Trần Vũ Sau
chiến tranh biên giới 1979, quân đội Việt Nam rơi vào tình trạng xác
ướp. Đến mức ngày nay khi nhắc đến tranh chấp Biển Đông, tuyệt đại bộ
phận dân chúng cùng các phân tích gia thế giới đều tin quân đội này
không đủ sức đương đầu với Hồng quân Trung Quốc. Đánh giá trái ngược
hẳn với danh tiếng của một đạo quân từng chiến thắng ba đế quốc Pháp,
Mỹ, Hoa.
Triển lãm chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược ở Sài Gòn
Ba
mươi năm sau các trận đánh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, quân đội Việt
Nam dường như thiếp ngủ. Câu hỏi đặt ra: Có thật trong trận chiến 1979
chúng ta đã chiến thắng? Hệ thống tuyên truyền một thời của nhà nước
khiến dân Việt tin Đặng Tiểu Bình thất bại. Có thật như vậy? Có thể trả
lời: Đứng trên mặt chiến thuật, quân đội Việt Nam tiêu hao quân Tàu
trong giao chiến. Đứng trên mặt chiến lược, quân đội này đánh mất cơ
hội xác lập vị thế độc lập bất khả xâm phạm của quốc gia — khi không
tiêu diệt các đại binh đoàn Trung Quốc. Kết thúc trận đánh là một thế
thủ hòa, nhưng ‘‘hòa’’ vô cùng bất lợi.
Trong quá khứ, sau mỗi
cuộc chiến các vương triều Đại Việt rồi Đại Nam thường xuyên triều
cống, nhưng gần như chỉ chấp thuận triều cống một cách tượng trưng sau
khi đã đánh tan sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Kết quả mập mờ của trận
chiến biên giới đã không đặt Việt Nam vào thế mạnh cho phép chính phủ
đương quyền thương thuyết bình đẳng, ngược lại, phải chấp nhận triều
cống thực sự một phần lãnh hải và lãnh thổ. Quốc gia rơi vào thế yếu
đánh mất dần độc lập chính trị hay một cách khiêm tốn, đánh mất dần
quyền hành xử nền độc lập này. Chiến tranh biên giới, thực tế là một
thất bại chiến lược.
Thất bại không hiển nhiên.
Quân đội
Việt Nam đủ sức và đã có thể chiến thắng oanh liệt, đánh gẫy mộng bành
trướng về phương Nam của Bắc Kinh, tái lập một lịch sử: sau mỗi chiến
thắng lớn, quốc gia thụ hưởng hòa bình lâu dài, vì sau mỗi chiến thắng
lớn, Bắc triều kinh hoảng mỗi khi nghĩ đến Nam chinh.
Lịch sử
cũng chứng minh: Mỗi khi dân tộc Việt ngang bằng vũ khí với đối phương,
dân tộc này chiến thắng. Tất cả những chiến thắng của Ngô Quyền, Lý
Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều xây dựng trên sự cân
bằng vũ khí, bất kể số lượng quân phương Bắc. Thảm bại của Hồ Quý Ly
nằm trong nguyên nhân thiếu đồng thuận dân tộc nhiều hơn quân sự. Trong
chiến tranh Việt-Pháp, ngay từ 1950, ngay khi có thể trang bị súng cối
nặng 120 ly, đại bác không giật 75 ly, Việt Minh giành lại thế chủ động
chiến trường từ tay quân viễn chinh. Ở vào thời điểm 1979, quân Việt
Nam ngang sức với quân Tàu, ở cả ba mặt vũ khí, quân số và chiến thuật.
Mạnh hơn rất nhiều, nếu tính đến kinh nghiệm chiến trường, khả năng
thích ứng đã qua thử thách, khả năng đối đầu với các đạo quân đế quốc,
cùng ưu thế đánh trên đất nhà. Tổng bí thư Lê Duẩn, cùng các đại tướng
của Quân đội Nhân dân đã đánh mất cơ hội dạy ngược lại cho Đặng Tiểu
Bình một bài học, nhắc lại cho dân Hán quá khứ thảm bại trên đất Việt.
Với một chiến thắng sấm sét như đã từng xảy ra ở Đống Đa, tổ quốc sẽ
mua được sự bình yên trong suốt thế kỷ 21. Trận chiến 1979, là một cơ
hội đánh mất.
Trách nhiệm trước tiên nằm ở Quân ủy Trung ương.
Trách nhiệm thứ nhì ở Bộ Tổng tham mưu. Cả hai cơ quan này đã không
triển khai tối đa binh lực do không đặt mục tiêu: Tiêu diệt toàn bộ
quân Tàu đã vượt biên giới; khiến hôm nay dân Việt bất lực chứng kiến
mất đất, mất biển.
Tôn Tử, trong Binh pháp, bày ra ba đối sách:
‘‘Cao nhất là phá thế chiến lược đối phương. Thứ đến: Bằng ngoại giao
phá thế liên hoàn giữa đối phương với các chư hầu và đồng minh. Đối
sách thứ ba: Tấn công trên trận địa. Đánh thành là hạ sách.’’ [1]
Trong
Cẩm nang chiến tranh, Clausewitz phân tích: ‘‘Trường hợp bị gây hấn,
các dân tộc bị xâm chiếm phải hiểu có những thứ không thể đạt được bằng
ngoại giao. Tấn công là hình thái phòng ngự tuyệt đối. Càng bất ngờ khi
đối phương tự tin dũng mãnh. Nếu trận chiến ban đầu thường đem đến đoàn
kết giúp một dân tộc từ tiểu khối trở thành một khối rắn, trận đánh đầu
tiên phải đặt mục tiêu khiến đối phương từ nan.’’ [2] Cách nhìn của
Gneiseau, Scharnhorst, Moltke, Schlieffen, các bậc thầy suy nghĩ quân
sự Phổ, không khác.
