Thứ Năm, 2025-01-02, 6:17 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 11 » Chủ nghĩa cộng sản biến thể và công cuộc dân chủ hóa đất nước
9:20 AM
Chủ nghĩa cộng sản biến thể và công cuộc dân chủ hóa đất nước

pvhai.blogspot.com



TÌNH HÌNH

Chủ nghĩa Cộng sản khởi thủy đã sụp đổ trong vài năm từ 1989 - 1991, ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Vài quốc gia còn lại vẫn bám víu lấy chủ thuyết phi thực tế của Marx như là một phương tiện để duy trì quyền lực, nuôi dưỡng chính thể độc tài.

Trong hoàn cảnh đặc biệt này, các nước vẫn duy trì CNCS không còn bị ràng buộc bởi những nguyên lý căn bản của học thuyết Marx, đơn giản là vì nó không còn giá trị thực tiễn. Thế nhưng, các nhà nước toàn trị này không chịu từ bỏ CNCS, một phần vì tính chất bảo thủ ý thức hệ, phần vì quyền lợi kếch xù có được nhờ cơ chế độc tài mang lại.

Từ đó, bắt đầu hình thành một Chủ nghĩa Cộng sản biến thể, như một tính năng sinh tồn tự nhiên. Với lý cớ rằng, CNCS (khởi thủy) đã không còn phù hợp với thực tại, cần phải "vận dụng linh hoạt" cho từng quốc gia, từng dân tộc. Tuy nhiên, trong mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đó lại chưa có một học thuyết nào mới mẻ, đủ giá trị triết lý để làm kim chỉ nam dẫn đường. Sự bế tắc về đường lối lý luận cũng như thực tế xã hội đã làm nảy sinh nhiều kiểu biến thể cho CNCS đương đại.

Điểm chung nhất vẫn là dựa vào tính chất độc tài chuyên chế, độc quyền trong truyền thông để phục vụ cho công tác tuyên truyền một chiều. Bên cạnh đó là việc tôn sùng hình tượng cá nhân theo hình mẫu của xã hội phong kiến, nhằm làm chỗ dựa cho sự yếm thế về cả lý luận và thực tiễn của học thuyết Marx.

Dễ dàng nhận thấy điểm chung này khi tất cả các quốc gia còn theo CNCS đều có ít nhất một thần tượng[1] và tất cả đều nằm ở tốp đầu trong danh sách thù nghịch của Internet - tự do thông tin[2].

CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN BIẾN THỂ Ở VIỆT NAM

Về học thuyết

Kể từ sau năm 1991, các khẩu hiệu một thời vang bóng trong các cơ quan, giảng đường đại học như "Chủ nghĩa Mác Lê Nin vô địch muôn năm!", "Chủ nghĩa Mác Lê Nin bách chiến bách thắng muôn năm!" đã lặng lẽ biến mất. Cách tốt nhất để khỏi bị phê phán vì việc tung hô một học thuyết phi thực, tồn tại chưa đến 80 năm trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, là tung hô một cái gì đó chưa bao giờ có thật: "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Sinh thời, ông Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng: "Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê cả"! Bế tắc vì sự sụp đổ lý thuyết của Marx, tạm thời dùng "Tư tưởng Hồ Chí Minh" làm kim chỉ nam.

Trong đường hướng phát triển kinh tế, sự cáo chung của khẩu hiệu "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH" đã âm ỉ từ trước sự kiện Liên Xô và khối Vác-xô-vi tan rã. Người dân vẫn xem nó như là một câu sáo rỗng qua thực trạng đời sống xã hội khốn cùng trong suốt mười năm bao cấp.

Rập khuôn đường lối "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN" của Trung Quốc, giới lãnh đạo CS Việt Nam hy vọng sẽ cải thiện nền kinh tế đang ở bên bờ vực thẳm.

Chính sách mở cửa, "đổi mới" (kỳ thực không có gì mới cả - chỉ là thừa nhận lại những gì bị đả phá sau 30/4/1975) đã phần nào tạo những chuyển biến tốt cho nền kinh tế. Đời sống xã hội, GDP đều gia tăng rõ rệt.

