Thứ Ba, 2024-12-24, 6:36 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 27 » Nước đến chân mới nhảy
4:22 PM
Nước đến chân mới nhảy

Phạm Trần



Tại sao bây giờ mới xin người Việt ở nước ngoài tham gia bảo vệ chủ quyền ?


Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tung ra cuộc vận động dư luận về chủ quyền lãnh thổ và công khai bác bỏ kế hoạch giành chủ quyền vĩnh viễn của Trung Hoa tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhưng quyết định đưa ra sau 2 ngày hội nghị toàn quốc đã cho thấy đảng và nhà nước Cộng sản chưa thật sự coi vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là tối quan trọng và cần có sự tham gia thảo luận của những người đứng đầu trong đảng, chính phủ và nhân dân.

Bằng chứng do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phổ biến cho thấy chỉ có “các đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan tuyên truyền, báo chí” tham dự hội nghị quan trọng này.

Theo thông tin của nhà nước thì mục đích của hội nghị tại Hải Phòng trong hai ngày 20-21/3, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, là để “tổng kết công tác tuyên truyền về biển, đảo; phân giới cắm mốc biên giới và thông tin đối ngoại năm 2008, triển khai nhiệm vụ năm 2009”.

TTXVN viết: “Phát biểu chỉ đạo hội nghị, các đồng chí Phạm Gia Khiêm (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao) và đồng chí Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) đã nêu bật những thành tựu quan trọng trong công tác tuyên truyền về biển, đảo, phân giới cắm mốc và thông tin đối ngoại, góp phần làm cho nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, chiến lược của biển, đảo và biên giới, nâng cao ý thức bảo về chủ quyền dân tộc.

Tuyên truyền về biển, đảo; phân giới, cắm mốc và thông tin đối ngoại là 3 lĩnh vực có nội dung rất quan trọng đối với đất nước, luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về biển, đảo, phân giới cắm mốc và thông tin đối ngoại vẫn còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đề cập về công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc, đồng chí Phạm Gia Khiêm và đồng chí Tô Huy Rứa nhấn mạnh: Trên toàn tuyến Việt Nam - Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử hai nước đã xác định chủ quyền biên giới rõ ràng trên đất liền với hệ thống mốc hiện đại, đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài và hợp tác vĩnh viễn giữa hai nước, mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Do vậy cần làm tốt công tác tuyên truyền để phát huy thành quả đã đạt được, phân tích, giải thích rõ những nội dung hoàn thành phân giới, cắm mốc cho đồng bào ta và bạn bè quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, góp phần phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch”.


Một hội nghị có nội dung quan trọng như vấn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vào giai đọan đang có những cuộc tranh chấp về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông lại chỉ quy tụ “các đại diện” cho “lãnh đạo” các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan tuyên truyền, báo chí” tham dự ?

Vấn để đặt ra với đảng và nhà nước CSVN là những người “đại diện” này có thẩm quyền gì, ngoài nhiệm vụ đến nghe để “báo cáo” lại cho cấp chỉ huy của mình, và sau khi nghe báo cáo rồi họ có làm được việc gì không, hay nghe rồi để đó như đã xẩy ra bao nhiều lần trước đây?

Cũng thắc mắc là tại sao cho đến giờ này, sau khi đảng CSVN đã hoàn tất công tác cắm mốc biên giới với Tàu vào ngày 31/12/2008 rồi mới tuyên truyền cho dân biết? Tại sao họ không hỏi ý kiến nhân dân, ít ra là qua các cuộc thảo luận công khai tại Quốc hội, để phân tích những điểm lợi và hại của “Hiệp Hiệp ước biên giới trên đất liền” như thế nào trước khi đặt bút ký kết năm 1999?

Bây giờ mọi chuyện đã xong, nhưng người Việt trong cũng như ngoài nước, vẫn chưa được đọc một chữ của Hiệp ước này, và nhà nước cũng chưa có Bản đồ để công bố cho dân coi thì có tuyên truyền cũng chỉ như chuyện “dắt anh mù đi sờ voi”. Nhà nước nói sao thì dân biết vậy là chuyện thừa thãi, nếu không muốn nói là đảng và nhà nước đã coi thường nhân dân, những người làm chủ đất nước.

Trong số những hành động giấu giếm của nhà nước về Hiệp ước 1999 còn có lệnh cấm không cho dân đi quan sát vùng biên giới Tàu-Việt, sau khi họ ngấm ngầm ký kết với Trung Hoa.

Nhưng dù sau này có phát giác ra những sai trái, thiệt thòi cho phía Việt Nam khi so sánh Hiệp ước với thực tế biên giới trên đất liền thì cũng không làm được gì vì mọi chuyện đã xong. Đảng và nhà nước CSVN có thi hành khẩu hiệu để cho “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trước khi ký kết với Trung Hoa đâu?