Quân đội Nhân dân trong chiến tranh
Việt-Pháp đã chứng minh am tường binh pháp, như Đại tướng Võ Nguyên
Giáp [3] thừa nhận suy nghiệm Clausewitz. Đứng trước khó khăn địa lý
không cho phép đánh vào đầu não Phương diện quân Vân Nam hay Quảng
Châu, Quân đội Nhân dân đã nhìn thấy thế liên hoàn Khmer-Trung Quốc và
quyết định phá vây. Tiến đánh Kampuchia nằm trong động thái này. Nhưng
đến đây Bộ Tổng tham mưu không có phương án nào khác để kháng Tàu, đánh
chiếm Kampuchia với các quân đoàn chủ lực khiến bỏ trống biên giới phía
Bắc là một lỗi lầm chiến lược.
Kể
từ quý nhì 1978, chuyển biến mâu thuẫn Hoa-Việt gay gắt đến mức quân
đội đứng trước tình thế phải chuẩn bị lâm chiến. Trong quá khứ tổ tiên
luôn phải chọn lựa: Giao chiến ngay trên tuyến biên giới hay lui về
châu thổ sông Hồng đánh vận động chiến. Trong đa số các trận chiến, vua
quan Việt Nam phải bỏ biên giới, thậm chí bỏ Thăng Long để lui về Nghệ
An. Đôi khi chặn đánh ngay trên ải Chi Lăng, như trường hợp Lê Sát chặn
Liễu Thăng, nhưng những trường hợp này không nhiều.
Đối với Bộ
Tổng tham mưu, vấn đề đặt ra càng thêm phức tạp: Lần đầu tiên, kể từ
khi thành lập, Quân đội Nhân dân không sở đắc yếu tố thời gian. Trong
chiến tranh Việt-Pháp, thời gian thuộc về Việt-Minh, càng kéo dài quân
viễn chinh càng mệt mỏi. Trong nội chiến Nam-Bắc, thời gian vẫn thuộc
về Bắc-Việt. Càng kéo dài, Quân lực Nam-Việt càng cô thế, khi đồng minh
Hoa Kỳ giảm viện trợ và quân viện. Ngược lại, trong chiến tranh
Hoa-Việt, thời điểm tấn công và thời gian tấn công, do Đặng Tiểu Bình
quyết định. Nhìn rộng ra nữa, thời gian càng dài, Trung Hoa càng có thể
huy động sức người, sức của, vượt xa khả năng của Việt Nam, từ hiện đại
hóa quân đội đến trưng binh, áp lực quốc tế, phong tỏa hay yểm trợ quân
Khmer, trong tất cả các lĩnh vực thời gian trở thành ưu thế của Bắc
Kinh.
Để phá ưu thế này, đòi hỏi một kế sách rõ rệt và một chiến
pháp quyết liệt, cấp kỳ, mà ba mươi năm sau nhìn lại, dân Việt chỉ có
thể phê phán Quân ủy Trung ương và cả Bộ Tổng tham mưu đã hoàn toàn thụ
động.
Khi quyết định khởi binh tiêu diệt quân Khmer, việc củng
cố biên giới phía Bắc là bắt buộc. Cao Bằng với thành lũy, hầm ngầm của
pháo đài cũ, trên nền địa thế hiểm trở vây bọc bởi hai sông Hiểm và
sông Bằng Giang, đã có thể trở thành một ‘‘phá lam’’, tấm khiên làm gẫy
mũi giáo phương Bắc. Hồng quân Trung Quốc có thể luồn qua Trà Lĩnh,
Đông Khê, Thất Khê, nhưng các trục lộ chính vẫn bị Cao Bằng kiểm soát,
và đường rừng không cho phép quân Hán vận tải vũ khí nặng. Giữ Cao Bằng
bằng quân chủ lực, cùng những bãi mìn dầy đặc, Quân đội Nhân dân có thể
làm chậm sức tiến của quân Hán xuống trục Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái
Nguyên, cho phép tập trung binh lực để giàn trận địa pháo giao tranh
trực diện tại Lạng Sơn. Đối với mặt trận Lào Cai, lui về Sa Pa dựa vào
địa thế miền núi để phòng thủ, rồi từ hai tỉnh lỵ Lai Châu và Hà Giang
tấn công gọng kềm đánh xuyên qua Mường Khương và Bát Xát vào hai bên
cạnh sườn quân Hán ở Hà Khẩu. Giữ diện, đánh điểm, đã có thể áp dụng ở
biên giới.
Lý do: Lợi thế địa lý vô cùng thuận lợi. Không ngẫu
nhiên tổ tiên dân Việt đã dựng biên giới trong khu vực này. Và không
ngẫu nhiên mà các binh đoàn tác chiến Le Page [4] và Charton [5] với
tám tiểu đoàn Lê dương, Nhảy dù, Tabors Bắc Phi, đã tan xác dưới những
chân núi này.
Vào thời điểm 1979, Hồng quân Trung Quốc không có
một sư đoàn nào kinh nghiệm chiến trận như Sư đoàn 308 Quân Tiên phong.
