Chủ Nhật, 2024-11-24, 6:23 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 4 » Cảm xúc về đất nước sau nội chiến
7:11 AM
Cảm xúc về đất nước sau nội chiến

Trần Thị Hồng Sương

Năm nào đến 30.4 cũng không tránh khỏi cảm xúc bồi hồi trầm ngâm, vẫn nhớ về cuộc chiến bởi rất đúng là: “Tha thứ: được ! quên: không !” (Forgive: yes! forget: no !). Ngày Tết đau lòng cho thảm sát Huế, 30.4 bắt đầu nghĩ về những cái chết sông biển trốn chạy CS đi tìm tự do... Chiến tranh luôn tạo ra thảm cảnh, cuộc chiến nào thì người dân cũng phải suy tính thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh! Dân Mỹ có phong trào phản chiến, miền Nam đòi thương lượng hoà bình, tiếc thay dân miền Bắc không có tiếng nói, lãnh đạo Miền Bắc cần danh xưng chiến thắng, cần có kẻ thù xâm lược, cần đảo lộn ngay cuộc sống để chứng minh gì cho việc đổ xương máu? Sau 1975, mở ra một thời hoảng loạn chết chóc, Việt Nam bỗng chốc biến thành một dân tộc ly tán tha hương!

 
Nhiều người nay thấy có nền kinh tế thị trường vội cho rằng: đâu còn gì là Cộng Sản. Người giàu là đảng viên, làm giàu nhanh chóng vì hưởng đặc quyền trong kinh doanh hình thành lớp người tư bản đỏ, đâu phải là kinh doanh lấy chất lượng giá cả làm yếu tố cạnh tranh công bằng!

Chính trị và đặc quyền tài chính ngân sách luôn nằm trong tay đảng Cộng Sản giúp CS tiến hành chủ nghĩa “nuôi dân như nuôi chó” ! Nhạc sĩ Tô Hải nói mình thật hèn chỉ vì phải có miếng cơm manh áo cho vợ con! Kiểu tổ chức chính quyền độc tài toàn trị hoàn toàn như cũ! Không thể tin các nhà kinh doanh nước ngoài làm ăn thân thiện với chính quyền CSVN. Kinh doanh thì lợi nhuận là hàng đầu và quan tham thì tiền lót tay là ưu tiên đã quyện chặt họ với nhau như vụ PMU 18, rồi PCI.

May mà còn có quyển Hồi ký một thằng hèn của Tô Hải như tiếng thở dài, góp thêm tình cảnh đau thương của kiếp làm người trong chiến tranh, chính quyền độc tài, kéo dài từ thuở thanh xuân đến tận ngày... gần đất xa trời. Hồi ký của ông Nguyễn Đăng Mạnh là nỗi khát khao... sự thật của trí thức! Tìm ở đâu cho được khi quanh mình... toàn là lời nói dối tô vẻ như phường tuồng?

Gần đây về bô xít, Trường Sa Hoàng Sa trí thức có thể tham gia góp ý vì vấn đề gây bất đồng nội bộ quá trầm trọng do tác hại không lường, nhưng chưa vội đánh giá là đã có nhận thức khác để mừng cho đất nước!

Hoàng Phủ Ngọc Phan (Hoàng Ngọc Hợp) là em Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tường là người, trongphim truyền hình nhiều tập Vietnam - A History của Stanley Karnow, do Ngô Vĩnh Long (phản chiến) làm cố vấn, đã nói về người chết ở Huế là những con rắn độc (poisonous snakes) và phải chịu sự trừng phạt của nhân dân! “Nhân dân” là ai thế nhỉ? Hoàng Phủ Ngọc Tường tỏ ra chẳng hề biết gì đến quy chế tù binh chiến tranh là gì.

Hãy so sánh việc Eddie Adams dùng tấm hình xử tử đặc công phạm tội khủng bố sát nhân, áo còn vấy máu để kết tội Tướng Loan không đưa tù nhân ra toà kết án, so với thảm sát Mậu Thân 4.000 người bị lùa đi, nói gạt là đi học tập vài ngày nhưng đến chỗ vắng, tránh con mắt báo chí và dân chúng để hành hình kiểu thời trung cổ! Các trại tù trá hình trại học tập sau 1975 giam giữ người cả 18, 20 năm không án... đã tự phơi bày hình ảnh một thứ địa ngục trần gian!

Có thể tin việc nhà báo Bùi Tín không biết việc xỏ xâu chôn sống, xỏ xâu đưa đi thảm sát ở khe Đá Mài ngay những ngày đầu chiếm Huế chứ không phải khi bị truy quét rút quân. Nhà báo Bùi Tín không biết việc này cũng giống nhiều đảng viên không biết vụ 16 tấn vàng, tiền vàng đánh tư sản hay vụ đưa người đi không chính thức lấy vàng của một bộ phận Đảng đứng trên nhà nước, thực hiện không cần công khai không cần báo cáo ai! Chuyện thảm sát, sau đó là tái chiếm Huế và cuộc truy tìm hài cốt thì là dân Huế như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đắc Xuân và hai anh em Hoàng Phủ không thể không biết.
.
Ông Lê Văn Hảo, người đã có mặt trong bộ chỉ huy mặt trận Huế năm 1968 với tư cách chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ vì Hoà bình Việt Nam mà Hoàng Phủ Ngọc Tường là Tổng thư ký, đã xác nhận trong cuộc phỏng vấn của báo Quê Mẹ (Pháp) năm 1999: “Dư luận gán cho tôi về cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế là không đúng. Thứ nhất, lúc quân đội cộng sản đánh Huế, tôi không có mặt trong thành phố. Trước Tết 5 ngày, tôi được dẫn lên núi, nói là mời họp rồi giữ tôi ở lại luôn, không về thành phố lần nào. Cùng với tôi có Hoàng Phủ Ngọc Tường. Chỉ có Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân đã theo bộ đội về Huế và tôi được biết Phan và Xuân đã từng ngồi xét xử nhiều người có quan hệ với chính quyền Sài Gòn, trong những phiên xử của cái gọi là toà án nhân dân”.

