Nguyễn Gia Tiến
Một sự kiện chính trị đang diễn ra, có vẻ không lôi kéo được sự chú ý
của nhiều người trên thế giới, là cuộc bầu cử Quốc Hội tại Ấn Độ ‒ khởi
sự từ ngày 16/4/2009 và sẽ kéo dài trong một tháng.
Cứ 5 năm một lần, Quốc hội Ấn Độ được bầu lại, và từ đó quyền hành chính trị sẽ được chuyển giao sang một Chính phủ mới.
Thể hiện dân chủ vĩ đại
Báo chí quốc tế bình luận cho rằng mỗi 5 năm, Ấn Độ lại thể hiện một sự kiện dân chủ vĩ đại nhất thế giới.
Thực vậy, với dân số hơn 1100 triệu, Ấn Độ sẽ có 714 triệu cử tri đi
bầu tại hơn 800 ngàn phòng phiếu, được khoảng 6 triệu nhân viên công
lực và quan sát viên giám sát và bảo đảm an ninh!
Đây là một cuộc bầu cử có tầm vóc khổng lồ, sánh ngang bằng tổng số các
cuộc bầu cử của 4 quốc gia cộng lại là Hoa Kỳ, Nhật, Nga và
Philippines! Quốc hội mới của Ấn Độ với 543 vị dân biểu vừa đắc cử sẽ
chọn một tân Thủ tướng, người có quyền hành thực sự, cầm đầu Chính phủ
mới. Một Tổng thống mới cũng được chỉ định, nhưng chức vụ chỉ hoàn toàn
có tính cách nghi lễ.
Sự chuyển giao quyền hành tại Ấn Độ mỗi nhiệm kỳ 5 năm lại diễn ra một
cách hòa bình êm thấm do cuộc bầu cử được đánh giá là khá trung thực,
minh bạch không gian lận, mặc dàu đôi khi có những lộn xộn căng thẳng ở
vài địa phương.
Cấu trúc phức tạp của Ấn Độ cho thấy nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà người
Ấn Độ đã hoàn thành được, qua các cuộc bầu cử hoàn toàn tự do. Quốc gia
với hơn 1 tỷ dân này, có 35 tiểu bang, nói 18 thứ tiếng khác nhau, với
khoảng 220 đảng chính trị, và gồm 5 tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo (Hindus,
80 %), Hồi Giáo (Islam, 14 %), Thiên chúa giáo (Christianity, 2,4 %),
đạo Sikhs (2 %), và Phật giáo (Buddhists, 0,7 %).
Kể từ khi độc lập năm 1947, cũng như tại Hoa Kỳ, chính trường Ấn Độ chỉ
có hai đảng chính trị lớn đối lập nhau, liên kết với một số đảng nhỏ
tại địa phương để tranh cử. Phe nào thắng phiếu sẽ nắm được quyền hành
một cách hòa bình dân chủ trong nhiệm kỳ 5 năm.
Hai đảng lớn là đảng Quốc Hội (Indian National Congress, INC) với các
tên tuổi như Nehru, Gandhi, khuynh hướng xã hội thiên tả, và đảng Nhân
Dân Ấn độ BJP (Indian People's Party, Bharatiya Janata Party) khuynh
hướng quốc gia bảo thủ, thiên về đạo Hindus.
Cũng như tại những nước dân chủ phương tây, người dân được thực sự
hưởng các quyền tự do chính trị, báo chí, tôn giáo… được bảo đảm bằng
Hiến Pháp.
Ấn Độ là một nước nghèo
Những ai từng du lịch Ấn Độ đều thấy đây là một quốc gia còn rất nghèo.
Điển hình là sự nghèo khổ có thể dẫn đến cả tình trạng bố mẹ phải đem
bán con để lấy tiền sinh sống, như vụ báo chí vừa loan tin trường hợp
trong phim Ấn Độ “Slumdog millionaire” vừa được giải Oscar; Cô bé tài
tử nổi tiếng xuất thân từ một xóm nghèo tại ngoại ô thành phố Bombay.
Kể từ thập niên 1990, sau những biện pháp cải tổ kinh tế, từ khuynh
hướng chính trị xã hội sang kinh tế thị trường tự do, Ấn Độ đã phát
triển nhanh, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 8-9 % .
Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan quốc tế như Quĩ Tiền tệ IMF và
Ngân hàng Thế giới World Bank, Ấn Độ được kể là một nước nghèo, với mức
thu nhập cá nhân trung bình hàng năm (Tổng sản lượng quốc gia/đầu người
- GDP (nominal) per capita hay purchasing power parity, PPP) là 1.078
USD, xếp hạng thứ 115 đến 136 trên 200 quốc gia (tùy theo bảng của IMF,
World Bank hay CIA, Source: http://en.wikipedia.org).
(Để so sánh : Hoa Kỳ 47.103 USD, Trung Hoa 3.174 USD, Việt Nam 1.055 USD – theo số liệu 2008 của CIA).
(Nguồn: http://www.indexmundi.com)
Xã hội Ấn Độ vẫn còn rất bảo thủ, cũ kỹ lạc hậu. Sự phân chia giai tầng
xã hội (system of caste-ism) cha truyền con nối theo truyền thống lịch
sử vẫn còn tồn tại, vẫn còn duy trì ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên trước Hiến Pháp, trước công lý, mọi người dân đều có quyền bình đẳng và điều này được thật sự bảo đảm trên thực tế.
Các sự kiện trên cho thấy, mặc dầu là một nước nghèo, Ấn Độ đã phát huy được một truyền thống dân chủ lâu đời.