Mà Quân ủy Trung ương đã có thể dàn trận nhiều mươi sư đoàn như vậy:
Các sư đoàn lừng danh 302, 304, 312, 316, 320, 324, 325, 390 (320B) và
351 Công pháo. Những đại đơn vị thông thuộc địa hình biên giới, thượng
du, trung du và đồng bằng Bắc-Việt. Chưa kể 10 sư đoàn của Mặt trận
Giải phóng miền Nam đã chuyển biên chế, bên cạnh 3 sư đoàn phòng không
367, 375, 377, vận tải 411, công binh 334, bên cạnh các đại đoàn pháo
binh 675, 349, bên cạnh các sư đoàn miền Nam tập kết cũ 330, 337, 338,
339, và các sư đoàn tân lập 311, 317, 318, 319, 327, 328, 329, 337,
341, 345, 346, 374, cùng các sư đoàn ngoại biên 711, 968 đóng tại Lào.
Một cách khách quan, với tiềm năng triển khai trên dưới 40 sư đoàn
chính quy ngang bằng vũ khí, với giàn tướng lãnh dầy dạn trận mạc Vương
Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Hữu An, Hoàng Cầm, Phùng
Thế Tài, Nguyễn Đôn, Đồng Sĩ Nguyên, Đặng Vũ Hiệp, Phạm Ngọc Mậu...
Quân đội Nhân dân đủ sức phạt Hán ngay trên tuyến Phong Thổ - Lào Cai -
Hà Giang - Cao-Lạng.
Thực tế chiến trường diễn ra sau đó, với
sức nặng của trận chiến gần như trên vai các tiểu đoàn địa phương và
các trung đoàn độc lập của Tỉnh/Miền, là bằng chứng cho thấy chỉ với bộ
đội địa phương, quân Việt Nam đã gây tổn thất lớn cho quân chính quy
Trung Quốc.
Sự tham chiến của chủ lực quân Việt Nam, nếu đã diễn
ra, trên tuyến biên giới, sẽ đem đến chiến quả lớn với tất cả thuận lợi
về sau: Bài học của Đặng Tiểu Bình thất bại ngay ban đầu khi Bắc triều
không đánh thủng được phòng tuyến Nam triều. Quân đội Việt Nam chứng
minh với thế giới nền độc lập của dân tộc này bất khả xâm phạm. Hồng
quân Trung Quốc thảm bại không thể xâm nhập vào đất Việt Nam, sẽ khiến
Bắc Kinh phải nhìn lại đối sách ngoại giao với phương Nam. Thác Bản
Giốc, Ải Nam Quan, và các cột mốc biên giới sẽ ở nguyên vị trí từ hiệp
ước Pháp-Thanh. Điểm quan trọng là chọn lựa này vẫn cho phép bình Tây,
triệt phá quân Khmer, như thực tế đã diễn ra, khi Quân ủy cấp tốc rút
các sư đoàn chính quy Bắc-Việt từ mặt trận Kampuchia trở về để cứu ứng
Hà Nội lúc quân Tàu tràn sang, các sư đoàn cũ của Mặt trận Giải phóng
miền Nam vẫn có thể chiếm đóng và đánh bật quân Miên sang đất Thái.
Tung
chủ lực đánh ngay trên biên giới còn phá hủy ưu thế thời gian của Bắc
Kinh. Nếu Đặng Tiểu Bình vẫn có thể rút quân tức khắc ngay khi gặp khó
khăn, việc lui bình tức thì là một thú nhận thảm bại. Tiếp tục duy trì
tiến công, cho dù gặp đề kháng mạnh, đồng nghĩa phải gánh lấy tổn thất
cao giữa vùng núi non trùng điệp với nguy cơ lâm vào nguy khốn trước
phản công cạnh sườn của quân Việt Nam. Yếu tố thời gian của trận chiến,
như vậy, rời khỏi bàn tay của Đặng Tiểu Bình.
Có thể biện luận:
Khi bỏ trống tuyến biên giới, lui về châu thổ sông Hồng, Bộ Tổng tham
mưu đã chọn giải pháp truyền thống của tiền nhân. Hưng Đạo đại vương đã
bỏ Lạng Sơn lui về Vạn Kiếp, bỏ Vạn Kiếp lui về Thăng Long, rồi bỏ
Thăng Long lui về phủ Xuân Trường (Nam Định). Khi không chấp nhận đánh
trên biên giới, vì phải dàn mỏng lực lượng theo chiều dài của biên giới
mà nỗ lực chính của quân Hán chưa được xác định, bộ Tổng tham mưu đã
hành xử đúng binh pháp: Tinh gọn, tập trung và định hướng. Lập luận này
chỉ đúng một phần: Phần cần thời gian để xác quyết hướng tấn công chính
của quân Tàu, cần bảo vệ thủ đô Hà Nội với vùng châu thổ đông dân, và
cần không gian đồng bằng để đánh vận động chiến. Lập luận trên sẽ đúng
— nếu — Quân ủy Trung ương xây dựng sẵn một khối cơ động dự bị hùng
hậu, theo kế hoạch sắp sẵn, một khi quân Hán đã vào đủ sâu sẽ tổng phản
công để hủy diệt.
