Thứ Ba, 2025-01-07, 2:18 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 1 » Ai đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”?
10:08 AM
Ai đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”?

Tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Bình cũng bằn trong quỹ đạo “diễn biến hoà bình”?

Phạm Trần

Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Bình

Chuyện nhiều đảng viên Cộng sản Việt Nam bây giờ “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” không phải là điều mới lạ gì mà tình trạng này đã có từ sau khi các chính phủ Cộng sản ở Đông Âu và Liên bang Xô Viết bị tan rã từ 1989 đến 1992.

Nhưng chuyện cũ vẫn còn được nhắc lại sau hơn 20 năm “Đổi mới” để làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là chỉ dấu cho thấy đảng CSVN không còn nguyên một khối thống nhất toàn vẹn như đảng tuyên truyền.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều đảng viên, kể cả một số đảng viên kỳ cựu có chức cao hay đã nghĩ hưu không còn muốn gắn bó với đảng vì thiểu số lãnh đạo bảo thủ vẫn tiếp tục xây dựng đất nước dựa trên nền tảng chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh lỗi thời.

Hiển nhiên là hành động phản khoa học và chậm tiến này đã kìm hãm cả dân tộc không thể tiến lên ngang tầm thời đại với các dân tộc trong khu vực, nói chi với các nước văn minh phương Tây ?

Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác tư tưởng trong đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương cầm đầu lại không nhìn thấy đảng chính là nguyên nhân khiến mọi người muốn xa lánh nên đổ lỗi cho điều gọi là “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đã gây ra tình trạng suy thóai tư tưởng của đảng viên.

Phan Xuân Biên phản ảnh sự việc này trên Tạp chí Tuyên Giáo ngày 10-4-2009: “Từ Đại hội X (2006) của Đảng đến nay, tình hình đất nước diễn biến khá phức tạp trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, phần nào tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh dòng tư tưởng chủ đạo là ý thức độc lập dân tộc cao, ý chí tự lực tự cường, kiên trì xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tình hình đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tạo ra những thách thức, nguy cơ về an ninh tư tưởng. Hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt về cường độ; toàn diện về nội dung; đa dạng về phương pháp, hình thức, rộng rãi về lực lượng, thường xuyên về thời gian và ngày càng công khai, tinh vi”.

Nhưng “công khai” và “tinh vi’ như thế nào thì ông giải thích: “Chúng lợi dụng triệt để bối cảnh quốc tế và trong nước, nhất là tình hình xã hội như tranh chấp, khiếu kiện, đình công; quan liêu, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề lịch sử, dân tộc, tôn giáo, tự do, dân chủ, nhân quyền và bằng mọi ngả đường để thực hiện âm mưu nhất quán là nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đi đến làm suy yếu và thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN, đưa nước ta theo con đường TBCN (Tư bản Chủ nghĩa). Dù chưa đạt được âm mưu cuối cùng nhưng các hoạt động “diễn biến hoà bình” kết hợp với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã tác động đến tư tưởng của một số cán bộ đảng viên, tạo nên sự tự diễn biến “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và xã hội với xu hướng ngày càng phức tạp”.

Tại Hội nghị 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 5 đến 14/1/2009, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư đảng đã ra lênh toàn đảng phải: “Tăng cường công tác bảo vệ Đảng và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, kết hợp với chống âm mưu "diễn biến hoà bình" và xử lý biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ phục vụ nhân dân”.

Tuy nhiên tình trạng này nghiêm trọng ra sao thì không thấy ông Mạnh đề cập. Riêng Phan Xuân Biên đã nhìn nhận có: “Một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Đây là kết quả của sự “tự diễn biến” dưới sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, là nguy cơ lớn, là hiểm hoạ về an ninh tư tưởng”.

Ông Biên giải thích và báo động thêm: “Phai nhạt lý tưởng tức là phai nhạt chủ nghĩa, phai nhạt mục đích hành động, giảm sút và triệt tiêu động lực tạo nên sức mạnh, ý chí chiến đấu. Niềm tin cộng sản bị thử thách nghiêm trọng và ở một bộ phận không nhỏ đã bị lung lay, phai nhạt. Đại bộ phận chưa hiểu được CNXH là gì, con đường đi lên CNXH ở nước ta ra sao. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội VII thông qua nêu ra 6 nội dung (hay đặc trưng) của CNXH ở nước ta, rồi Đại hội X của Đảng nêu ra 8 đặc trưng, nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng thẩm thấu đến nơi đến chốn”.

