Thứ Ba, 2024-11-05, 8:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 12 » Biển Đông mịt mờ
11:01 AM
Biển Đông mịt mờ


Trần Khải

“... Có thể nào giúp cho các nước vùng Biển Đông thiết lập một khối tương tự như thế? Bởi vì thực tế là, khối ASEAN không làm nổi chức năng liên minh phòng thủ như thế. Mặt khác, tiền của tình báo Trung Quốc bơm vào VN, Lào, và Cam Bốt đang làm lung lạc nhiều cán bộ, viên chức....”

Biển Đông không dễ bình yên. Tình hình thấy rõ là tất cả các quốc gia liên hệ đều đang chuẩn bị sức mạnh hải quân cho một viễn ảnh đầy sóng gió. Có muốn sống hòa thuận cũng thật là khó, như dường cõi người là phải giết nhau để sống còn.

Hùng mạnh như hải quân Mỹ cũng còn bị tàu đánh cá Trung Quốc ra khiêu khích, giễu cợt ngay trước mặt toàn cầu. Không chỉ là một lần hay tình cờ gặp gỡ, mà là nhiều lần, và là cố ý. Chuyện lại xảy ra ngay tầm nhìn Biển Đông.

Bản tin Reuters hôm 5-5-2009 loan tin rằng, theo lời Bộ Quốc Phòng Mỹ hôm Thứ Ba thì hai tàu cá Trung Quốc đã tới kình với một tàu do thám của Hải Quân Mỹ ở Biển Hoàng Hải, "buộc tàu hải quân Mỹ phải gọi, xin giúp đỡ từ một tàu hải quân Trung Quốc đang ở gần đó". Hiển nhiên có thể hiểu rằng, nhà nước Bắc Kinh chơi trò khiêu khích, cho tàu hải quân Trung Quốc xúi giục hai tàu cá tới đóng vai Chí Phèo để gây sự với tàu hải quân Mỹ.

Cũng không nên thơ ngây nghĩ rằng đó chỉ là hai tàu đánh cá của ngư dân Hoa Lục. Thực ra, đó tất phải là các lính đặc công biển của hải quân Trung Quốc đang giả dạng làm tàu đánh cá để do thám các vùng biển, và nơi đây để đóng vai Chí Phèo ăn vạ. Tàu hải quân Mỹ bị gây sự là này là tàu USNS Victorious, lúc đó đang vẽ bản đồ vùng biển giữa Trung Quốc và bán đảo Đại Hàn, và có lúc hai tàu cá TQ tới cách tàu Mỹ có 30 yards (27.4 mét) thôi. Chuyện xảy ra Thứ Sáu tuần trước ở vùng biển quốc tế, cách lãnh thổ TQ 170 dặm (273.6 kilômét). Mọi chuyện trông như trò con nít giỡn nhau, nhưng thực sự đầy căng thẳng: Tàu Victorious mới hú còi, và lấy vòi rồng cứu hỏa ra xịt nước vào hai tàu cá TQ, nhưng hai tàu này không chịu lui cho tới khi một tàu hải quân TQ có tên kẻ chữ là WAGOR 17 xuất hiện, tới theo yêu cầu của tàu Mỹ và chớp đèn ra hiệu cho hai tàu cá TQ rút lui.

Và đây là vụ thứ 5 như thế chỉ trong 2 tháng. Cũng nên nhắc rằng, hồi tháng 3-2009, năm tàu cá TQ đã tới gây sự với tàu hải quân Mỹ USNS Impeccable ngay ở Biển Đông, cách đảo Hải Nam 75 dặm (120.7 kilômét), nghĩa là từ không xa bờ biển Việt Nam bao nhiêu. Nếu tàu TQ không sợ gì tàu Mỹ, thì họ có sá gì tới Việt Nam? Hay là, tàu TQ đã 5 lần gây sự với tàu hải quân Mỹ chỉ trong vòng 2 tháng, câu hỏi là họ đã mấy lần gây sự với tàu Việt Nam, cả tàu hải quân và tàu cá? Có phải Hà Nội im lặng, không la làng như hải quân Mỹ?

Nhưng có im lặng thì cũng không êm đâu. Bởi vì chính Bắc Kinh lúc nào cũng to họng loa kèn nhiều nhất.

Bản tin Xinhua hôm 7-5-2009 loan tin rằng đại diện TQ tại LHQ đã trình một thư lên Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-Moon hôm Thứ Năm, thúc giục uỷ hội về biên giời thềm lục địa (CLCS) đừng duyệt xét bản văn trình chung do Mã Lai và Việt Nam đệ trình về biên giới ngoài thềm lục địa vượt hơn 200 hải lý (370.4 kilômét) - bản văn trình chung giữa Mã-Việt đã nộp lên LHQ hôm Thứ Tư, và bị Bắc Kinh nói là đã "lấn vào chủ quyền lãnh hải Trung Quốc ở Biển Nam Hoa". Thư của quan lớn Bắc Kinh viết như thế.

Không hề chậm trễ tí nào, Bộ Ngoại Giao TQ liền lập ngay một cơ quan mới, được giải thích là, để chuyên trách về tranh chấp lãnh hải ở "Biển Nam Trung Quốc và Biển Đông Trung Quôc".

Biển Nam TQ, tức South China Sea ghi theo bản đồ TQ (cần ghi nhận: VN gọi là Biển Đông, và bản văn trình lên LHQ ghi là East Sea) là vùng biển bao dọc bờ biển Việt Nam. Như thế, cơ quan mới về biên giới biển do TQ lập ra là để đối đầu với VN.

