội đều bị đập vỡ sọ bằng cuốc
và báng súng. Có người bị trói, bị nhét giẻ vào miệng và đẩy xuống hố,
lấp đất. Giết người như thế thì có phải là nét độc đáo của những tên
giết người chuyên nghiệp bệnh hoạn không? Nhưng như thế vẫn chưa độc
đáo đâu.
Trước
đó, ở những năm của thập niên 50, các ông theo lệnh của họ Hồ mở cuộc
đấu tố ruộng đất và giết những nông dân bị gán cho là địa chủ bằng cách
chôn sống, chôn một nửa người, rồi lấy cày, cày lên thân thể nạn nhân
trước sự chứng kiến của con cái, người thân của họ. Chiến thắng các
nông dân bị gán là địa chủ tàn ác của các ông cũng "oanh liệt" đấy chứ!
Và nó oanh liệt đến nỗi Hồ Chí Minh phải đẩy Trường Chinh chính thức
lên tiếng xin lỗi sau khi 200,000 người đã bị giết bởi nhiều hình thức
khác nhau trong chiến dịch đấu tố này, dù rằng ai cũng biết lời xin lỗi
của Trường Chinh chỉ là để chạy tội cho Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản
của ông ta mà thôi.
Ông
Tướng Nguyễn Ðình Ước "hát" về chiến thắng Tết Mậu Thân của các ông là
"oanh liệt" cũng không có gì lạ. Bản chất của những người bị đầu độc
bởi chủ nghĩa CS là tính nhai lại, "ăn cơm chúa múa tối ngày" mà. Bằng
chứng là có bao nhiêu sự kiện thay đổi trong đảng CS, bao nhiêu thay
đổi trong mối liên hệ giữa đảng CS và dân chúng Việt Nam trong vòng 40
năm qua, và cũng trong giai đoạn này, thượng cấp và Trung Ương Ðảng của
ông đã phải cho sửa chữa lại sử sách mà các ông không dám biết, hoặc
biết mà không dám có ý kiến. Ðiển hình, cuốn hồi ký "Ðại Thắng Mùa
Xuân" của Văn Tiến Dũng đã bị chính đảng CS của ông ta nhìn nhận có
nhiều sai lạc, cần phải hiệu đính. Nhưng chuyện này đã không xảy ra vì
tội nói dối của Văn Tiến Dũng nếu được sửa lại thì nó lại tạo ra tội
nói dối khác nghiêm trọng hơn.
Cho
nên đảng CSVN đành vứt sọt rác "cái đại thắng của ông Dũng" sau khi cả
đảng Cộng Sản lại phải quị lụy, cầu cạnh, xin xỏ chính "tên đế quốc
sừng sỏ nhất" mà họ đánh thắng là Hoa Kỳ. Ðã đánh thắng tên đế quốc
sừng sỏ nhất mà đến khi tên đế quốc sừng sỏ bậc hai như Trung Cộng
ngang nhiên sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của họ thì các
ông không dám hở môi, thậm chí còn đàn áp những thanh niên Việt Nam có
lòng yêu nước thật sự.
Chuyện
ấy đã và đang diễn ra, vậy mà các ông tướng được phong "anh hùng" như
ông lại vội vã chọn thái độ tự bịt bắt và che lỗ tai mình? Chắc ông
cũng biết rằng, đảng Cộng Sản đã từng làm rùm beng vụ tàn sát tại Mỹ
Lai nhưng lại tảng lờ sự kiện các ông nhúng tay vào máu của chính đồng
bào mình trong Tết Mậu Thân. Ðã vậy mà các ông vẫn tiếp tục nói những
lời dối trá trong khi nhân chứng tội ác của các ông vẫn còn sống sờ sờ
trước mắt.
Ông
Tướng Ước ơi, ông chắc không quên là Tết Mậu Thân 1968 là sự kiện xảy
ra vào đúng đêm Giao Thừa ngày Tết truyền thống thiêng liêng của dân
tộc, giữa lúc dân chúng Huế nói riêng và nhân dân miền Nam nói chung
đang lễ lạy để đón tổ tiên ông bà về chứng giám cho con cháu. Năm đó,
do một thỏa thuận đặc biệt bằng đường lối ngoại giao trung gian, Hà Nội
thỏa thuận ngưng bắn trong ba ngày Tết. Lời tuyên bố được đưa ra khá
sớm, và chính phủ VNCH năm đó cho các quân nhân đi phép với một tỷ lệ
nhiều hơn những năm trước đó.
