Martha Ann Overland, Time 24/3/09, Nguyễn Phương Nga lược dịch
Theo như ông Trần Công Tiến kể lại, thì ông vô cùng tức giận và sẽ
không yên lặng chịu đựng thêm nữa. Bị công an giao thông thổi chặn lại
cách đây vài tuần vì chạy xe ngược chiều trong một con đường một chiều,
ông Tiến nói rằng ông đã cố nói chuyện phải trái với gả công an. Ông
Tiến cho rằng số tiền hối lộ (tương đương với) 6 đô la mà ông đưa là đã
quá đủ, nhưng gả công an lại muốn được đưa thêm để bỏ qua cho ông lỗi
vi phạm giao thông. Lời qua tiếng lại giữa hai bên càng lúc càng gay
gắt. Những tiếng chửi bới bay tứ tung. Và rồi ông Tiến bất ngờ nổi
nóng. Ông kể, "Tôi
nắm cổ hắn ta và đẩy thiệt mạnh. Tôi chưa từng bao giờ dám chọc giận
công an. Nhưng tôi chịu hết nổi cái nạn tham nhũng và lúc đó thì tôi vô
cùng chán nản bực dọc".
Cuối cùng thì ông Tiến được cho đi khi một gả công an khác mò đến và
làm nguôi ngoai tình thế. Nhưng không phải chỉ có một mình ông Tiến lên
cơn thịnh nộ. Tại tỉnh Kiên Giang ở phía nam, vào hồi tháng 12, nhiều
dân làng đã nổi giận ném các chai xăng đang cháy về phía đám công an
đến cưỡng chế tài sản của họ, cầm giữ 3 cán bộ công an làm con tin
trong một thời gian ngắn và buộc một gả công an phải cởi bỏ trang phục.
Năm ngoái, nông dân ở tỉnh Hưng Yên đã ẩu đả với nhà cầm quyền muốn
tịch biên đất đai của họ để bán lại cho các nhà phát triển địa ốc. Theo
ông Nguyễn Ðình Liêm, lúc đó đang làm việc ở ruộng lúa của ông ta khi
công an đến, kể lại, "Ðàn
ông, đàn bà và cả con nít đã đánh trả công an bằng tay không, bằng bùn,
bằng bất cứ thứ gì mà họ có thể vớ được. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh
tượng này xảy ra trước đây."
Tham nhũng ở Việt Nam thì chẳng có gì là mới mẻ. Hồi năm ngoái, Tổ chức
Minh bạch Quốc tế đã xếp Việt Nam vào hạng thứ 121 trên 180 trong danh
sách Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) của họ. Nhưng có lẽ dễ dàng hơn
để thỉnh thoảng bỏ qua vài vụ vòi vĩnh đòi ăn tiền của giới quan chức
cán bộ khi kinh tế Việt Nam đang phồn thịnh và lợi tức cá nhân gia tăng
gấp đôi cứ mỗi vài ba năm. Nhưng điều đó không còn nữa. Mọi người đang
bị bóp chặt bởi nền kinh tế đi xuống, hiện đang càng lúc càng gia tăng
nỗi bực tức chán nản vì nạn tham nhũng triền miên trên cả nước, theo
ông Trịnh Hòa Bình, đứng đầu cơ quan bảo vệ sức khoẻ môi trường thuộc
Viện Xã hội học của nhà nước ở Hà Nội cho biết. Giới quan chức cán bộ
nhà nước vẫn không chịu từ bỏ đặc quyền đặc lợi của họ trong khi tình
trạng kinh tế của người dân Việt Nam đang trở nên bấp bênh hơn. Họ đang
tức điên lên, ông Bình nói, vì các cán bộ tham nhũng rất ít khi bị
trừng phạt vì ăn hối lộ.
Các phản ứng đánh trả bất ngờ chống lại công an hiện đang xảy ra trên
toàn quốc là điều bất thường, khi xét đến việc Việt Nam là một quốc gia
có nhà nước độc tài tương đối khá vững mạnh, là nơi mà chuyện bất đồng
ý kiến rất hiếm khi được để yên. Trong hai sự kiện vừa xảy ra gần đây,
những người chạy xe gắn máy bị công an chặn lại xét hỏi chẳng thà đốt
xe của họ còn hơn là để bị giam xe. Hồi tháng trước, một chiếc xe hơi
đã kéo lê một viên công an Hà Nội đến 15 thước trước khi rú ga bỏ chạy.
Một đám đông đã nổi giận khi nhìn thấy một công an hành hung một người
lái xe ở tỉnh Ðồng Nai về phía nam, và dùng gạch đá để đập vỡ xe mô tô
của viên công an.