Vũ Dũng khoe

Mọi người chỉ biết, sau khi đã cắm xong mốc cuối cùng phân ranh giới lãnh thổ hai nước trên đất liền ngày 31-12-2008 thì Vũ Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ với Trung Hoa đã hớn hở khoe trên báo điện tử của Đảng:

“Hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc, phân giới được khoảng 1400km đường biên giới và cắm xong 1971 cột mốc, trong đó có 400km đường biên giới đi theo sông suối biên giới. Đây là một hệ thống cột mốc hiện đại, được ghi nhận lại bằng một hệ thống tọa độ tiên tiến, các vị trí cột mốc chỉ sai số hàng cm và quản lý bằng phần mềm tiên tiến. Đây là hệ thống mốc giới hiện đại, hoàn chỉnh, được quản lý bằng những phương pháp kỹ thuật tiên tiến. Tôi tin rằng, nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc có thể hoàn toàn yên tâm về hệ thống mốc giới này.”
(Báo điện tử Đảng CSVN, ngày 25/2/2009)

Trả lời câu hỏi: “Từ việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, rút ra được những bài học gì cho việc đàm phán phân giới cắm mốc trên biển?”, Vũ Dũng đáp:

“ Giữa Việt Nam – Trung Quốc có 3 vấn đề lịch sử để lại. Thứ nhất là vấn đề biên giới trên bộ. Thứ hai là vấn đề biên giới trong vịnh Bắc Bộ và thứ 3 là vấn đề Biển Đông. Bằng việc kết thúc phân giới cắm mốc trên bộ, chúng ta đã giải quyết được 2 trong 3 vấn đề lịch sử để lại có liên quan đến biên giới lãnh thổ. Việc hoàn thành phân giới cắm mốc đã cho chúng ta một bài học là, đối với các tranh chấp do lịch sử để lại, nếu các bên cùng kiên trì đàm phán, nếu các bên cùng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích và quan tâm của nhau thì hoàn toàn có thể từng bước tìm ra một giải pháp cơ bản lâu dài, hai bên đều chấp nhận được.”

Phóng viên báo đảng hỏi tiếp: “Vậy thưa Thứ trưởng về quá trình đàm phán biên giới trên biển, sắp tới đây được hai bên thống nhất như thế nào?”, Vũ Dũng trả lời:

“Hiện nay hai bên có 3 diễn đàn có liên quan đến biển Đông. Thứ nhất là trưởng đoàn đàm phán chính phủ về biên giới lãnh thổ. Diễn đàn thứ hai là diễn đàn về đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển ở khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ. Đến nay hai bên đã đàm phán được nhiều vòng và đã đạt được những thoả thuận mang tính nguyên tắc rất quan trọng đối với khu vực cửa vịnh Bắc Bộ. Diễn đàn thứ 3 là hai bên thảo luận về các vấn đề trên biển, bàn về các vấn đề ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, cụ thể là liên quan đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hai bên cũng đã thoả thuận là sắp tới đây sẽ tăng nhịp độ đàm phán của các diễn đàn này. Tôi tin là hợp tác trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc sắp tới đây sẽ được mở rộng và tăng cường hơn nữa.”

Đó là lời tuyên bố lạc quan tếu, hời hợt và vô trách nhiệm vì “những thoả thuận mang tính nguyên tắc” với Trung Hoa, theo lời ông Dũng, chưa được công bố nhưng nếu căn cứ vào những hành động của Tàu Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ cuối năm 2008 đến tháng 3/2009 trên Biển Đông thì rõ ràng là Tàu đã nuốt 16 chữ vàng: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”

Bằng chứng

Trước hết, Trung Hoa đang ra sức tăng cường các cuộc thăm dò khả năng dầu khí và hải sản trong khu vực được gọi là “Đặc quyền kinh tế”, do bản đồ họ tự vẽ ra từ năm 1947, chiếm 75 diện tích trên Biển Đông. Tàu định nhường 25% diện tích còn lại cho Việt Nam, Nam Dương, Brunei, Phi Luật Tân, Mã Lai Á là các Quốc gia đang tranh chấp chủ quyuền lãnh hải ở Biển Đông với Trung Hoa.

Khu vực 75% này, theo Bản đồ của Bắc Kinh, có hình “luỡi bò” mà các chuyên gia Biển Đông ở trong nước đã tiết lộ trong cuộc hội thảo lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội ngày 17-3-2009.

Có hai sự việc nổi bật nhất là báo chí Trung Hoa ngày 10 và 11/12/2008 đã đưa tin, ngày 10/12/2008, Cục Hải Dương Trung Quốc đã họp báo công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng các đảo không có người ở, kể cả hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Báo Tàu Bắc Kinh nói: “ Việc khai thác đảo không có người ở có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc”.

