Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế
Kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã thu hút dư luận chưa từng thấy từ trước tới nay.
Qui
hoạch bauxite Việt Nam 2007-2015, được Thủ Tướng phê duyệt từ ngày
01/11/2007, chia làm ba giai đoạn: 2007-2010; 2011-2015 và tầm nhìn tới
2025.
Theo đó, trong giai đoạn trước 2010, Việt Nam tập trung
khai thác quặng, sản xuất alumina xuất khẩu và sản xuất hydroxide nhôm
cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong giai đoạn này, Việt
Nam dự kiến triển khai ba dự án alumina ở Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ
(Đăk Nông), Kon Hà Nừng (Gia Lai) và dự án hydroxide nhôm tại Bảo Lộc
(Lâm Đồng).
Hai dự án Tân Rai và Đắk Nông thực tế đã được triển khai và đã đền bù giải tỏa mặt bằng.
Theo
quy hoạch, hai dự án này tổng cộng có 13 mỏ bauxite với diện tích thăm
dò hơn 1.811 km vuông, với tổng chi phí thăm dò dự kiến hơn 590 tỷ đồng.
Mỗi dự án có công suất dự kiến khoảng 600.000 tấn alumina/năm.
Dự án Tân Rai do nhà thầu Trung cộng Chalieco, công ty con của tập đoàn khổng lồ Chalco.
Một
kế hoạch lớn như vậy mà Quốc Hội không hay. Đại biểu Dương Trung Quốc
và Nguyễn Lân Đính khi được phỏng vấn cho biết không thể trả lời vì
thiếu thông tin. Còn Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc với cử tri
Hà Nội công khai tuyên bố dự án khai thác bauxite không cần đưa ra bàn
ở Quốc Hội, viện lí: “Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý
kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào qui mô, tầm cỡ của các dự án.
Trong khi đó, qui mô mỗi dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là
hơn 600 triệu đô-la.”
***
Ngày 9-4-2009 cuộc hội thảo một
ngày về khai thác bauxite tại Tây Nguyên với sự tham gia của nhiều
chuyên gia và nhà nghiên cứu xã hội đóng vai trò phản biện.
Chủ
trì hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói chủ trương khai thác
bauxite và sản xuất alumina của Đảng và Chính phủ là “đúng đắn”, nhưng
cần tiến hành nghiên cứu bổ sung về tác động môi trường.
Trên
thực tế cả hai dự án Tân Rai (Lâm Đồng) Nhân Cơ (Đắk Nông) đều đã được
triển khai theo một “qui trình lộn ngược”, thiếu nghiên cứu, đánh giá
cụ thể về hiệu quả kinh tế, tác động tiêu cực về văn hoá, xã hội, môi
trường, và thiếu hẳn sự chuẩn bị từ qui hoạch đến kế hoạch thực hiện.
Liên
Hiệp các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA) nêu ra 7 điểm bất
cập trong quá trình lập quy hoạch và triển khai các dự án bauxite.
Trong số này, có sự bất cập về kinh tế; bán rẻ tài nguyên không thể tái
tạo; không thể giải thích được vấn đề cơ sở hạ tầng; hậu quả do sử dụng
công nghệ Trung Quốc huỷ hoại môi trường không thể lường được, xuôi
xuống tới đồng bằng sông Cửu Long; làm mai một bản sắc văn hóa bản địa;
phân tầng xã hội; đe dọa an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ; nguy cơ
thua lỗ nặng nề và tạo gánh nặng cho quốc gia về sau.
Phó thủ
tướng HTH cũng đã phải công nhận “không thể phát triển bằng mọi giá. Để
phát triển thành công các dự án bauxite, cần có giải pháp quản lý, thực
hiện chặt chẽ và hiệu quả và không để tiềm năng này biến Tây Nguyên
thành đói nghèo (sic)”.Và rằng chính phủ sẽ điều chỉnh quy hoạch ngành
bauxite và đánh giá lại hiệu quả kinh tế của các dự án.
Về an
ninh quốc phòng, nhiều ý kiến đề cập tới vị trí chiến lược “nóc nhà
Đông Dương” đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận người Việt trong
và ngoài nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người từng được trao
trách nhiệm chỉ đạo chương trình khảo sát khai thác bauxite Tây Nguyên
trong khuôn khổ hợp tác với khối Comecon của các nước xã hội chủ nghĩa
những năm 1980, đã gửi điện tới cuộc hội thảo can ngăn không nên khai
thác bauxite vì “đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu
dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi
trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng”.
Mất đất biên giới
miền Bắc, mất Hoàng Sa và một phần Trường Sa, nay lại mời Trung Quốc
vào trấn “nóc nhà Đông Dương”, dân ta tự hỏi: chủ quyền Việt Nam nay
còn gì nữa ? Tổ Quốc đi về đâu ?
