Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:37 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Tư » 18 » Những lo sợ mới về một cuộc "xâm lược" của Trung Quốc ở Việt Nam
11:41 AM
Những lo sợ mới về một cuộc "xâm lược" của Trung Quốc ở Việt Nam


Martha Ann Overland, Tuần báo TIME
Diên Vỹ chuyển ngữ

Ba mươi năm trước đây những người lính Việt Nam đã tham gia vào trận chiến khốc liệt cuối cùng trên những ngọn đồi Lạng Sơn gần vùng biên giới phía bắc của đất nước để đẩy lùi quân thù. Cả hai phía đều chịu đựng những mất mát kinh khủng, nhưng cuối cùng Việt Nam đã tuyên bố chiến thắng. Vài thập kỷ sau, quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã được tái lập, họ gọi nhau là bạn hữu, ít nhất là bề ngoài. Kẻ thù xưa của người Việt nay là một nhà đầu tư lớn vào nước này với thương mại song phương đang ở mức cao nhất, và khách du lịch chứ không phải là binh lính đang đổ vào.

Không, họ không phải là người Mỹ mà là Trung Quốc. Như một phần trong nỗ lực bành trướng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình trong vùng Đông Nam Á, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Các công ty Trung Quốc đang tham gia vào hàng loạt các dự án về đường xá, khai thác mỏ và nhà máy năng lượng. Nhưng mặc dù quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia cộng sản này được các người lãnh đạo Việt Nam ủng hộ, cuộc xâm lược hoà nhã này lại không được hưởng ứng mấy từ dân chúng, những người đã chống trả sự tấn công của Trung Quốc hơn nghìn năm qua và lần cuối cùng là vào năm 1979. Đa số người Việt lo ngại là Trung Quốc đang được trao những chìa khoá không những của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn của cả những khu vực chiến lược nhạy cảm, đe dọa sự an ninh của quốc gia. "Mối nguy hiểm nằm trong việc Trung Quốc đã thắng hầu hết các gói thầu xây dựng các công trình điện, xi-măng và hoá chất," Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Cơ Khí. "Họ vét sạch mọi thứ và chẳng để lại gì."

Ông Thụ nói rằng ông nghi ngờ một số công ty Trung Quốc đã thắng thầu bằng cách bỏ giá thấp, có nghĩa là họ sẽ sẽ xà xẻo trong xây dựng, làm đe dọa chất lượng và an toàn công trình. Nhưng mối quan tâm lớn nhất của ông chính là việc một số lượng lớn nhân công Trung Quốc đang đổ vào, bao gồm cả những người nấu bếp và dọp dẹp, họ đang giành công việc của người Việt và đe doạ sự ổn định xã hội trong nước. "Các nhà thầu Trung Quốc đem mọi thứ vào, ngay cả chiếc bàn cầu!" Ông Thụ nói. "Những vật liệu này Việt Nam có thể cung cấp cũng như nhưng công việc mà nhân công Việt Nam có thể đảm trách."

Đòn sấm sét mới nhất đánh vào tâm lý chống Trung Quốc là dự định của Hà Nội cho phép những công ty con thuộc Tập Đoàn Nhôm Trung Quốc (Chinalco) để khai thác mỏ bauxite ở khu vực Cao nguyên miền Trung Việt Nam. Bauxite là nguyên liệu chính của nhôm mà Trung Quốc đang cần để cung cấp cho ngành công nghiệp xây dựng của mình. Việt Nam dự đoán có khoảng 8 tỉ tấn bauxite chất lượng cao, có trữ lượng lớn thứ ba trên thế giới. Nhưng hệ quả môi trường từ việc khai thác khoáng sản này có thể rất cao. Khai thác theo luồng thì có hiệu quả cao nhưng đất đai sẽ bị cày xới và việc xử lý bauxite sẽ thải ra chất bùn đỏ độc hại, có thể hoà vào trong nguồn nước dùng nếu không bảo quản đúng mức. Một số nhà khoa học có kinh nghiệm cũng như phong trào bảo vệ môi trường đang chớm nở ở Việt Nam đã đặt vấn đề rằng cho phép Trung Quốc quyền khai thác mỏ liệu có là một quyết định sáng suốt hay không trong khi chính Trung Quốc đã phải đóng cửa các khu mỏ của mình vì những tai hại khổng lồ đối với môi trường.

