Thứ Ba, 2024-11-05, 8:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 9 » Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên về giữa Thủ đô
10:28 PM
Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên về giữa Thủ đô

§ Paulus Lê Sơn

Tối hôm nay 08/05/2009, tại giáo xứ Hàm Long, diễn ra đêm giao lưu của văn hoá, của tâm hồn, của tình yêu thương giữa các anh em dân tộc Tây Nguyên và người giáo dân Thủ đô Hà nội. Sau 2 ngày tưng bừng trong tiếng Cồng Chiêng của các bạn dân tộc J’rai tại giáo xứ Thái Hà kỷ niệm 80 năm Thành lập Dòng. Một niềm vui bất tận, chan chứa của anh chị em J’rai và giáo dân Hà Thành đã làm nên một lịch sử trong tình huynh đệ có một không hai trong lịch sử Giáo hội Việt Nam. Đó là Cảm Thông, Chia sẻ, hiệp nhất, yêu thương trong tình yêu của Thiên Chúa tình yêu.

Thánh lễ của anh chị em J’rai…

Đúng 19h tối, Thánh lễ đồng tế long trọng được diễn ra trong ngôi thánh đường đẹp nhất và có lịch sử nhất trong nội thành Hà nội – giáo xứ Hàm long. Chủ tế Thánh lễ là cha Giuse Trần Sĩ Tín và ba cha thuộc dòng Chúa Cứu Thế, cùng với cha Triệu - phó xứ Hàm long, gần một nghìn giáo dân tham dự. Phần hát lễ do anh chị em J’rai đảm nhận. Thánh lễ đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần trong anh chị em J’rai, họ đã thể hiện một sự sống đạo hết sức tâm linh, phong phú, đậm đà bản sắc của sắc tộc, như Chúa đang ở trong chi thể của họ và họ cũng chìm đắm trong ân sủng của Chúa. Lời kinh tiếng hát nhịp nhàng theo những cử chỉ tương giao của chi thể nhân vị và chi thể Thiên Chúa.

Lời Chúa được cha Giuse Trần Sĩ Tín chia sẻ trong tâm tình của một vị mục tử nhân lành gần gũi nhất với anh chị em. Cha là người con của chính giáo xứ Hàm long, Ngài đã vào trong Nam khi biến cố năm 54 mà chính quyền gây ra cho Giáo hội Miền Bắc. Giữa Thái Hà – Hàm Long và Tây Nguyên là một mối liên kết không thể tách rời trong đời sống tu trì của Ngài. Ngài được sinh ra tại giáo xứ Hàm Long, bước vào đời sống tu trì tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, và gần như cả cuộc đời của ngài gắn bó với anh chị em dân tộc Tây Nguyên. Chia sẻ về hành trình truyền giáo cho anh chị em trên vùng Cao Nguyên, ngài nói "hành trình này là công cuộc tìm kiếm Chúa qua anh chị em sắc tộc của mình". Hành trình đưa Tin Mừng, ánh sáng của Chúa cho họ bắt đầu từ năm 1969. Theo bài sai của bề trên, cha cùng với ba thừa sai khác đã bắt đầu hành trình công cuộc truyền giáo cho anh chị em J’rai với đầy gập gềnh, truân chuyên. Các thừa sai đã gặp muôn vàn khó khăn nhưng các ngài vẫn kiên trung và can đảm rao rảng Tin Mừng. Các ngài đã bị bắt bớ, giam cầm, bị đánh đập, bị tù đầy trong suốt một thời gian dài đằng đẳng. Nhờ ơn Chúa quan phòng các cộng đoàn được nhận biết Tin Mừng mỗi ngày nhiều hơn, rộng hơn, mạnh mẽ cả về đức tin và sự hi sinh. Đến thời khắc này, các cộng đoàn anh em dân tộc thiểu số trên vùng Tây Nguyên đã và đang phát triển bền vững, mỗi năm có hàng ngàn lượt người được nhận biết Chúa và đón nhận các phép bí tích gia nhập làm con cái của Thiên Chúa . Đức tin sống đạo mãnh liệt, xác tín trong Chúa và can trường với phường quỉ dữ.

Ngài cũng nhức nhối, thương đau cho anh chị em J’rai vì vấn đề Bôxít, ngài thương anh chị em vì anh chị em "chết mà không biết mình chết". Cha nói: "Chúng tôi ở ngay chính mảnh đất thuộc dự án khai thác Bôxit mà chúng tôi đâu biết. Chúng tôi chỉ nghe thông tin một chiều thôi, chứ đâu có biết tác hại tàn phá môi sinh môi trường của nó đến mức khủng khiếp như các nhà khoa học đã lên tiếng". Vấn đề môi sinh môi trường tự nhiên là rất nguy hiểm, rừng núi, sông suối đầu nguồn sẽ bị phá huỷ nặng nề. Kéo theo là hệ động thực vật muông thú cũng khó sống nổi. Văn hoá, đời sống của các dân tộc thiểu số sẽ như thế nào nếu như mọi thứ sẽ bị đảo lộn, mà khai thác Bôxít xảy ra thì chuyện này hoàn toàn bị cuốn theo. Đó là một mô hình gián tiếp đe doạ, giết chết tinh thần văn hoá của người J’rai của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Thánh lễ cầu nguyện đặc biệt cho sự an sinh, sự bình an, công lý và hoà bình cho vùng đất đỏ cũng như cho dân tộc Việt nam.