Vài người được trình diễn làm điển hình tại “toà án nhân dân” có Hoàng Phủ Ngọc Phan Nguyễn Đắc Xuân ngồi xét xử. Kẻ xét xử không ai biết luật, đầu óc thiên kiến, không luật sư bào chữa là thứ Toà án nhân dân kiểu đấu tố thời Cải Cách Ruộng Đất, và đó là “cảnh tượng hãi hùng của công lý” chứ không phải công lý! Chọn lựa sai lầm nguy hại vì khi sai lầm rất khó sửa mà khiến người sai lầm lại chìm đắm trong dối trá biện hộ cho sai lầm. Do đó, cho dù biết ông Võ văn Kiệt còn khoãng cách rất xa với nguyện vọng dân chúng song phải kính phục ông ở tính cách biết suy xét cho người khác phía khác !

Đọc Hoàng Phủ Ngọc Phan còn muốn thực hiện di chúc “Bác Hồ“ đi thăm ân nhân của Cách Mạng để thấy những ngộ nhận đến buồn nôn hay trơ trẽn nhận vơ khi viết rằng các ân nhân này ủng hộ Cộng Sản VN, vì phản chiến mà bị sát hại!: “Đó là Thủ tướng Thuỵ Điển Olov Palmer, là mục sư Martin Luther King Junior vì xuống đường đấu tranh phản chiến mà bị sát hại!”. Ông Hoàng Phủ Ngọc Phan không có khái niệm minh bạch về “chống chiến tranh” và “chống Cộng Sản”. Từ năm 1965, Martin Luther King bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ về vai trò của Hoa Kỳ. Ông cho rằng cuộc chiến VN đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho dân quyền và phá hoại các chương trình xã hội trong nước. Không phải vì “lý tưởng công bằng và nhân đạo” mà King ngả theo quan điểm của dân phản chiến, nhất là khi số người Mỹ thương vong cao. Đó là ý nghĩa: “Mặc vấn đề VN cho người VN giải quyết. Hoa Kỳ có những vấn đề chưa giải quyết phải ưu tiên giải quyết”. Đảng Dân Chủ Hoa kỳ không muốn can dự quốc tế nhiều, mà muốn giải quyết cho dân trong nước. Không chịu coi can thiệp quân sự thiết lập chế độ dân chủ tự do là nhiệm vụ quốc tế của nước Mỹ “kiến tạo văn minh cho nhân lọai “ như đảng Cộng Hoà!

Dân Mỹ chống chiến tranh là để Việt Nam hóa cuộc chiến như một số người Mỹ nay muốn Iraq hóa cuộc chiến Iraq. Việc hy sinh xương máu cho nền văn minh nước khác làm đau lòng người Mỹ cũng là khó trách. Bà Rice chỉ từng dám hứa rằng nếu các bạn đấu tranh cho dân chủ nhân quyền thì có chúng tôi bên cạnh! Ở Việt Nam người ta đã kết chặt việc chống chiến tranh là ủng hộ Cộng Sản! Không ít người Cộng Sản lẫn không Cộng Sản ngộ nhận như thế để... kéo dài chiến tranh!

Ông Hoàng Phủ Ngọc Phan nói đến ca sĩ Joan Baez, Dean Reed, diễn viên Jane Fonda mà không biết gì về các phản đối của Joan Baez mà Trịnh Công Sơn viết thơ phê phán biện bạch cho CS và lời xin lỗi ăn năn của Jane Fonda gửi quân đội Mỹ!

Ông Hoàng Phủ Ngọc Phan nhắc đến Bertrand Russell, người đã chết từ năm 1970 nên không thể thấy ra kết cục những tai họa CS gieo rắc. Người cùng quan điểm với Bertrand Russell là Jean Paul Sartre sau 1975 đã thay đổi quan điểm, cho rằng ba mươi năm qua mọi thứ đều là dối trá. Ông cùng Aron người ủng hộ VNCH, từng đối đầu quan điểm chính trị nhau cả hai mươi năm, đứng ra kêu gọi cứu giúp thuyền nhân VN!

Các đài tưởng niệm nạn nhân Cộng Sản đã được dựng lên nhiều nới, nghị quyết 1481 của Hội đồng Châu Âu với các điều khoản lên án Chủ nghĩa Cộng Sản và đồng nhất chủ nghĩa Cộng Sản với tội ác chống lại loài người với số chết là 100 triệu người hơn cả chủ nghĩa Phát Xít. Hội đồng Châu Âu là những nhà chính trị tài năng chuyên nghiệp chứ không phải cá nhân bốc đồng đơn lẻ với những sự thật phiến diện kiểu các nghệ sĩ .