Thật vậy, các vụ đánh trả công an chỉ thu được một sự chú ý rất hạn chế
của giới truyền thông báo chí quốc doanh, vốn thường bác bỏ các sự việc
đã xảy ra, cho rằng đó là hành động của những kẻ có đầu óc tội phạm
hoặc bọn côn đồ du đãng. Nhưng nhiều nhân chứng đã đưa các video và
hình ảnh chụp bằng điện thoại di động lên mạng về cảnh xe gắn máy bị
đốt cháy và nông dân đang đánh trả lại công an, nói rằng các vụ bạo
động nổ mạnh ra là một dấu hiệu cho thấy cuối cùng quần chúng đã chịu
đựng hết nổi với nạn tham nhũng.
Chính phủ không xác nhận là các vụ tấn công vào công an có phải đang
trên đà gia tăng hay không, nhưng họ có đủ lo ngại đến nỗi Bộ Công an
phải tổ chức một cuộc hội thảo hồi năm ngoái để giải quyết vấn đề. Ðại
tá Huỳnh Thế Kỷ, giám đốc công an tỉnh Ninh Thuận ở phía nam đã đến dự
cuộc hội thảo, quy chụp cho việc gia tăng tấn công vào công an là do "trẻ em không được giáo dục kỹ lưỡng đâm ra hư hỏng".
Ông Kỳ nói rằng ông muốn thấy công an được cung cấp các trang cụ tinh
vi hơn để tự bảo vệ lấy mình, nhưng ông cũng nói thêm rằng "thái
độ của vài cán bộ công an đôi khi không được thích hợp. Công an phải
làm việc trong tinh thần phục vụ nhân dân. Họ phải có thái độ cư xử
đúng đắn hơn".
Các tầng lớp lao động Việt Nam đã từng đứng lên chống lại nhà cầm quyền
trước đây - với nhiều kết quả. Cuộc nổi dậy nổi tiếng nhất của nông dân
đã xảy ra ở tỉnh Thái Bình ngoài miền Bắc vào năm 1997. Bị đè nặng vì
thuế má quá mức cùng các lệ phí trái phép, hàng ngàn dân làng đã tranh
đấu với cán bộ địa phương qua nhiều tháng trời. Khi các yêu cầu của họ
muốn được chính quyền lắng nghe bị làm ngơ, họ liền ném đá vào các đảng
viên nòng cốt của đảng, tấn công văn phòng, nhà riêng của họ, và cầm
giữ nhiều cán bộ làm con tin trong nhiều ngày. Chính phủ trung ương
cuối cùng phải nhúng tay vào, thi hành kỷ luật các cán bộ địa phương và
bỏ tù một vài người, cùng với một số nông dân. Năm sau đó, một đạo luật
cấp quốc gia được biết qua cái tên luật số 29 được thông qua, nhằm cho
phép có sự tham gia thêm của quần chúng vào việc đưa các quyết định ở
địa phương, và cho công dân có thêm nhiều cơ hội để chuyển đạt những
than phiền của họ đến cán bộ ở tầng lớp xã ấp.
Mức tăng trưởng kinh tế đến choáng váng ở Việt Nam trong suốt thập niên
qua đã giúp làm dịu đi những nỗi bực dọc chán nản này. Nhưng 10 năm
trôi qua, chỉ có những tiến bộ rất giới hạn trong vấn đề minh bạch và
nạn tham nhũng vẫn hoành hành, thì sự kiên nhẫn đang bị hao mòn trở lại
đến mức mỏng manh rất nguy hiểm - một sự thật mà giới lãnh đạo Viêt Nam
đã thừa nhận. "Có nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực ở các khu vực địa phương",
theo ông Nguyễn Minh Thuyết, một đại biểu kỳ cựu của Quốc hội đã thú
nhận. Mặc dù ông Thuyết không chấp nhận các hành động tấn công vừa qua
vào tài sản nhà nước, nhưng ông nói rằng ông hiểu sự giận dữ của quần
chúng và đồng ý rằng chính phủ phải làm thêm nhiều hơn nữa để cải thiện
vấn đề minh bạch.
Trong lúc công việc làm ăn tiếp tục tiêu tan và nạn lạm phát gặm nhấm
dần các khoản tiền lương, thì không dễ dàng gì để xoa dịu những người
đang bị ảnh hưởng mạnh nhất, khi công an lại mưu toan đòi hỏi họ phải
hối lộ những món tiền lặt vặt. "Thậm chí công an còn tham nhũng thối nát hơn trước đây", tài xế tắc xi Hà Nội Nguyễn Văn Cường nói một cách cay đắng. "Trong một ngày, tôi có thể bị chặn lại nhiều lần".
Và 100 ngàn đồng, hoặc khoảng 6 đô la, cách đây vài năm thì có lẽ chắc
đủ, nhưng bây giờ thì ít hơn 200 ngàn chưa chắc sẽ được việc. "Ðiều đó có nghĩa là có vài ngày tôi đi làm không công, vì họ (công an) lấy tất cả mọi thứ tôi kiếm được", ông Cường nói, "Làm sao mà người ta không tức giận cho được?".
http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1887317,00.html
|