THƯ NGỎ (SỐ 2)
GỬI QUÝ VỊ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Việt Nam
ngày 7 tháng 5 năm 2009
Kính gửi:
– Ông
Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
– Ông
Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội và toàn thể thành viên
Quốc hội nước
CHXHCN Việt
Nam;
–
Ông
Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng và toàn thể thành viên Chính phủ
nước
CHXHCN Việt
Nam
Kính thưa
quý vị Lãnh đạo,
Tiếp
theo Thư ngỏ (số 1)
gửi các đại biểu Quốc hội khóa 12, nay chúng tôi gửi Thư ngỏ
này (đánh số 2 để tiện theo dõi) nhằm mục đích
phân tích những
sai trái trong Thông cáo của Bộ Công thương đề ngày 28 tháng 4 năm
2009, trong đó đã sai về nội dung khi phản bác lại các luận điểm
của bản Kiến Nghị đối với
chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, lại còn sai cả về thái
độ khi quy chụp những trí thức đã ký tên vào kiến nghị là “kém
xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện,
[…] thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động
lợi dụng”.
Sở dĩ
chúng tôi phải dùng hình thức thư ngỏ, vì kinh nghiệm cho thấy quý
vị rất hiếm khi – thậm chí không bao giờ – đối thoại với những người
gửi thư tới quý vị, ngay cả những công dân có công lớn với đất nước
như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ
Nguyễn Trọng Vĩnh, … thì thư gửi tới quý vị đều không được phản hồi,
vậy nên, việc viết thư ngỏ là biện pháp bất đắc dĩ mà chúng tôi phải
lựa chọn để công khai cho đông đảo nhân dân xem và phán xét lập luận
cùng thái độ của chúng tôi đúng hay sai.
Sở dĩ
bài Thông cáo báo chí của Bộ Công thương được tung ra từ ngày 28
tháng 4 năm 2009, nhưng mãi đến hôm nay chúng tôi mới có thư ngỏ này,
đó là vì Ban Khởi thảo Kiến nghị không muốn tự tiện, còn phải
chờ ý kiến số đông, đặc biệt ý kiến từ các chữ ký tiêu biểu chủ chốt,
xem có cần phải trả lời hay không, và nếu có thì nên trả lời thế nào.
Vì chúng tôi biết rằng, sai lầm từ một người như ông Thứ trưởng Bộ
Công thương thì có thể được làm ngơ, ngược lại những phản hồi này
chỉ sai sót chút ít là đủ để nhận những đáp trả không xứng đáng với
tư cách chúng tôi.
Kính thưa
quý vị,
Ngày 28
tháng 4 vừa qua, đại diện Bộ Công thương phân phát một Thông cáo báo
chí trong buổi họp giao ban tại Hà Nội, được cho là đến tay 300 nhà
báo, nhưng không có công khai công bố trên bất cứ một tờ báo nào
trong nước. Chúng tôi đã may mắn được đọc, và nhận thấy, nội dung
của Thông cáo đó có
nhiều điều sai,
chúng tôi sẽ trình bày qua thư ngỏ này.
Trước hết,
đề cập chung
đến bản Kiến nghị
ngày 12 tháng 4 năm 2009 về chủ trương khai thác Bauxite Tây Nguyên,
một văn bản đầu tiên gồm 135 chữ ký tự nguyện của giới trí thức Việt
Nam trong và ngoài nước, tập hợp đủ các ngành nghề, kể cả những
người có chuyên môn liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên, môi
trường, kỹ thuật khai thác, v.v. và hiện đang được sự ủng hộ ngày
càng tích cực của mọi người, chí ít là chưa thấy một lời lẽ phê phán
nào, càng không thấy có ai chống lại. Chưa bao giờ thấy hiện tượng
cả ngàn người nhất trí ký tên vào bản Kiến nghị trong đó rất
nhiều người không quen biết nhau mà mới chỉ “đồng thanh tương ứng
đồng khí tương cầu”, thế mà bản Thông cáo báo chí của Bộ Công thương
lại nói về những chữ ký đó một cách hàm hồ và chụp mũ trắng trợn như
sau:
“[…]
bên cạnh những ý kiến đúng đắn đó, có nhiều ý kiến rất kém xây
dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm
trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động
lợi dụng. Thể hiện rõ nhất là nội dung bản kiến nghị với nhiều thông
tin không chính xác”.
