Thứ Năm, 2025-01-02, 5:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 8 » VIỆT NAM: BAUXITE – TIẾNG VỌNG TỪ ĐÁY VỰC
8:23 PM
VIỆT NAM: BAUXITE – TIẾNG VỌNG TỪ ĐÁY VỰC

Tại Sao Tầu Muốn Vào Đắk-Nông?

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Ðại hội IX và Ðại hội X của Ðảng đến nay. Triển khai các nghị quyết Ðại hội, trong hai nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng.”

Đó là lời mở đầu của Kết luận ngày 24-4 (2009) của Bộ Chính trị 15 người của đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đế khai thác Bauxite (Bô-Xít) tại Tây Nguyên, sau hàng lọat phản ứng, từ trong và ngòai Việt Nam, chống đối kế họach khai thác chưa có sự đồng thuận trong xã hội.

Trong số người chống quyết định của CSVN có cả Tướng Võ Nguyên Giáp và hơn 1,000 trí thức, chuyên gia, văn nghệ sỹ  và nhà tu hành.

Cũng nên biết trong số 15 người của  Bộ Chính trị đảng CSVN đã  quyết định khai thác Bauxite  và  hợp tác với  Nhà thầu Chalco của Trung Hoa chỉ có Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao có bằng Tiến sỹ luyện kim, nhưng cũng không liên quan gì đến quặng Bô-xít (Bauxite).

Số còn lại gồm Nông Đức Mạnh, (Tổng Bí thư); Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch Nước); Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng); Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí thư Trung ương); Nguyễn Văn Chi  (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW Đảng);Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc Hội); Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc Phòng); Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an); Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội); Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Sàigòn); Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương); Hồ Đức Việt (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng); Nguyễn Sinh Hùng (Phó Thủ tướng thường trực chính phủ) ; Trương Vĩnh Trọng (Phó Thủ tướng) đều không có kiến thức gì về quặng, mỏ  nên không bảo đảm cho sự  hiểu biết tường tận của họ về  tác hại sẽ gây ra cho  môi trường và các mặt kinh tế-xã hội-văn hóa  trong việc khai thác Bô-xít.

Vì vậy ai cũng muốn biết rõ hơn về điều được gọi là “chủ trương nhất quán” của hai  Đại hội đảng IX năm 2001 và X năm 2006 đã nói gì về quyết định khai thác Bô-xít ?

Thứ nhất,  vấn đề khai thác Bô-xít chỉ được đề cập đến 2 lần trong  hai Văn kiện quan trọng của Khóa đảng VIII  được  trình bầy tại Đại hội đảng IX ( tháng 04/2001) khi Lê Khả Phiêu giao lại chức Tổng Bí thư  đảng cho Nông Đức Mạnh.

Trong “Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 – 2005”  khóa đảng VIII viết : “Khai thác và chế biến các loại khoáng sản, phát triển công nghiệp khai thác bôxit, luyện alumin và chế biến nhôm theo 1 trong 2 phương án: sản xuất 300 nghìn tấn/năm alumin để điện phân 75 nghìn tấn nhôm sử dụng trong nước; sản xuất 1 triệu tấn alumin cho xuất khẩu, giai đoạn sau nâng lên 3 triệu tấn.  Đầu tư khai thác và tuyển quặng đồng, khai thác imenhít, đá quý, vàng, đất hiếm; xây dựng nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên, luyện đồng ở Lào Cai.”

Trong tài liệu thứ hai gọi là  “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010”, Khóa VIII viết : “Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, có lợi thế để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp sản xuất hàng hoá lớn kết hợp với công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp năng lượng và công nghiệp khai thác khoáng sản. Có chiến lược và quy hoạch xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, tiến tới thành vùng kinh tế động lực.

Phát triển nhanh theo hướng thâm canh là chính đối với các cây công nghiệp gắn với thị trường xuất khẩu (cà phê, cao su, chè, bông...), chăn nuôi đại gia súc, trồng và bảo vệ rừng, cây dược liệu, cây đặc sản và công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Phát triển thủy điện lớn và vừa, các hồ chứa nước cho thủy lợi. Khai thác và chế biến quặng bôxít. Phát triển công nghiệp giấy. Nâng cấp, khai thác tốt các tuyến đường trục và đường ngang nối xuống vùng Duyên hải. Phát triển sự hợp tác liên kết kinh tế - thương mại - dịch vụ với các nước láng giềng Lào, Campuchia. Có chính sách thu hút vốn đầu tư, bố trí dân cư và lao động và đất đai theo quy hoạch, nâng cao dân trí và trình độ công nghệ. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, thật sự cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào dân tộc.”


