Thứ Tư, 2025-01-22, 3:01 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 15 » Dự luật về quyền tiếp cận thông tin, bước đầu để luật hóa quyền tự do báo chí
2:39 PM
Dự luật về quyền tiếp cận thông tin, bước đầu để luật hóa quyền tự do báo chí
RFI

  Thanh Phương

Bài đăng ngày 13/04/2009 Cập nhật lần cuối ngày  13/04/2009 13:17 TU

Quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ được luật hóa trong một dự luật mà theo dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một luật về các quyền được hiến định. Giới luật sư nghĩ như thế nào về dự luật tiếp cận thông tin ? Phỏng vấn luật sư Bùi Quang Nghiêm từ Sài Gòn.

Hiến pháp 1992 của Việt Nam có ghi rõ là người dân được bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng thường hay nhắc đến chủ trương gọi là ''dân biết, dân bàn, dân kiểm tra''.

Nhưng trên thực tế, những quyền nói trên, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin, hầu như không bao giờ được tôn trọng. Trong khi đó, ai cũng thấy rõ là việc bưng bít thông tin là một trong những nguyên nhân chính của nạn lạm quyền, tham nhũng ở Việt Nam.

Nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ được luật hóa trong một dự luật hiện đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và theo dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào cuối năm nay và sẽ được thông qua vào năm tới.

Hiện nay, dự luật này đang trong giai đoạn thảo luận giữa các đại diện chính quyền với nhà chuyên môn. Việc soạn thảo Luật tiếp cận thông tin cũng được sự hỗ trợ của quốc tế, nhất là của Na Uy.

Thật ra, Việt Nam đã buộc phải soạn thảo dự luật về tự do thông tin chính là do áp lực từ các điều ước, điều khoản quốc tế mà Hà Nội đã ký kết. Những hiệp ước này đòi hỏi Việt Nam phải có sự minh bạch thông tin, nhất là trong hoạt động tài chính. Có thể nói đây là lần đầu tiên mà ở Việt Nam có một luật về các quyền được hiến định. Nói cách khác, đây chính là bước đầu để luật hóa quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Trong một bài viết đề ngày 17/3 đăng trên trang Web của tờ Tia Sáng, giáo sư Phạm Duy Nghĩa cho rằng, '' một bộ luật bảo đảm cho quyền tự do thông tin của người dân nếu được ban hành sẽ giúp báo giới tự tin hơn khi khai thác quyền được thông tin, quyền được nói của người dân. Có biết, có dám tranh luận, rồi một ngày người dân mới học cách tập hợp lực lượng để phản biện lại các chính sách của chính quyền khi cần thiết. »

Nhưng quyền tiếp cận thông tin cũng gắn chặt với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bởi vì chính báo chí là kênh thông tin chủ yếu đến người dân. Cho tới nay, ở Việt Nam, việc tiếp cận thông tin của phóng viên cũng rất khó khăn, nhất là những thông tin bị coi là nhạy cảm. Ấy là chưa kể việc nhiều cơ quan Nhà nước vì sợ báo chí khai thác thông tin nên đóng dấu mật vô tội vạ trên các tài liệu, các văn bản.

Về mối tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin với Luật báo chí, giáo sư Phạm Duy Nghĩa nhận định là « dựa trên luật về tự do thông tin, báo chí từ vị trí thụ động, phát ngôn cho các cơ quan Đảng và cơ quan hành chính, sẽ chuyển sang vị thế chủ động hơn, truy đuổi các thông tin mà theo lẽ cơ quan Nhà nước phải công bố ».

Nói cách khác, theo giáo sư Nghĩa, ''ban hành luật về tự do thông tin sẽ là một cú hích để tu chỉnh luật báo chí Việt Nam''. Nhưng, theo ông, nếu như luật về tự do thông tin được ví như một bầu nước, thì Pháp luật về bí mật Nhà nước năm 2000 lại chính là cái nút thắt chặt lấy bầu nước ấy.

Giáo sư Nghĩa nhắc lại những vụ đáng phải thảo luận thêm vụ phóng viên Lan Anh của tờ Tuổi Trẻ trước đây đã bị khởi tố liên quan đến một tài liệu được coi là bí mật của Bộ Y tế.

Cũng theo giáo sư  Phạm Duy Nghĩa, ''nếu đưa tin về vụ khai thác bauxit Tây Nguyên, báo chí có thể bị xem là vi phạm những thông tin được xem là tuyệt mật liên quan đến chủ trương của Đảng và Nhà nước về khai thác khoáng sản''. Cho nên, ông đề nghị là phải sửa đổi luôn Pháp lệnh về bí mật Nhà nước, nhất là phải xác định rõ nội dung nào được xem là bí mật.

Về điểm này, trong bài trả lời phỏng vấn với tờ báo điện tử VietnamNet ngày 24/2 vừa qua, Bí thư thứ nhất đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, bà Snofrid Emterud, đã nhấn mạnh rằng : những quyết định liên quan đến đại cục chung không thể được coi là bí mật. Theo bà, mọi người phải được tạo cơ hội tìm hiểu và phản biện các quyết định chính trị.

Trong bài viết đăng trên tờ Lao Động cuối tuần ngày 8/2, tiến sĩ Nguyễn Quang A, đã viết : ''Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” nên công dân phải được thông tin trung thực kịp thời về hoạt động, chính sách, chủ trương của các cơ quan nhà nước, của các cơ quan “của mình”, “vì mình”. Đấy là quyền của công dân, họ có quyền đòi hỏi (chứ không phải xin) cơ quan nhà nước cung cấp thông tin và các cơ quan nhà nước phải có nghĩa vụ cung cấp (chứ không phải ban phát). Đấy là nguyên tắc''.

Trong số các đề nghị của tiến sĩ Nguyễn Quang A, có việc đề ra những thủ tục rõ ràng để ngặn chặn tình trạng các quan chức và cơ quan Nhà nước lạm dụng các lý do '' an ninh quốc gia'' hay ''bí mật quốc gia''

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, " có quy định rõ ràng thì việc thực thi mới nghiêm túc và người dân mới có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và quan chức nhà nước một cách hữu hiệu. Phải buộc các quan chức và viên chức nhà nước, cả ở trung ương lẫn địa phương, chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép, đồng thời giáo dục công dân rằng họ có quyền làm bất cứ thứ gì mà pháp luật không cấm ''.

Về phía giới luật sư thì họ nghĩ như thế nào về dự luật tiếp cận thông tin? Nhận xét của luật sư Bùi Quang Nghiêm từ Sài Gòn.

Phỏng vấn luật sư Bùi Quang Nghiêm-Saigon

13/04/2009


Views: 779 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 49
Khách: 49
Thành Viên: 0