Vẫn có thể biện luận: Bộ Tổng tham mưu chuẩn
bị tổng phản công thì Đặng Tiểu Bình lui quân. Lập luận như vậy là đã
không tính đến yếu tố thời gian và có nghĩa quân đội Việt Nam đã không
tước đoạt được ưu thế thời gian của Đặng Tiểu Bình. Trong lúc đánh ngay
trên biên giới, làm giảm ưu thế này. Chấp nhận giao chiến vào sâu trong
nội địa quốc gia, còn có nghĩa chấp nhận để quân Hán sát hại dân lành
như đã xảy ra ở xã Đề Thám, xã Hưng Đạo ở huyện Hòa An thuộc tỉnh Cao
Bằng. Chấp nhận cho quân Hán tàn phá ruộng vườn, nhà cửa, đô thị và hầm
mỏ Việt Nam trong chiều sâu 50 cây số [6] . Với hy sinh lớn lao như
vậy, chiến quả của một chọn lựa chiến lược phải tương xứng với sự hy
sinh. Hủy diệt đại bộ phận các tập đoàn quân Hán đã vào sâu trong đất
Việt phải là mục tiêu, ý chí, và quyết tâm của đảng ủy, quân ủy và quân
đội — nếu chọn đánh ở đồng bằng.
Khó lượng định trước một cách
chính xác hướng tấn công chính của quân Hán, vẫn có thể tiên đoán phần
lớn nỗ lực sẽ diễn ra trong khu vực Lạng Sơn – An Châu – Bình Liêu –
Tiên Yên. Vì Lạng Sơn là cửa ngõ của xâm lược, con đường xâm lăng
truyền thống của phương Bắc. Chiếm Lạng Sơn, tiến về Lục Nam, Đặng Tiểu
Bình uy hiếp tức khắc Hà Nội. Địa hình trống trải càng cho phép quân
Hán tập trung đánh biển người, thực hiện Schwerpunkt, một trọng điểm
làm vỡ mặt trận, như Clausewitz định nghĩa.
Với một Moltke [7]
hay Schlieffen [8] hay Manstein [9] , có thể kế hoạch phản công sẽ phát
xuất từ Thái Nguyên, triển khai với quân chủ lực để trở thành một lưỡi
hái quét từ Tây sang Đông, từ Bắc Sơn xuyên qua Văn Quan, Cao Lộc, Lộc
Bình, Đình Lập, xuống đến Quảng Hà, đẩy quân Hán vào chiếc rọ biển
Đông. Với một Joukov [10] hay Eremenko [11] , chiến lược phản công có
thể cũng sẽ không khác, như Joukov đã lui binh từ sông Donetz về sông
Don, rồi từ sông Don về sông Volga, trước khi cắt Liên Lộ quân Caucase
và áp Liên Lộ quân Nam Đức Quốc xã vào biển Hắc Hải trên mặt trận Nam
Nga [12] .
Trong thực tế đã không có gì diễn ra như trong các giả thuyết kể trên.
Không
dồn quân quyết chiến ở Tây Bắc biên giới, cũng không kịp bao vây ở Đông
Bắc biên giới, Quân ủy Trung ương đã để quân Hán chủ động chiến trường.
Có thể giải thích Trung ương chọn lui về thế thủ để chuẩn bị trường kỳ
kháng chiến, hoặc hãy còn thận trọng phân tích tình hình, hay đợi các
sư đoàn tân lập từ lệnh tổng động viên tăng cường sức mạnh cho các quân
khu… Chọn lựa này không viên mãn, và không thỏa đáng, vì sẽ đẩy dân tộc
vào một cuộc chiến dài lâu kiệt quệ khi yếu tố thời gian làm việc cho
Trung Hoa. Và một khi trao quyền chủ động cho quân Hán, Quân ủy Trung
ương đã mặc nhiên trao quyền tiến thối cho Đặng Tiểu Bình, tức quyền
chấm dứt chiến trường.
Giai đoạn hai, các cuộc phản kích của
quân đội Việt Nam bắt đầu liên tục, tuy mang tính chất địa phương,
không tổng thể, và chưa quyết định. Trong suốt bốn tuần lễ, từ 17 tháng
2-1979 đến 16 tháng 3-1979, Quân ủy Trung ương đã không có một động
thái chiến lược nào tầm cỡ. Chỉ có thể hiểu: bộ Tổng tham mưu đã không
có sẵn một kế hoạch tổng phản công vì chưa tập trung kịp một khối cơ
động mạnh. Thất bại chiến lược của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham
mưu là đã xem chiến trường Kampuchia là chính diện. Điều mà Molkte đã
cảnh cáo: ‘‘Một khi đã bày binh bố trận, bất kỳ một lỗi lầm nào cũng
không thể sửa chữa kịp về sau. Vì đối phương cùng chuyển quân, tất cả
các chuyển hoán, thay đổi thế trận sẽ không còn bắt kịp được nữa thời
gian đã lũy thừa. Trừ phi đối phương yên vị, nhưng điều này đồng nghĩa
xin ở kẻ thù một ân huệ.’’ [13]
*
Ba mươi năm sau chiến
tranh biên giới, vô cùng khó khăn tìm hiểu một giai đoạn khốc liệt, vì
hồ sơ không bạch hóa. Chỉ có thể suy diễn, phỏng đoán. Với kho vũ khí
hiện đại cùng đạn dược dồi dào của cả hai miền Nam-Bắc vừa chấm dứt nội
chiến, với địa thế biên giới hiểm trở, với lòng ái quốc cao độ của một
dân tộc mà lịch sử đồng nghĩa chống Tàu, với quân đội dày dạn chiến
trận, ở vào thời điểm 1979 quốc gia có tất cả ưu thế để chiến thắng.