“Giai cấp trung lưu” nào?
Gần đây, khi tranh luận về tiến trình phát triển dân chủ tại một số
nước nghèo, nhất là trường hợp Việt Nam, một vài “chuyên gia” ngoại
quốc thường lập luận rằng phải có thời gian để phát triển kinh tế, để
“hình thành một giai cấp trung lưu” trong xã hội, có mức thu nhập cao.
Rồi dần dần từ đó mới có thể phát triển các ý niệm dân chủ, phát triển
các nhu cầu tự do.
Luận cứ này cũng được một số “chánh khách” trong Cộng đồng Hải ngoại
phụ họa, lập lại một cách thành thạo, để chứng tỏ sự hiểu biết, sự già
dặn kinh nghiệm của mình!
Nhưng “khoái chí” hơn cả, và “vồ” lấy lập luận này, không ai khác hơn
là những tập đoàn độc tài đang cai trị tại Bắc Kinh, tại Hà Nội.
Đây là cái cớ để họ ngồi lì, để câu giờ, để không tiến hành bất cứ hình
thức cải tổ dân chủ nào! Họ lý luận rằng, “Mấy tay ‘chuyên gia’ phương
tây của các anh mà còn phải nhận định như vậy, làm sao có dân chủ ngay
được.”
Và nhân dân cứ chờ đợi thêm 5-7 chục năm nữa để có dân chủ, để chờ phát
triển kinh tế, để chờ hình thành một “giai cấp trung lưu.”
Hiện nay tại Việt Nam hình như cũng đã chớm bắt đầu có một “giai cấp
trung lưu”, một giai cấp “tư bản đỏ”, mà của cải tài sản vơ vét được,
không do tài kinh doanh, không do tài thao lược, mà chỉ vì móc ngoặc,
vì toa rập với chính quyền, nếu không là ăn cắp, ăn cướp. Và hình như
giai cấp này càng đông thì họ càng ôm chặt, càng giữ vững chính quyền
độc đoán, để đồng thời giữ vững “nồi cơm”, giữ vững những đặc quyền đặc
lợi!
Đối với giai cấp này, hình như họ cũng chẳng có bao nhiêu nhu cầu về dân chủ, về tự do để cần phải phát triển!
Kinh nghiệm về dân chủ kiểu Trung Cộng sau hơn 3 thập niên phát triển kinh tế đã quá rõ ràng!
Như một thử nghiệm
Để khảo sát một cách chính xác bằng phương pháp khoa học xem việc cải
thiện kinh tế có đem lại dân chủ, gần đây hai giáo sư người Mỹ B. de
Mesquita và G. Downs (*) thuộc Đại học New York đã làm một cuộc thử nghiệm.
(Nguồn: http://www.indexmundi.com)
Họ theo dõi một tập thể gồm 150 quốc gia đang phát triển trong
thời gian 29 năm, kể từ 1970 đến 1999. Họ nghiên cứu các hồ sơ về sự
phát triển kinh tế của mỗi nước trong thời gian này. Đồng thời cũng
quan sát mức độ dân chủ đạt được tại mỗi quốc gia.
Tiêu chuẩn kinh tế là mức thu nhập, các điều kiện về giáo dục, y tế,
giao thông. Mức độ dân chủ là các quyền tự do về chính trị, báo chí,
phát biểu, tín ngưỡng, tôn giáo.
Các tiến bộ trong hai lãnh vực kinh tế và dân chủ tại mỗi nước được đặt
song hàng trên một biểu đồ để quan sát, ngõ hầu tìm ra mối liên hệ, cho
phép rút ra những kết luận khách quan. Họ kinh ngạc vì không hề phát
hiện được trên biểu đồ, tại bất cứ quốc gia nào, một mối tương quan về
đường hướng phát triển của hai yếu tố.
Qua công trình nghiên cứu, hai giáo sư đại học New York đi đến kết luận
rằng chẳng hề có mối liên hệ nguyên nhân - hậu quả nào có thể xác định,
giữa sự phát triển kinh tế và các tiến bộ về dân chủ, như thiên hạ
thường rêu rao!
Thành ra những quyết đoán rằng kinh tế sẽ đem lại dân chủ cho thấy chỉ
là những “võ đoán hồ đồ” vô căn cứ, không dựa trên bất cứ kinh nghiệm,
bất cứ cơ sở khoa học nào để chứng minh !
Thay lời kết
Nhận định về trường hợp của hai quốc gia Ấn Độ và Việt Nam cho thấy có thể rút ra vài mối tương quan để so sánh.
Cả hai đều là những nước nghèo, đều từng bị đô hộ, và sự cai trị của thực dân chỉ chấm dứt sau Đệ nhị Thế Chiến.
Mặc dầu là một quốc gia nghèo, Ấn Độ đã tạo dựng được nền dân chủ ngay
sau khi giành được độc lập. Họ không cần phải chờ đợi sự phát triển
kinh tế, không cần chờ đợi sự hình thành của “một tầng lớp trung lưu”
như lời khuyên của mấy “chuyên gia”!
Trong một bối cảnh xã hội, chính trị, phức tạp và khó khăn hơn Việt Nam
nhiều, Ấn Độ đã có dân chủ ngay từ thập niên 1940, khi mà Hồ Chí Minh
còn đang loanh quanh “tìm đường cứu nước”, và rút cục đã kiếm ra được
con đường Mác Lê bi đát , để đem chết chóc đói nghèo về cho dân tộc!
Thụy Sĩ, Tháng 4. 2009
|