Năm nào cũng được xem trên truyền hình hình ảnh ghi cảnh chiếc xe tăng đơn độc “chiến thắng” cửa rào dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 và dòng người hoảng loạn bỏ nước bỏ ra đi như sự từ chối qua một cuộc bầu cử bằng chân. Lời bình trên truyền hình VN trong nước ngày một... hơi khác, ít đi kết án gay gắt, nhẹ đi sự hung hãn dù căn bản vẫn là... tự tôn vinh che giấu tính chớp được cơ hội là tráo trở! Thắng Tàu, thắng Tây, thắng Nhật, thắng Mỹ đều kiểu vẽ vời... thế đấy !

Có một ông Trung tướng Nguyễn Đình Ước nói rằng: “Việt Nam từ xưa đã từng chiến đấu với phong kiến phương Bắc, và sau này là phát-xít Nhật Bản, Pháp và Mỹ, chúng tôi đều kết thúc thắng lợi”! Đó là nói để tự hào... tếu! Một ngàn năm nô lệ Tàu, 100 năm đô hộ Tây... ai mà không biết. Chỉ cần biết điểm yếu để sửa, không cần học cách nói “chữa thẹn” kiểu Trung Quốc cho rằng sau ba trăm năm bị rợ Mãn Châu cai trị bạo tàn gắp bội Phát Xít thực dân mà nói rằng chính Trung Quốc đồng hóa Mãn Châu nhiều hơn! Hãy trung thực như các học giả Trung Quốc nói về người Trung Quốc qua hồi cứu lịch sử ba trăm năm bị Mãn Châu nô lệ và Hán gian cam chịu cạo nửa đầu thần phục, tiếp tay người Mãn Châu đày đọa dân chúng Trung Quốc, khiến dân chúng kinh hoàng đến độ nhân cách tan rã đành cam phận: “Thà làm chó hoà bình hơn làm người chiến tranh!”. Thế hệ Mao Trạch Đông cực kỳ tàn ác, Đặng Tiểu Bình, Lưu Thiếu Kỳ thì cực kỳ hèn hạ. Người biết rõ các ông là ông Foster Dulles, bộ trưởng ngọai giao Mỹ, cùng tham dự ký Hiệp định Genève, không chịu bắt tay Lưu Thiếu Kỳ vì khinh! Miền Bắc Việt Nam thì sản sinh những thế hệ mang đầy óc hạ cấp phá hoại ích kỷ thu vén cá nhân, mà biểu hiện là việc ném phân vào nhà đối tượng bất đồng chính kiến, cướp hoa lễ hội... về nhà mình! Tâm hồn công dân kiểu gì mà có thể thưởng thức hoa ăn cướp ở công viên?

Người dân Trung Quốc đáng thương vì bị chà xát bóc lột tận xương tuỷ. Nhưng chính quyền Trung Quốc thay vì cùng chia sẻ đau thương đoàn kết hoà bình với Việt Nam lại mang tâm lý tủi nhục đó, tìm cách tạo chứng cứ anh hùng để tự hào tư cách nước lớn đàn anh. Trung Quốc ca tụng khoa trương việc đánh thắng Việt Nam 1979 và luôn quấy nhiễu quốc tế, chạy đua vũ trang thay vì phát triển học thuật, tranh giành vùng biển VN ngăn đường thông thương quốc tế vì có giống tâm trạng kẻ “sát thủ trường học” muốn được chú ý đến.

Trung Quốc nhờ Liên Xô sợ Nhật phát xít giúp vua Quang Tự (Mãn Châu) lập lại quốc gia Mãn Châu thân Nhật thì Nhật áp sát hông Liên Xô nên đánh Nhật và giao Mãn Châu lại cho Trung Quốc. Sau 1945 Mãn Châu mới phải hoà nhập vào TQ chứ thời nhà Mãn Thanh ngay cả trang phục hoàng gia, chữ viết cũng theo Mãn Châu kia mà!

Đất nước Trong Quốc thành một mớ hồ lốn mâu thuẩn, mọi vấn đề đều thành... “nhạy cảm” là do lịch sử thế đấy!

Không biết theo Tướng Nguyễn Đình Ước nghĩ cách nào và chừng nào biên cương phía Bắc trở về đường biên cũ, và Trường Sa Hoàng Sa sẽ lại thuộc về môt Việt Nam luôn thắng đây?

Năm nay, 2009, chủ đạo tuyên truyền ngày 30.4 là việc nhà báo Don Luce, thượng nghị sĩ Mỹ Tom Harkins đã phát hiện và tố cáo chuồng cọp Côn Đảo. CS nói không có tác dụng nên dùng Mỹ nói. Tất nhiên không mấy ai hiểu về nước Mỹ đề phân biệt phản chiến, quy tắc tôn trọng luật đối xử với tù nhân nên luôn hiểu cáo việc giam giữ chưa đúng luật là... ủng hộ Cộng sản!

Don Luce không sai khi làm công việc buộc Nam VN tiến bộ không được thiếu văn minh, thù hằn cá nhân mà để công pháp quốc tế có vai trò thúc đầy văn minh, nhưng ông bất công và phiến diện khiến gây hậu quả xấu bởi chỉ nói về một phía. Ông còn sai lầm khi sau này biết thảm sát Huế, biết các trại tù học tập, biết vụ thuyền nhân mà không lên tiếng là khó tin, khó công nhận là người trung thực. Ông có vẻ hào hứng với sự ca tụng của CS mà không hay biết mình bị lợi dụng!