Nhưng cơ hội đánh mất.
Nhìn
lại, bộ Tổng tham mưu có hai giải pháp phải chọn lựa: Tập trung quân
quyết chiến trên biên giới hay tập trung quân hủy diệt Phương diện quân
Quảng Châu ở đồng bằng. Nếu là giải pháp đầu, phải tung toàn lực lên
biên giới. Nếu là giải pháp sau, phải lùi binh tránh tổn thất cùng
chiêu dụ quân Hán vào sâu trong lãnh thổ; tuy với một Đặng Tiểu Bình vô
cùng thận trọng, tiến chậm, chắc, và giới hạn thời gian chiến trận,
giải pháp Đồng bằng ít khả thi.
Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng
tham mưu đã chọn một giải pháp nửa vời lưng chừng: Đánh trên biên giới
nhưng không hết sức lực, không lui quân hẳn mà tăng viện từng đợt, cầm
chừng. Sư đoàn 345 lên Lào Cai, 326 lên Phong Thổ, với hai sư đoàn 311
và 346 tăng phái cho mặt trận Cao Bằng, cùng hai sư đoàn 327 và 337,
rồi về sau 338, 347 tăng cường cho sư đoàn 3 Sao Vàng tại mặt trận Lạng
Sơn, đã không thay đổi được tình thế [14] . Cả 5 thị xã biên giới cùng
17 quận lỵ đều lần lượt thất thủ. Quân đội đã chịu tổn thất mà không
đạt được chiến thắng quyết định. Chỉ có thể giải thích thất bại quân
báo đã khiến bộ Tổng tham mưu phán đoán sai nên vận dụng 3 trên 4 quân
đoàn tổng trừ bị cho mặt trận Kampuchia, duy nhất quân đoàn 1 bảo vệ
vành đai Hà Nội. Phải đến ngày 25 tháng 2, quân đoàn 14 cùng bộ chỉ huy
thống nhất đặc khu biên giới Lạng Sơn mới thành hình. Khi quân đoàn 2
và 3 trở về, hai tư lệnh Nam chinh Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí lập tức
lui binh. Sự hiện diện ngay từ đầu của hai quân đoàn chủ công này, ngay
trên tuyến biên giới, đã có thể thay đổi cục diện.
Cơ hội đánh mất trên cả bình diện chính trị.
Với
một quốc sách thật tâm hòa giải, không phân biệt, không đày ải, mà công
nhận quyền công dân cho từng binh sĩ Cộng hòa vừa buông súng, chính phủ
đương quyền đã có khả năng động viên một triệu quân nhân miền Nam vừa
rả ngũ, gây lại đồng thuận dân tộc đã không thực hiện sau năm 75.
Trong
từng người Việt, đất đai của tổ tiên đã luôn được xem thiêng liêng, khả
năng cùng chống giặc là có thật, với tất cả kinh nghiệm tác chiến,
không yểm, điều không, trực thăng vận, sửa chữa khí cụ Hoa Kỳ còn lại,
mà tập thể quân nhân miền Nam có được trong suốt nội chiến dằng dặc. Sự
hưởng ứng của những người lính miền Nam, vì tìm lại vị trí trong xã
hội, sẽ kéo theo sự hưởng ứng đông đảo của gia đình binh sĩ, làm nên
sức bật kháng Tàu mà Đặng Tiểu Bình phải suy nghĩ.
Vì
sao Đặng Tiểu Bình phải suy nghĩ? Vì biết rõ tuy sở hữu tiềm năng triển
khai 40 sư đoàn chính quy, Quân ủy Trung ương chỉ có thể giàn tối đa
phân nửa phía Bắc, vì ¼ đã sang Kampuchia, và ¼ còn lại dùng trấn đóng
canh chừng trong Nam. Trên chiến trường thật sự, duy nhất 11 sư đoàn
Việt Nam tham chiến [15] , có nghĩa ¾ quân chính quy không hiện diện ở
Bắc Việt, trong lúc 2 Phương diện quân Hán đã tung vào chiến trường tối
thiểu 32 sư đoàn Giải Phóng quân Trung Quốc [16] . Quân ủy quên bài học
thất bại của Hồ Quý Ly vì thiếu đồng thuận dân tộc, Đặng Tiểu Bình
không quên. Thêm một triệu quân miền Nam, với nhân vật lực của miền Nam
cùng sát cánh với miền Bắc, quốc gia đã có thể lập lại chiến thắng Đống
Đa vang dội của Nguyễn Huệ hai trăm năm trước, đánh tan 20 vạn quân
Thanh, khiến Đại Thanh quốc cho đến khi cáo chung chấm dứt mộng Nam
chinh. Thời điểm 1978-1979 đã có thể là thời điểm của một vận hội mới.
Có
thể các giả thuyết kể trên không cơ sở, khó đứng vững, khi tìm hiểu sâu
xa các chi tiết quân sự. Điều chắc chắn, trận biên giới không đem đến
thuận lợi cho Việt Nam. Hôm nay đứng trước quân Tàu đã hiện đại hóa khí
cụ và chiến thuật, lấy kinh nghiệm từ bài học đẫm máu, người lính Việt
Nam nghĩ gì? Bên ngoài quân đội, dân chúng nhìn thấy rất rõ: Lòng yêu
nước vẫn còn đó, nhưng quân đội này dường như ngủ quên sau thập niên
70. Thực trạng tụt hậu kỹ thuật, vũ khí, phương pháp và cả trình độ
khoa học quá hiển nhiên khi thế giới bước vào thế kỷ 21 mà quân đội hãy
còn giữ trang bị của thời kỳ nội chiến. Nửa thế kỷ vật chất khó khăn,
khiến tập thể quân nhân chịu ám ảnh kinh tế nhiều hơn quân sự, các
tướng lãnh hùm xám đã chết, lớp sĩ quan trưởng thành trong khói lửa đã
về hưu, gần như hiện nay là một đạo quân thuần tân binh. Bên cạnh bất
lực biển cả, quân đội còn mang những chứng bệnh bất lực nào khác nữa?
