Tại diễn đàn thường niên về nhân quyền của LHQ, Việt Nam mời năm đặc phái viên nhân quyền quốc tế đi thị sát tình hình trong nước.
Hãng tin Reuters nói các cố vấn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ tìm hiểu Việt Nam trong năm lĩnh vực.
Đó là lương thực, giáo dục, y tế, nhóm người nghèo cùng cực, và nợ nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm Việt Nam mời đặc phái viên nhân quyền vào đánh giá tình hình quốc gia.
Trong khi đó lên tiếng tại diễn đàn của Ủy hội Nhân quyền, phiên họp xem xét thành tích nhân quyền của Việt Nam, đại sứ Anh tại Cơ quan LHQ ở Geneva, Peter Gooderham, nói ông quan ngại với tự do phát biểu, tự do báo chí, và án tử hình tại Việt Nam.
Ông Gooderham thừa nhận Việt Nam có một số cải thiện trong tự do tôn giáo.
Đại diện của Mỹ kêu gọi Việt Nam công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất và cho tổ chức này hoạt động độc lập.
Giáo hội này đã bị nhà nước cấm hoạt động từ năm 1981.
Mỹ cũng kêu gọi Việt Nam thả tù nhân chính trị, những người bị bắt giam theo điều khoản bảo vệ an ninh quốc gia, điều luật được cho là mang tính không rõ ràng.
Thành tích
Trưởng đoàn Việt Nam, thứ trưởng ngoại giao thường trực Phạm Bình Minh, nói Việt Nam đạt được nhiều thành tích trong việc bảo đảm quyền của người dân.
Ông nói các hoạt động tôn giáo đã nhộn nhịp hơn trước, người thiểu số tham gia hoạt động chính trị và xã hội ngày càng nhiều.
Và ông Minh thừa nhận bộ máy chính quyền đã phạm một số "khuyết điểm" (shortcomings) kể cả chuyện làm "làm sai" (wrongdoings), theo bản tin của hãng Reuters.
Tuy nhiên ông đổ lỗi cho cán bộ thừa hành vì họ đã không "hiểu về nhân quyền". Và công nhận đây là thách thức cần giải quyết của Hà Nội.
"Thật không may khi vẫn còn các thông tin thiếu cơ sở và chúng tôi bác bỏ cáo buộc có dụng ý xấu về dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam," ông Minh nói.
Theo ông đến nay Việt Nam vẫn là nạn nhân của các "hành động thù nghịch" như "khủng bố, phá hoại, hành vi gây bất ổn, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia."
Thành tích nhân quyền của Việt Nam vừa được xem xét kỹ lưỡng tại diễn đàn gồm 47 nước thành viên họp tại Geneva, Thụy Sĩ. Các quốc gia thành viên của LHQ sẽ lần lượt bị soi rọi về nhân quyền, theo cơ cấu hoạt động mới của Ủy hội nhân quyền LHQ.
Phản đối
Trong khi đó đại diện các nhóm tranh đấu cho nhân quyền ở hải ngoại đã đệ trình cho Ủy hội Nhân quyền của LHQ bản tường trình về "vi phạm nhân quyền tại Việt Nam."
Tường trình, được các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế hậu thuẫn, cáo buộc Việt Nam bóp nghẹt tự do báo chí và ngăn cấm kết nối internet để "bịt miệng những người chỉ trích."
Tài liệu nói đến nhà nước cộng sản dùng điều khoản buộc tội "gián điệp" để bắt giam những người đối kháng khi họ đăng chỉ trích chính phủ trên mạng intenet.
Đại diện của Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Paris cho hãng Reuters hay, Việt Nam có "nhiều ngàn tù nhân chính trị, bị bắt giam bằng nhiều cách khác nhau, kể cả quản thúc tại gia."
Trong lúc diễn đàn nghe báo cáo nhân quyền của Việt Nam một số người Việt hải ngoại đã tổ chức phản đối tại Geneva. Theo họ phản đối nhằm thu hút sự quan tâm của thế giới tới "phiên xét duyệt nhân quyền hiếm hoi dành cho Việt Nam."