Phạm Việt Vinh
Ngày 24 tháng Tư vừa qua, truyền thông nhà nước Việt Nam công bố “Thông báo số 245- TB/TW” về “Kết luận của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam”
đối với vấn đề khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên. Trong bản kết
luận trên, có đoạn viết: “Riêng dự án Nhân Cơ (Đăk Nông), cần rà soát
lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá lại hiệu quả
kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và đảm bảo được
yêu cầu về bảo vệ mội trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”.
Trung Quốc là đối tác của dự án Nhân Cơ. Tất cả các nhận định nghiêm
túc đều trả lời “Không” cho các câu hỏi của bản “Kết luận”. Có nghĩa là
về nguyên tắc, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra chỉ chị rằng
hợp đồng khai thác bauxite giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị đình chỉ!
Tiếp theo, ngày 25 tháng Tư, Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng quyết
định bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Ngày 28 tháng Tư,
để trả lời sự phản đối gay gắt của Trung Quốc về việc này, phát ngôn
viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam bác bỏ ý kiến của Trung Quốc, tái khẳng
định quyền sở hữu của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Chính phủ
Việt Nam cũng cho biết sẽ kịp thời gửi “Yêu sách về chủ quyền thềm lục
địa” của Việt Nam tới cơ quan hữu trách của Liệp Hiệp Quốc trước thời
hạn 13 tháng Năm sắp tới.
So với những hành xử trong nhiều năm vừa qua của nhà nước Việt Nam, các
hiện tượng trên đây là rất bất thường. Có người nhận định là để bảo vệ
quyền lợi quốc gia, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sẵn sàng
chấp nhận đối đầu với các hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Từ hàng chục năm nay, ước vọng bá quyền của Bắc Kinh ngày càng lộ rõ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới hiện nay, chính sách hòa
dịu của phương Tây nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng có vẻ như khuyến
khích chính quyền Trung Quốc gia tăng mức độ hung hăng. Vụ hải quân
Trung Quốc uy hiếp tàu do thám của Hoa Kỳ mới đây là một ví dụ điển
hình. Trung Quốc đã công khai bày tỏ chiến lược xây dựng một vành đai
an toàn được tạo bởi các quốc gia “đồng minh” bao quanh họ. Tuy không
nói ra nhưng ai cũng đoán được đằng sau vụ Bắc Triều Tiên trắng trợn vi
phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, tiến hành thử hỏa tiễn tầm xa vào
ngày 5 tháng Tư vừa qua không thể không có bàn tay của Trung Quốc. Để
thực hiện giấc mộng “thiên triều” của mình, điều dễ hiểu là Bắc Kinh
rất coi trọng lá bài Bình Nhưỡng với chức năng là một “đồng minh chiến
lược”, là tiền đồn phía bắc và là một đe dọa thường trực đối với Nam
Hàn, Nhật Bản.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn theo đuổi mục tiêu
muốn biến Hà Nội thành tiền đồn phía nam của họ. Việc xâm lấn đất, biển
không nằm ngoài chiến lược luôn tạo cho Việt Nam một tư thế bất an.
Nhìn lịch sử, người Trung Quốc biết rõ là Việt Nam không bao giờ thần
phục hoàn toàn Trung Quốc. Đằng sau những mỹ từ “đồng minh chiến lược
và toàn diện” vẫn tồn tại ở cả hai bên sự nghi kỵ và cảnh giác. Đối với
một “đồng minh” như vậy, tạo ra sự bấp bênh và e sợ thường trực ở Hà
Nội có thể là những bài “cẩm nang” cố hữu của Bắc Kinh. Tiến xa hơn, sự
nhu nhược của chính quyền Việt Nam trong vấn đề biên giới gần đây, vị
thế thăng tiến về kinh tế, ngoại giao và quân sự hiện nay có thể đã
thúc đẩy Trung Quốc, ngoài mục đích đáp ứng cơn khát về nguyên liệu, đã
dùng mọi thủ đoạn tiến hành dự án bauxite để có mặt ở Tây Nguyên với
kết quả mong muốn là đặt được một chiếc vòng “kim cô” khống chế hầu như
là chắc chắn “chú đồng minh đàn em” ở phía nam.