Thực trạng chung

Không còn sự ràng buộc của chủ nghĩa Cộng sản khởi thủy, sự biến thể của Cộng sản Việt Nam lúc này dựa trên mối quan hệ giữa quyền lực và lợi ích cá nhân. Chuyên chính vô sản trở thành trò hề khi hầu hết quan chức cộng sản các cấp đều sở hữu những tài sản kếch xù, vượt xa thu nhập chính đáng. Tự điển xã hội có thêm một thuật ngữ: "Tư bản đỏ". Vì sao các tư bản đỏ tích tụ tài sản rất nhanh và dễ dàng? Xã hội tư bản với nền kinh tế thị trường chịu áp lực cạnh tranh rất khốc liệt, chịu sự giám sát của một hệ thống luật pháp chặt chẽ, công bằng. Độc quyền về chính trị, nhưng lại theo kinh tế thị trường dẫn đến một hệ lụy là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra trên khắp các lĩnh vực của xã hội. Nói nôm na theo ngôn từ phổ biến hiện nay là "Đảng CS vừa đá bóng vừa thổi còi" trong mọi bộ môn thi đấu.

Nắm được điểm yếu này, các liên minh Quyền-Tiền được tạo ra khắp mọi nơi, ở mọi tầng nấc, mọi lãnh vực để thao túng nền kinh tế, thu lợi bất chính. Ở phạm vi lớn là những dự án xuyên quốc gia, mà hậu quả có lẽ đến vài chục năm sau mới phát sinh. Tiếp đến là tình trạng tham nhũng tràn lan trên mọi quy mô, từ những dự án phục vụ hạ tầng cho đến đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành...

Tôn giáo và tín ngưỡng

Học thuyết Marx dựa trên Duy vật biện chứng, phủ nhận vai trò của tín ngưỡng, cho rằng: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Từ sau 1991, vấn đề đức tin của dân chúng Việt Nam được nới lỏng hơn trước. Khi thi vào đại học, không còn chuyện các Phật tử hay những tín đồ Thiên chúa giáo phải cắn răng ghi chữ KHÔNG vào mục "Tôn giáo" ở hồ sơ dự thi, mong sao độ ưu tiên khi xét tuyển được tăng một vài bậc! Một số cơ sở tôn giáo bị trưng thu bất hợp lý trước đây đang dần được hoàn trả.

Tuy nhiên, vấn đề tự do tôn giáo dưới chế độ cộng sản biến thể hay khởi thủy đều có điểm chung, đó là sự bất đồng. Trước kia là xung đột về ý thức hệ, ngày nay là vấn đề độc quyền truyền bá tư tưởng. Xét về mức độ, vai trò của việc độc quyền truyền bá tư tưởng dưới thời Cộng sản biến thể còn quan trọng hơn trước. Bởi lẽ vị trí thất thế của CNCS hiện nay và sức mạnh của truyền thông số đang từng ngày làm mục rỗng bức tường bưng bít thông tin, tấm khiên che yếu ớt của các chính thể độc tài.

Đời sống tinh thần

Bế tắc trong lý luận, không có chủ thuyết đúng đắn dẫn đường là nguyên nhân chính gây nên khủng hoảng trong giáo dục Việt Nam suốt mấy chục năm qua.

Đạo đức xã hội, tinh thần dân tộc, chủ quyền quốc gia... đều là những giá trị phù phiếm đối với phần lớn người trẻ. Hàng giả, bằng giả, sách giả, học giả, tiến sĩ "giấy"... đang là chuyện thường ngày. Nền tảng của xã hội là gia đình - có lẽ đã bị phá vỡ từ hơn nửa thế kỷ qua, bắt đầu bởi công cuộc Cải cách ruộng đất. Văn học nghệ thuật bị sử dụng như một phương tiện để tuyên truyền cho CNCS. Tính nhân bản trong văn học bị lấn át bởi những tư tưởng vô tri như "đấu tranh giai cấp", "bạo lực cách mạng"... hoặc đậm màu tôn sùng thần tượng cá nhân, kể cả ngoại lai. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà nước CSVN đã tuyên bố từ nay sẽ "cởi trói cho văn nghệ sỹ", nhưng liền sau đó lại đề ra một loạt chủ trương, chính sách nhằm kiểm soát và định hướng tư duy cho họ! Bế tắc vẫn hoàn bế tắc!

Trước đây, cộng sản khởi thủy bịt mắt người ta và dẫn họ đến thiên đường ảo.
Ngày nay, cộng sản biến thể mở cho người ta nhìn thấy, cũng thừa nhận đó là đồ dỏm, nhưng không cho họ tự do thoát ra, chỉ được phép loanh quanh trong đó mà thôi!