Tôi đã đi thăm Côn Đảo, thăm khu được tù nhân đặt cho tên là Chuồng Cọp. Sau vụ ầm ĩ phản chiến, VNCH cho đập bỏ Chuồng Cọp do Pháp xây năm 1940 để làm dịu dư luận, điều này càng làm người Mỹ phản chiến không thấy ra sự phiến diện. VNCH cho cất lại năm 1970.

Thật ra chính việc ăn uống kham khổ việc trấn áp mới đáng nói, mới phải thay đổi, chứ xét về kiến trúc thì Chuồng Cọp quả là trại tù kiên cố, an toàn cho cai tù vì giám sát từ trên nóc xuống, thoáng mát cho tù nhân vì hai mái lợp dốc trần cao cách xa khoảng song sắt nên không gian sống là... không tồi. Côn Đảo là vậy, chưa đúng với quy định giam giữ và quyền của tù nhân kiểu Mỹ, nhưng nơi CS giam tù binh VNCH ra sao không nghe Don Luce nói đến?

Theo lời kể lại của nhiều người trong cuộc thì “sinh hoạt” trong trại tù binh giam giữ quân nhân VNCH đại khái là như thế này:

- Vừa bị bắt; tất cả tù binh VNCH bị lột hết giày ra khỏi chân;

- Đi lao động khổ sai, tất cả tù binh VNCH bị xích vô nhau thành một xâu dài, để khỏi chạy trốn. (Có phóng viên ngoại quốc nào được phép tới gần chụp hình đâu!);

-Đi chân không, lỡ bị đạp gai hoặc không đi kịp đoàn người thì có thể bị lôi ra bắn bỏ ngay tại chỗ.

Cộng Sản thực hiện việc trói thành xâu như thời trung cổ trong Tết Mậu Thân ở Huế. Chỉ bắn một người ngã sẽ kéo theo một chùm xuống hố rồi chôn sống.

Côn Đảo là hòn đảo rất đẹp giàu tài nguyên biển nước trong xanh như ngọc bích! Năm 1702, Allen Catchpote, giám đốc công ty Đông Ấn của Anh đích thân chỉ huy cuộc đổ quân chiếm Côn Đảo xây pháo đài và canh giữ. Chúa Nguyễn đã đưa người ra đảo, làm kế trá hàng rồi cùng phu người Macasca làm binh biến, đánh đuổi thực dân Anh thu lại chủ quyền, lãnh thổ xứ Đàng Trong (1705). Côn Đảo có di tích Cầu Đá 914, cầu tàu được khởi công xây dựng năm 1873, với phác thảo dài 107m, từ mép lộ trước cổng Dinh Chúa đảo thẳng ra vịnh Côn Sơn. Cầu Tàu lần lượt được mang tên theo số 871, 914, 915, là để tưởng nhớ những người đã chết trong lúc xây dựng Cầu Tàu này. Thời đó không có người tù Cộng Sản nào mà chỉ có tù nhân là các đảng phái các nhóm chống Pháp của toàn dân miền Nam. Không phải do người tù CS xây dựng dở dang thì giải phóng 1975 như ngày nay ngành du lịch CSVN nói, để tô vẽ thành tích CS. Xin đừng nói dối kẻo thê hệ trẻ mất lòng tin như tôi. Chỉ cần biết một việc dối như câu chuyện về Lê Văn Tám thì lập tức không thể dám tin bất cứ sự gì, bất cứ ai từ ông Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Tấn Dũng hiện nay!

Côn Đảo còn có đền thờ bà Phi Yến tên tục Lê Thị Răm, người phi đã can ngăn Nguyễn Ánh đừng “cõng rắn cắn gà nhà” cầu viện Pháp. Nguyễn Ánh đã nổi trận lôi đình, biệt giam bà Phi Yến trong động đá ở một hòn đảo hoang vắng. Nguyễn Ánh khi rời đi đã đành đọan ném đứa con của bà Phi Yến là hoàng tử Cải xuống biển chết vì khóc đòi mẹ, cho thấy cá tánh tàn ác khiến ông ta quên dân quên nước cầu viện Pháp. Đó là lai lịch câu hát ví cảm thương:
“Gió đưa cây Cải về trời
Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
Xem phim trên truyền hình nghĩa là không khỏi phần hư cấu, phiến diện chọn lọc theo ý đồ cá nhân, lời bình vậy! Nhưng về con số chết trong chiến tranh từ 1945-1975 là 30 triệu người, có thể nào là thật không? Quốc tế công bố số nạn nhân có liên quan đến Cộng Sản là 3,8 triệu người, trong đó số chết trong nội chiến của phía Mỹ và VNCH là khoảng 316.000 (trong đó 220.000 là VN), tổng số bị thương là khoảng 1.490.000 (trong đó 1.170.000 là VN). Lấy đâu ra con số chết 30 triệu người theo lời bình của thông tấn CS nhỉ? Lẽ nào có nhiều người thanh niên Bắc VN đã chết vì bom đạn vì đói trên đường dẫn vào Nam nhưng không được cho ai biết ? Gần đây vợ ông Lê Duẩn hé lộ mộtchuyện là có lần Lê Duẩn nói với Mao Trạch Đông là VN đã chết trên 10 triệu người!

Xã hội nay vận hành theo kiểu: “người người đảng viên tham nhũng, nhà nhà đảng viên tham nhũng, dắt dây thêm gia đình, lập công ty sân trước sân sau dành cho ngày mất chức hay về hưu; kẻ bị lộ được chiếu cố về hưởng nhàn, người chưa bị lộ cố thu vén “chí ít cũng dành đặc quyền”.

