Hàng trăm người Việt Nam tại hải ngoại, những người chỉ trích
thành tích nhân quyền ở Việt Nam đã tiến hành một cuộc biểu tình ở
Geneve, Thụy Sĩ vào ngày thứ Sáu trong lúc Hội đồng Nhân Quyền Liên
Hiệp Quốc tiến hành đánh giá thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt
Nam.
Đại diện Liên đoàn Khmer Krom, ông Mannrinh Trần, cũng cho hay có
khoảng 400 đến 500 người Khmer đến từ Canada, Hoa Kỳ, Ý, Thuỵ Sĩ, Pháp
và các nước lân cận đã tham gia biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hiệp
Quốc ở Geneva.
Ông Mannrinh Trần cho biết về ý nguyện của những người biểu tình như
sau: “Hôm nay chúng tôi đồng bào Khmer Krom đến đây tại Geneva, Thụy Sĩ
biểu tình để đòi chính quyền Việt Nam trả lại đất đai cho đồng bào, đất
đai này là của cha truyền con nối từ ngàn năm nay chứ không phải của
nhà nước. Chúng tôi yêu cầu nhà nước làm lại luật để trả lại đất đai
cho đồng bào. Thứ nhì là vấn đề tôn giáo, Khmer Krom có khoảng 500 ngôi
chùa, 20,000 nhà sư mà không có giáo hội thống nhất. Chúng tôi cũng yêu
cầu nhà nước trả lại cho người Khmer Krom quyền được thành lập giáo hội
riêng biệt không nằm dưới sự kiểm soát của cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc."
Ông Mannrinh cũng cho hay cộng đồng người Khmer Krom cũng yêu cầu Liên
Hiệp Quốc gây áp lực để chính phủ Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền
cho người Khmer Krom nói riêng và cho đồng bào Việt Nam nói chung.
Trong khi đó, theo bản tin hôm thứ Sáu của Reuters thì những người Việt
Nam sống lưu vong với sự hỗ trợ của một tổ chức nhân quyền quốc tế đã
trình một báo cáo lên Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam đàn áp những
người bất đồng chính kiến và người dân tộc thiểu số, trấn áp tự do báo
chí, hạn chế việc truy cập internet.
Trong báo cáo được trình lên Hội đồng Nhân quyền, họ đã yêu cầu Việt
Nam trả tự do cho các tù nhân chính trị bị giam giữ theo những điều
khoản mơ hồ về an ninh quốc gia của luật pháp Việt Nam.
Theo báo cáo của Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam và Liên đoàn
Quốc tế Nhân quyền thì những vụ quản chế hành chính, trấn áp tôn giáo,
đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, bóp nghẹt tự do báo chí cũng như
việc sử dụng tràn lan án tử hình là những vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Bản báo cáo cũng nói rằng giới hữu trách Cộng sản thường xuyên sử dụng
tội danh làm gián điệp để bắt giam những người bày tỏ chính kiến bất
đồng trên mạng Internet.
Bà Penelope Faulkner, thư ký điều hành của Ủy ban Bảo vệ quyền làm
người Việt Nam nói với hãng tin Reuters rằng có hàng ngàn tù nhân chính
trị trên khắp nước và họ bị giam giữ dưới đủ mọi hình thức trong đó có
cả quản thúc tại gia.
Trước đó đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã bác bỏ những
chỉ trích về thành tích nhân quyền ở Việt Nam và gọi những chỉ trích
này là 'vu khống và bóp méo sự thật'.
Đại sứ Việt Nam Vũ Dũng cũng nói rằng những nhà hoạt động lưu vong
không nên được phép thuyết trình tại cơ quan Liên Hiệp Quốc, và nhấn
mạnh rằng Hà Nội thường xuyên tiến hành các cuộc thảo luận về nhân
quyền với Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và các nước khác.
Khi được hỏi về sự phản đối của đại sứ Vũ Dũng, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch
Ủy ban bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, nói rằng các tổ chức phi chính
phủ của người Việt Nam ở hải ngoại phải có quyền lên tiếng trước Hội
đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc trong cuộc thẩm định UPR vì các tổ chức
thuộc xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay đều nằm dưới sự khống chế của
đảng Cộng Sản Việt Nam.
Những nước như Trung Quốc và Cuba có phần chắc cũng sẽ bênh vực cho Hà Nội tại phiên đánh giá của Liên Hiệp Quốc.
|