Một ngày sau khi tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) xác nhận rút khỏi dự án thăm dò tại hai lô 5.2 và 5.3 ở bồn trũng Nam Côn Sơn, phía Việt Nam có phản ứng chính thức.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói ông được biết 'quyết định này của BP là do các yếu tố thuần túy thương mại và kỹ thuật'.
Ông Lê Dũng nói: "Điều tôi có
thể khẳng định là những lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán
của Việt Nam."
Hôm 20/3, BP viết trong email gửi tới
bbcvietnamese.com: "Sau khi rà soát lại các dự án đầu tư dựa
trên các yếu tố thương mại và kỹ thuật, Công ty thăm dò khai
thác dầu khí BP tại Việt Nam đã quyết định rút khỏi dự án
thăm dò tại lô 5.2 và 5.3".
"BP đang trong quá trình đàm phán với PetroVietnam và các đối tác nhằm hoàn tất việc rút khỏi dự án trong năm 2009. Hiện giờ Công ty chưa có thêm thông tin hay bình luận gì khác."
Hồi tháng Sáu 2007, BP đã ngừng việc thăm dò tại lô ngừng kế hoạch khảo sát địa chấn tại lô 5.2 vì áp lực từ tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quyết định tạm ngừng lúc đó được BP giải thích là "để cho các nước liên quan có cơ hội giải quyết vấn đề".
Điều tôi có thể khẳng định là những lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng
Hai lô 5.2 và 5.3, tại hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh cách bờ 370 km, được phát hiện từ năm 1996, nằm ở khu vực Nam Côn Sơn, giữa Trường Sa và bờ biển Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối Việt Nam cho các đối tác nước ngoài khai thác dầu khí tại đây.
BP nắm 55,5% cổ phần ở lô 5.2 và 75% cổ phần ở lô 5.3. Các đối tác khác trong dự án là PetroVietnam và ConocoPhillips của Hoa Kỳ.
Được biết nay tập đoàn này tập trung vào hoạt động khai thác khí tại lô 06.1 cũng ở Nam Côn Sơn.
Một số chuyên gia và nhà quan sát nhận xét rằng nếu không có sự tham gia của BP, Việt Nam sẽ khó có thể tìm được đối tác khác đủ mạnh để đầu tư vào các dự án ở khu vực 'khó khăn' này.