Người CS là nhóm ít học không thể có nhận thức về giá trị nhân phẩm, không có niềm tin tôn giáo, lịch sử có khinh bạc, thậm chí nguyền rủa cũng đâu có gì đáng nói, bởi đã từng có gì đâu để mất, có gì đâu để sợ! Cái được nhất thời là quyền hành và hưởng thụ khiến đã bị chinh phục dễ dàng.
“Tội ác có anh hùng của nó, sai lầm có tử sĩ của nó.
Lòng nhiệt thành và vô vọng là những gì chúng ta có!
Thường những kẻ côn đồ giống các vĩ nhân." (Voltaire )
Trong bi kịch Việt Nam Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ánh, Lê Chiêu Thống ngày xưa đều từng là anh hùng chiến thắng nhưng làm thành những vết nhơ lịch sử, thành thảm trạng chết chóc cho dân chúng. Họ có cùng một sự xấu xa là muốn được cho bản thân quyền lực tiền tài nhiều hơn tài năng và đóng góp, bất kể ai chết và đất nước sẽ ra sao!

Bi kịch 30 triệu người chết như nhà nước CS công bố bắt đầu từ chỗ dân miền Bắc tuân phục hay bị buộc phải tuân phục Nguyễn Tất Thành và Mao Trạch Đông, cho rằng nhất thiết cần đánh Tây đuổi Mỹ xâm lược để có độc lập không có con đường sống nào khác!

Làm việc nước cần một nền dân chủ, toàn dân đóng góp trí tuệ chứ không phải một ý chí tham vọng cá nhân của một Nguyễn Ánh, một Nguyễn Tất Thành tầm thường vị kỷ... Sự tầm thường cá nhân, dòng tộc cộng với quyền lực sẽ thành bất thường đổ nát trì trệ chứ không thành tài năng và phát triển...

Có dịp ngụ ở một toà lâu đài của nước Anh, cảm nhận hết sự giàu sang tột đỉnh của cá nhân dòng tộc, vừa nhận ra trong sự giàu sang đó là một phần thành quả của chủ nghĩa thực dân đô hộ trên xương máu nhân loại vào thế hệ cha ông mà bùi ngùi. Có dịp đi trên đường phố Paris ngắm nhìn thành phố hoa lệ bên cạnh người bạn Pháp hãnh diện giới thiệu Paris và luôn bỉu môi chê Mỹ mới thấy hết tác hại ám thị của một chủ trương chính trị thực dân đô hộ được trí thức Pháp ủng hộ. Quá khứ sẽ thành lịch sử chứ làm sao có thể quên? Và một câu tự hỏi đau buồn, ngàn lần lần nghĩ đến, nhưng chưa hề vượt qua nỗi lòng khoan dung để trực tiếp hỏi những người bạn Pháp: “Trong sự giàu có này của nước Pháp có bao nhiêu phần là tài sản cướp được còn đẫm xương máu mồ hôi của dân các nước thuộc địa trong đó có VN?”

Từ đó mới thấy Hegel và sau này là Marx-Angels vô cùng sai, vô cùng chủ quan đến mê muội khi viết: "Nước Anh phải làm tròn hai nhiệm vụ ở Ần Độ: một đằng phá huỷ, mặt khác tái sinh - triệt tiêu xã hội Á Châu và đặt những cơ sở vật chất của xã hội Tây phương lên Á Châu". Marx và Engels tin vào những quyền của một nền văn minh cao hơn đối với một nền văn minh thấp, bất chấp những tội ác và cuồng nhiệt gây hại. Marx Engels theo học thuyết Hegel chủ trương nhiệm vụ lịch sử được những quốc gia hay những giai cấp đặc thù hoàn tất, cho rằng tội ác của đế quốc Anh, sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Algérie chẳng hạn là những biến cố cần để tiến bộ, là nhiệm vụ lịch sử của những dân tộc lớn đối với những dân tộc chậm tiến. Engels nghĩ là Áo Hung thâu tóm những nước nhỏ vùng Balkan, Ba Lan có quyền thống trị những dân tộc kém phát triển ở phía đông như Lithuanie... Lenin-Staline đánh chiếm bằng vũ lực cưỡng bách thành lập Liên bang Xô Viết, thực chất là một phiên bản của Chủ nghĩa thực dân kiểu Marx - Engels. Trong khi đó nhà XHCN thực hành Owen cho rằng tất cả đều phải thông qua giáo dục để có thay đổi nhân cách, nhận thức và thay đổi xã hội!

CSVN treo hình ca ngợi Marx-Engels thay cho Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo và chống Mỹ, trong khi Mỹ chống đô hộ vì cho đó là nguyên nhân gây ra thế chiến thứ hai> Vậy thì người CSVN suy nghĩ gì? Chống đô hộ đó sao?

Marx - Engels không thấy ra sự bóc lột tàn tệ tài nguyên và nhân lực của chủ nghĩa thực dân đô hộ là chính. Dân VN thời đô hộ một số cũng có cơ hội tiếp cận văn minh Âu Mỹ, có nhà bác học Bửu Hội, có tổ chức kinh tế giáo dục nhưng nhà nước Pháp là ông chủ thu thuế phát lương từ Vua đến công chức. Chính phủ Anh ở Ấn Độ đòi quyền tự do buôn bán nha phiến từ Calcutta Ấn Độ thuộc Anh sang Trung Quốc khi nhà Thanh cấm nhập khẩu thuốc phiện. Anh lập tô giới bán nha phiến sản xuất từ Ấn Độ khiến cho 50 triệu dân Trung Hoa nghiện thuốc phiện. Anh xuất khẩu sang Trung Hoa 15 tấn nha phiến năm 1730 tăng lên 75 tấn năm 1173. Từ 1820 hàng năm Trung Hoa nhập 900 tấn nha phiến từ Bengali Ấn Độ. Trong khi đó ngày nay bất cứ ai buôn lậu 100g ma túy như cocain sẽ bị tử hình không tha!