Đã
đến lúc tập thể quân nhân cần yêu sách giới chức chính trị canh tân tức
khắc đất nước. Vì quốc gia khó trông cậy vào phường tuồng Liên Hiệp
Quốc, như các tiểu quốc Lituanie, Lettonie, Ettonie đã không thể trông
cậy vào Hội Quốc Liên khi Hồng quân Sô Viết nhất quyết sát nhập. Quân
đội không thể quên bài học Munich, khi liên quân Anh-Pháp ký văn kiện
nhượng Tiệp Khắc cho Adolf Hitler, không thể quên cái chết của nền Cộng
hòa Pháp và lá thư khẩn thiết của chủ tịch hội đồng các bộ trưởng Paul
Reynaud [17] van xin Hoa Kỳ gửi máy bay và quân cụ chống các xa đoàn
thiết giáp của lục quân Wehrmacht, trước sự dửng dưng của Franklin
Roosevelt. Paul Reynaud từ nhiệm và thống chế Pétain quyết định đầu
hàng sau khi nhận thư hòa nhã từ chối của tổng thống Hoa Kỳ không thể
cứu các nền dân chủ Âu châu. Hoa Kỳ chỉ động binh một khi lãnh thổ thực
sự của họ bị Nhật Bản xâm phạm. Tập thể quân nhân cũng không thể quên
quân đội Nhật Bản từ kiếm sắt, thuyền buồm đến thủy lôi, thiết giáp
hạm, hiện đại hóa trong vòng 25 năm.
Các nước Đông Nam Á trong
vùng đang tận lực võ trang. Ngày mai, nếu Thái Lan khẳng định đảo Phú
Quốc thuộc về vương quốc Thái vì nằm sâu trong vịnh Xiêm La, gần biên
giới Thái hơn biên giới Việt, và Mã Lai khẳng định Côn Đảo thuộc về Mã
Lai vì gốc Poulo Condo mang âm tự Mã, quân đội sẽ phản ứng cách nào,
khi mắc bệnh bất lực biển cả ? Phát ngôn viên Lê Dũng sẽ tuyên bố Việt
Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền Phú Quốc và Côn Đảo, rồi thế giới
sẽ ‘‘quan ngại’’. Quan ngại, một thuật ngữ ngoại giao đồng nghĩa Không
động đậy.
Canh tân là con đường duy nhất giúp giành lại Hoàng Sa
và Trường Sa. Canh tân đất nước để có thể canh tân quân đội. Tiếng nói
của tổ quốc trên bàn đàm phán sẽ mạnh mẽ với một quân đội hùng cường.
Không còn con đường nào khác.
Dân Việt muốn quân đội Việt Nam ngẩng cao đầu trong thế kỷ 21.
Trần Vũ 20 tháng 3–2009 © 2009 talawas
------------------- [1]
Sun Tzu, L’Art de la guerre, tổng hợp của sir Basil H. Liddell Hart và
Samuel B. Griffith, bản dịch Pháp văn của Francis Wang, Nxb Flammarion,
Collection Champs Essai, 2008.
[2] Carl von Clausewitz, Vom
Kriege, bản dịch Pháp văn De la guerre của Denise Naville, Nxb Editions
de Minuit tái bản 1992. Có rất nhiều bản dịch Clausewitz sang Pháp văn,
bản dịch của Denise Naville là bản dịch mà đại tướng Võ Nguyên Giáp
trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây cho biết đem theo lúc rời Hà Nội
khi toàn quốc kháng chiến (trang 105 trong bản dịch Pháp văn Mémoires
1946-1954: La résistance encerclée, Nxb Anako, 2003). T. Derbent trong
nghiên cứu Giáp và Clausewitz tin có sự nhầm lẫn vì bản dịch của Denise
Naville in lần đầu 1955.
[3] T. Derbent, Giáp et Clausewitz, Nxb
Aden, 2006. Theo T. Derbent, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem Clausewitz là
mẫu mực và lý thuyết gia của chiến tranh nhân dân.
[4] Marcel Le
Page, Cao Bang, La tragique épopée de la colonne Le Page, Nxb Nouvelles
Editions Latines, 1981. Trung tá Le Page, tư lệnh Chiến đoàn Tabor
(Groupement des Tabors Marocains G.T.M) bao gồm các tiểu đoàn sơn cước
Ma-rốc: 1er Tabor, 3ème Tabor, 8ème Tabor, 10ème Tabor, 11ème Tabor.
Tháng 9-1950, tân cải thành Chiến đoàn Bayard với các tiểu đoàn 1 của
Trung đoàn 8 Tán Binh Ma-rốc (I/8 RTM) và 1, 10, 11 Tabor, tăng cường
tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê dương (1er BEP) và trung đội pháo binh 105 ly.
Tháng 10-1950 tăng cường tiểu đoàn 3 Săn Giặc Biệt Cách Dù (3ème BCCP).