Cương lĩnh mà ông Biên đề cập đến là Tài liệu viết năm 1991 có tiêu đề “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Điều đầu tiên đảng CSVN muốn xác quyết là phải “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, và khẳng định rằng “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Cương lĩnh 1991 cũng kiên quyết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.

Tuy nhiên không phải đảng viên nào cũng đồng tình ủng hộ lập trường bảo thủ của Cương lĩnh 1991. Phan Xuân Biên phản ảnh tình trạng chuyển hướng này như sau: “Một bộ phận không nhỏ, bên ngoài vẫn nói về CNXH, nhưng trong suy nghĩ thực hầu như không tin, nhiều lúc còn gắn với những chuyện hài hước. Tệ hại hơn có người ngại nói về CNXH, sợ cho là không cấp tiến, chậm đổi mới. Chính vì vậy, đã xuất hiện những dấu hiệu “tự chuyển hóa”, tuy chưa công khai từ bỏ CNXH, nhưng cho rằng CNXH là mục tiêu cao cả, nhưng xa xôi, trước mắt chỉ lo phấn đấu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh là đủ. Thực ra là đã “tự diễn biến”, đã buông vũ khí, tạo nên những khoảng trống những lỗ hổng trên trận địa an ninh tư tưởng. Một số đã thực sự “diễn biến”, “chuyển hóa” với danh nghĩa “đổi mới triệt để”, “đổi mới kinh tế phải song song “đổi mới chính trị”, phê phán và bác bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, đòi “đa nguyên”, “đa đảng”, “ly thân”, “chia tay ý thức hệ”, sám hối, đi “tìm cái tôi đã mất”, từ bỏ CNXH, ca ngợi Chủ nghĩa Tư bản”.

Lung lay – đòi xét lại

Phan Xuân Biên còn đi xa hơn: “Từ sự lung lay ý chí, suy thoái về tư tưởng đã xuất hiện nhiều hành động, từ phát ngôn đến việc làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương và pháp luật Nhà nước. Thậm chí có những hành động mang tính chống đối với giọng điệu không khác mấy quan điểm của những phần tử cơ hội, phản động đang mơ tưởng xây dựng tổ chức chính trị đối lập cũng đã xuất hiện trong nội bộ.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, nhất là trên mạng internet đã xuất hiện những bài viết, trả lời phỏng vấn thể hiện sự “tự diễn biến” về tư tưởng, công khai xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin, hùa với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tạo nên những bi quan, hoang mang nghi vấn trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ làm yếu sức đề kháng, tạo cơ sở cho sự xâm nhập dễ dàng của chiến lược “diễn biến hoà bình” dẫn đến lây lan sự diễn biến “tự chuyển hóa” ngày càng gia tăng. Hoà cùng với điều đó, báo chí vô tình hay hữu ý đã không ngừng dựng lên những bức tranh ảm đạm về mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa. . . rồi bình luận lập lờ vòng vo hoặc suy diễn trực tiếp quy nguyên nhân về phía chủ trương quản lý của Nhà nước, làm giảm lòng tin của dân chúng đối với Đảng, Nhà nước, với con đường chúng ta đang đi. . .”


Nghi ngờ mọi người


Trước nguy cơ bị xâm nhập văn hóa từ bên ngoài, cán bộ Tuyên giáo Phan Xuân Biên cảnh giác đảng viên phải đề phòng cả những chương trình trao đổi văn hóa, hoa học, kỹ thuật và hợp tác với các tổ chức và các nhà khoa học nước ngoài.