Chúng
tôi tạm bỏ qua chưa phân tích “kết luận” trên của Bộ Công thương, bỏ
qua cả những kiểu cách quy chụp rất trịch thượng trong ngôn từ mà Bộ
Công thương sử dụng, chỉ xin đi vào những lý lẽ cụ thể đã được Bộ
Công thương phản bác.
Kính thưa quý vị,
Ý
kiến thứ nhất của chúng tôi được Bộ Công thương trích dẫn như sau:
“Chủ trương
lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009,
song thực ra nó đã được “ký tắt” với người Trung Quốc từ nhiều năm
về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc hội do dân
bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được
trình ra trước nhân dân
và đại diện của nhân dân tức Quốc hội”.
Giải trình của Bộ Công thương:
“Đây
là nội dung hoàn toàn sai trái: Các dự án khai thác bauxite, sản
xuất alumin đã được nghiên cứu từ rất lâu, trong giai đoạn hợp tác
với các nước khối SEV. Chủ trương phát triển ngành công nghiệp này
đã được nêu trong văn kiện của hai Đại hội Đảng IX, và X. Bộ Chính
trị đã xem xét và có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, giao cho Chính phủ
lập quy hoạch. Dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế
biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025
được xây dựng từ những năm 2005, trong quá trình xây dựng có nhiều
cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, doanh nghiệp
trong và ngoài nước v.v. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007”.
Chúng tôi xin
phản hồi như sau:
– Đầu thập niên 1980,
Việt Nam yêu cầu khối SEV (Hội đồng Tương
trợ Kinh tế hay COMECON) nghiên cứu dự án khai thác bauxite,
sản xuất alumin của Việt Nam. Mặc dù Liên Xô đang phải nhập khẩu 50%
bauxite, chuyên gia Liên Xô, thông qua khối SEV, vẫn khuyến cáo Việt
Nam “không nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những nguy cơ
gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục
được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng
đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không
khai thác bauxite mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp
(cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên”(1).
Lúc ấy Tổng Bí thư là Lê Duẩn và Thủ tướng là Phạm Văn Đồng.
–
Tháng 12 năm 2001, sau
Đại hội Đảng IX, tân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viếng thăm Trung Quốc
và ký tuyên bố chung giữa hai nước, trong đó có đề cập: “[...]
nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên
dự án bauxite nhôm Đắc Nông”(2).
–
Tháng 5 năm 2002, báo chí
Trung Quốc đưa tin: Năm 2001, Việt Nam và Trung Quốc đã ký bản ghi
nhớ cho dự án khai thác bauxite,
sản xuất alumin trị giá 800 triệu đô la Mỹ ở Tây Nguyên; Trung Quốc
đã hoàn tất báo cáo tiền khả thi sơ khởi
về khả năng sản xuất hàng năm 1 triệu tấn alumin ở Đắc Nông(3).
–
Tháng 12 năm 2003, báo
chí Trung Quốc đưa tin: Aluminium Corp of China Ltd (Chalco) tham
gia dự án khai thác bauxite, sản
xuất alumin ở Tây Nguyên; Việt Nam và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ
cho dự án trị giá 1.35 tỷ đô la Mỹ
và hai bên sẽ hoàn chỉnh báo cáo tiền khả
thi cho dự án(4).
–
Tháng 12 năm 2005, báo
chí Trung Quốc đưa tin: Chalco đã ký một thỏa thuận ban đầu với Tập
đoàn nhà nước Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) để cùng
hợp tác trong dự án khai thác
bauxite, sản xuất alumin ở Tây Nguyên(5).