Tất cả bị bắt trong chiến dịch Đường Biên giới. Các đơn vị cũ của
G.T.M: Tiểu đoàn 3 Tabor thuyên chuyển lên Cao Bằng trước khi triệt
thoái, tiểu đoàn 8 Tabor hồi hương, tiểu đoàn 10 Tabor giữ Lạng Sơn rồi
di tản về Hải Dương.
[5] Pierre Charton, RC4, La tragédie de Cao
Bang, Nxb Editions Albatros, 1975. Trung tá Charton, tư lệnh phó Trung
đoàn 3 Lê Dương (3ème REI), quân trấn trưởng Cao Bằng, tư lệnh Chiến
đoàn Charton bao gồm các tiểu đoàn 3 Lê Dương (III/3 REI), tiểu đoàn 3
sơn cước Ma-rốc (3ème Tabor), tiểu đoàn phụ lực quân nhẹ (Bataillon
Léger de Supplétifs Militaires B.L.S.M) và pháo đội 105 ly. Tất cả bị
bắt trong chiến dịch Đường Biên giới.
[6] Theo thống kê của chính phủ Việt Nam, Hồng quân Trung Quốc tàn phá ở 6 tỉnh biên giới: - Số thị xã bị huỷ diệt : 4/4 - Số xã bị phá huỷ : 320/320 - Diện tích nhà bị tàn phá ở các thị xã : 600.000 m2 - Số trường phổ thông các cấp bị phá : 735/904 - Số bệnh viện, bệnh xá bị phá huỷ : 428/430 - Số nông trường bị tàn phá và cướp bóc : 41/41 - Số lâm trường bị phá hoại : 38/42 - Số xí nghiệp, hầm mỏ bị phá và cướp đi : 81 - Số trâu bò, lợn bị giết và bị cướp : 400.000 con - Diện tích hoa màu bị phá huỷ : 80.000 ha Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản, và phương tiện sinh sống.
[7]
Helmuth Karl Bernhard von Moltke, Mémoires du maréchal, bản dịch Pháp
văn của E. Jaeglé, Nxb Librairie H. Le Soudier, 1892. Thống chế Moltke
(1800-1891), tổng tư lệnh lục quân Phổ nhận đầu hàng của hoàng đế
Napoléon đệ tam tại mặt trận Sedan trong chiến tranh Pháp-Đức 1870,
tiếp nối công trình nghiên cứu của Clausewitz trong nhiều tác phẩm bàn
về chiến lược. Cần tránh nhầm lẫn với đại tướng Helmuth Johannes Ludwig
von Moltke (1848-1916), còn gọi Moltke junior, tổng tham mưu trưởng lục
quân Phổ khi khởi đầu đệ nhất thế chiến 1914-1918.
[8] Xem phân
tích Graf Schlieffen und der Weltkrieg, Wolfgang Foerster, bản dịch
Pháp văn Le comte Schlieffen et la guerre mondiale: La stratégie
allemande pendant la guerre de 1914-1918 của thiếu tá L. Koeltz, Nxb
Payot, 1929. Tử tước Alfred Graf von Schlieffen, tổng tham mưu trưởng
lục quân Phổ từ 1891 đến 1906, xây dựng kế hoạch đánh xuyên qua Bỉ để
tiêu diệt các liên lộ quân Pháp. Schlieffen thừa hưởng tinh thần tấn
công vây ép của Moltke.
[9] Erich von Manstein, Verlorene Siege,
bản dịch Pháp văn Victoires perdues của René Jouan, Nxb Plon, 1958.
Được xem chiến lược gia kỳ tài của lục quân Wehrmacht, xây dựng kế
hoạch đánh xuyên qua Ardennes tiêu diệt các liên lộ quân Anh, Pháp, Bỉ
vào tháng 5–1940. Manstein nhận phẩm hàm thống chế tháng 5–1942 sau khi
triệt phá pháo đài Sébastopol vây bắt 90.000 quân Sô Viết. Tư lệnh
chiến trường Nam Nga, chịu ảnh hưởng của Moltke, Manstein chủ trương
phòng thủ di động và tấn công phản hồi (vu hồi/attaque en retour), đối
đầu với Joukov, Tchouikov, Eremenko, Rokossovski.
[10] Gueorgui
Konstantinovitch Joukov, Mémoires, De Stalingrad à Berlin 1942–1946,
bản dịch Pháp văn của S. Obolensky, Nxb Fayard, 1970. Bản dịch Việt ngữ
Nhớ lại và suy nghĩ, Nxb QĐND, 2002. Tham mưu trưởng Hồng quân Sô Viết,
Joukov xây dựng tổng phản công mùa đông 1941 và tổng phản công sông
Volga mùa đông 1942.
[11] André Ivanovitch Eremenko, Stalingrad,
notes du commandant en chef, bản dịch Pháp văn của Serge Maximov, Nxb
Plon, 1963. Tư lệnh phương diện quân Mạc Tư Khoa rồi tư lệnh phương
diện quân Stalingrad, Eremenko chỉ huy tấn công vào cạnh sườn đệ lục lộ
quân của Von Paulus.
[12] Paul Carell, Verbrannte Erde, bản dịch
Pháp văn Opération Terre Brûlée, De la Volga à la Vistule, Décembre
1942–Août 1944 của Raymond C. Albeck, Nxb Robert Laffont, 1968. Phần
đầu của chiến tranh Nga–Đức trong tập 1 Unternehmen Barbarossa của Paul
Carell đã được Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên dịch sang Việt ngữ dưới
tựa Hitler và mặt trận miền Đông, Nxb Sông Kiên Sàigòn, 1973.