Ðúng
giao thừa, các ông nuốt lời hứa mở cuộc tấn công vào Huế và một số tỉnh
khác. Mặc dù ở trong tình trạng bất ngờ và bất lợi, lực lượng VNCH chỉ
lúng túng ngày đầu, nhưng sang đến Mồng 2 Tết là quân của các ông bắt
đầu bị truy đuổi và bắt đầu tìm đường chạy thoát thân bằng cách bắt con
tin, đốt nhà dân để làm mộc đỡ đạn và phân tán lực lượng an ninh VNCH.
Tôi
xin trích lại một đoạn ngắn của nhà phân tích Douglas Pike, một chuyên
viên về CSVN được thừa nhận và rất nổi tiếng tại Hoa Kỳ về Tết Mậu Thân
ở Huế như sau: “Những gì đã xảy đến tại Huế có thể được mô tả cụ thể
qua vài con số thống kê. Một lực lượng Cộng sản lên tới 12,000 người đã
xâm chiếm thành phố Huế đêm mồng một Tết, ngày 30-01-1968. Họ đã ở lại
26 ngày và sau đó bị quân đội (Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh) đánh bật
ra khỏi”.
Ðó
là thành phố Huế. Còn tại những thành phố khác, quân của các ông không
bám được lâu. Hầu hết các đơn vị của các ông đều thuộc cục "R" (Cộng
Sản Miền Nam), và mũi xung kích đều do các đơn vị đặc công nắm giữ. Gần
một chục đặc công nhảy vào được sứ quán Mỹ nhưng đã không có một người
nào chạy thoát.
Tại
Ðài Phát Thanh Sài Gòn cũng vậy, toán 21 đặc công chiếm được đài phát
thanh rồi, nhưng đã không ở được quá một tiếng đồng hồ. Lực lượng nhảy
dù VNCH đã tái chiếm, kết quả là 20 đặc công bỏ mạng, duy nhất có viên
toán trưởng chạy thoát, sau đó bị chính dân bắt giữ trao cho an ninh
VNCH. Ít lâu sau, viên toán trưởng đặc công này đã xin hưởng qui chế
hồi chánh, rồi trở thành một chỉ điểm viên cho các toán thám sát Mỹ
được thả vào rừng lấy tin tức về đường chuyển quân của các ông.
Sau
30-4-1975, anh ta bị bắt và bị đưa vào trại cải tạo. Tết Mậu Thân, tôi
là người đầu tiên mở cuộc phỏng vấn anh ta ngay lúc anh ta bị bắt ở đầu
cầu Phan Thanh Giản Sài Gòn. Cuộc phỏng vấn được ghi âm và phát sóng
rộng rãi trên hệ thống truyền thanh quốc gia lúc đó hoạt động tại đài
dự phòng Quán Tre vì đài trung ương ở đường Phan Ðình Phùng đã bị sập.
Năm
1977, lúc tôi còn ở trại tù Hàm Tân Z-30C, ngẫu nhiên tôi lại gặp anh
ta trong đội lao động khổ sai với tôi. Tôi và NVM (tôi xin viết tắt vì
không biết số phận người hồi chánh này như thế nào hiện nay) nói chuyện
với nhau rất nhiều về sự kiện Tết Mậu Thân và tố cáo các ông như thế
này: "Bọn hắn (Hà Nội) lùa chúng tôi (những đặc công thuộc lực lượng vũ
trang của MTGPMN) đi trước vào chỗ chết, rồi bỏ mặc. Lúc đầu, tôi không
nghĩ ngợi gì cả. Nhưng khi hội đàm Paris khai mạc, trong đầu tôi lóe
lên ý nghĩ: Hà Nội muốn chúng tôi bị giết và bị bắt càng nhiều càng tốt
để tiếng nói của MTGPMN tại bàn hội nghị yếu đi. Họ sợ những thành viên
của MTGPMN tại Paris nói có thể có những ý kiến ngược lại với tiếng nói
của Hà Nội". (NVM người Quảng Nam theo bố mẹ về Tây Ninh định cư, bố mẹ
đều là những đảng viên Cộng Sản có máu mặt trong MTGPMN, nên anh ta mới
được tha chết). Chỉ đến đợt tấn công Tết Mậu
Thân lần thứ hai (tháng 5,1968), các ông mới đưa các đơn vị miền Bắc
xâm nhập vào một vài thành phố, nhưng đã nhanh chóng bị đẩy ra.