Tất
cả những dữ kiện nêu trên đều xảy ra trước Đại hội Đảng X tổ chức
vào tháng 4 năm 2006 khi vấn đề khai thác bauxite, sản xuất
alumin mới lại được đề cập đến. Tuy nhiên,
ngay cả khi “có chủ trương” rồi, thì
tuyệt đại bộ phận
nhân dân Việt Nam vẫn không được thông báo về chủ trương và
dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin cho đến khi tin tức
về dự án và phản biện được công khai hóa trên phương tiện truyền
thông đại chúng bắt đầu từ cuối năm 2008.
Như
vậy, giải trình của Bộ Công Thương là hoàn toàn không trung thực chứ
không phải nội dung bản Kiến nghị của chúng tôi là sai trái,
theo Thông cáo báo chí của họ.
Kính thưa quý vị,
Ý
kiến thứ hai được Bộ Công thương trích dẫn (bản Kiến nghị nói
rằng):
“Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác
bauxite của họ để chuyển sang khai
thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế
hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như
họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai
trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo
dõi chặt chẽ và hết sức công kích”.
Ý
kiến thứ ba được Bộ Công thương trích dẫn (bản Kiến nghị nói
rằng):
“Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu
từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu
lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín,
trong đó liên quan đến vấn đề khai thác
bauxite là sự “nổi tiếng” của Trung Quốc trên toàn thế giới
hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất,
chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính
phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc
ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng)”.
Giải trình của Bộ Công Thương:
“Như
trên đã nêu, hiện nay ở Tây Nguyên chỉ có 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ
là do ta tự đầu tư (chủ đầu tư là Tập đoàn nhà nước TKV) mà không
phải là dự án liên doanh với nước ngoài. Nội dung bản kiến nghị cố
tình xuyên tạc sự thật, mang tính kích động làm ảnh hưởng đến mối
quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và Nhân dân hai nước.
…
"Đến
thời điểm hiện nay, chưa có bất kỳ một dự án nước ngoài nào hoặc
liên doanh nào về khai thác bauxite, sản xuất alumin tại Việt Nam
được thỏa thuận. Việc dự kiến hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài
như Alcoa (Mỹ), Chalco (Trung Quốc), Uc-Russal (Nga) vẫn đang được
các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán và chưa có kết quả. Như vậy thông
tin về việc Trung Quốc đóng của các mỏ bauxite và chuyển sang khai
thác bauxite ở Việt Nam là không có tính hiện thực và không đúng với
tình hình thực tế.
“Về
vấn đề “Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập
chủ yếu từ Trung Quốc…”:
"Đối
với dự án nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ, Tổng thầu gói thầu EPC
là Công ty Chalieco, Trung Quốc (Công ty con của Chalco). Trong quá
trình xét thầu, hồ sơ dự thầu của Công ty này đáp ứng yêu cầu của hồ
sơ mời thầu; Chalieco cam kết chuyển giao công nghệ sản xuất alumin
tiên tiến. Thực tế sản phảm alumin của Chalco đạt tiêu chuẩn để sản
xuất nhôm và có tính cạnh tranh trên thế giới. Tại cuộc Hội thảo
khoa học ngày 9 tháng 4 năm 2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng
Trung Hải đã giao nhiệm vụ cho Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách
nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc chuyển giao công nghệ sản xuất alumin,
đảm bảo công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”.
Chúng tôi xin
phản hồi như sau:
– Theo các báo quốc
tế cũng như theo báo chí Trung Quốc, trong vòng hơn 5 năm nay, hàng
ngàn doanh nghiệp khai thác quặng mỏ (bauxite, than, v.v.) của Trung
Quốc phải đóng cửa do những quy định mới về bảo vệ môi trường hay
đòi hỏi canh tân kỹ thuật. Trong cùng thời gian, doanh nghiệp lớn
như Chinalco không ngừng mở rộng thị trường khai thác bauxite, sản
xuất alumin ra nước ngoài như Brazil, Australia, Guinea hay Việt Nam(6).
