Lê Trung Thành
(Blogger Blacky)
Từ khi Internet có mặt ở Việt nam thì nhà cầm quyền đã dựng nhiều bức
tường lửa để chặn hết các website có những tiếng nói chính trị đối lập,
và ra sức bưng bít thông tin, tuyên truyền một chiều, Đảng bao giờ cũng
là là đạo đức là văn minh, người dân có thể nghĩ khác những gì Đảng
nghĩ, vì Đảng chưa phát minh ra máy móc để kiểm duyệt suy nghĩ của
người dân, nhưng người dân chỉ được phép nói những gì Đảng cho nói ,
làm những gì Đảng cho phép làm, còn người nào dám bất đồng chính kiến
thì sẽ bị trừng trị theo điều 88 của Bộ Luật hình sự về tội tuyên
truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam và sẽ bị tù từ 3 đến 12 năm
(Một tội danh rất đỗi quen thuộc ở các quốc gia độc tài).
Một bước ngoặt to lớn về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam chính là việc
ra đời dịch vụ Blog, nhưng từ đây cũng diễn ra nhiều cuộc chiến gay go
giữa blogger và nhà cầm quyền.
Riêng bản thân tôi tham gia sinh hoạt blog từ năm 2006 và đã có 2 lần
phải “chuyển nhà” vì bị một “nhóm người xấu” liên tục đánh phá bằng
nhiều thủ đoạn khác nhau. Ở đây cần phải nói thêm rằng người dân Việt
Nam từ những ngày đầu chập chững làm quen với internet đã chọn dịch vụ
Yahoo Messenger làm phương tiện liên lạc phổ biến, chính vì thế nên khi
Yahoo ra mắt dịch vụ Blog Yahoo 360 thì rất nhiều người Việt Nam đã
hưởng ứng và xây dựng một cộng đồng blogger lớn mạnh như ngày hôm nay.
Mới đầu một số blogger chỉ đơn thuần là quan tâm đến hiện tình đất nước
tìm đến nhau để chia sẽ thông tin ,rồi dần dần qua một thời gian ngắn
với nhiều khó khăn và thử thách , nhiều người đã trở thành nhưng cây
bút chính trị cứng cáp và thu hút được nhiều sự chú ý, điển hình như Blog Vàng Anh, Blog Công Lý Sự Thật
(nhà báo tự do Tạ Phong Tần) và rất nhiều blogger khác nữa. Họ đã dũng
cảm nêu lên nhiều vấn đề chưa sáng tỏ của lịch sử , họ thẳng thắn tố
cáo những hành vi tham nhũng, lạm quyền của giới quan chức và vạch trần
nhiều tội ác man rợ mà Đảng Cộng Sản đã gây ra trong gần một thế kỷ qua.
Chính vì sự bùng nổ thông tin một cách mạnh mẽ chưa từng thấy đó, đã
gây hoang mang cho giới cầm quyền Việt Nam. Cuối năm 2008 họ ban hành
thông tư quản lý Blog trong đó ở điều 6, nghị định 97/2008 của Thủ
tướng Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, trong
đó có ghi rõ nghiêm cấm đăng tải những thông tin chống lại nhà nước
CHXHCN Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở những lời đe dọa mà họ đã có
những hành động đàn áp và khủng bố nhiều blogger bất đồng chính kiến.
Điển hình là Blogger Điếu Cày (nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải) người có
những hoạt động đòi tự do dân chủ và biểu tình lên tiếng “Hoàng Sa
Trường Sa là của Việt Nam” đã bị bỏ tù 30 tháng với tội danh “trốn
thuế” .
Nếu ở những quốc gia tự do dân chủ thì báo chí được xem là đệ tứ quyền
(ngoài tam quyền phân lập Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp), thì ở Việt Nam
báo chí chính là một công cụ, một vũ khí để bảo vệ Đảng và báo chí sẵn
sàng xuyên tạc, vu khống bất kỳ một cuộc đấu tranh hay bất kỳ cá nhân
nào dám bất đồng chính kiến.
Trong vụ án giáo dân Thái Hà đòi đất, nhà nước đã sử dụng nhiều tờ báo
đế xuyên tạc nhóm giáo dân, tờ báo Hà Nội Mới gọi họ là thế lực thù
địch phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Phòng luật sư pháp quyền của
Luật sư Lê Trần Luật người nhận bào chữa cho giáo dân Thái Hà cũng đã
bị chính quyền hai lần cưỡng chế tịch thu nhiều máy móc trang thiết bị.
Báo chí trong nước đã mở chiến dịch bôi xấu luật sư và phụ tá của ông
là cô Tạ Phong Tần đễ rộng đường cho việc bắt giam, họ tuyên bố : “sẽ
bắt ông về tội Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt nam” theo điều
88 bộ luật Hình sự.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người nổi tiếng với nhiều bài viết thẳng
thắn tố cáo tội ác của nhà cầm quyền đã phải gánh chịu 10 trận mưa phân
tươi trộn dầu nhớt do “Đảng” phun vào nhà. Và rất nhiều blogger trong
nước khác như : Anh Ba SG, Đông A, Thiên Sầu, Trăng Đêm ... đều được bộ
máy công an xếp vào diện chăm sóc đặc biệt.
Còn tôi, vì may mắn đang trong thời gian học tập tại Đài Loan nên tôi
có cơ hội được tự do nói lên sự thật mà không bị bỏ tù, nhưng gia đình
của tôi đã nhiều lần bị công an đến sách nhiễu mặc dù cha mẹ tôi không
hề liên quan gì đến việc tôi làm, họ còn ra sức ép đòi tôi phải dừng
ngay việc viết blog lại vì blog của tôi thu hút được nhiều người đọc và
cả sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, và khi con số page view
của blog đạt gần 1 triệu thì đột nhiên tôi ko thể truy cập vào blog của
mình, lúc đầu thì tôi nghĩ rằng blog mình bị “bọn xấu” phá hoại nhưng
sau đó thì được biết là Yahoo đã tước quyền đăng nhập của tôi.
Blog của tôi chỉ viết về chính trị và không hề vi phạm những điều khoản
của Yahoo, vậy mà trong cả 2 lần gởi email và 2 lần gọi điện trực tiếp
thì Yahoo đều trả lời vòng vo và không cho tôi biết nguyên nhân cụ thể
nào mà Yahoo đã tước quyền đăng nhập của tôi!. Một điểm đáng chú ý là
trước đó theo ông Vũ Minh Trí, Trưởng đại diện của Yahoo! Đông Nam Á
tại Việt Nam cho biết: “Yahoo sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo một mạng xã hội trực tuyến trong sạch, lành mạnh”.
Tôi nói lên điều này để nhấn mạnh rằng , khi xem xét về vấn đề xâm hại
đến tự do ngôn luận, thì không những chỉ quan tâm đến các hành vi từ
phía nhà cầm quyền mà còn từ phía nhà cung cấp dịch vụ nữa .
Lê Trung Thành
(Blogger Blacky)
Lê Trung Thành, du học sinh ngành kiến trúc tại Đài Loan
Bài viết đã được Người Sài Gòn lược dịch, và đăng trên website của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (Commitee to Protect Journalists - CPJ) http://www.cpj.org
.
|