Thứ Tư, 2025-01-22, 7:20 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 9 » Nhân một năm gặp "tai họa nghề nghiệp" về vụ PMU18
7:17 AM
Nhân một năm gặp "tai họa nghề nghiệp" về vụ PMU18
Nguyễn Việt Chiến



Nguyễn Việt Chiến bên con trai và con gái ngày trở về 17-1-2009


2 tháng trước lúc gặp tai họa- ảnh chụp tại Đà Lạt


4 ngày trước khi bị bắt - ảnh do con trai nhỏ 5 tuổi chụp
bên chậu mai vàng nở muộn tại nhà riêng



Khi bị bắt giữ tại Tòa soạn Báo Thanh Niên ở Hà Nội ngày 12-5-2008

Thế là tròn một năm ngày các nhà báo gặp “tai họa nghề nghiệp” về vụ PMU18. Trong cái ngày kinh hoàng ấy, 12-5-2008, khi bị áp giải lên xe về khám nhà và nơi làm việc, tôi chỉ kịp gọi điện thoại cho người thân đưa 2 đứa con còn nhỏ của tôi ra khỏi nhà, để tránh việc phải chứng kiến cảnh tôi bị bắt giữ. Cho đến hôm nay, bao nhiêu người còn hỏi tôi rằng “Sao khi bị bắt đi, anh vẫn tươi cười vẫy tay chào bạn bè đồng nghiệp một cách tự tin như vậy?”. Tôi nói với mọi người rằng: “ Không hiểu sao trong giờ phút lâm nguy ấy, một niềm tin về lẽ phải và sự công bằng bừng ngộ trong tôi như một thứ ánh sáng dẫn đường trong suốt chuỗi ngày gặp tai hoạ”. Chắc các bạn còn nhớ, trước khi bị đưa về nơi tạm giam, tôi còn ngẩng cao đầu khẳng khái tuyên bố rằng: “Tôi không có tội gì hết, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời 2 luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình”. Tôi đã giữ đúng lời hứa ấy tại phiên tòa xét xử tôi sau đó 5 tháng…

 
Bên bố đẻ và em gái ngày trở về

Nếu không nuôi giữ được niềm tin cao cả ấy trong đời sống tinh thần của mình suốt 251 ngày hoạn nạn, thì làm sao tôi có thể ngẩng cao đầu gặp lại anh em bè bạn ngày trở về.Thấm thoát đã một năm kể từ ngày tôi gặp tai họa nghề nghiệp, bao nhiêu đau khổ, buồn bã cũng phần nào vơi đi trước tình cảm ấm áp, chia sẻ, đùm bọc của người thân trong gia đình và bạn bè văn chương, báo chí. Tôi biết rằng họ đã sống cho tôi và tôi cũng sống vì họ, vì niềm tin lành lặn nơi con người trên thế gian đầy bất trắc và nhiều thương đau này.

   Cảm ơn bạn, những người tôi yêu mến
   Như anh em như máu thịt của mình
   Trong thế kỷ đã quá nhiều đổ vỡ
   Ta gắn hàn chút giá trị mong manh



Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Quốc Phong- Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên,
lúc bị khám xét nơi làm việc tại Tòa soạn ngày 12-5-2008


Mấy câu thơ trên, tôi viết cách đây 10 năm, giờ đây lại như một lời tri ngộ để tôi biết ơn mọi người. Đối với cuộc đời tôi, con đường đầy gian truân, thử thách trong mấy chục năm làm báo đã trui rèn tôi,hun đúc tôi không ngưng nghỉ, đến mức tôi nghĩ mình luôn phải đối mặt, phải chiến đấu vì một lẽ cao cả bình thường tốt đẹp nào đó vì con người.Tôi không tin  phẩm chất ấy lại là một sự sáo rỗng cao thượng, luôn tìm cách vẫy gọi và nhấn chìm con người trong những khoảnh khắc ngộ nhận. Và tôi tin rằng, để sống được trên cuộc đời này, con người ta không thể đầu hàng số phận và phải biết vượt lên như cách một nhà thơ vượt qua rào cản của mọi thể chế ngôn ngữ để ngợi ca cái đẹp và nâng cao con người.

 
Bên bạn bè văn chương, báo chí ngày trở về, từ trái qua phải: Phạm Xuân Nguyên,
Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Hải Vân, Phạm Ngọc Tiến


Cách đây ít hôm, nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi ra chơi Hà Nội với bạn bè. Anh em gặp gỡ nhau, chia sẻ và thương cảm lắm. Tôi còn nhớ nhà thơ Thanh Thảo đã viết về tai họa nghề nghiệp của tôi như thế này:

“Nhà báo là một nghề nguy hiểm. Điều đó ai cũng biết, vì thế giới đã xếp hạng độ nguy hiểm của nghề này. Không chỉ trong chiến tranh, trong các cuộc xung đột và bạo loạn, những nhà báo bám sát hiện trường đưa tin phải chịu nguy hiểm đến tính mạng, mà ngay trong hòa bình, mỗi khi phải đối mặt với những thế lực đen tối như các băng nhóm mafia hay xã hội đen, những loại tội phạm có tổ chức, nhà báo cũng thường trực chịu nguy hiểm. Những nhà báo của chúng ta, trong đó đặc biệt là các nhà báo của Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ- hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng dưới mọi hình thức nhằm bảo vệ sự trong sáng của cuộc sống cũng tức là góp phần tích cực bảo vệ chế độ này- đã không ít lần chịu nguy hiểm và đã cảm nhận rất rõ sự nguy hiểm đe dọa mình mỗi khí tác nghiệp.


Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo

   Tôi biết anh Nguyễn Việt Chiến bắt đầu từ là nhà thơ, một nhà thơ có tài và đau đáu với những cách tân đổi mới thơ Việt đương đại. Một nhà thơ táo bạo nhưng lành sạch và sống có lý tưởng. Và từ khi đọc những bài viết của anh với tư cách là một nhà báo của Báo Thanh Niên, tôi càng yêu mến và quý trọng anh hơn. Nguyễn Việt Chiến đã đưa sự ngay thẳng, lành mạnh, nhạy bén của một nhà thơ vào nghề báo. Tôi nghĩ, dù phải chịu nghịch cảnh, nhưng bằng tấm lòng trong sáng với cuộc sống, bằng tình yêu đất nước và nhân dân mình thể hiện qua sự nghiệp báo chí, các anh đã và sẽ tiếp tục được nhân dân tin cậy và yêu mến. Sự đồng cảm của nhân dân sẽ là niềm an ủi thiết thực nhất. Tôi vẫn tin, rồi sự thật sẽ phân minh, và công lý sẽ chiến thắng”


Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng trường PTTH Mariecurie
đến đón Nguyễn Việt Chiến lúc ra trại


Nhân một năm ngày tôi gặp tai họa nghề nghiệp vì việc đưa tin vụ án PMU18, Thanh Thảo nói với tôi: Em bị bắt vào mùa hạ, tới mùa thu thì ra tòa lãnh án, mùa đông thì ở tù, còn mùa xuân lại được trở về đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Vậy sau một năm, có thơ rằng:

Hạ ăn chuyên án, Thu ăn án
Đông tắm ao tù, Xuân tắm thơ



Bút tích của nhà thơ Thanh Thảo tặng Nguyễn Việt Chiến

Hai câu thơ trên, nhà thơ Thanh Thảo đã mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm để “diễn giải” chuyện tai họa của tôi:

Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao


 
Trong buổi gặp gỡ ấy, nhà thơ Thanh Thảo nói vui: “Kể từ khi mày bị bắt, thu nhập nghề báo của anh giảm hẳn, các bài Chào buổi sáng trên Thanh Niên cứ thưa dần đi, mày ra rồi, may ra tao dần hồi phục…”.Anh em lại cười ra nước mắt, rồi Thanh Thảo kể tôi nghe chuyện, chỉ vài ngày sau khi tôi bị bắt, nhà thơ Ngô Thế Oanh ở Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đưa chùm thơ 4 bài của tôi lên hỏi ý kiến nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để in ngay trong số Tạp chí thơ tháng 5-2008. Mới đầu nhà thơ Hữu Thỉnh nói là để suy nghĩ cái đã, sau khi cân nhắc một giờ đồng hồ, ông quyết định in cả chùm thơ 4 bài của tôi. “Phải nói trong vụ này, Hữu Thỉnh được lắm đó”-Thanh Thảo cười nói. Ông kể thêm chuyện hôm ra họp Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam (khoảng 3 tháng sau khi tôi bị bắt),ông cùng hai nhà thơ Ngô Thế Oanh, Nguyễn Quang Thiều đề nghị mọi người quyên góp để chia sẻ với một nhà thơ đồng nghiệp gặp tai họa như tôi, và ý kiến ấy đã được nhiều người hưởng ứng.


Nhà thơ Thanh Thảo cạnh bài thơ Đàn guyta của nhà thơ Lorca

Dưới đây là 4 bài thơ của tôi đã in trong số Tạp chí Thơ ra tháng 5-2008. Năm tháng sau, 15-10-2008, sau phiên tòa xét xử hai nhà báo, tướng Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh, gia đình tôi mới gửi được vào trại cho tôi cuốn Tạp chí Thơ đáng ghi nhớ nói trên. Đêm ấy, khi đọc cho các bạn tù nghe 4 bài thơ mới in này, nước mắt tôi cứ trào ra không sao cầm được. Bởi lúc ấy, hơn bao giờ hết, tôi thấu hiểu rằng, chỉ có thơ mới cứu rỗi và nâng đỡ được con người qua tháng ngày khổ đau ấy- Thơ ơi, thơ đã ở trong tôi, đã sống cùng tôi, đã tuyệt vọng với tôi và đã bừng tỉnh hy vọng nơi tôi trong suốt 251 ngày u ám ấy…


Cuốn Tạp chí Thơ tháng 5-2008 in chùm thơ 4 bài của tôi còn thấm đẫm
nước mắt những ngày hoạn nạn