– Tháng 11 năm 2006,
hãng thông tấn Reuters đưa tin trong thời gian Chủ tịch Trung Quốc
Hồ Cẩm Đào tham dự Hội nghị APEC ở Hà Nội, Chalco và TKV đã ký hiệp
nghị khung cùng hợp tác trong dự án khai thác bauxite, sản xuất
alumin trị giá 1.6 tỷ đô la Mỹ(7).
– Tháng 5 năm 2007,
báo chí Việt Nam (bản tiếng Anh) đưa tin Chalco và TKV đã thỏa thuận
cùng hợp tác trong dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin. TKV và
Chalco sẽ thành lập liên doanh bauxite trong đó TKV nắm 51% vốn và
thành lập liên doanh alumin trong đó Chalco nắm 60% cổ phần(8).
– Tháng 5 năm 2008,
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh viếng thăm Trung Quốc và ký tuyên bố chung
giữa hai nước, trong đó có đề cập: “[...] Hai bên tích cực ủng hộ và
thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác lâu dài cùng có lợi
trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển
nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan
trọng khác. Hai bên tăng cuờng hợp tác trong các dự án như: Bô-xit
Đắc Nông, các dự án trong khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai
kinh tế” và các dự án lớn khác”.
– Tháng 7 năm 2008,
báo chí Việt Nam (bản tiếng Anh) đưa tin Chalieco và TKV đã ký thỏa
thuận tổng thầu gói thầu EPC xây dựng nhà máy sản xuất hàng năm 0.6
triệu tấn alumin tại Bảo Lâm, Lâm Đồng(9).
– Tháng 9 năm 2008,
báo chí Việt Nam (bản tiếng Anh) đưa tin dự án khai thác bauxite
giữa Chalco và TKV ngưng trệ do bất đồng trong vấn đề xây dựng hạ
tầng cơ sở(10).
Tất
cả những dữ kiện nêu trên nhấn mạnh hai điểm chính:
– Việc các doanh
nghiệp Trung Quốc khai thác quặng mỏ ảnh hưởng nguy hại đến môi
trường và việc họ mở rộng lãnh vực khai thác quặng mỏ ngoài Trung
Quốc là một thực tế không thể chối cãi.
– Các doanh nghiệp
Trung Quốc coi trọng dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin ở Tây
Nguyên và đang ráo riết thúc đẩy Việt Nam trong quá trình thi công.
Mọi chậm trễ, nếu có, chỉ là yếu tố nhất thời.
Kính thưa quý vị,
Trong
phần kết lá thư gửi Hội thảo về bauxite ngày 09/4/2009 tại Khách sạn
Melia, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lời khuyên hết sức thẳng thắn
là:
“[…]
không nên khai thác.
Vì
đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất
nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về
xã hội, về an ninh quốc phòng.”
Những
điều được viết trong bản Kiến nghị của cả ngàn chữ ký chúng
tôi chỉ là biểu hiện lý trí và tình cảm đã được Đại tướng bộc bạch.
Qua văn bản kết luận gần đây của Đảng và Thủ tướng Chính phủ, nhân
dân Việt Nam nhận thấy có nét tư duy tích cực, đã đặt ra yêu cầu
thận trọng khi xử lý vấn đề bauxite Tây Nguyên(11).
Song, chúng tôi vẫn thấy cần vạch ra mấy xu thế sau đây:
Có
ý kiến cho rằng, do cam kết quốc tế, Việt Nam không thể ngưng dự án
khai thác bauxite, sản xuất alumina
Tình
hình cụ thể cho thấy: nhân dân Việt Nam thông qua Quốc Hội, cơ
quan quyền lực tối cao của mình, chưa hề có dịp biểu quyết về chủ
trương làm bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bên “cam kết quốc tế” thực sự
tôn trọng quyết định của cả dân tộc Việt Nam, thì đó là điều tốt cho
họ. Còn không, nhân dân Việt Nam đã biết dựng nước thì cũng biết giữ
nước. Nhân dân Việt Nam từng trải nhiều ách nô lệ, chắc chắn không
một ai vì quyền lợi riêng mà bênh “bên đối tác” và phản bội lại dân
tộc mình.