Marx còn khuyến khích bạo lực khi nói đến “quyền” của nền văn minh cao hơn chứ không phải “nhiệm vụ”. Là người sinh sau, nhưng tư tưởng Karl Heinrich Marx (1818-1883) thấp so với dòng triết học cận đại khai sáng của Immanuel Kant, Adam Smith, Voltaire... Immanuel Kant người được khen ngợi là "Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau", như nhận xét của triết gia kiêm sử gia J. Hirschberger.

Đọc Immanuel Kant (1724-1804) sẽ thấy ra lỗ hổng nhân bản trong tư duy của Marx. Immanuel Kant nổi danh về cuộc cách mạng Copernicus, suy nghiệm sự kiện Copernic, Kant phân biệt khắt khe giữa tri thức các hiện tượng mắt thấy và tri thức vật thể như bản thể tự thân của sự vật sự việc. Có thể diễn đạt đơn giản là chúng ta chỉ thấy các biểu hiện còn bản thể thật của vấn đề hay sự việc khác với điều nhìn thấy. Trái đất quay quanh mặt trời là bản thể của trái đất chứ không như chúng ta thấy bằng mắt là mặt trời xoay quanh trái đất. Ngồi trên xe ta thấy hình ảnh ảo là hàng cây bên vệ đường chạy theo xe, nhưng bằng nhận thức ta biết sự thật là điều trái lại!

Cho nên con người phải can đảm nhận chân sự thật, Immanuel Kant nói : "Hãy can đảm nhận biết" ( Sapere aude )! Kết quả tư tưởng này là Kant bị đình chỉ học tập bởi các giáo sư sùng tín đại diện là Knutzen khi trong luận văn Kant đã phân biệt giữa lý tính lý thuyết và lý tính thực tiễn trong nhận thức về sự tồn tại của Thiên Chúa. Kant chỉ học lại đại học khi người thầy này qua đời. Kant chứ không phải Marx là người đầu tiên chủ trương vô thần không có hiện hữu của Chúa nhưng chấp nhận Chúa cần tồn tại để làm điểm tựa tinh thần cho con người. Heinrich Heine giải thích tâm trạng của Martin Lampe, người hầu của Kant và cũng là một cựu chiến binh mà cuộc sống có ảnh hưởng nhất định đến triết học của Kant một cách khôi hài: "Ông lão Lampe phải có một Thượng đế, vì nếu không thì con người đáng thương này không thể hạnh phúc được – lí tính thực tiễn nói như vậy !”. Ông nói dùng lý tính thực tiễn Kant đã “hồi sinh cái xác của Thần giáo mà lý tính lý thuyết đã hạ sát." Voltaire cũng là triết gia khai sáng, thì nói: "Nếu Chúa không tồn tại thì cần phải phát minh ra ông ta". (Si Dieu n'existait pas, il faudrait l'inventer)

Marx có kiểu vô thần cực đoan huỷ diệt và hành động cưỡng bách phá huỷ bằng bạo lực phù hợp với tính cách thô lỗ ít học của giai cấp cầm quyền trong thế giới Cộng Sản. Marx viết: “Những triết gia chỉ đi giải thích thế giới, song vấn đề thực ra là phải biến đổi nó”. (Die Philosophen haben die Welt nur verschieden interpretiert, es konnt darauf an, sie zu verandern). Đó là điểm khác biệt giữa Marx và những triết gia đi trước nhưng đó là khác biệt gây ra tai họa giống như nhà thơ Tố Hữu làm chính trị sai lầm, làm kinh tế tồi tệ! Trong khi Immanuel Kant cho rằng: “Bản tính của một triết gia chân chính nằm ở chỗ ông ta không làm gì ngoài việc vận dụng sức mạnh và khả năng tự nhiên, cụ thể là qua cách nghiên cứu điều điều nghiên và phê phán”.

Nếu suy nghiệm khi xác tín có Thiên Chúa, có Thượng Đế là có lợi cho chính con người vì đồng thời con người tự phong cho cuộc sống con người mang dáng vẻ thiêng liêng cao cả như ước mơ của con người chứ có thể không như bản thể tự thân cuộc sống nhìn qua lăng kính kinh tế chính trị hay cả triết học và văn học.

Tổng thống Obama nói: “Khoa học dẫn đường cho chính sách”. Thật ra khoa học đang luôn dẫn đường kinh tế, cải thiện điều kiện sống ngày một an toàn nâng cao tuổi thọ nhưng không giúp giải thích thực tiển, không giúp con người có nhân tính hoàn thiện hơn, ứng xử phù hợp hơn . Học thuyết chính trị qua tư tưởng triết học, văn học vẫn có vai trò góp phần vào cảm nhận cuộc sống, thay đổi cách ứng xử...