Thứ nhì, đến kỳ Đại hội đảng X năm 2006 thì chuyện khai thác Bô-xít không còn “ồn ào” như tại Đại hội đảng IX.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX  (Nông Đức Mạnh) ngày 10 tháng 4 năm 2006  khi nói về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010” chỉ viết vắn tắt : “Việc phát triển các ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng chủ yếu là dựa vào nguồn lực của các thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Căn cứ vào nguồn lực và hiệu quả, Nhà nước tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để phát triển những sản phẩm quan trọng của nền kinh tế, như: lọc hoá dầu, khai thác quặng và luyện thép, phân bón, hoá chất, xi măng, khai thác bô - xít và sản xuất alumin, bột giấy gắn với trồng rừng, một số sản phẩm cơ khí chế tạo.”

Như vậy trong cả 2 kỳ Đại hội đảng IX và X, không có một Nghị quyết nào nói riêng về kế họach khai thác Bô-xít, cũng như  không có tài liệu nào của đảng ghi lại cuộc thảo luận  về vấn  đề này.

NÔNG ĐỨC MẠNH- BAUXITE-TRUNG HOA

Tuy nhiên chỉ 7 tháng  sau khi  thay Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đã sang Tầu  “thăm hữu nghị”  theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân,  từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 năm 2001.

Trong chuyến đi này, một Thông cáo chung phổ biến cho thấy Mạnh đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế với Trung Hoa, trong đó có việc hợp tác với Tầu khai thác Bôxít ở Đắc Nông (Đắk Nông).

Một đọan quan trọng trong Hiệp định viết : “Hai bên xác định trong thế kỷ mới cần tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa hai nước theo phương châm bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả, bổ sung ưu thế cho nhau, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển; tích cực khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp hai bên khai thác thêm thị trường hàng hóa của hai nước, tăng cường đầu tư và hợp tác, mở rộng quy mô hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thực hiện các dự án hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.

Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bô-xít nhôm Đắc Nông.”
(Thông Tấn Xã Việt Nam, TTXVN)

Như vậy, chuyện để cho Tầu nhẩy vào Đắk Nông là do Nông Đức Mạnh ký kết bởi vì trước đó, dưới thời Lê Khả Phiêu (Khoá VIII) và  Đổ Mười (Khóa VII), không thấy có văn kiện nào công khai nói đến vấn đề  hợp tác khai thác Bô-xít với Trung Hoa.

Mạnh còn  đi thăm Trung Hoa lần thứ hai từ ngày 30-5 - 2-6-2008, và cũng như lần trước, Thông cáo chung đã nói đến Đắk Nông : “Hai bên tăng cường hợp tác trong các dự án như: Bôxit Đắc Nông, các dự án trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và các dự án lớn khác. Hai bên khẳng định tăng cường hợp tác trong các cơ chế kinh tế.”  (Đài Tiếng Nói Việt Nam)

Nhưng không riêng gì Mạnh mà cả  khi Trần Đức Lương còn là Chủ tịch Nước đi thăm Tầu tháng 7/2005 cũng bị Thủ tướng Tầu là Ôn Gia Bảo thúc bách mau chóng thi hành thỏa hiệp khai thác Bô-xít ở  tỉnh Đắk Nông.

Đến khi Hồ Cẩm Đào  kết thúc chuyến thăm Việt Nam ngày 17-11-2006, hai bên cũng lại nhắc đến cam kết hợp tác Đắk Nông trong Thống cáo chung.

Đến phiên Nguyễn Minh Triết  đi thăm Tầu từ 15 đến 18-5-2008 thì  Hồ Cẩm Đào lại nhắc lại chuyện phải xúc tiến việc khai thác Bô-xít tại Đắk Nông.

Nhưng tại sao lại chỉ thấy Tầu nhắc đến dự án  Đắk Nông mà không nói đến Lâm Đồng?

Vì Đắk Nông (tỉnh Quảng Đức dưới thời Việt Nam Cộng Hòa) nằm gần Ngã Ba Biên giới Việt-Miên-Lào, là vị trí chiến lược Quốc phòng và Chính trị quan trọng nhất của Tây Nguyên.

Có tin cho hay đảng CSVN dự tính mở Xa Lộ nối liền Đắk Nông với Ngã Ba Biên giới để giao thông kinh tế-thương mại giữa 3 nước Việt-Miên-Lào.

Như vậy, nếu Tầu nhảy vào được Tây Nguyên thì giấc mơ “quản lý”  Bán đảo  Đông Dương  có còn xa không ?

Hãy đọc Báo cáo của Thiếu tướng Công an, Phó Giáo  sư, Tiến sỹ  Lê Văn Cương phổ biến trên một số mạng lưới điện  tử toàn cầu: “Trung Quốc vào Tây Nguyên là họ đã có điều kiện khống chế đối với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện nay Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri - sát biên giới tỉnh Dak Nông với thời gian 99 năm, và Trung Quốc đã làm chủ các dự án kinh tế lớn ở tỉnh A-Ta-Pu - tỉnh cực Nam của Lào, giáp với Việt Nam và Campuchia (tại ngã ba Đông Dương). Đây là hậu họa khôn lường đối với an ninh quốc gia. Không rõ những người quyết định cho Trung Quốc vào Tây Nguyên có biết điều này không?”

