§ PT
Theo dõi những sự kiện diễn ra xung quanh phiên xử phúc thẩm 8 giáo
dân Thái Hà trong những ngày qua thật khó mà không cảm thấy ngán ngẩm
với cái
gọi là nền tư pháp XHCN.
Xuất phát từ yêu cầu chính trị là phải
kết án được 8 giáo dân ở Thái Hà bằng bất cứ lý lẽ nào kể cả dẫm đạp
lên chính cái luật pháp mà chế độ đẻ ra, bộ máy công quyền đã chẳng từ
một thủ đoạn nào, từ ngụy tạo chứng cử, sửa chữa, thêm bớt, thay đổi
biên bản đến trừng phạt người biện hộ quyền lợi hợp pháp của các bị cáo
là luật sư Lê Trần Luật và văn phòng luật của ông ta.
Để dằn
mặt vị luật sư cứng đầu đã dám nhận bào chữa cho những bị cáo giáo dân,
nhà nước đã áp dụng hình thức khủng bố toàn lực vào VPLSPQ cũng như cá
nhân ông này với sự tham gia của Đoàn LS Ninh Thuận, Tổng cục thuế, CA
TP HCM dưới những hình thức như: xúi giục khách hàng hủy hợp đồng, thậm
chí khiếu kiện VPLSPQ, liên tiếp gửi giấy mời làm việc gây mệt mỏi và
choán hết thời gian làm việc của văn phòng, câu lưu và ngăn trở bất hợp
pháp luật sư tiếp xúc với thân chủ và tham dự phiên tòa và cuối cùng là
tước giấy phép hoạt động của văn phòng này. Nhà nước VN đã
biến pháp luật từ một thiết chế giúp duy trì công bằng xã hội trở thành
một công cụ răn đe thuần túy dùng để đàn áp dân chúng. Điểm qua 346
điều của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành có thể thấy quá nhiều quy
định quyền hạn của bộ máy công quyền với đầy đủ tính răn đe nhưng không
có những chế tài quy định trách nhiệm của những cơ quan này trong việc
đảm bảo cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền của mình. Bởi
vậy mới có chuyện tòa án gửi giấy thông báo cho luật sư trong lúc cảnh
sát địa phương quản thúc trái phép, ngăn trở luật sư thực hiện quyền
tham gia tố tụng, cho dù cũng chỉ là có mặt để đón nhận bản án đã được
thông qua từ trước trong cuộc họp diễn ra trước phiên tòa giữa bộ ba
quyền lực: Tòa án, Viện kiểm soát và cơ quan điều tra. Những gì
xảy ra gợi nhớ lại một phiên tòa khác cách đây 78 năm mà bị cáo là Tống
Văn Sơ, bị chính quyền Hong Kong bắt giữ ngày 6-6-1931 và đưa ra xét xử
với tội danh làm gián điệp cho Quốc tế cộng sản và Nga Sô. Kết thúc
phiên tòa ông Tống đã được tha bổng cho dù chính quyền rất muốn kết án
ông ta hoặc ít nhất là trục xuất ông ta về nơi ông ta được sinh ra là
An Nam thuộc Đông Dương để làm đẹp lòng người Pháp. Tuy nhiên, điều đó
đã không xảy ra bởi những đòi hỏi công bằng của luật pháp mà luật sư
Frank Loseby, là người biện hộ cho ông Tống, đã nhắc nhở để chính quyền
tôn trọng. Điều gì có thể đã xảy ra nếu chính quyền Hong Kong
khi đó cũng sẵn sàng chà đạp pháp luật áp đặt cho một kẻ nhập cư bất
hợp pháp là Tống Văn Sơ bất kỳ tội danh nào mà họ muốn. Như vậy có thể
sẽ chẳng bao giờ lịch sử biết đến Hồ Chí Minh vì Tống Văn Sơ chính là
bí danh của ông ta khi ở tại Hong Kong. Những cơ chế nhằm đảm
bảo tính công bằng của xã hội được nêu ra trong những tác phẩm đã đặt
nền tảng cho khái niệm nhà nước pháp quyền như: Khế ước xã hội (J. J
Rousseau), Tinh thần pháp luật (Charles de Montesquieu), Triết học pháp
quyền (Hegels)…được giảng dạy cho những SV luật khoa như là những thành
tựu đã lỗi thời của hệ thống pháp quyền tư sản mà theo phép biện chứng của lịch sử thì nó phải được thay thế bằng một hệ thống ưu việt hơn, khoa học hơn và công bằng hơn, tức là hệ thống pháp quyền của chuyên chính vô sản. Và hôm nay người ta thấy rõ tính công bằng của hệ thống tư pháp đó là đây: do vì nhà nước là của dân, do dân và vì dân cho nên người dân chỉ có thể “cúi đầu nhận tội” bất cứ bản án nào mà chính quyền nhân dân
áp đặt cho họ và nếu như thái độ khi đón nhận bản án của họ có khác đi
nữa thì bộ máy tuyên truyền của nhà nước nhân dân cũng sẽ cắt xén, chắp
vá hay thêm thắt sao đó để cho số đông công chúng thấy rằng những kẻ bị
kết án đã vui vẻ thừa nhận tính công minh của bản án cũng như bản chất khoan hồng, nhân đạo của chế độ. Nếu
có một quy luật tiến hóa trong phát triển xã hội thì chắc nhà nước pháp
quyền VN vẫn còn đang ở thời kỳ văn minh vượn người.
PT
|