Sau đó, ngày 22/11/2008, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc Cnooc Ltd công bố dự án dò dầu khí nước sâu tại Biển Đông. Dự án này có trị giá 200 tỉ nhân dân tệ, tương đương 29 tỉ đôla sẽ được thực hiện từ 2009 cùng với công ti mẹ của họ là tập đoàn Cnooc. Cnooc là tập đoàn dầu khí nhà nước của Trung Hoa.

Vào trung tuần tháng 3/2009, Trung Hoa đưa Tàu Ngư Chính 311 ra họat động trong khu vựa được gọi là “đặc quyền kinh tế” ở Biển Đông. Tàu này, theo báo chí Việt Nam, có trọng lượng 4.450 tấn, dài 135 mét, rộng 15,5 mét, là chiếc tàu lớn nhất trong hạm đội tàu tuần tra ngư trường, có thể đạt tốc độ tối đa 37 cây số một giờ.

Theo báo Tàu ở Bắc Kinh, chiếc tàu tuần tra trên sẽ làm nhiệm vụ tại nơi được gọi là vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Trung Quốc tại lãnh hải tranh chấp quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vũ Trang (Wu Zhuang), Cục trưởng Cục các vấn đề đánh cá và cảng cá ở Biển Đông nói: “Tàu tuần tra sẽ bảo vệ chủ quyền cũng như quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc ở Biển Nam Hoa (Biển Đông). Chúng tôi sẽ mở rộng đội tàu tuần tra trong 3 - 5 năm nữa".

Trước đó, ngày 8/3 còn xảy ra một vụ đụng độ trên biển đã xảy ra giữa tàu thăm dò của hải quân Mỹ và một số tàu của Trung Hoa. Tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ họat động ở khu vực 75 hải lý phía nam đảo Hải Nam thì bị 5 chiếc Tàu đánh cá và thăm dò của Tàu đến khiêu khích. Trung Hoa nói tàu Impeccable đã vi phạm luật biển của Trung Quốc và quốc tế.

Như vậy, việc Hà Nội mở rộng tuyên truyền về biển đảo là để bảo vệ cho chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, quan trọng nhất là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay để “công nhận” những họat động của Tàu vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam đang diễn ra ở Biển Đông?

Có một chi tiết quan trọng mà đảng CSVN muốn giấu dân là khi họ mở cuộc vận động tuyên truyền về Biển Đông thì họ lại không công bố công khai “Hiệp ước phân định vịnh Bắc Bộ 2000” nên không ai biết họ tuyên truyền cái gì và để làm gì!

Nếu bảo để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì dân phải được biết đảng và nhà nước CSVN đã thoả hiệp với Tàu như thế nào ở vịnh Bắc Bộ chứ không phải cứ như cái trò “bịt mắt bắt dê” hay “nhắm mắt dắt nhau đi sờ voi”.

Đảng cần phải minh bạch chứ không phải chỉ cần dân gây áp lực với Tàu vào thời gian Việt Nam chuẩn bị nói chuyện với Tàu về Biển Đông trong năm nay (2009).

Cũng nên biết cuộc vận động dư luận về biển đảo của Việt Nam đã diễn ra sau khi Hà Nội bật đèn xanh cho việc tổ chức cuộc hội thảo do Học viện Ngoại giao tổ chức lần thứ nhất ngày 17-03-2009 với chủ đề “Tranh chấp chủ quyển tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”.

Có trên 70 chuyên gia về Biển Đông và sử học tham dự và các bài phát biểu của họ đã chĩa mũi dùi vào Trung Hoa để lên án hành động bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp của nước này tại Biển Đông, đặc biệt trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng lần đầu tiên, nhà nước CSVN đã để cho các Bài viết, hay phát biểu chống Tàu bịa đặt tài liệu để chiếm quyền kiểm sóat Biển Đông và vi phạm chủ quyền của Việt Nam được tự do đăng báo.

Đáng chú ý hơn cả là trong số các lời phát biểu, có một số học gỉa đã yêu cầu nhà nước phải kêu gọi sự tiếp tay của các học gỉa người Việt chuyên về lịch sử và Biển Đông đang sống ờ nước ngoài tiếp tay với trong nước để tranh thủ với Trung Hoa.

Nhưng liệu đảng CSVN có nghe lời khuyên này hay không và họ sẽ hành động ra sao thì việc đó chưa xẩy ra.

Dù thế nào chăng nữa thì những sự việc vừa diễn ra ở trong nước liên quan đến lãnh thổ và biển đảo cho thấy đảng CSVN đang lâm vào trạng huống lúng túng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, nhưng mặt khác lại thiếu tích cực để đoàn kết toàn dân và hợp tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong hoàn cảnh nước đến chân mới nhảy.

Phạm Trần 26/03/2009
Nguồn: Thông Luận
Category: Chính trị | Views: 816 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0