Có
ý kiến cho rằng phát triển kinh tế khu vực cho Tây Nguyên là một nhu
cầu cấp bách, trong đó
trữ lượng bauxite của Việt Nam lớn hàng thứ ba trên thế giới, nên
càng cần tận dụng nguồn tài nguyên này vào phát triển kinh tế!
Tình
hình cụ thể cho thấy: Dân tộc ta vừa ra khỏi chiến tranh, kinh
nghiệm xây dựng đất nước vẫn còn non nớt. Tình trạng đó thể hiện ở
năng lực yếu khi quản lý những hạng mục lớn mà thực tế làm ăn thất
bát trong việc nhập hàng loạt các nhà máy mía đường, vụ ô nhiễm kéo
dài cả chục năm do nhà máy bột ngọt Vedan gây ra, vụ “quy
họach” ồ ạt các sân golf … chỉ là mấy thí dụ quá nhỏ. Việc
học tập xây dựng một đất nước PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG không dễ dàng gì
khi còn có đầu óc quản lý lối tiểu nông, khi còn có tệ nạn tham
nhũng, và khi bắt đầu hình thành những tập đoàn lợi ích rất khó kiểm
soát.
Nếu có ai đó đã nói
“không khai
thác bauxite bằng mọi giá”, thì mong rằng đó là lời nói chân
thành. Người biết nghĩ như thế hãy đấu tranh chống lại lối suy nghĩ
kiểu cờ bạc, đem dân tộc ra đặt 50/50 vào một canh bạc chắc gì đã
năm ăn năm thua?
Cũng đấu tranh cả với
thói vô trách nhiệm, thể hiện trong những cách phát ngôn thiếu suy
nghĩ, thiếu tầm vóc của người có trách nhiệm xây dựng Nhà nước Pháp
quyền.
Kính thưa quý vị,
Vì
hoàn toàn tin cậy vào quý vị, lại hy vọng rằng quý vị cũng cùng tâm
tư với chúng tôi, nghĩa là cùng đặt quyền lợi Tổ quốc trên hết,
chúng tôi trông đợi những quyết định đầy bản lĩnh và đầy trách nhiệm
của quý vị. Khó khăn nào hơn khi Đại tướng thân yêu của chúng ta
quyết định kéo pháo ra, chậm cuộc tổng tiến công lại, song Ngài đã
làm được điều đó, và tên tuổi Ngài sẽ sống mãi cùng non sông đất
nước!
Xin
cám ơn quý vị Lãnh đạo đã lắng nghe lá Thư ngỏ số 2 này,
trong đó chứa đựng những lời tâm huyết của những con người chỉ muốn
rảnh rang làm công việc sáng tạo âm thầm của mình, không một mảy may
thu vén cho riêng mình trong vụ việc liên
quan đến dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin.
Xin chân thành cảm ơn quý vị,
Thay
mặt các chữ ký Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên
GS
Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, GS TS Nguyễn Thế Hùng
Phụ chú:
(1).
Thư Đại tuớng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày
14/01/2009
(2).
http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20011203000335
(3).
http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2002-05/09/content_118721.htm
(4).
http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-12/05/content_287458.htm
(5).
http://www.chinadaily.com.cn/english/doc/2005-12/20/content_504770.htm
(6).
“Refined Brown Aluminum Oxide from China”, U.S. International Trade
Commission, March 2009; “Bauxitee and Alumina [Advanced Release]”,
U.S. Department of Interior, U.S. Geological Survey, November 2008;
Thailand Office of Industrial Economics Report, April 2005
(7).
http://www.reuters.com/article/companyNewsAndPR/idUSHAN21294820061117
(8).
http://english.vietnamnet.vn/biz/2007/05/698557/
(9).
http://www.thanhniennews.com/business/?catid=2&newsid=40298
(10).
http://www.thanhniennews.com/business/?catid=2&newsid=41689
(11).
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/844142/
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/846241/
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/810281/
|