Trong
bối cảnh Việt Nam đang muốn đưa quan hệ với Trung Quốc ''vào chiều sâu,
hiệu quả và bền vững", liệu Hà Nội có dám đụng đến phần lãnh thổ mà Bắc
Kinh tự quy định ở biển Đông hay không?
Tuy ông Đới Bỉnh Quốc
chỉ là một Uỷ viên trung ương Đảng, Uỷ viên Quốc vụ viện của Trung
Quốc, thế nhưng trong hai ngày 19 và 20.03.2009, ông đã lần lượt được
được cả ba lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam là tổng bí thư Nông Đức
Mạnh, chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp
đón như một vị nguyên thủ quốc gia.
Chỉ
một chi tiết này đủ cho thấy là Hà Nội đang ngày càng thắt chặt quan hệ
với ''đồng chí'' Bắc Kinh mặc dù Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc lấn
lướt trên vấn đề chủ quyền biển Đông.
Việc tăng cường quan hệ
song phương Việt Nam còn được thể hiện qua việc bưu điện của hai nước
hôm thứ năm vừa qua đã ký kết một nghị định thư về việc thiết lập đường
dây nóng, tức là đường dây điện thoại bảo mật giữa các lãnh đạo cấp cao.
Cuối
năm ngoái, Việt Nam và Trung Quốc cũng vừa hoàn thành việc phân giới
cắm mốc trên đất liền. Hôm thứ năm (19.03.09), hai bên đã bày tỏ quyết
tâm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên vùng biển Đông.
Thế
nhưng, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu của Hoa Kỳ ngày 8 tháng 3
vừa qua cho thấy là hơn bao giờ hết, Trung Quốc hành xử như là sở hữu
chủ của toàn bộ vùng biển Đông.
Hôm thứ năm, đúng vào ngày mà
ông Đới Bỉnh Quốc đến thăm Việt Nam, báo chí Trung Quốc loan tin là
nước này sẽ tăng cường tuần tra chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa.
Cụ thể, Trung Quốc sẽ chuyển những chiến hạm đã hết
hạn sử dụng của hải quân thành các tàu tuần tra, trước điều mà Bắc Kinh
gọi là tình trạng ''đánh cá lậu gia tăng'' và những đòi hỏi chủ quyền
'' vô căn cứ ''. Trước đó, Bắc Kinh đã phái một tàu tuần dương lớn nhất
và hiện đại nhất, mang tên Ngư Chính 311 đến khu vực Hoàng Sa - Trường
Sa.
Phản ứng về sự kiện này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê
Dũng chỉ tuyên bố là '' Việt Nam quan tâm và sẽ theo dõi sát'' hoạt
động của tàu này. Hà Nội cũng đã phản ứng không lấy gì là mạnh mẽ, khi
Bắc Kinh trước đó mấy ngày cho phép một công ty du lịch của nước này tổ
chức các tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa.
Trước những hành
động lấn lướt của Trung Quốc, ngày càng có nhiều người kêu gọi đưa vấn
đề tranh chấp chủ quyền biển Đông ra quốc tế, để tranh thủ sự ủng hộ
của các nước khác.
Nhưng muốn như thế thì phải làm sao phổ biến
cho thế giới biết sự thật lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai
quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Thế mà, ngay cả ở Việt Nam, không phải
ai cũng biết về những sự thật lịch sử đó. Cho đến gần đây, chỉ có một
vài học giả ở Việt Nam quan tâm nghiên cứu đến biển Đông, một chủ đề mà
trong một thời gian dài vẫn bị coi là nhạy cảm. Mãi đến ngày 17.03.09
mới có một hội thảo đầu tiên tầm cỡ quốc gia về tranh chấp biển Đông
được tổ chức tại Hà Nội.
Về mặt công pháp quốc tế, Việt Nam cũng
đang có nguy cơ bị yếu thế, bởi vì từ đây đến ngày 13.05.09 tới đây,
các nước đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, trong đó có
Việt Nam, phải đăng ký thềm lục điạ mở rộng.
Nếu quá hạn này mà
không đăng ký thì Việt Nam có thể sẽ bị mất tất cả nguồn tài nguyên
trong thềm lục điạ bên ngoài 200 hải lý. Nhưng nếu Việt Nam đăng ký,
thềm lục địa mở rộng này sẽ lấn sang đường ranh giới, gọi là ranh giới
lưỡi bò, mà Trung Quốc đã tự quy định trên biển Đông.
Câu hỏi
đặt ra bây giờ là trong bối cảnh mà Việt Nam đang muốn đưa quan hệ với
Trung Quốc '' vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững '', liệu Hà Nội có
dám đụng đến phần lãnh thổ đó hay không?
Nguồn: RFI