[13] Helmuth Karl Bernhard von Moltke, Sđd. [14] vi.wikipedia.org, thư mục Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979. Trích dẫn: ‘‘Giai
đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27 tháng 2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy
giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. Trận đánh
chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung Quốc điều
tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía Đông Nam Lạng
Sơn), tiếp tục đưa thêm quân mới từ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để
tăng viện. Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3, 337, của Việt Nam đã tổ chức
phòng thủ chu đáo và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của
quân Trung Quốc. Từ ngày 2 tháng 3, sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu
Khánh Khê. Sư đoàn 3 chống trả ba sư đoàn bộ binh 160, 161, 129, cùng
nhiều tăng, pháo, tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong
huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu huyện Cao Lộc. Suốt ngày 27, ở hướng Cao
Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung
đoàn 141; ở hướng đường 1B, sư đoàn 161 bị trung đoàn 12 ghìm chân; ở
hướng đường 1A, trung đoàn 2 vừa chặn đánh sư đoàn 160 từ phía Bắc vừa
chống lại cánh quân vu hồi của sư đoàn 161 từ hướng Tây Bắc thọc sang.
Nhưng 14 giờ ngày hôm đó, một tiểu đoàn Trung Quốc bí mật luồn qua phía
sau bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của
sư đoàn 3 Sao Vàng. Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của Việt Nam ở
phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng. Chiếm được
điểm cao 800 và Tam Lung, nhưng trong suốt các ngày từ 28 tháng 2 đến 2
tháng 3, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào
thị xã Lạng Sơn, tuy đã dùng cho hướng tiến công này gần năm sư đoàn bộ
binh. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng
Sơn, mà có trận quân phòng thủ Việt Nam đánh đến viên đạn cuối cùng,
quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3 sử dụng
thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn
tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4, một cánh quân Trung
Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng
Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay
Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã. Đến đây, phía Việt Nam đã
điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp
sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng.
Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang
bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội
Nhân dân Việt Nam, đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14.’’
[15] vi.Wikipedia.org. Trích dẫn: ‘‘Phía
VN, Các đơn vị tham chiến gồm có các đơn vị thuộc Quân khu 1 và các đơn
vị yểm trợ, gồm 11 sư đoàn và 9 trung đoàn biệt lập, chia làm hai tuyến
phòng thủ, tổng số 100.000 quân. Tuyến 1: sư đoàn 325B, sư đoàn 338,
sư đoàn 3 Sao Vàng, sư đoàn 374, sư đoàn 304, sư đoàn 346, và các trung
Đoàn 43, 576, 244, 49 biệt lập. Các sư đoàn 325B, 304, 3 chịu trách
nhiệm hướng Đông và Đông Bắc Lạng Sơn. Tuyến 2: sư đoàn 312, sư đoàn 431, sư đoàn 327, sư đoàn 329, sư đoàn 242, và các trung đoàn 196, 38, 98 biệt lập.’’
[16]
Đại tướng Hứa Thế Hữu, tư lệnh phương diện quân Quảng Châu, trách nhiệm
hường Lạng Sơn – Cao Bằng, với các quân đoàn 41, 42, 43, 50, 54, 55.
Đại Tướng Dương Đắc Chí tư lệnh Phương diện quân Vân Nam, trách nhiệm
hướng Lai châu – Lào Cai, với các quân đoàn 11, 13, 14, 20. Quân đoàn 11: sư đoàn 31, 32, 33. Quân đoàn 13: sư đoàn 37, 38, 39. Quân đoàn 14: sư đoàn 40, 41, 42. Quân đoàn 20: sư đoàn 58. Quân đoàn 41: sư đoàn 121, 122, 123. Quân đoàn 42: sư đoàn 124, 125, 126. Quân đoàn 43: sư đoàn 127, 128, 129. Quân đoàn 50: sư đoàn 148, 149, 150. Quân đoàn 54: sư đoàn 160, 161, 162. Quân đoàn 55: sư đoàn 163, 164, 165. Tổng
kết 28 sư đoàn chính quy, cộng thêm các lực lượng thiết giáp, pháo
binh, phòng không, công binh tương đương với 4 sư đoàn. Nếu biên chế
một quân đoàn 50.000 quân, một sư đoàn 12.900 quân, tổng số quân Trung
Quốc từ 350.000 đến 500.000. (nguồn vi.Wikipedia.org)
[17] Thư
thủ tướng Pháp Paul Reynaud gửi tổng thống Franklin Roosevelt trích dẫn
trong các nghiên cứu của William L. Shirer, La chute de la troisième
République, Nxb Editions Stock, 1970 và Benoist Méchin, Soixante jours
qui ébranlèrent l’Occident, tập 3 La fin du régime, Nxb Editions Albin
Michel, 1956. Cái chết của nền đệ tam Cộng–Hòa Pháp trùng lập với cái
chết của nền đệ nhị Cộng–Hòa Nam–Việt. Sụp đổ dây chuyền sau 5 tuần lễ
giao tranh, 2 triệu tù binh Pháp, đồng minh Anh tháo chạy, quốc hội Hoa
Kỳ biểu quyết cấm can thiệp. Chính phủ « trung lập » Pétain ra đời.
Nguồn: talawas chủ nhật
|