***
Bộ chính trị, cơ
quan quyền lực cao nhất của đảng Cộng sản Việt nam, vừa ra thông báo
kết luận về việc khai thác bauxite, trong đó khẳng định đây là “chủ
trương nhất quán từ đại hội IX và đại hội X của đảng đến nay” và chỉ
đạo “tiếp tục thực hiện chủ trương triển khai hai dự án ở Tân Rai (Lâm
Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) do tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản
Việt Nam làm chủ đầu tư, chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá
nhân nước ngoài”.
Chỉ đạo vào giữa tháng 3 của Chính phủ viết:
“Trong quá trình khai thác, tập đoàn Việt Nam được phép thành lập công
ty cổ phần có sự tham gia của công ty nước ngoài. Chính phủ ra điều
kiện phía Việt Nam giữ ít nhất 51% và phía nước ngoài không quá 40%”.
Tập
đoàn Alcoa (Hoa Kỳ) tham gia cổ phần vào dự án Nhân Cơ (Đăk Nông) 40%,
nhưng mới đây đã rút ra không tham dự; và tập đoàn luyện kim Vân Nam
(Trung Quốc) tham gia dự án Tân Rai (Lâm Đồng) 20%.
Tuy nhiên,
nay theo chỉ đạo mới của Bộ chính trị, các công ty nước ngoài chỉ có
thể làm nhà thầu. Và nhà thầu Trung Quốc đã đưa 583 công nhân đến Lâm
Đồng trong đó có 38 nữ, và sẽ lên hàng ngàn, hàng vạn. Sự có mặt của
công nhân Trung Quốc đặt ra vấn đề: dự án vi phạm luật trong việc sử
dụng lao động nước ngoài; ảnh hưởng nặng nề đến công ăn việc làm của cư
dân tại chỗ; và nhất là không thể quản lý được hoạt động của công nhân
Trung Quốc vào làm việc theo hộ chiếu du lịch, ảnh hưởng trực tiếp tới
an ninh địa phương. Xét về mặt nhân công và lao động, khai thác bauxite
sẽ chiếm diện tích đất rất lớn nhưng tạo ít công ăn việc làm. Cụ thể,
đối với dự án Tân Rai tại Lâm Đồng, thì bình quân 2,5 ha đất chỉ tạo ra
1 việc làm.
Việc cả 2 nhà máy alumina đầu tiên của Việt Nam đều
sử dụng công nghệ của 1 công ty Trung Quốc là điều đáng lo ngại.Thế
nhưng, việc công ty Chalieco của Trung Quốc thắng thầu tại Việt Nam lại
càng đáng phàn nàn hơn. Bỏ thầu Tân Rai thấp 352 triệu Mỹ kim, nhưng
thắng, sau yêu cầu tăng lên 466 triệu Mỹ kim nhưng Việt Nam vẫn cứ vui
vẻ chấp nhận. Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn khẳng định “nếu đấu thầu một
cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài
của đất nước, chứ không phải của chủ đầu tư, thì không thể có một nhà
thầu Trung Quốc nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào.”
Trên
khía cạnh văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc, người có quá trình nghiên cứu
lâu dài về văn hóa Tây Nguyên, từng nói “Tây Nguyên hiện còn tồn tại
dấu vết những nền văn hóa cổ xưa nhất của những dân tộc đã từng sống
trên mảnh đất mà ngày nay gọi là mảnh đất Đông Dương.” Thế nhưng, khai
thác bauxite Tây Nguyên chính là đe dọa trực tiếp nền tảng “không gian
văn hóa cồng chiêng” độc đáo của địa phương này. “Khi Tây Nguyên mất
nền tảng của mình, văn hóa của họ sẽ tan. Một khi văn hóa tan đi, đặc
biệt đối với dân tộc thiểu số là nơi văn hóa đối với họ vô cùng sâu
sắc, xã hội sẽ không thể ổn định, thậm chí các dân tộc không thể tồn
tại một cách bền vững.”
***
Thay lời kết
Bộ
chính trị nhất quyết cứ cho tiếp tục khai thác bauxite Tây Nguyên là
thách thức giữa bá đạo và vương đạo, giữa dốt nát và khoa học, giữa cố
chấp và lẽ phải của tập đoàn Bộ chính trị tự cao tự đại khinh dân, coi
thường các nhà khoa học – văn hoá.
Nếu không ngưng ngay việc
khai thác bauxite Tây Nguyên, việc tất yếu có thể xẩy ra, là các sắc
dân thiểu số ở Tây Nguyên và toàn dân tộc sẽ chứng tỏ cho Bộ chính trị
biết rằng sự độc hại của bauxite sẽ tiêu diệt độc tài trước khi trở
thành đại họa cho toàn dân. 8-5-2009
Bs Nguyễn Đan Quế
|