Thứ Ba, 2024-11-05, 8:45 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 4 » Nhân Ngày Tự do Báo chí Quốc tế, nhìn lại tự do báo chí ở Việt Nam
11:08 AM
Nhân Ngày Tự do Báo chí Quốc tế, nhìn lại tự do báo chí ở Việt Nam

Nguyễn Thanh Văn

Ngày 3.5.1991, tại thành phố Windhoek, nuớc Cộng Hoà Namibia, trong phiên họp khoáng đại của UNESCO, tức cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, các ký giả châu Phi đã công bố một bản tuyên bố chung, kêu gọi tôn trọng một nền báo chí tự do, độc lập và đa nguyên; khẳng định rằng tự do báo chí là điều thiết yếu cho sự bền vững của nền dân chủ, và là một mục tiêu căn bản của nhân loại. Bản tuyên ngôn này là một sự kiện quan trọng trong cuộc tranh đấu cho tự do báo chí khắp nơi trên thế giới. Hai năm sau đó, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 3 tháng 5 là Ngày Tự Do Báo Chí Quốc Tế (World Press Freedom Day). Từ đó đến nay, hàng năm thế giới đều tổ chức Ngày Tự Do Báo Chí Quốc Tế để xiển dương vai trò của tự do báo chí trong nền dân chủ, cũng như để ghi nhớ những hy sinh trong việc tranh đấu cho quyền tự do báo chí. Đồng thời, để tiếp tục tạo áp lực lên những quốc gia vẫn còn tước đoạt quyền căn bản này của con người.

Thực ra, điều 19 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, năm 1948 đã xác định rằng: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.



Thế nhưng, cho đến những năm đầu thế kỷ 21 này, vẫn còn một số nước, tuy là thành viên của Liên Hiệp Quốc nhưng nhà cầm quyền vẫn luôn tìm cách để cấm đoán, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Một trong những quốc gia tệ hại nhất trong nhóm các nước này là Cộng Sản Việt Nam.

Trong những bảng xếp hạng hàng năm, suốt bao nhiêu năm qua, cộng sản Việt Nam không những chưa bao giờ ngoi được ra khỏi danh sách những quốc gia đứng cuối bảng về tự do báo chí, mà quá đó còn thể hiện chiều hướng ngày càng tệ hại hơn. Theo xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) thì năm 2006 Việt Nam đứng hạng 155 trên 168 quốc gia được khảo sát, sang năm 2007 tụt xuống hạng 162 trong số 169 nước, đến năm 2008 thì tụt xuống thứ 168 trên tổng số 173 nước được xếp hạng. Bên cạnh đó, hết năm này sang năm khác, Cộng Sản Việt Nam cũng thường được các tổ chức nhân quyền quốc tế xếp hạng là “Hung Thần của báo chí”. Gần đây, trong danh sách 12 nước “thù nghịch với internet” của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố hồi tháng Ba vừa qua; rồi trong danh sách 10 quốc gia ’Khó khăn nhất đối với các blogger’ do Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (Committee for Protection of Journalists - CPJ) đưa ra, nhân ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05 năm nay, Việt Nam cũng đều có “vinh dự” hiện diện trong đó.

Biện luận cho thành tích tồi tệ của mình, trong bản bạch thư nhân quyền năm nay, nhà cầm quyền Hà Nội dông dài nói về những áp chế mà người dân Việt Nam phải chịu đựng trong thời gian Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ cách đây gần 70 năm. Nhưng lại không hề giải thích được tại sao hiện nay, khi nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, mà nhân quyền tại Việt Nam vẫn bị đàn áp nặng nề hơn thời Pháp thuộc. Bạch thư vừa kể gắn liền các quyền con người với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, nhưng không thể biện giải được, nếu tôn trọng tự do, nhân quyền thì sẽ phương hại cho chủ quyền và độc lập quốc gia ra sao. Vì trên thực tế thì nhân quyền đích thực không làm hại ai cả, chứ đừng nói là làm hại cho quốc gia, dân tộc. Trong lãnh vực tự do báo chí, việc ông Nông Đức Mạnh chỉ thị cho các nhà báo “phải tuyệt đối trung thành với đảng” trong đại hội lần thứ 8 của Hội Nhà Báo Việt Nam, vào năm 2005; việc cuối tháng 11 năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng ra Chỉ thị 37: “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”; rồi vào tháng 10 năm ngoái, Bộ Thông tin và truyền thông thành lập một cơ quan mới để kiểm soát Internet gắt gao hơn; hoặc ngay từ căn bản luật pháp, “Luật báo chí” hiện hành mặc nhiên thể hiện mục tiêu “quản lý” báo chí hơn là phát huy quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã minh định... tất cả những điều vừa kể không thấy bản bạch thư nhân quyền của Hà Nội đề cập đến, hoặc giải thích rằng chúng phục vụ cho tự do ngôn luận, tự do báo chí ra sao... Đó là chưa kể đến vô số những vụ việc bắt bớ, trù dập các nhà báo, bắt đình bản những tờ báo không đi theo “lề bên phải” của nhà nước.

Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, nhìn lại tình trạng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam hiện nay với những điều cụ thể như trên, người ta thường nhắc lại một hình ảnh đã được nhiều người nêu lên. Đó là, những quyền tự do vừa kể tại Việt Nam còn đàn áp nặng nề hơn dưới thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, trong hình ảnh ảm đạm đó, cũng đang có nhiều ngọn lửa tự do toả sáng. Đó là ngày càng có nhiều những nhà báo dũng cảm, dám hiên ngang đương đầu với bạo quyền để viết lên sự thực. Đặc biệt là trong làng dân báo. Đây là những người tiên phong trong mặt trận đấu tranh cho tự do báo chí tại Việt nam, được thể hiện chung trong tinh thần của ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới.

Nguyễn Thanh Văn
Nguồn: Việt Tân
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1096 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 536
Khách: 536
Thành Viên: 0