Ông Biên viết nước đôi: “Mũi diễn biến êm ái hơn, “hoà bình” hơn được thể hiện trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục đào tạo, văn học nghệ thuật. . . bởi vì mũi tấn công xâm nhập của chiến lược “diễn biến hoà bình” trên những lĩnh vực này dường như là “vô tư” và thực tiễn những lĩnh vực này đang có nhiều bức xúc, có nhu cầu hợp tác quốc tế”

“. . .Không nên đánh giá mọi cơ quan tài trợ, cơ quan đào tạo giáo dục, trao đổi văn hóa khoa học cũng như người được đào tạo ở các nước phương Tây đều có ý đồ xấu. Nhưng cũng cần luôn lưu ý đây là một môi trường rất thuận lợi, là cầu nối để các thế lực phản động lợi dụng thực thi mưu đồ lâu dài cho việc chống phá hệ tư tưởng của chúng ta bằng các hình thức thích hợp “thay chất đổi mầu” từ từ. Thực tế, con đường ấy đã được các thế lực thù địch thực hiện phục vụ cho âm mưu “diễn biến hoà bình” đã có những kết quả không nhỏ mà sự biểu hiện của nó được đan xen, hoà quyện vào các hiện tượng của tình hình tư tưởng, chính trị và đời sống xã hội của nước ta…”


“…. Tất cả những điều đó cùng với những yếu kém, những bức xúc của xã hội, đã làm cho “trong Đảng đã xuất hiện các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng đến tính đồng thuận của xã hội. Trong bối cảnh đó, trong nội bộ ta đã xuất hiện những dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng và hành động…”

“…Trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo vốn là quốc sách, là nền tảng đào tạo con người, chủ nhân xã hội đã có biểu hiện “phương tây hóa”, nhất là “Mỹ hóa” trong sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đã xuất hiện những tác phẩm trái với bản chất chế độ ta, thiếu trung thực trong phản ánh thực tiễn cuộc sống của đất nước, suy diễn cực đoan thiếu căn cứ khoa học những vấn đề lịch sử, say sưa đi tìm cái tôi đã mất, cái tôi thiển cận, lạc loài, đuổi theo cái tôi ảo vọng. . . đã đánh mất vai trò dẫn dắt tư tưởng, chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật”.

Như vậy, dưới con mắt “cú vọ” của Ban Tuyên Giáo thì đảng CSVN và trong xã hội đã bị “vi trùng diễn biến hoà bình” xâm nhập vào mọi lĩnh vực nên mới nẩy sinh những ý kiến bất đồng với đảng.

Phan Xuân Biên nói: “Tất cả những điều đó cùng với những yếu kém, những bức xúc của xã hội, đã làm cho “trong Đảng đã xuất hiện các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng đến tính đồng thuận của xã hội . Trong bối cảnh đó, trong nội bộ ta đã xuất hiện những dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng và hành động”.

Có phản ứng bauxite?

Tuy ông Biên không viết ra, nhưng bài báo xuất hiện vào lúc dư luận đang chú ý đến những phản ứng quyết liệt nổi lên từ trong và ngoài nước của nhiều người không đồng thuận với quyết định của Bộ Chính trị và chính phủ cho khai thác Bauxite trên Tây Nguyên.

Trong số những người lên tiếng có cả tướng Võ Nguyên Giáp, bà Nguyễn Thị Bình, Cựu Phó Chủ tịch Nước và trên 500 nhà trí thức, chuyên viên khoa học, đảng viên và cán bộ nhà nước.

Những người lên tiếng bày tỏ sự lo âu của họ đối với nguy cơ đất nước trước hoạ “ngoại xâm” và hậu quả kinh tế, mội trường, xã hội và văn hóa sẽ để lại cho hàng triệu người dân, không riêng nhân dân của 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, nếu kế hoạch khai thác không được sự đồng thuận của toàn dân.

Những người lên tiếng còn lo ngại việc nhà nước Việt Nam hợp tác với Công ty Chalco của Trung Hoa và để cho Công ty này tự ý vi phạm luật Lao động của Việt Nam để đem hàng trăm lao động chân tay vào làm việc tại dư án Tân Rai (Lâm Đồng) và dự trù đưa khoảng 2 ngàn công nhân đến Nhân Cơ (Đắk Nông).

Kiến nghị của trên 500 Trí thức do các vị Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng và Ông Phạm Toàn đứng đầu cuộc vận động đã được trao tận tay cho Quốc Hội và gửi qua đường Bưu Điện cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ (sau khi bị từ chối nhận trực tiếp).