Claude Henri Saint-Simon (1760-1825) và Robert Owen (1771-1858) là những nhà XHCN Anh Pháp phê phán sâu sắc những bất công của chủ nghĩa tư bản như Marx Angels nhưng Robert Owen cho rằng chủ nghĩa xã hội phải quản lí việc sản xuất và phân phối nhưng ông đặt hi vọng vào sự vận động thuyết phục học tập khoa học và làm gương. Ông tự mình làm thành mô hình ở quê nhà nên được cho là người “hành động chứ không chỉ nói” (A "doer" more than a "talker"). Sau khi lập ra ở New Lanark một công ty công nghiệp nhẹ sản xuất bông vải lớn nhất Scottland, Ông tổ chức xã hội quan tâm chăm sóc trẻ nhỏ. Ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khai sáng (His ideas were shaped by the Enlightenment ), và coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu! Ở Mỹ ông không thể thành công. Chủ nghĩa Cộng Sản chỉ thành công ở cộng đồng nghèo, công nghệ thấp như các bộ tộc xứ lạc hậu như bước chuyển tiếp. Với quốc gia giàu có như Mỹ phải là kiểu phát triển mậu dịch toàn cầu.

Trí thức Pháp, theo chủ trương bảo vệ chủ nghĩa đô hộ của tướng Charles de Gaulle, Mỹ chính vì Mỹ chống chủ nghĩa xâm lược đô hộ thực dân của Pháp mà hai nhà tư tưởng của chủ nghĩa Cộng Sản Marx Engels này được ca tụng muốn biến tội lỗi thực dân đô hộ thành quyền của nền văn minh đi trước.

Một thời người VN ngạc nhiên vì ở nước Pháp hình ảnh người VN thời Pháp đô hộ được trưng bày trước thế giới là hình ảnh những người thượng du nam còn mặc khố nữ ngực trần. Giới chính trị đã lừa gạt giới trí thức của thế giới sống sống trong “tháp ngà chủ nghĩa”, mù tịt về thực tiễn!

Về chính trị học, Immanuel Kant viết cuốn Perpetual Peace (Hoà bình vĩnh cửu, 1795) cổ vũ một hệ thống toàn cầu của các quốc gia tự do. Albert Einstein nối tiếp ý tưởng về việc phải có “một đường biên giới rõ ràng” trong giấc mơ “Hoà bình vĩnh cửu” của Immanuel Kant, đó là một cộng đồng thế giới của “các dân tộc có chủ quyền, sống hoà bình, độc lập và tự do trong một thể chế liên bang tự nguyện không phải theo ý chí của các nước lớn nước mạnh”, khác xa với ý tưởng áp đặt của Marx-Engels. Ngày nay LHQ hay cộng đồng Châu Âu là những tổ chức tự nguyện theo Giấc mơ Hoà bình Vĩnh cữu của Immanuel Kant .

Có thể dùng lời nói của ông Bush để kết luận suy nghĩ về 30.4.2009 trong ngậm ngùi.
Tổng thống Bush đã nhắc đến những người khuyết danh từng là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản khiến nước Mỹ thấy cần cần có một đài tưởng niệm giữa thủ đô Washington D.C như sau: “Họ gồm có các nạn nhân Ukraina bị chết đói trong Nạn đói vĩ đại dưới thời Stalin, hoặc những người Nga bị giết trong các cuộc thanh trừng của Stalin; những người Litva, Latvia và Estonia bị quăng lên xe chở trâu bò và bị đầy khổ sai trong các trại tử thần vùng giá rét của chủ nghĩa Cộng sản Xô Viết. Họ bao gồm những người Trung Hoa bị giết chết trong Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa; những người Campuchia bị tàn sát trong những cánh đồng chết của Pol Pot; những người Đông Đức bị bắn chết trong lúc cố trèo qua Bức tường Berlin để tìm tự do; những người Ba Lan bị tàn sát tại rừng Katyn; và những người Ethiopia bị tàn sát trong cuộc "Khủng bố Đỏ"; những người da đỏ Miskito bị giết chết bởi chế độ độc tài Sandinista ở Nicaragua; và những người Cuba bị chết chìm trong lúc vượt thoát bạo quyền”. Bush so sánh Cộng Sản với chủ nghĩa khủng bố mà nước Mỹ đang phải đối đầu: “Giống như Cộng Sản bọn khủng bố và kẻ phân biệt chủng tộc từng tấn công đất nước chúng ta những người này đi theo chủ nghĩa sát nhân, thù ghét tự do, nghiền nát bất đồng, tham vọng bành trướng kinh tế và đất đai cùng với việc theo đuổi mục tiêu toàn trị” ("Like the Communists, the terrorists and radicals who have attacked our nation are followers of a murderous ideology that despises freedom, crushes all dissent, has expansionist ambitions and pursues totalitarian aims").

Khi chính quyền CSVN có chính sách chính trị sai lầm có ứng xử thù địch Nguỵ - Ta, phân biệt trong Đảng-ngoài Đảng bất kể năng lực nhân cách, thì một lần nữa dân chúng, các nhà dân lại phải suy tính khuyến cáo đấu tranh để có một lộ trình dân chủ hoá.

Lòng tin trước 1975 rằng dân cùng một nước có thể cùng nhau chọn lựa chính thể một cách khoa học và tự nhiên qua các đại biểu dân cử và hoạt động quốc hội đã mất và bị đóng kín qua lời tuyên bố đáng ghi vào lịch sử độc tài toàn trị: “Không để trò chơi dân chủ lọt vào Quốc Hội !” của ông Nông Đức Mạnh!