Giao lưu thấm đậm tình huynh đệ…

Thánh lễ kết thúc, đoàn đồng tế cùng với anh chị em tiến về tượng đài Đức Mẹ, thắp nến nguyện cầu cho công lý hoà bình được thực thi trên đất nước Việt Nam thân yêu. Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên hoà quyện với dàn nhạc Kèn tây của giáo xứ Hàm Long đã làm cho không gian của Giáo xứ trở nên tưng bừng, rộn ràng, mở ra một đêm giao lưu đầy tràn niềm hứng khởi, tình yêu và hấp dẫn.

Nói đến Không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên hẳn nhiên trong chúng ta đã từng một lần được nghe nói tới nó nhưng để được thưởng thức thì mấy ai có được. Mấy năm gần đây chúng ta nghe nói nhiều về loại hình văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, một thứ văn hoá phi vật thể được Unessco công nhận là di sản văn hoá thế giới. Đó là sự kết tinh văn hoá lâu đời của một bộ tộc người, tạo nên một nền văn hoá tinh thần cho họ không thể tách rời trong cuộc sống. Riêng biệt, đặc trưng của tính cách từng cá thể nhân vị trong bộ tộc, là lối sống cộng đồng, đoàn kết hiệp nhất để phát triển. Cồng Chiêng gắn liền với các điệu múa, như múa Xoang, múa cộng đồng. Cái hay là tất cả mọi người già trẻ, gái trai, lớn bé đều có thể tham gia và hoà chung trong điệu múa nhịp nhảy cùng tiếng Cồng Chiêng. Cồng Chiêng vang vọng núi rừng Tây Nguyên, Cồng Chiêng vang ngân giữa chốn Hà Thành hoa lệ, ồn ào và bon chen.

Người dân Hà nội, Công giáo cũng như lương dân được một dịp thoả mãn trong tiếng Cồng Chiêng ngay tại nhà mình. Tôi nghe mấy chị nói chuyện với nhau, có mấy lần đi xem trong các dịp quảng bá du lịch và giới thiệu văn hoá nhưng chán ngắt. Nói ra mới biết, là cũng có tiếng Cồng Chiêng thật, cũng múa thật, nhưng bản chất thì không thật, vì họ là những diễn viên của các trung tâm văn hoá được thuê để diễn cho nó đẹp đội hình. Làm gì có chiều sâu có tâm hồn và thể hiện chân thành chứ, họ diễn mau qua để lấy tiền thế là hoàn thành. Nhưng hôm nay được thấy tận mắt anh chị em dân tộc tỏ bày nền văn hoá của sắc tộc mình bằng cả tâm hồn trái tim và nụ cười mà sung sướng, hoan hỉ và chân thật. Đúng vậy đấy! Họ tỏ bày cho chúng ta thấy được nét đẹp của dân tộc họ và cũng chính là tâm hồn của mỗi một con người họ. Ở nơi họ ta mới thấy được cái thật của văn hoá lịch sử và đương đại. Tôi nhớ lại một câu nói của vị khách người nước ngoài "nhiều di tích lịch sử và văn hoá của Việt Nam trong những thập niên gần đây là sự giả dối. Đôi khi những người làm văn hoá không tôn trọng nền văn hoá thực tại." Tôi ngỡ ngàng khi nghe họ nói những điều ấy. Người nước ngoài đi du lịch đến những đâu là họ đã tìm hiểu về nơi đó rất kĩ trên nhiều kênh thông tin khác nhau, đôi khi họ đi du lịch chỉ là kiểm chứng lại về lịch sử và hiện tại so với xã hội đương thời của một đất nước nào đó, một dân tộc nào đó, một bộ tộc, hay một chứng tích lịch sử…

Cồng Chiêng, những điệu múa, điệu nhảy, cộng hưởng tất cả những trái tim đang hiện diện trong khuôn viên Thánh đường Hàm Long thành một bản tình ca yêu thương nối dài từ Tây Nguyên đến Thái Hà – Hàm Long. Mọi người say xưa trong tiếng cười rộn ràng, gần gũi thân thiết tay trong tay với những vòng trong đồng tâm. Những tiết mục nơi rừng núi và thành đô đan xen nhau mà thể hiện. Sự kiện có một không hai này là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho con cái của Ngài trải dài khắp từ Cao Nguyên rừng núi xuống đồng bằng, từ miền Nam ra miền Bắc. Đó là một trái tim cùng một dòng máu, cùng một nhịp đập, cùng một nỗi đau, cùng vui cùng buồn, sẻ chia ngọt bùi. Cùng một tiếng nói, cùng một ý nguyện cho công lý và hoà bình. Là sự hiệp nhất trong Giáo hội Duy nhất Thánh thiện và Tông truyền.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương tất cả nhân loại chúng con nên đã hi sinh chính mạng sống mình mà cứu độ chúng con, hết mọi thời, tất cả mọi thành phần, màu da sắc tộc, khắp cả và thế gian này, dù con người hèn mọn tội lỗi nhất Ngài cũng thương xót và thứ tha. Con cầu xin Chúa hãy rũ lòng thương xót chúng con và anh chị em chúng con thuộc dân tộc J’rai, đang chịu ảnh hưởng của dự án khai thác Bôxit, một dự án vô hình chung đe doạ giết chết tinh thần, văn hoá của anh chị em J’rai. Xin Chúa cho họ được giải phóng khỏi án hoạ này để anh chị em có cuộc sống bình an như thánh ý của Chúa. "Bình an cho các con".

Hà Nội 08/05/09

Paulus Lê Sơn

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 875 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 364
Khách: 364
Thành Viên: 0