Kiến nghị này tập trung vào 3 điểm:

1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;

2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó;

3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Trong Thư gửi Quốc hội ngày 30-4-2009, ba ông Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng và Ông Phạm Toàn viết : “Gần đây, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra bản Kết luận (24-04-2009) về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đó không là một bản Chỉ thị, mà là một bản Kết luận, điều đó thể hiện một thái độ cầu thị, tôn trọng dư luận, một hành động giao tiếp với công luận. Tất cả những ai có thiện chí đều nhận ra điều đó.

Tuy nhiên, cũng trên tinh thần dân chủ và cởi mở, trên tinh thần xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, chắc chắn là Bộ Chính trị cũng muốn rằng những kết luận của mình sẽ được thể chế hóa thành luật để có đầy đủ giá trị pháp lý và sức mạnh thực thi.

Vì thế, vai trò của quý vị đại biểu Quốc Hội lúc này, nhất là trong kỳ họp tháng 5-2009 sắp tới, thật vô cùng quan trọng”.


Lá thư viết tiếp: “Mọi người đều biết, từ những năm tám mươi thế kỉ trước, khối COMECON tuy rất cần nhôm, song đã quyết định không khai thác bauxite trên lãnh thổ Việt Nam. Lý do của việc này đã được nói rõ trong hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.

Ngày nay, các chuyên gia, các nhà khoa học của ta lại một lần nữa kết luận dứt khoát rằng khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là chuốc lấy vô vàn rủi ro về môi sinh và văn hóa để làm một việc không có lãi về kinh tế và tự buộc mình lệ thuộc nguy khốn vào một nước ngoài khách hàng duy nhất của sản phẩm nhôm đó. Điều này, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.

Một em học sinh Trung học của Việt Nam cũng được dạy trong sách giáo khoa rằng Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". Thế nhưng, cùng với dự án khai thác bauxite ở vùng này là nguy cơ có mặt của những binh đoàn "người lao động" nước ngoài tới "làm việc", trong đó nhiều người đã tới bằng visa du lịch. Sự kiện kèm theo số liệu đó đã được phóng viên báo “Nhân dân” đưa ra, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều đã biết cả.

Thưa quý vị đại biểu,

Thư ngỏ này được công bố trên mạng vào đúng ngày 30 tháng Tư, ngày tổng kết những mừng vui và nghẹn ngào của dân tộc Việt Nam, đó là điều rất có ý nghĩa. Nó nhắc nhở quý vị là những nhà lập pháp rằng một việc làm dù nhỏ nhặt, một lần giơ tay biểu quyết dù vẫn ngập ngừng của quý vị, đều là một viên đá lót đường để dân tộc ta, Tổ quốc ta chắc chắn có cơ may ngẩng mặt nhìn ra năm châu thế giới. Điều trái ngược lại sẽ là cái chết được báo trước, không thể là gì khác!”


Như vậy, phản ứng từ trong nước về vụ Bauxite có thuộc diện “các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước” như cách nói và nhìn của Phan Xuân Biên không?

Chắc là có nên trước hiểm hoạ có nhiều cán bộ, đảng viên đã thay đổi cách liên hệ với đảng, Phan Xuân Biên đã kêu gọi: “Nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho công tác tư tưởng trong thời kỳ mới là phải tăng cường tính thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới”.

Đáng chú ý là bài viết của Phan Xuân Biên được đưa ra vào lúc đảng CSVN kêu gọi các cấp cán bộ, đảng viên trong đảng phải đoàn kết và quyết tâm hơn nữa để đương đầu với những khó khăn kinh tế và chống lại âm mưu phá hoại của “các thế lực thù địch”.

Nhưng phía sau lời kêu gọi này cũng thấy hiện ra không ít lo âu về sự gia tăng phản biện trong xã hội đối với kế hoạch khai thác Bauxite và hợp tác với Trung Hoa trên “nóc nhà của Đông Dương” ở Tây Nguyên.

Vậy phải chăng những bất đồng ý của tướng Võ Nguyên Giáp, Bà Nguyễn Thị Bình và của các trí thức, chuyên viên khoa học trong và ngoài nước quanh vụ bauxite cũng nằm trong quỹ đạo của “Diền Biến Hoà Bình”?

Phạm Trần
30/04/2009
Nguồn: Thông Luận
Category: Chính trị | Views: 869 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0