Nhưng việc chống đối chủ yếu không nằm trong việc bảo vệ môi trường mà đa phần là mối quan ngại của Việt Nam đối với đất nước láng giềng phương bắc. Những tổ chức dân tộc lên án Hà Nội đã nhượng bộ trước áp lực của một Trung Quốc đang đói nguyên liệu khi cho phép những dự án khai thác mỏ được tiến hành. Những blogger đang lớn tiếng e ngại về việc nhân công Trung Quốc đang tràn vào chính là chiến lược lâu dài cua Bắc Kinh nhằm chiếm đóng đất nước họ. Những tổ chức dân chủ bị cấm đoán, luôn vui mừng khi có dịp lên án chính quyền độc tài, gọi dự án khai thác mỏ là một "âm mưu bệnh hoạn." Đầu tháng này, vị tu sĩ Phật giáo chống đối chính quyền là Thích Quảng Độ đã tuyên bố rằng khai thác các vựa mỏ sẽ tàn phá đời sống tự nhiên của các dân tộc thiểu số trong vùng. Ông nói thêm rằng dự án đã tạo ra "một minh hoạ về việc Việt Nam phải dựa vào Trung Quốc." Không thấy có sự chống đối tương tự đối với hai công trình mỏ của công ty nhôm khổng lồ của Mỹ là Alcoa tại tỉnh Đak Nông thuộc Cao nguyên miền Trung.

Sự phản đối bất ngờ nhất có lẽ là từ Tướng Võ Nguyên Giáp, một nhà lãnh đạo quân sự được kính trọng, người từng đánh bại người Pháp và người Mỹ. Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vị anh hùng thời chiến 97 tuổi đã lên tiếng quan ngại về sự hiện diện của quá đông người Trung Quốc ở Cao nguyên miền Trung, cửa ngỏ chiến lược của Việt Nam, nơi từng quyết định thắng bại của các trận chiến.

Những quốc gia khác trong vùng đã cảm thấy không yên ổn trước sự thèm khát tài nguyên của Trung Quốc. Tháng trước chính phủ Úc đã từ chối công ty khai thác mỏ Minmetals của Trung Quốc việc mua lại công ty đang thiếu nợ trầm trọng là OZ Minerals, công ty khai thác kẽm lớn nhì thế giới với giá 1,8 tỉ đô-la, vì những quan ngại về an ninh quốc phòng. OZ Minerals có những hoạt động gần vùng thử nghiệm vũ khí Woomera của Úc.

Chính quyền Hà Nội nói rằng họ đang lắng nghe những quan ngại này nhưng dường như họ vẫn không thay đổi quyết định. Vừa qua Thủ tướng Dũng đã tuyên bố việc khai thác bauxite là "chính sách lớn của đảng và nhà nước." Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tái xác nhận quyết định của chính phủ và một số quan chức cấp tỉnh đã có mặt tại hội nghị khai thác khoáng sản vừa qua để bảo vệ dự án này với lập luận là mặc dù có sự hiện diện của công nhân Trung Quốc, việc khai thác khu vực này sẽ có lợi cho các sắc dân thiểu số đói nghèo trong vùng.

Áp lực tiến hành các công trình này đối với Việt Nam thì vô cùng lớn, Carl A. Thayer, chuyên viên về Việt Nam đang giảng dạy tại Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wale nói. Để tồn tại, Việt Nam cần trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, một quốc gia với nền kinh tế đứng thứ ba trên thế giới. Ông Thayer công nhận rằng không có công ty nào ở Trung Quốc hoạt động độc lập với chính quyền họ. "Nếu đi lên cao hơn, ta sẽ thấy một mối liên hệ về quân sự hoặc an ninh nào đấy," ông nói. "Nhưng một cuộc xâm lăng của Trung Quốc? tôi không tin điều này."

Chính Việt Nam đã tự gây ra một số khó khăn cho mình, ông Thayer nhận định. Quốc gia này càng ngày càng phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhằm vực dậy nền kinh tế của mình. Năm ngoái, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam giảm mất 11,5 tỉ, một con số kỷ lục. Cũng trong năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 73 dự án vào đất nước này với tổng trị giá 334 triệu đô-la. Nhưng trong hiện tình kinh tế suy sụp toàn cầu, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã giảm đến 70% trong quí đầu của năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái.

Hà Nội đang kêu gọi tăng cường đầu tư và đang càng tuyệt vọng mong tiền từ bên ngoài rót vào trước hiện tình kinh tế suy thoái. Việt Nam lại còn tích luỹ một tỉ lệ thiếu hụt khổng lồ trong việc giao thương với Trung Quốc. Khi ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc từ bên kia biên giới đang đổ hàng triệu đô-la vào những dự án đầu tư thì Hà Nội không thể tự đưa ra tất cả các điều khoản hoặc ngăn chận chúng. "Người Việt cần phải cẩn trọng với những gì mình ước muốn." ông Thayer nói.

Nguồn: TIME
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 856 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0