Tin tức phổ biến bằng tiếng Việt và tiếng Anh
trên Internet vào sáng Thứ Sáu (1-5-2009) cho hay, Luật sư Lê Trần Luật
và phụ tá của ông là bà Tạ Phong Tần, của Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền,
vừa bị công an TP.HCM câu lưu.
Để
tìm hiểu thêm về việc này, biên tập viên Đỗ Hiếu đã dùng điện thoại
viễn liên gọi về Saigon và may mắn là được nói chuyện với Luật sư Lê
Trần Luật, khi ông vừa từ cơ quan công an trở về nhà. Ngoài ra, ban
Việt Ngữ cũng có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quốc Quân, một đồng
nghiệp hiểu rõ những hoạt động của Luật sư Luật. Mời quý vị theo dõi.
Đỗ Hiếu: Luật sư có thể sơ lược một số chi tiết về những chuyện gì đã xảy ra mới đây không?
Tịch thu máy móc, tài liệu
LS Lê Trần Luật:
Họ cũng làm việc với cô Tạ Phong Tần về những bài viết của cô. Họ có
đến lấy máy của cô Tạ Phong Tần thì trong máy có những dữ liệu liên
quan đến Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền, cũng như liên quan đến tôi, vì
trong đó có những tài liệu liên quan đến cô Phạm Thanh Nghiên.
Họ
triệu tập tôi lên khoảng chừng 1 giờ chiều. Khi lên làm việc thì họ có
đưa ra cho tôi những tài liệu đó và họ bảo là "những tài liệu này được
tìm thấy từ các máy tính của Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền và trong đó
ông là người chịu trách nhiệm cao nhứt". Thì tôi có nói với họ là "đối
với tôi, những tài liệu này thì tôi không có một ý kiến nào về bình
luận hết, còn chuyện các anh bảo rằng đây là những tài liệu phản động
có nội dung chống nhà nước thì đó là cách nghĩ của các anh. Còn đối với
tôi thì đây là những tài liệu phục vụ cho công tác bào chữa. Tôi không
có ý kiến rằng nó có phản động hay không.
Đỗ Hiếu: Khi nghe ông giải thích như vậy thì nhân viên công lực phản ứng ra sao?
LS Lê Trần Luật:
Họ bảo là nếu như thế thì bây giờ họ đề nghị là họ xem xét các máy còn
lại của văn phòng, bởi vì họ giả thuyết rằng chỉ có một máy thôi mà đã
chứa đựng nhiều tài liệu như thế thì có thể số máy còn lại chứa đựng
nhiều tài liệu khác. Thì tôi nói là tôi không đồng ý cái chuyện này.
Nếu các anh mượn thì tôi sẽ cho các anh mượn vào một ngày khác chứ
không thể mượn ngay lúc này. Họ bảo là dứt khoát phải ngay lúc này mới
được bởi vì họ sợ tôi xóa đi những điều đó. Vì tôi không đồng ý thì họ
thuyết phục từ 3 giờ rưỡi chiều đến khoảng 6 giờ tối. Tôi vẫn cương
quyết không chấp nhận chuyện họ đến văn phòng để xem xét các máy vi
tính, thì họ mới ra cái "lệnh khám xét nơi cất giữ tài liệu, số 100/QĐ
khám xét nơi cất giữ tang vật". Tôi phản đối cái lệnh này.
Họ
bảo rằng "anh có hành vi tàng trữ và làm ra những tài liệu có hành vi
chống nhà nước CHXHCN VN". Tôi nói tôi không đồng ý quyết định này bởi
vì nếu như có quyết định này thì trước hết phải khởi tố tôi về cái tội
tuyên truyền chống chế độ, hoặc là có một biên bản nào nói tôi vi phạm
về công nghệ thông tin thì mới ra lệnh khám xét được. Tuy nhiên họ
không đồng ý và họ áp giải tôi về nhà khoảng chừng 6 giờ chiều.
Tôi
tiếp tục phản đối cái lệnh này thì họ bảo rằng "cái chuyện phản đối là
chuyện của anh". Tôi có nói là nếu anh lập luận như thế thì 86 triệu
dân Việt Nam bất kỳ lúc nào các anh cũng có thể ra lệnh khám xét và
tịch thu các tài sản của người dân hay sao? Họ bảo là "trường hợp của
người dân là khác, trường hợp của anh là khác". Tôi bảo là tôi khác với
86 triệu dân còn lại ở chỗ nào? Thì họ bảo là đừng có làm khó cơ quan
công an, "nếu anh phản đối cái lệnh này thì chúng tôi sẽ có cách khác".
