Thiện Ý
Ngày 24-4-2009, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Thông báo kết luận
về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite
giai đoạn 2007-2015, có xét tới năm 2025. Thông báo cho biết Bộ Chính
trị đã “tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo
cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học…” Tất cả những điều dư
luận cảnh báo về môi trường, nguồn nước, đời sống văn hóa của các dân
tộc thiểu số, an ninh và quốc phòng… đều đã được quan tâm đầy đủ. Bộ
Chính trị quyết định tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Đảng đã
“chủ trương nhất quán từ Đại hội 9 đến Đại hội 10 của Đảng đến nay”.
Nhiều tờ báo đã rút tít nội dung nóng bỏng nhất của Thông báo nói trên:
Tiếp tục triển khai hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ!
Lời
lẽ Thông báo của Bộ Chính trị khéo léo, ôn hòa, nhưng khẳng định việc
đã định từ 10 năm trước là chính xác không có gì phải thay đổi. Đáng
chú ý là sau đó có hai bài trên hai tờ báo lớn có lời quy chụp, răn đe:
“Đảng lắng nghe và thấu hiểu ý kiến của trí thức, nhưng không có nghĩa
bỏ qua việc một số người lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá”. Đặc
biệt nghiêm trọng là Bộ Công thương tổ chức họp báo với Thông cáo báo
chí chỉ trích Bản kiến nghị của các trí thức Việt Nam là thổi phồng,
kích động, bị ảnh hưởng của tổ chức phản động. Cũng may mắn là cách
hành xử lỗi thời đó đã bị phê phán nghiêm khắc. Những người trung
thực, có trách nhiệm với đất nước vẫn tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ.
Báo
Sài Gòn Tiếp thị số 45 ngày 29-4-2009 đăng bài viết của ông Doãn Mạnh
Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP Hồ
Chí Minh nhan đề “Đe dọa nguồn nước uống của dân miền Đông và TP HCM”. Xin trích vài đoạn quan trọng của bài viết:
Theo
báo cáo của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cứ một tấn
alumin thải ra môi trường 1,5 tấn bùn đỏ và khoảng 12 m3 nước. Khu vực
Tân Rai và Nhân Cơ đều là khu vực đầu nguồn của hồ Trị An. Riêng với
nhà máy Tân Rai, công suất 600.000 tấn alumin/ năm thì mỗi năm thải ra
môi trường 900.000 tấn bùn đỏ và 7.000.000 m3 chất thải nước có xút và
chất độc.Theo kế hoạch đến năm 2015, Tây Nguyên sản xuất 8,5 triệu tấn
alumin thì Tây Nguyên mỗi năm thải ra 12,75 triệu tấn bùn đỏ và 120
triệu mét khối chất thải nước có xút và chất độc. Chúng ta đều biết TP
HCM sử dụng nguồn nước thô chủ yếu lấy từ nhà máy nước thô Thiện Tân
(huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Nhà máy nước Thiện Tân nằm tại hạ lưu hồ
Trị An. Như vậy việc xây dựng hai nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhân Cơ
ngay tại khu vực đầu nguồn hồ Trị An là đe dọa nguồn nước uống của các
tỉnh miền Đông và TPHCM. Nguồn nước uống là sự sống còn của bất cứ cộng
đồng dân cư nào. Nếu không được bảo vệ, nó sẽ là nguyên nhân chính gây
ra các chứng bệnh ác tính.
Ông Doãn Mạnh Dũng khẩn thiết:
Tôi
thỉnh cầu những người có trách nhiệm nên ra lệnh dừng ngay việc xây
dựng nhà máy luyện nhôm Tân Rai và Nhân Cơ hay bất cứ nhà máy luyện
nhôm nào trên Tây Nguyên…
Trước đó, từ ngày 3-3-2009, thiếu tướng công an Lê Văn Cương cũng có ý kiến như sau:
Khai
thác, chế biến bauxite Đắc Nông, Lâm Đồng nằm ở thượng nguồn sông Đồng
Nai và sông Sê-rê-pôk (chảy qua Campuchia và sông Mêkông), không ai có
thể đảm bảo khai thác chế biến bauxite sẽ không làm ô nhiễm (nhiễm bẩn
và nhiễm độc) nguồn nước cuả những con sông này. Có khoảng 15 triệu
người sử dụng nước sông Đồng Nai…
Thay mặt hơn một vạn hội viên,
Hội Cựu Chiến binh TPHCM cũng có văn bản đề nghị xem xét lại quyết
định khai thác chế biến bauxite tại Tây Nguyên với 3 lý do: 1. Hiệu quả
kinh tế không cao; 2. Ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài về môi trường
sinh thái, về văn hóa xã hội đối với các dân tộc Tây Nguyên và Nam
Trung bộ; 3. An ninh và quốc phòng từ “mái nhà của Đông Dương”.
Hơn
60 năm qua, đã không ít lần những tiếng nói trung thực đúng đắn không
được Bộ Chính trị của Đảng lắng nghe, nên đã để lại những hậu quả cực
kỳ tệ hại. Ngay ý kiến của người lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí
Minh (không đồng ý xử bắn bà Nguyễn Thị Năm) cũng bị Bộ Chính trị nhân
danh đa số không chấp nhận (theo bài viết của ông Hoàng Tùng, nguyên
Tổng Biên tập báo Nhân Dân). Rồi ý kiến của ông Kim Ngọc về khoán trong
nông nghiệp, của ông Nguyễn Văn Linh về việc không cải tạo công thương
nghiệp… đều không được chấp nhận và người có ý kiến đúng đã bị xử lý kỷ
luật. Liệu lần này Bộ Chính trị có xúc động lắng nghe và tiếp thu ý
kiến tâm huyết từ mạng sống của hằng chục triệu đồng bào và sự an nguy
của Tổ quốc để cho dừng lại ngay hai thí điểm mang mầm chết ở Tân Rai
và Nhân Cơ hay không?
© 2009 Thiện Ý
|