Bây giờ, bất kỳ một đảng viên nào cũng không còn tin tưởng vào "thắng lợi tất yếu" của CNCS. Thậm chí, đại đa số họ đều không biết học thuyết Marx nói gì. Vậy tại sao họ vẫn gia nhập đảng, CNCS vẫn tồn tại ở Việt Nam và một vài nước khác? Như đã nói ở trên, đó chỉ là sự biến tướng, bám víu CNCS để duy trì quyền lực. Chính vì thế mới manh nha có thông tin rằng đảng CSVN sẽ đổi sang một tên khác. Cho dù biến tướng thế nào đi nữa, nó vẫn giữ nguyên đặc tính căn bản là độc tài. Để duy trì chính thể độc tài, nhà cầm quyền sẽ phải theo đuổi một loạt các chính sách phi nhân tính khác như: Đàn áp tư tưởng đối lập, kiểm soát và định hướng tư duy, khống chế tự do thông tin, cai trị bằng bạo lực.

TƯƠNG LAI VIỆT NAM

Những yếu tố thuận lợi
- Xu hướng đi lên của xã hội loài người. Tội ác và cái xấu sẽ bị loại trừ. Sự tan rã của CN Phát xít sau Thế chiến II và sụp đổ của CN Cộng sản cuối thập niên 1980s là một ví dụ điển hình.

- Ảnh hưởng của toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng về CNTT đã phá vỡ bức màn bưng bít thông tin của các chế độ độc tài.

Các khó khăn

- Dân chủ là điều tất yếu đối với một quốc gia phát triển, vấn đề chỉ còn là thời gian. Tuy nhiên, thời gian thống trị càng lâu của chế độ độc tài đảng trị sẽ gây ra những hậu quả càng nặng nề cho đất nước. Rút ngắn thời gian tranh đấu bằng hình thức bất bạo động để tránh nội chiến càng trở nên khó khăn bội phần khi nhà cầm quyền ra sức bảo vệ ngai vàng quyền lực, bất chấp mọi hậu quả.

- Lực lượng tranh đấu phần nhiều là tự phát, hoạt động đơn lẻ.

- Bên cạnh số người bảo thủ là tín đồ của CNCS biến thể, còn một thành phần khác không nằm trong hàng ngũ đảng, nhưng vẫn ủng hộ sự tồn tại của nó. Thành phần này hiểu rõ bản chất và tác hại lâu dài của CNCS, nhưng vì những quyền lợi có được nhờ chế độ độc tài mang lại, họ cam tâm. Tất nhiên, đây là những quyền lợi riêng tư đi ngược lợi ích của quốc gia. Chẳng hạn, họ là những nhà thầu chuyên bắt tay với các quan chức quyền thế để thao túng, trục lợi trên các hợp đồng, dự án... Với nền giáo dục yếu kém suốt 60 năm ở miền Bắc và hơn 30 năm ở miền Nam, thành phần này chiếm số lượng không hề ít.

Vấn đề dân chủ hóa đất nước phải do chính người dân trong nước định đoạt. Sự yểm trợ của Thế giới Tự do chỉ đóng vai trò hậu thuẫn, mang tính nhân đạo. Bởi lẽ, CNCS bây giờ không còn là hiểm họa của cả hoàn vũ như trong thời chiến tranh lạnh.

Điều đáng mừng là thành phần những người đứng lên bày tỏ chính kiến, tranh đấu cho sự nghiệp dân chủ ngày càng nhiều hơn. Vũ khí của họ chỉ có sự thật và lòng can đảm. Không ít người trong số đó đã một thời đứng trong hàng ngũ ĐCS, nhưng đã ngộ ra cái chân lý của đạo trời: - Quay đầu là bờ!

Cuộc đối đầu giữa độc tài và dân chủ vẫn tiếp diễn. Một bên sử "dụng bạo lực cách mạng" - hình thức đấu tranh đặc trưng của học thuyết Marx du nhập từ Âu châu. Bên kia dùng lời kêu gọi và cầu nguyện - theo tôn chỉ "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo" của ông cha từ ngàn xưa. Ai sẽ thắng ai - đó cũng là tương lai của nước Việt ngày mai.

Viết trong mùa Phật đản, Phật lịch 2553.

------------------------------------------------
[1]
- Trung Quốc: Mao Trạch Đông
- Việt Nam: Hồ Chí Minh
- Cuba: Fidel Castro
- Bắc Hàn: Kim Jong-il...

[2]
a. Danh sách 12 quốc gia thù nghịch với Internet năm 2009 - Theo Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans frontières - RSF):
Miến Điện, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Iran, Bắc Triều Tiên, Ảrập Saudi, Syria, Tunisia, Turkmenistan, Uzbekistan và Việt Nam.

b. Danh sách 10 quốc gia hàng đầu về việc đàn áp blogger năm 2009 - Theo Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (Committee for Protection of Journalists – CPJ):
Miến Điện, Iran, Syria, Cuba, Ả rập Saudi, Việt Nam, Tunisia, Trung Quốc, Turkmenistan và Ai Cập.

Nguồn: http://pvhai.blogspot.com
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 886 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0