Người VN đã thừa đau khổ qua những năm tháng chiến tranh nay cần tránh các hành vi đối đầu làm tổn thương thêm nữa như tìm cách gán ghép bỏ tù người bất đồng chính kiến, kể cả việc làm khó tưởng tượng ra vì sự hạ tiện như ném phân, tạt đồ dơ... Khi người Cộng Sản đã thể hiện phải trải qua nhiều thế hệ nữa nhân cách mới hồi phục ý thức mới tiến bộ, trình độ mới nâng cao để có một nhóm như Yeltsin và Gorbachev thì hoạt động dân chủ hôm nay sẽ có ít hiệu quả với vô vàn nhọc nhằn. Sẽ không có ý nguyện chính đáng nào của nhóm dân chủ nào được CSVN công nhận là chính đáng, mà họ đã và sẽ tìm mọi cách bôi tro trét trấu lên những người bất đồng chính kiến. Đến như con để của họ là Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam còn không được tin cậy tôn trọng để làm công cuộc hoà giải dân tộc nên hiện nay sự có mặt của Cộng sản Bắc Việt tại miền Nam vẫn là một cuộc chiếm đóng phi pháp áp đặt một chế độ CS trái nguyện ước dân chúng miền Nam. Tất cả cho thấy, trái với điều người miền Nam từng nghĩ, người VN với nhau rất khó tự làm công cuộc chuyển đổi xã hội vì lý do:

1- Thiếu kinh nghiệm chính trị và kinh nghiệm đưa ý tưởng thành điều luật luật pháp;

2- Không thể tập họp lực lượng sức mạnh đông đảo mà không chống đối đổ máu hay rối loạn xã hội khiến nhiều cảnh đời nửa lâm cảnh tù đày. Một Thiên An Môn VN có thể xảy ra và nguy cơ thất bại vì tính cục bộ nhỏ lẻ;

3- Định kiến phản ảnh trong số phận từng người Việt Nam sau thương tổn của một cuộc chiến tranh lâu dài không cho phép người VN có có lòng tin với nhau.

Tuy nhiên không đến nỗi phải bó tay, và phải có cách làm cụ thể ít bị tổn thương và khiến phía nào cố chấp đều không có lý do chính đáng chối từ!

Quốc tế đã từng uỷ thác cho Nam Việt Nam ngăn chặn làn sóng đỏ và phía Nam Việt Nam đã có cả triệu người đã chết và một cuộc ly hương đau đớn, xứng đáng được quốc tế quan tâm giúp tiếp. Bên cạnh toà án luôn có tổ hoà giải, một cuộc tìm hiểu đi đến hôn nhân còn cần có mai mối vì nhiều vấn đề nhạy cảm khó nói là lý do có thể thuyết phục LHQ đóng vai trò.

Trung Quốc đã thành một dân tộc đông, nước lớn không có đẳng cấp, không được quốc tế tôn trọng vì tư duy chính trị đầy tham vọng kiểu lấn chiến hay cướp giựt côn đồ khiến nhiều trí thức Trung Quốc còn phải chối bỏ tổ quốc.

Người VN không thể thành dân tộc phân tán ly hương như TQ mà có thể tồn tại bên cạnh Trung Quốc, cả phe CS lẫn không CS đều phải lấy đó làm lý do tương nhượng nhau. Các nhà dân chủ gốc Nam Việt Nam cần xác lập quan điểm, kiến nghị Liên Hiệp Quốc làm trung gian đàm phán với phía CSVN, thúc đẩy, buộc CS Việt Nam có lộ trình tôn trọng tự do dân chủ nhân quyền, thay đổi toàn bộ Hiến pháp luật pháp và cấu trúc xã hội CSVN.

Hiện nay có thêm thuận lợi là các nhà dân chủ gốc miền Bắc từng trải qua chế độ độc tài toàn trị đã lên tiếng mạnh mẽ và ngày một được ủng hộ nhiều hơn nhưng đang bị bức hại nặng nề. Cần có sự kết nối và thống nhất biện pháp thúc đẩy LHQ làm vai trò trung gian . Chính các nhà dân chủ miền Bắc đã thấy ra bản chất của CS là yếu tố rất quan trọng về tính hiện thực. Các nạn nhân trong các cuộc thanh trừng của CS miền Bắc đã lên tiếng, các nhà sử học, học giả đã tổng kết và đã có nghị quyết 1481 lên án. Tất cả đã chuẩn bị một dư luận thuận lợi cho một tiến trình thúc ép chuyển đổi hoà bình (Peace process) theo cách LHQ vẫn chủ trương.

Có thể vì các nhóm Việt Nam chưa có yêu cầu cụ thể và một cách có hệ thống. Có thể việc can thiệp của LHQ chỉ có Toà án xét xử tội phạm chiến tranh như đang xét xử Khmer đỏ hay NATO gửi quân trấn áp bạo loạn. Nếu có đề xuất, LHQ chắc chắn sẽ thấy cần thiết hợp lý, và nếu chưa có thì LHQ cần tạo tiền lệ thúc ép hành chính trực tiếp can thiệp vào nước thành viên đã ký kết tuân thủ các nghị quyết LHQ hay là bị khai trừ để giúp đỡ dân Việt Nam sớm có cuộc sống đáng sống và có con đường phát triển.

Chắc rằng sau báo cáo nhân quyền của VN trước LHQ sẽ có nhiều vấn đề LHQ nắm rõ để can thiệp. LHQ có lẽ không chỉ là tổ chức mang tính biểu tượng hay hữu hảo.

Trần Thị Hồng Sương
30.4.2009
Nguồn: Thông Luận
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 963 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 10
Khách: 10
Thành Viên: 0