Còn Biển Đông TQ, tức East China Sea ghi theo bản đồ TQ (nơi này Nam Hàn gọi là Biển Nam, tức trên giấy tờ là South Sea), cũng là nơi TQ tranh chấp với Nhật về đảo Senkaku (tên tiếng Nhật) còn gọi là Diaoyu (tên tiếng TQ), và tranh chấp về mỏ khí đốt Chunxiao. Như thế, cơ quan mới về biên giới biển do TQ lập ra là để đối đầu với Nhật.

Ma Zhaoxu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao TQ, nói thẳng, nói thật: "Vì đường biên giới dài và lãnh hải rộng lớn của chúng ta, nên cần thiết phải lập một cơ quan đặc biệt". Nếu tin vào bản đồ của TQ, tất nhiên lãnh hải TQ đã rất là khổng lồ.

Có phải vì tình hình trực diện tranh chấp biển như thế, cho nên hải quân Nhật Bản và Việt Nam mới thấy cần kết thân? Không thấy ai hỏi như thế, nhưng chỉ thấy Bộ trưởng Quốc Phòng CSVN Phùng Quang Thanh gặp Thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi hôm thứ Tư để trao đổi về mối quan hệ quân sự song phương. Phải chăng, Nhật lâu nay chịu im lặng trước tình hình tham nhũng quỹ trợ giúp phát triển ODA tại VN là để tới lúc mời gọi hợp tác quốc phòng?

Tuy nhiên, cũng cần nhắc rằng quân đội CSVN cũng có hợp tác với quân đội CSTQ, vì hai chính phủ CSVN-CSTQ đã có hiệp định hợp tác toàn diện.

Nhưng tranh chấp biển lần này sẽ dẫn tới đâu? Và LHQ sẽ nói gì về tình hình TQ yêu cầu dẹp bỏ bản phúc trình ký tên chung giữa Mã Lai và CSVN? Kết quả: LHQ không xét về hồ sơ nộp chung của Mã-Việt. Lý do được bản tin Xinhua giải thích là quy định của cơ quan CLCS viết: "trong trường hợp, khi có tranh chấp về đất hay biển, uỷ hội sẽ không cứu xét và không chấp thuận một bản đệ trình gửi bởi bất kỳ quốc gia nào liên hệ tới tranh chấp".

Và vì có tranh chấp đó với TQ, nên bản phúc trình chung của Mã-Việt sẽ không được uỷ hội CLCS cứu xét. Thế là hỏng! Tưởng là ký tên chung giữa Mã Lai và VN là tăng sức mạnh cho tranh chấp vùng biển phía nam, nhưng thấy rõ là không êm thấm gì với đàn anh CSTQ.

Cũng cần ghi rằng, trong danh sách các hồ sơ ranh giới biển trình lên LHQ cho biết nơi hồ sơ thứ tự 33, Mã Lai và VN đệ trình chung về phần phía nam Biển Nam TQ ngày 6-5-2009.

Hồ sơ thứ 34 là bản đệ trình chung giữa Pháp và Nam Phi về vùng quần đảo Crozet và đảo Prince Edward Islands cũng ngày 6-5-2009. Tới hồ sơ 35 là Kenya, trình ngày 6-5-2009; hồ sơ 36 là Mauritius về vùng đảo Rodrigues Island ngày 6-5-2009.

hồ sơ 37 là Việt Nam, vùng phía bắc, đệ trình ngày 7-5-2009. Bản văn được nộp như thế là kịp thời hạn, trước hạn chót do LHQ quy định là ngày 13-5-2009.

Bản văn mới này dài 8 trang, viết bằng Anh ngữ ghi rõ rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam (ngay ở đoạn văn đầu của phần Introduction).

Bản đồ trong bản văn ghi tên hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa kèm theo mở ngoặc là của Việt Nam. Độc giả có thể đọc toàn văn và xem bản đồ ở trang nhà LHQ.

Bây giờ là vấn đề mới: Kinh nghiệm của một khối NATO (Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương) đã đóng vai trò thành công khi kềm chế sức tiến của Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh và cả hiện nay. Có thể nào giúp cho các nước vùng Biển Đông thiết lập một khối tương tự như thế?

Bởi vì thực tế là, khối ASEAN không làm nổi chức năng liên minh phòng thủ như thế. Mặt khác, tiền của tình báo Trung Quốc bơm vào VN, Lào, và Cam Bốt đang làm lung lạc nhiều cán bộ, viên chức.

Vậy thì, nếu có một liên minh kết hợp ASEAN, Nhật Bản, Úc Châu, Nam Hàn (và cả Hoa Kỳ, hy vọng thế) để giữ bình yên Biển Đông hay không? Nếu có được, thì đây là giải pháp đẹp nhất. Bấy giờ, câu hỏi riêng cho phía Việt Nam là: Biển Đông có thể êm nhờ liên minh quốc tế, nhưng làm sao giữa được Trường Sơn nếu vẫn cứ làm mỏ bauxite Tây Nguyên? Phải chăng, bauxite Tây Nguyên sẽ là chỗ sơ hở để Trung Quốc sẽ dàn trận Nam Tiến? Ai đã hiến kế cho Bắc Kinh và đã mua chuộc được các quan Hà Nội như thế? Đành phải chờ xem thế sự xoay vần ra sao.

Tin giờ chót hôm Thứ Sáu cho biết, Trung Quốc một lần nữa phản đối về hồ sơ 8 trang về thềm lục địa do chính phủ Hà Nội trình lên LHQ. Nghĩa là trong 2 ngày, Hà Nội trình 2 hồ sơ về biển, lần đầu (ngày 6-5-2009) ký tên chung với Mã Lai, lần sau (ngày 7-5-2009) ký tên đơn độc. Và cả hai lần đều bị Trung Quốc phản đối. Thấy rõ, Biển Đông tất phải dậy sóng.

Trần Khải

© Thông Luận 2009
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 691 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 553
Khách: 553
Thành Viên: 0