Chưa thấy câu hỏi của Thiếu tướng Lê Văn Cương được trả lời, nhưng ai cũng biết sau thời gian có sức ép của Trung Hoa đối với Lãnh đạo đảng CSVN từ 2001 đến 2006, hai bên Việt-Tầu đã xúc tiến mau hơn các thỏa hiệp giữa Tập đòan Khoáng sản Việt Nam (TKV) với Công ty Chalco  của Tầu để khai thác Bô-xít tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Đáng lẽ những việc làm to lớn này phải được trình cho Quốc hội xem xét, nhưng đảng CSVN vịn cớ số lượng sản xuất chưa tới  1 triệu tấn một năm nên không cần phải trình với  Quốc Hội.

Theo dự kiến, mỗi năm sẽ có 600 ngàn tấn Alumina được  sản xuất từ  Tân Rai (Lâm  Đồng)  và 600 ngàn tấn (mới tăng từ  300 ngàn) từ Nhân Cơ (Đắk Nông).

Bộ Công Thương của Việt Nam nói : “Theo một số điều tra, đánh giá, vùng đất Tây Nguyên có trữ lượng bauxite khoảng 5,4 tỷ tấn.”

LÙI ĐỂ TIẾN XA HƠN?

Nhưng cũng vì những hành động độc tài này mà một làn sóng phản đối đã nổi lên từ đầu năm 2009 khiến đảng phải co vòi nhượng bộ bằng Kết luận ngày 24-4 (2009) ra lệnh cho Chính phủ làm ngay một số việc cơ bản:

1)  “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện.”

2) “Chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài; sử dụng lao động trong nước, chỉ sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài khi cần thiết, lựa chọn công nghệ hiện đại; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.”

3) “Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện. Quá trình triển khai hai dự án này cần thực hiện tốt việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác.”

Những chỉ đạo này có tính nguyên tắc và lý thuyết nhằm giải tỏa thắc mắc  và áp lực của dư luận, nhưng sau đó vào ngày 29-4 (2009) Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ thị cho các Bộ liên hệ phải nghiên cứu lại kế họach để trình với Hội nghị Trung ương đảng và Quốc Hội.

Hai việc này trước đây chưa hề được đặt ra, nhưng cũng không nên qúa lạc quan về quyết định của Dũng, bởi vì Trung ương Đảng và Quốc Hội cũng đếu là người của đảng. Hơn nữa, dù phản ứng trong và ngòai nước lên cao chưa từng có đối với một dự án kinh tế, nhưng Quốc hội và  Ban Chấp hành Trung ương đảng vẫn ngậm tăm để tiếp tục ăn lương tháng.

Đại biểu Quốc Hội duy nhất  của Khóa 12 đã lên tiếng phản  đối kế họach khai thác Bô-xít là ông Nguyễn Lân Dũng, Giáo sư, Tiến sỹ. Ông Dũng còn là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam.

Tuy nhiên cùng lúc với nhượng bộ của đảng và nhà nước thì Ban Tuyên giáo Trung ương lại chỉ thị cho một số cán bộ viết bài lên án những người chống đối có ý đồ xuyên tạc.

Bài viết của Hà Văn Thịnh trên báo Lao Động ngày 27/04/2009  là bằng chứng của luận điệu chụp mũ như thế : “Chủ trương khai thác bauxite có từ Đại hội IX, có nghĩa là đã rất lâu và đã được cân nhắc, suy xét kỹ càng. Một số phần tử muốn chống phá công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta, đã mưu toan lợi dụng, tung những tin đồn thất thiệt, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc hòng "diễn biến hoà bình" để phá vỡ sự ổn định của chúng ta….”

 “ …Qua "vấn đề bauxite", phải rút ra những bài học sắc sâu về sự hiểu biết và dư luận. Đa số người dân không hiểu tường tận sự thật của vấn đề nên dễ bị lợi dụng và bị kích động, đưa một chuyện riêng về kinh tế thành "nguy cơ" về chính trị, an ninh. …Trách nhiệm của giới trí thức là rất lớn trong việc đánh giá, xem xét các lợi ích cục bộ và lợi ích tổng thể, kịp thời và chính xác trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước trước những nhiệm vụ cấp bách, liên quan đến sự nghiệp của dân tộc, tương lai của đất nước. Đảng lắng nghe và thấu hiểu ý kiến trí thức, nhưng không có nghĩa bỏ qua việc một số người lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá”.

Như vậy  đảng có còn đủ bình tĩnh để nghe những tiếng vỡ của Bô-xít vọng lên từ dưới mắt xích xe ủi  của Trung Quốc  hay vì đã ngủ mê mà quên luôn cả bổn phận giữ nước?

Phạm Trần
(05/09)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 699 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0