Thứ Ba, 2024-11-05, 8:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 7 » Giành lại Quốc Hội về tay Nhân Dân
9:36 PM
Giành lại Quốc Hội về tay Nhân Dân

Đặng Vũ Chấn





Điều 83 trong Hiến Pháp nước CHXHCNVN hiện nay quy định:

‘Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.’


Điều này có nghĩa Quốc Hội là cơ chế quyền lực mẹ của nhà nước và từ dân, do dân và vì dân như Hiến Pháp khẳng định trong phần mở đầu qua Điều 2.

Thế nhưng trên thực tế hiện nay Quốc Hội lại không thuộc về nhân dân mà là của Đảng, do Đảng, và cho Đảng. 90% đại biểu là đảng viên Đảng CSVN trong khi Đảng viên CSVN chưa đầy 2.5% dân số cả nước. Các ứng viên Đại Biểu QH là do Đảng thanh lọc và đề cử qua Mặt Trận Tổ Quốc và nhân dân chỉ bầu cho có hình thức chuẩn nhận cho những người Đảng Cử này thành Đảng biểu chính thức. Cho nên từ trước đến nay Quốc Hội thành một cơ chế bù nhìn làm cảnh cho Đảng lãnh đạo. Vì thế, Đảng cứ tự tiện ký kết những hiệp định nhường đất và biển cho Trung Quốc mà không cần thông qua sự bàn thảo tại Quốc Hội và Quốc Hội cứ thế mà phê chuẩn.

Tình trạng Quốc Hội VN là cơ chế đảng cử đảng biểu này sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào mà nhân dân VN vẫn mặc nhiên chấp nhận nó, coi đó là số kiếp của mình, không thể làm gì khác hơn. Một vài nỗ lực của một số nhà đấu tranh cho dân chủ để chen chân vào Quốc Hội đã không lọt qua được màng lưới lọc loại của Mặt Trận Tổ Quốc, một vài lên tiếng dò dẫm của một số đại biểu Quốc Hội ngoài đảng, rón rén thể hiện chức năng đại biểu Quốc Hội đúng nghĩa của mình, vẫn chưa đủ để mang Quốc Hội trở về tay nhân dân. Nhưng nếu phân tích lại cho kỹ, thì việc nhân dân giành lại Quốc Hội về tay mình theo đúng Hiến Pháp là điều khả thi nằm trong tầm tay của người dân.

Nếu nhìn Quốc Hội như là một cơ chế vô hồn do Đảng lãnh đạo khống chế, thì quả là khó thay đổi. Vì một phần lớn sức mạnh của chế độ CS là sự ràng buộc trong cơ chế, và một trong những nguyên nhân khiến chế độ này làm bao nhiêu điều sai trái, một cách vô trách nhiệm chính cũng là ở cơ chế. Con người CS từ bộ chính trị sang Quốc Hội, xuống đến cấp địa phương đều núp sau cơ chế để không ai nhận lãnh một trách nhiệm cá nhân nào cả. Cơ chế là bình phong, là cha chung không ai khóc khi sai trái. Và cứ thế các đại biểu Quốc Hội sẽ vẫn là đảng biểu an toàn sau cơ chế Quốc Hội, chừng nào mà nhân dân cứ vẫn để họ yên ổn đằng sau cơ chế này, và cứ vẫn đương nhiên coi họ là đảng biểu bù nhìn cho Đảng, nên không thèm liên hệ làm chi cho mất thì giờ vô ích.

Từ trước đến nay, các dân oan khiếu kiện đã tranh đấu ròng rã bao năm trời trong bế tắc vì nhắm hướng vào bức tường vô cảm của cơ chế nhà nước. Có biểu tình trước văn phòng Quốc Hội chung chung kêu réo chủ tịch Quốc Hội chung chung thì cũng thế thôi, vì cứ chỉ nhắm vào cơ chế mà đòi hỏi. Thử tưởng tượng, nếu dân oan ta chuyển đối tượng, nhắm ngay vào từng cá nhân đại biểu Quốc Hội, đại diện cho địa phương mình. Tức là những người gần gũi trực tiếp với mình nhất (trên nguyên tắc), họ sẽ không thể né tránh được. Mang đơn khiếu kiện đến tận nhà, tận tay họ; tạo áp xuất để họ phải thể hiện chức năng đại biểu nhân dân đúng nghĩa, nói lên nguyện vọng của cử tri của họ. Đây cũng là cung cách hành xử của cử tri các xứ dân chủ văn minh. Cá nhân những đại biểu Quốc Hội này sẽ phải thấy họ đứng trước sự lựa chọn: một bên là áp lực từ Đảng, bên kia là áp xuất từ bao cử tri trực tiếp hằng ngày, hằng giờ. Một bên là chỗ dựa vào Đảng và bên kia là chỗ dựa vào người dân sát chung quanh họ, trực tiếp gần gũi với đời sống hằng ngày của họ; cộng với chỗ dựa trên văn bản chính thức là Hiến Pháp như qua Điều 97:

"Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó...."

Trong sự tranh giành như trên với Đảng về ảnh hưởng lên từng đại biểu Quốc Hội của mình, người dân có nhiều cơ may thắng thế hơn. Những đại biểu dù có là đảng viên trung thành với quyền lợi Đảng, sẽ khó mà cảm thấy yên ổn lương tâm, bình thản trong ghế đại biểu của họ khi phải đi ngược lại quyền lợi và nguyện vọng của cử tri hằng ngày kêu rên bên mình, nhất là khi họ thấy những đồng nghiệp giác ngộ sớm, đứng bên nhân dân được cử tri càng thêm tin tưởng thương yêu. Những ứng viên đại biểu Quốc Hội sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn xem mình có chịu nổi áp xuất của chức năng đại biểu thực sự không, trước khi nhận cho đảng cử. Từ đó, quy trình đảng cử dân bầu sẽ dần dần mất tác dụng gạn lọc cho Đảng.

Khi có nhiều đại biểu trở về với nhân dân, thực hiện đúng chức năng đại biểu quốc hội của mình, tích cực bênh vực tiếng nói của cử tri mình, thì sẽ dễ tạo một làn sóng lây lan trong Quốc Hội, để Quốc Hội mau trở về với nhân dân, giành lại quyền quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại (Điều 83 Hiến Pháp), quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (Điều 84). Như thế Đảng sẽ không còn có thể tuỳ tiện bán đất, nhường biển, dâng Tây Nguyên cho đàn anh Cộng sản Trung quốc.

Mầm dân chủ như thế sẽ thăng hoa. Khi người dân có tâm thức và hành xử dân chủ, đòi hỏi từng đại biểu của mình làm đúng chức năng hiến pháp quy định. Cơ chế cũng sẽ phải dần chuyển hướng theo [chiều dân chủ]; thay vì chiều ngược lại, cứ phải chờ đợi có cơ chế dân chủ rồi mới xây tâm thức và hành xử dân chủ.

Đặng Vũ Chấn
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 814 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 59
Khách: 59
Thành Viên: 0