Stephanie Nebehay, Reuters 8/5/09, Nguyễn Phương Nga lược dịch
Nhà nước Việt Nam nhìn nhận có một vài sai trái (về nhân quyền) trong
buổi điều trần của họ trước một diễn đàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc
vào hôm Thứ Sáu, nhưng bác bỏ các cáo buộc của những người lưu vong về
cách đối xử với các nhà bất đồng chính kiến và người dân tộc thiểu số.
Những người Việt lưu vong, được hậu thuẫn bởi một tổ chức nhân quyền
quốc tế quan trọng, đã đệ trình một bản báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc, cáo buộc quốc gia Ðông Nam Á này đã đè nát quyền tự do
báo chí và việc truy cập Internet trong một nỗ lực để bịt miệng những
thành phần chỉ trích.
Bản báo cáo (của những người Việt lưu vong) đòi hỏi (nhà nước Việt Nam)
phải phóng thích các tù nhân chính trị bị giam giữ dưới "những điều
khoản không rõ ràng về an ninh quốc gia” trong luật pháp Việt Nam, và
nêu lên nhiều mối quan tâm về sự đàn áp tôn giáo, xử dụng án tử hình
bừa bãi và cưỡng bức thi hành việc hạn chế sinh sản.
Nhà nước Việt Nam bào chữa cho tình trạng vi phạm nhân quyền của họ
trước diễn đàn 47 quốc gia thành viên tại Geneva, là nơi đang đánh giá
lại tình trạng nhân quyền ở Việt Nam dưới một cơ chế "kiểm tra định kỳ
phổ quát", là đối tượng cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp
Quốc xem xét.
Ông Phạm Bình Minh, thứ trưởng ngoại giao thứ nhất của nhà nước Việt
Nam, nói rằng Hà Nội đã đạt được nhiều thành quả trong việc bảo vệ nhân
quyền. Các sinh hoạt tôn giáo đã gia tăng và người dân tộc thiểu số
đang “ngày càng tham gia vào một đời sống xã hội và chính trị trong tư
cách bình đẳng,” ông Bình nói.
Ông Bình nhìn nhận có một số thiếu sót, trong đó có “nhiều sai trái”
của một số cán bộ nhà nước bị giới hạn vì sự thiếu hiểu biết về nhân
quyền, nhưng bác bỏ "những cáo buộc vô căn cứ" về tình trạng nhân quyền
của Việt Nam.
“Việt Nam vẫn là nạn nhân của các hoạt động thù địch như khủng bố, phá
hoại, và các hành vi gây bất ổn cho đất nước và vi phạm đến an ninh
quốc gia cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ,” ông nói. “Mục tiêu tối hậu
(của Việt Nam) là xây dựng một quốc gia dân giàu nước mạnh trong một xã
hội công bằng dân chủ văn minh.”
Những cáo buộc làm gián điệp
Báo cáo của các nhà tranh đấu nhân quyền cho biết nhà cầm quyền CSVN
thường xuyên buộc tội “gián điệp” để bắt giữ "những người bất đồng
chính kiến xử dụng mạng internet" để đăng tải các quan điểm của họ lên
trên mạng.
“Những tội này, không có sự phân biệt nào giữa các hành vi bạo động như
khủng bố và việc xử dụng một cách ôn hòa quyền tự do bày tỏ tư tưởng,
đều bị trừng trị bằng các bản án tù khắc nghiệt, bao gồm cả án tù chung
thân", theo bản báo cáo cho biết. Có bảy tội mang án tử hình.
Bà Penelope Faulkner, thư ký điều hành của Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam,
đã cho hãng thông tấn Reuters biết: “Có hàng ngàn tù nhân chính trị
trên toàn quốc. Họ bị giam giữ dưới tất cả mọi hình thức bao gồm cả
việc quản thúc tại gia.”
Nhiều người Việt lưu vong biểu tình bên ngoài trụ sở của Liên Hiệp Quốc
tại Geneva, đứng tránh mưa dưới những chiếc dù, nhằm cố gắng thu hút sự
chú ý (của quốc tế) đến cuộc điều tra hiếm có về quê hương họ.
Một hình thức giam giữ hành chánh trong luật pháp Việt Nam cho phép cán
bộ địa phương có quyền bắt đưa các thành phần bị cho là đối lâp chính
trị hoặc tôn giáo vào các bệnh viện tâm thần hay “trại phục hồi chức
năng”, theo các tổ chức nhân quyền cho biết.
Một khi đã được phóng thích, họ cho biết, các cựu tù nhân chính trị lại
là đối tượng bị quản chế, tức là bị quản thúc tại gia và bị công an
liên tục theo dõi cho đến 5 năm.
Bà Faulkner nói rằng Việt Nam hành hình trung bình 100 người một năm,
với án tử hình được áp dụng cho 29 tội, xếp loại các tội từ giết người
đến kinh tế và phản bội tổ quốc.
Tình trạng đàn áp tôn giáo cũng được mô tả trong báo cáo của các nhóm
nhân quyền là rất phổ biến, mặc dù quyền tự do tôn giáo được bảo đảm
trong hiến pháp.
Theo bản báo cáo thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị nghiêm
cấm có hiệu lực từ năm 1981, và người Thượng dân tộc thiểu số -- phần
lớn là người trong các bộ lạc ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành, đã từng
đứng bên cạnh quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam -- là những
nạn nhân chính.
Nguồn:
Vietnam admits shortcomings at U.N. rights review ..
|