Sau ngày trở về -ảnh chụp tại một ngôi tháp Chàm ở Mũi Né, Bình Thuận



Nguồn gốc của thi ca

Ngôn ngữ đi qua em
Để thắp một ngọn đèn
Bình yên
Đưa con người vượt qua tăm tối

Âm nhạc chảy qua em
Để khơi nguồn một dòng sông
Cho con người ước mơ

Đêm nay
Trong một căn gác tối Hà Nội
Đêm nay
Bên cạnh một nỗi buồn bị lãng quên
Con người mơ thấy em

Khi đi tìm
Nguồn gốc của thi ca
Con người chợt nhận ra
Đời sống chỉ là một cơn mơ
Ngắn ngủi
Trong giấc ngủ dài tối tăm
Có tên là cái chết

Nhưng chính sự nẩy mầm
Của những câu thơ
Đã vượt lên cõi chết
Như một thông điệp đỏ
Của những hồng cầu đang đòi tái sinh

Khi một hạt cát
Tìm đường vượt qua
Cơn khát của chính số phận mình
Nó bị ngăn cản bởi một hạt cát khác
Cũng đang tìm đường vượt qua bóng đêm

Cứ thế những hạt cát cản đường nhau
Và trở thành sa mạc

Nhưng nếu chỉ thế
Cũng không có gì lạ

Bởi con lạc- đà -thi- ca
Đã từng cõng một cơn khát trên lưng
Đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn
Để vượt qua hoang mạc


Ga Hàng cỏ dọc đường Nam bộ

Thưa mẹ
Ba mươi ba năm trước
Tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ

Mẹ về
Nước mắt dọc đường Nam Bộ
Đứt từng khúc tầu đêm

Ba mươi ba năm sau
Ga không còn Hàng Cỏ
Phố không còn Nam Bộ

Con của mẹ
Vẫn mãi mười tám tuổi
Như chuyến tầu ngày ấy không về

Mẹ ở lại một mình
Không phố, không ga, không tất cả

Còn gì để nhớ
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ

Thưa mẹ
Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
Trong con vẫn còn một chuyến tầu
Ba mươi ba năm trước chưa trở về

Phải chăng vì thế những câu thơ bây giờ
Vẫn phải lên đường làm một cuộc ra đi


Người vẽ
Tặng Thành Chương

Không gian của anh
Một thế giới
Đang thở
Trong sự sống của màu

Những cuốn sách bị dồn về một phía
Những đứa trẻ trốn chạy
Những đổ vỡ bị dồn về một phía
Cùng với niềm tin

Chỉ còn lại những bức tường
Trống rỗng và khản đặc
Cái đẹp bị dồn về một phía
Sự bất hạnh và cô đơn
Bị dồn về một phía


Trong tuyệt vọng con người
Nét vẽ của anh
Như một cây cầu
Mong manh
Nối hai bờ đời sống

Có một người đàn bà
Đang cắm hoa
Trong một người đàn bà khác
Vừa rời bỏ bức vẽ này
Trở lại trần gian

Có một đứa trẻ
Cất giấu
Trong chiếc tủ bí mật của mình
Một đứa trẻ khác

Và anh
Nét vẽ giản đơn
Nâng đỡ cây cầu
20-4-2004

Bài ca cô đơn

Buổi chiều vừa bị người say đập vỡ ngoài kia
Những mảnh cốc trong veo đáy trời

Rồi bóng đêm nuốt hết

Bên máy nước mùa thu
Hai người đàn bà cãi nhau
Mấy con chim bồ câu lặng lẽ chợt bay lên
Như cảm thông với nỗi khó nhọc của con người

Cái đám đông tụ tập trên đường
Xung quanh ông thầy bói mù huyên náo
Phán những điều mất còn của hạnh phúc rủi ro
Rót vào lỗ tai sự tiên tri sấp ngửa của hai đồng tiền cổ

Trong thành phố
Thay dần cho tiếng gà sớm bình yên
Là tiếng tru lên đục ngầu của bầy chó dữ
Biến ban mai thành chiếc giẻ lau nhầu nát
Trên cái mặt bàn ướt đẫm mồ hôi của những mưu toan

Những trâu bò sống trong rơm cỏ đã ngàn năm
Những giấc mơ bùn đất ngủ im giữa cuốc cày
Ta là kẻ lưu đầy trong nhẫn nhục

Chiếc váy của em khe khẽ hát bài ca thân thể
Sự chuyển động mơ màng từ ngực đến chân
Tiếng thở dài khoả thân trong giấc ngủ
Ngọn lửa thân hình em cháy xiết dưới ngực mình
Rồi bóng đêm nuốt hết

Nhưng nếu mọi thứ trên đời
Bóng đêm đều nuốt cả
Chúng mình còn gì để yêu nhau
Vượt qua bóng đêm
Anh tới ngồi bên những vì sao xa vắng
Khẽ hát bài ca cô đơn của những người luôn thất bại
Dẫu suốt đời không hiểu vì sao
Rồi bóng đêm nuốt hết


(4 bài thơ trên đã in trong số Tạp chí Thơ tháng 5-2008 của Hội nhà văn Việt Nam)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 806 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0