Những động thái gần đây của Việt Nam đối với vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa
và dự án bauxite Tây Nguyên cho thấy có vẻ như trong ban lãnh đạo cộng
sản tại Hà Nội đang nẩy nở quyết tâm thoát khỏi vòng kiềm tỏa nguy hiểm
của Bắc Kinh.
Một số người đồn đoán rằng việc xuất hiện những bài báo, những cuộc
biểu tình, hội thảo, những kiến nghị trong xã hội và tiếp theo là những
hành động từ phía nhà nước về hai vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa và bauxite
là nằm trong kịch bản được dàn dựng từ ban lãnh đạo Hà Nội nhằm sửa
chữa lại những sai lầm đã phạm phải để phần nào bảo vệ được quyền lợi
của quốc gia mà không quá chọc giận Bắc Kinh. Người ta sẽ lý giải với
Bắc Kinh là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải làm như vậy vì sức ép của xã
hội. Phán đoán này có vẻ như yếu lý hơn so với nhận định là chính quyền
Hà Nội “lần đầu tiên đã phải nghe theo tiếng nói của xã hội dân sự” -
như phát biểu gần đây từ trong nước của nhà văn Nguyên Ngọc. Có nghĩa
là ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tìm cách cưỡng lại ý đồ của
Trung Quốc do bị tác động của biểu tình phản đối, của hội thảo, của
kiến nghị từ phía trí thức và dân chúng Việt Nam. Giải thích này phù
hợp với truyền thống là từ trước tới nay, hầu như tất cả các hành động
thay đổi tích cực của chính quyền cộng sản Hà Nội đều là sự nhượng bộ
hay chấp nhận những tác động từ “bên dưới”. Tức là trong trường hợp
này, chính quyền một lần nữa lại phải làm những điều mà họ không (hoặc
chưa) muốn làm. Nó lý giải cho thực tế là cho đến hôm nay, sau “Thông
báo Kết luận của Bộ Chính trị”, Hà Nội vẫn chưa đưa ra những bước đi cụ
thể cho việc “rà soát lại” dự án khai thác bauxite, và việc triển khai
dự án vẫn đang được tiến hành.
Nhưng, ngay cả khi là bị động, thì các động thái đã nêu của chính quyền
Hà Nội vẫn là những biểu hiện tích cực và đáng khuyến khích. Mặc dù
không thể nhắm mắt trước thực tế là luôn bị đè nặng bởi gã khổng lồ
phương bắc, và phải khôn khéo trong đối sách với Trung Quốc, nhưng mọi
cố gắng và biểu hiện để thoát khỏi bàn tay thô bạo của chính quyền cộng
sản Bắc Kinh hiện nay luôn là điều đúng đắn và phải làm. Trừ trường hợp
là những hành vi đáng khuyến khích này của ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản
Việt Nam lại nằm trong một bài bản tháo ngòi nổ, đánh lừa dư luận để
tiếp tục bán rẻ lợi ích quốc gia cho Trung Quốc nhằm “ổn định xã hội”
với mục đích cuối cùng là bảo vệ vị trí và quyền lợi của phe nhóm và cá
nhân.
Đảng Cộng Sản Việt Nam phải hiểu rằng, người Việt Nam có thể bị lừa dụ
nhiều điều, nhưng vết thương hàng ngàn năm vẫn nuôi dưỡng sự cảnh giác
cần thiết trong mọi cá nhân khi nhìn sang Trung Quốc. Chính thể cộng
sản Bắc Kinh hiện nay càng không thể là một thực thể có thể hàn gắn vết
thương đó. Bất kể chính thể nào quỳ gối trước Trung Quốc cũng là một
tội đồ đối với dân tộc Việt Nam. Trường Sa-Hoàng Sa và dự án bauxite
Tây Nguyên có thể sẽ là những giọt nước tràn ly. Chính quyền Đảng Cộng
Sản Việt Nam vẫn còn có cơ hội làm giảm nhẹ phần nào tội lỗi của mình
nếu họ thực thi bảo vệ hai quần đảo và nhanh chóng đình chỉ dự án
bauxite tại Nhân Cơ. Nếu họ lại dại dột sai lầm tiếp tục đi ngược lòng
dân trong hai vấn trên, rất có thể họ sẽ phải trả giá rất đắt.