Nếu
quan niệm rằng, dùng cơ hội bất ngờ đánh chiếm một vài khu vực dân cư
trong các thành phố miền Nam, đốt nhà bắt con tin rồi rút lẹ là chiến
thắng, thì các ông chiến thắng thật. Nhưng thắng bại trong một trận
đánh lúc đó được thẩm định bằng hành động chiếm và giữ được phần đất
mình vừa nắm được trong tay một cách vĩnh viễn.
Ðánh
vào một nơi để gây thanh thế, lấy tiếng rồi rút sau khi bị thiệt hại
nặng nề vẫn chỉ được kể là chiến tranh tiêu hao, phá hoại chứ chưa thể
gọi là chiến thắng. Tuy nhiên ông Ước có thể nhìn vấn đề theo cách nhìn
của ông, nhưng ông bảo Tết Mậu Thân là cuộc nổi dậy của dân chúng thì
thật là ngược ngạo.
Tôi
đã theo sát và tường thuật khá kỹ trong trận đánh ở thành phố Huế 21
ngày, tôi chưa hề thấy một người dân nào tìm sự che chở bằng cách chạy
về phía các ông. Chỉ thấy bóng dáng của các ông trong khu xóm nào là
dân chúng tìm cách thoát thân để tìm sự bảo vệ của các đơn vị và chính
phủ VNCH.
Tôi
nói thì có thể ông không tin vì ông chưa được biết một tài liệu do
chính Sir Robert Thompson viết trong một giáo trình dạy về du kích
chiến cho các chuyên viên chiến tranh tâm lý Việt Nam Cộng Hòa tại
Okinawa giữa năm 1969 như sau: "...Trong cuộc chiến tranh ý thức hệ hay
chiến tranh nhân dân, yếu tố chọn lựa của dân chúng rất quan trọng. Họ
nói cho chúng ta biết đâu là lá phiếu đích thực cho sự chọn lựa ấy bằng
cách chạy về phía này hay phía kia..." Cho nên, Tết Mậu Thân 1968 và
Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972 được chính phủ VNCH và dư luận thế giới coi đó là
một cuộc "bỏ phiếu bằng chân" và cuộc bỏ phiếu ấy đã cho thấy không ai
lựa chọn các ông vào lúc đó cả.
Tôi
chỉ xin tạm nói với ông Tướng VC Nguyễn Ðình Ước và Ban Bí Thư Trung
Ương đảng CSVN như thế về việc các ông chuẩn bị ăn mừng lần thứ 40 Tết
Mậu Thân, một cái Tết và đồng thời cũng là ngày giỗ lần thứ 40 các
người thân của hàng chục ngàn gia đình Việt Nam trong nước cũng như tại
hải ngoại bị các ông giết.
Tôi
nghĩ là các ông nên đến từng nhà có làm đám giỗ cho những người thân
của họ bị các ông tàn sát ở Huế, ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Ngãi,
Bình Ðịnh, Khánh Hòa, Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Trà Vinh, Sóc Trăng...
để chia sẻ với họ "niềm vui chiến thắng Tết Mậu Thân" của các ông.
Nhưng mong mỏi các ông đừng dùng quyền lực để dọa nạt họ, để bắt họ
phải cười mà hãy nhìn thẳng vào những đôi mắt đẫm lệ của những người
vợ, người chồng, người con, người cháu từng có ông, cha, chú bác, anh,
em bị các ông đập vỡ sọ, thắt cổ bằng dây điện thoại rồi vùi dập ở dưới
những nấm mồ tập thể vội vã ở Huế.
Ðiều
này rất cần thiết cho các ông để thêm vào những tiết mục trong chương
trình ăn mừng "chiến thắng Tết Mậu Thân" của các ông, của những người
CSVN vẫn chưa mở mắt vì những điều mình đang gây hại cho dân tộc Việt
Nam.
Ðảng
Cộng Sản của ông ăn mừng cái gọi là chiến thắng Tết Mậu Thân tức là
đang ăn mừng hành động nhúng tay vào máu các lương dân trong cái Tết
thiêng liêng của dân tộc cách đây 4 thập niên. (VA)