Lê Minh
| Lê Trí Tuệ trong những ngày đầu vừa đến lánh nạn tại Campuchia
| Trong một bản phúc trình công bố ngày hôm nay 4 tháng 5, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) đã yêu cầu "chính
quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những nhà hoạt động đã
bị giam giữ bất hợp pháp vì đã kêu gọi tranh đấu cho quyền công nhân
một cách ôn hòa".
Nội dung bản phúc trình dài 32 trang
trình bày hình ảnh nhà nước CSVN đàn áp phong trào tranh đấu ôn hòa của
công nhân, liệt kê tiểu sử và hoàn cảnh của những trường hợp còn bị
giam giữ hay quản thúc tại gia. Phần cuối của bản phúc trình đã đặc
biệt nêu lại trường hợp mất tích của anh Lê Trí Tuệ một thời gian ngắn
sau khi đến được Campuchia lánh nạn.
Lê Trí Tuệ, một nhà bất
đồng chính kiến nổi bật, là thành viên của Khối 8406 và là một trong
những người điều hành Công đoàn Độc lập Việt Nam. Anh còn là người tích
cực giúp dân oan khiếu kiện tụ tập ở Sài Gòn. Với "bề dày" thành tích
như vậy, anh đã được công an CSVN "chiếu cố" đặc biệt, liên tục khủng
bố suốt một khoảng thời gian kéo dài từ giữa năm 2006 đến đầu năm 2007.
Một sự việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 15 tháng 3
năm 2007 là anh đã bị một số công an mặc thường phục chận đánh đập dã
man ở ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn. Đúng 2 tuần sau đó thì
công an TP. Sài Gòn đã triệu tập anh lên để đe nạt buộc anh phải tuyên
bố giải tán Công đoàn Độc lập công khai trên mạn Internet toàn cầu, và
làm một bản cam kết từ bỏ và chấm dứt hoạt động trong các tổ chức "phản
động" ở Việt Nam hiện nay như là Công đoàn Độc lập, Khối 8406 cùng các
hoạt động của phong trào đấu tranh đòi dân chủ hoá Việt Nam. Công an đã
yêu cầu anh phải thực thi yêu cầu này nội trong vòng 10 ngày, bằng
không sẽ bị bắt như trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài hay Lê Thị
Công Nhân. Trước những lời đe dọa hiểm nghèo như vậy, anh đã quyết định
lánh nạn tại Campuchia.
Ngay sau khi đặt chân đến Campuchia vào ngày 11/4/2007, anh đã liên tiếp trả lời phỏng vấn trên nhiều báo đài như RFA, rồi VOA,...
Tuy không chính thức xin tỵ nạn nhưng anh có xin được bảo vệ và được
văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) tại Phnom Penh cấp thẻ
POC (Person of Concern) vào ngày 2/5/2007. Thế rồi trong cùng ngày này,
công an Hải Phòng đã ra lệnh truy nã anh với tội danh "lừa đảo người
lao động". Y như rằng, cái lệnh truy nã kia chính là phát súng mở màn
để bắt anh: Anh bị mất tích ngày 6/5/2007 tại Phnom Penh, trên đường đi
từ nhà trọ đến một điểm hẹn. Để rồi sau đó trên tờ An Ninh Thế Giới số
ra ngày 16/5/2007 xuất hiện loạt bài tố cáo Lê Trí Tuệ với tội danh "lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Luật Hình Sự VN".
Việc
mất tích của Lê Trí Tuệ đã gây hoang mang không ít cho cộng đồng tỵ nạn
VN tại Campuchia, bởi vì ngay sau đó không lâu vào ngày 30/6/2007 lại
có thêm nhà sư Nam bộ gốc Khmer Tim Sakhorn bị công an CSVN bắt cóc đem
về Việt Nam xử tội.
Tưởng cũng cần biết rằng, trước đây đã có
Đại đức Thích Trí Lực bị công an mật vụ CSVN bắt cóc ngay giữa thủ đô
Phnom Penh vào tháng Bảy năm 2002, đem về Việt Nam xử 18 tháng tù trong
một phiên tòa xử kín. Tuy nhiên, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, nhà
nước CSVN đã buộc phải trả tự do để Đại đức đi định cư ở Thụy Điển.
Sự
mất tích của Lê Trí Tuệ kéo theo những hoang mang cũng như tạo ra những
ngờ vực lẫn nhau trong cộng đồng tỵ nạn tại Campuchia. Tuy nhiên, qua
thời gian những người tỵ nạn Việt Nam tại đây như Mục sư Ngô Đắc Luỹ,
rồi gần đây có Thạch Nhỏ, anh Ngô Văn Tài hay anh Nguyễn Phùng Phong
đã lên tiếng chỉ chứng "địa chỉ đỏ" Nguyễn Công Cẩm chính là thủ phạm
bắt cóc Lê Trí Tuệ, cũng như Đại đức Thích Trí Lực trước đây.
Tên
tình báo VC đội lốt tỵ nạn Nguyễn Công Cẩm đã bắt cóc Ðại đức Thích Trí
Lực trước đây, và sau này lại bắt cóc (và thủ tiêu ?) Lê Trí Tuệ
Đến
đây, chúng ta đã biết rõ ràng công an CSVN chính là thủ phạm bắt cóc Lê
Trí Tuệ, nhưng lại không biết số phận của anh giờ này ra sao, ở đâu.
Năm ngoái Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam trong lá thơ đề ngày 21/2/2008 đã
lên tiếng về trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ. Đến hôm nay thì Tổ
Chức Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế (HRW) cũng nhắc lại trường hợp mất
tích này.
Chỉ còn 2 ngày nữa là đúng 2 năm ngày Lê Trí Tuệ mất
tích tại Campuchia và cũng là ngần ấy thời gian rơi vào im lặng, không
một dấu tích để biết anh còn sống hay đã chết. Thiết tưởng điều mà mỗi
chúng ta có thể làm được cho anh lúc này là phải lên tiếng để sự mất
tích này không bị rơi vào quên lãng, bởi vì sự im lặng cũng đồng nghĩa
với cái chết của anh.
Lê Minh Sydney ngày 4/05/2009
|