Phạm Việt Vinh
Bộ
Chính trị kết luận Về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến,
sử dụng bauxite giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025
Ngày
24/4, đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban
Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị ký Thông báo số 245- TB/TW về Kết luận
của Bộ Chính trị về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến,
sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Sau đây là
nội dung Thông báo.
Tại
phiên họp ngày 16/4/2009, sau khi nghe Ban cán sự đảng Chính phủ báo
cáo về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng
bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 (Báo cáo số
309-BC/BCSĐ, ngày 15/4/2009), ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng và
các bộ và cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận: 1-
Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bauxite là chủ trương nhất quán
từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các nghị quyết
Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị
quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp
bauxite, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung,
góp phần phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên nói riêng. Thực
hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt
Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai
đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển
khai 2 dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đầu tiên tại Tân Rai
(Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông); đồng thời, chỉ đạo tìm kiếm,
lựa chọn đối tác nước ngoài có năng lực để hợp tác phát triển kết cấu
hạ tầng và đầu tư xây dựng ngành công nghiệp bauxite, alumin, nhôm.
Chính phủ đã giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là
đơn vị có kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản làm chủ đầu tư thực
hiện 2 dự án và chủ trì đàm phán với các đối tác nước ngoài. 2- Về quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án, Bộ Chính trị lưu ý một số vấn đề sau đây: -
Quy hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả
tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; trong đó, chú ý
đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm
phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới... -
Khai thác bauxite, sản xuất alumin có tác động lớn đến môi trường từ
khâu khai thác, chế biến, vận chuyển đến xử lý chất thải, nếu không
được quản lý tốt, không tính hết đến tác động môi trường thì sẽ gây ra
hậu quả nghiêm trọng mà việc khắc phục phải mất nhiều năm với chi phí
tốn kém lớn. -
Kết cấu hạ tầng Tây Nguyên còn thấp kém, nguồn nước và nguồn điện hạn
chế, nên cần phải đẩy mạnh phát triển để vừa đáp ứng yêu cầu khai thác
bauxite, sản xuất alumin, vừa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội
vùng này. - Việc lựa chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trên thế giới. -
Quan tâm đúng mức đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc
Tây Nguyên; tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương; việc sử dụng
lao động nước ngoài phải đúng quy định của pháp luật. -
Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an
ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên
và môi trường văn hóa. 3- Để tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo:
(1)
Nước ta có nguồn tài nguyên bauxite dồi dào, việc phát triển thành
ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin, nhôm để sử dụng trong
nước và xuất khẩu là chủ trương đúng, đã được nêu ra trong hai kỳ Đại
hội IX và X của Đảng. Trong
thời gian tới, phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, chế biến
alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của
đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh
nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái,
an ninh, quốc phòng. Trong giai đoạn đầu sản xuất alumin, cần khẩn
trương đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện, cung cấp một phần cho
việc luyện nhôm để nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bauxite phục vụ
trong nước và xuất khẩu. (2)
Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao
của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ
đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển
kinh tế-xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ;
gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với
nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện. (3)
Tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai 2 dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ
do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, chưa
chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài; sử dụng lao
động trong nước, chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần
thiết, lựa chọn công nghệ hiện đại; thực hiện nghiêm ngặt các quy định
về bảo vệ môi trường. Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và
báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều
chỉnh cho phù hợp. Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn
đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi
trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường
thì mới tiếp tục triển khai thực hiện. Quá trình triển khai 2 dự án này
cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác.
Trên cơ sở kết quả của 2 dự án, tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung,
hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. 4- Tổ chức thực hiện:
-
Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo
các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai
thác, chế biến, sử dụng bauxite và triển khai 2 dự án nói trên. Trong
đó, lưu ý chỉ đạo chặt chẽ về sử dụng công nghệ, bảo vệ môi trường,
hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư, những vấn đề xã hội, bảo đảm
đời sống cho đồng bào thuộc diện phải thu hồi đất, quản lý tốt lao động
nước ngoài và trật tự an toàn xã hội trong vùng dự án... Ban cán sự
đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo vấn đề này với Ban Chấp hành Trung ương
trong kỳ họp giữa năm 2009 và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội
trong phần báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009. -
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan
chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Kết luận này, tạo sự thống nhất
trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội./.
(Theo TTXVN)
|