Rồi sau đó họ mời khu phố, tổ trưởng, hội phụ nữ, công an khu vực, đầy
đủ mọi thành phần, rồi họ tuyên bố là họ bắt đầu khám xét văn phòng.
Đỗ Hiếu: Trong cuộc lục soát thì nhân viên công an có hành động gì, thưa ông?
LS Lê Trần Luật:
Họ khám từ 6 giờ chiều cho đến khoảng chừng 12 giờ nửa đêm là xong. Họ
lấy đi tất cả các máy móc, các trang thiết bị ở dạng kỹ thuật số thì họ
lấy hết, ví dụ như là máy in, máy vi tính, máy xách tay, máy ghi âm,
điện thoại, vân vân, họ lấy đi hết. Đặc biệt là họ lấy hồ sơ vụ án của
anh Minh Đức (ký giả Trương Minh Đức), thì chắc anh Đỗ Hiếu và thính
giả cũng biết anh Minh Đức là đảng viên của Đảng Vì Dân. Họ lấy đi hồ
sơ của anh Phạm Bá Hải, của Tổ Chức Bạch Đằng Giang. Họ lấy đi hồ sơ
của Khối Dân Oan, họ lấy đi đề án thành lập website Diễn Đàn Luật Sư,
có dấu hiệu nào đó không ổn là họ lấy đi hết.
Đỗ Hiếu:
Chúng tôi cố gắng liên lạc với cô Tạ Phong Tần, nhưng sau cũng vẫn
không thành công. Thế thì ông có tin tức gì về cô ấy không?
LS Lê Trần Luật:
Chính lúc đó thì họ đã tịch thu các máy điện thoại di động và máy tính
của cô ấy rồi cho nên các vị khó có thể liên lạc được. Nhưng hiện tại
thì cô đang ở bên phòng cách tôi mấy mét.
Đỗ Hiếu: Trước khi được ra về, luật sư có được cơ quan công an yêu cầu điều gì khác nữa không?
Truy tố tội chống phá nhà nước
LS Lê Trần Luật:
Tôi nhận được giấy triệu tập của công an làm việc trong 3 ngày, ngày 4,
ngày 5, ngày 6. Còn diễn biến ra sao thì tôi cũng chưa biết được chính
quyền họ muốn cái gì. "Tàng trữ các tài liệu có nội dung chống nhà nước
CHXHCN Việt Nam", có phải tôi sẽ bị truy tố cái tội ở điều 88, đó là
cái tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam. Cái đó là họ nói
thôi, còn diễn biến sắp tới thì tôi chưa biết được.
Đỗ
Hiếu: Vừa rồi là cuộc trao đổi với Luật sư Lê Trần Luật, cho hay ông bị
câu lưu, nhiều thiết bị trong văn phòng bị tịch thu, đồng thời ông cũng
bị xem là "tuyên truyền chống nhà nước", theo điều 88 bộ luật hình sự.
Hỏi ý kiến của Luật sư Lê Quốc Quân về tội danh này thì được ông giải thích như sau:
"Việc
gán ghép vào điều 88 tuyên truyền ấy, cá nhân tôi với tư cách là một
luật sư và cũng là một người quan tâm đến vấn đề này thì tôi cho rằng
đó là một sự gán ghép khiên cưỡng. Xét về mặt pháp lý thì điều 88 nó
quy định tội tuyên truyền thì gồm có những hành vi ví dụ như là "làm
ra, tàng trữ, và phát tán các tài liệu để chống phá nhà nước", thế thì
"làm ra" theo những gì tôi được biết thì anh Luật không làm ra bất cứ
tài liệu nào có tính chất chống lại nhà nước, "tàng trữ" thì thường là
tàng trữ khối lượng lớn, mà anh Luật thì cũng không tàng trữ gì cả. Như
cái tài liệu mà anh đứng ra để bảo vệ giáo dân Thái Hà là những tài
liệu ảnh trình bày một cách công khai tại tòa án Việt Nam. Nói ảnh
"phát tán" thì thực ra không phải là phát tán bằng hàng trăm hay hàng
ngàn bản gì cả, mà anh có một bản anh trình bày, anh trình bày rất là
rõ ràng trước tòa án, trước cơ quan công quyền, thì tôi cho rằng nếu
xét đơn thuần về mặt pháp lý, căn cứ trên những hành vi cấu thành tội
phạm thì tất cả các hành vi của anh Lê Trần Luật mà tôi được biết thì
nó không hề cấu thành cái tội tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN
Việt Nam, thưa anh."
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn Luật sư Lê Trần Luật và Lê Quốc Quân đã dành thời giờ cho RFA chúng tôi.
(Nguồn: Đỗ Hiếu, RFA, ngày 03-05-2009)
Đỗ Hiếu, RFA
|