Nguyễn Thanh Giang
(Viết tặng các vị đại biểu dự kỳ họp Quốc hội tháng 5 năm 2009)
Những người tự giác quan tâm đến việc
nước đã có những phút hồ hởi, thở phào nhẹ nhõm khi được đọc những dòng
này trong “Thông báo Kết luận số 245-TB/TW, ngày 24/4/2009 của Bộ Chính
trị về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng
bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025″:
- Phát triển ngành công nghiệp khai
thác bauxite, chế biến alumin, nhôm phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu
dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa
làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi
trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.
- Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần
đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và
lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa.
- Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các
đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa
học, Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch
cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và khu
vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển kết cấu hạ tầng,
bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và
quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện.
- Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại
toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế
và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về
bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực
hiện.
- Việc lựa chọn công nghệ là một nội
dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại
trên thế
giới.
- Chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài; sử dụng lao động trong nước.
- Ban cán sự Đảng, Chính phủ chuẩn bị báo
cáo vấn đề này với Ban Chấp hành Trung ương trong kỳ họp giữa năm 2009
và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế
- xã hội năm 2009.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân dù phê phán một cách rất rụt rè: “Như nhiều người, tôi cũng đã mong đợi Kết luận của Bộ Chính trị được đưa ra sớm hơn, bởi một lẽ dĩ nhiên, ra sớm hơn sẽ tốt hơn“, nhưng cũng đã hoan nghênh: “Nhưng điều chính yếu là các ý kiến phản biện đã được lắng nghe và nhờ vậy đã có những điều chỉnh quan trọng.”
Vậy mà, phút hồ hởi vui tin này tuồng
như chỉ rất ngắn ngủi và đã qua đi khi chỉ vài ngày sau đó, trên hệ
thống truyền thông, báo chí của Đảng, thấy xuất hiện nhiều bài viết,
nhiều bản báo cáo, nhiều thuyết trình… hoá giải hầu hết các huấn thị
trên kia.
Hóa ra, người ta bảo rằng họ đã am
tường từ trước, đã làm đúng đắn từ trước tất cả rồi, Bộ Chính trị không
nắm được gì nên cứ ” Khổ lắm, biết rồi, nói mãi!”.
Song, thực tế thì sao?
* Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nói: “Trong lĩnh vực
sản xuất alumina - nguyên liệu luyện nhôm thì tất cả các nhà sản xuất
lớn trên thế giới đều áp dụng công nghệ Bayer, đã được khẳng định qua
gần 100 năm nay. Hiện nay, Mỹ, Úc, Pháp đều áp dụng công nghệ này. Ý
kiến cho rằng công nghệ lựa chọn đưa vào Nhân Cơ và Tân Rai không phải
công nghệ gốc, công nghệ nguồn là không xác đáng. Chưa kể, suốt bao
nhiêu năm qua, công nghệ này đã được cải tiến, nâng cấp, được hoàn
thiện hơn. Cả 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai đều lựa chọn công nghệ Bayer
hòa tách bauxite ở nhiệt độ 145 độ C - áp suất 5 atm cho hiệu suất hòa
tách đạt 85,5% và hiệu suất thu hồi alumina toàn bộ đạt 83,6%.”
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn nói: “Nhìn
chung, bauxite của Tây Nguyên thuộc loại “phong hóa”, khác bauxite
thuộc loại “sa khoáng” về nguồn ngốc địa chất. Như vậy, công nghệ và
kinh nghiệm của nhà thầu về bauxite sa khoáng khác với công nghệ và
kinh nghiệm về bauxite phong hóa. Chất lượng quặng bauxite: có ảnh
hưởng rất quyết định đến tính khả thi về mặt kinh tế cũng như tính cạnh
tranh của công nghệ được lựa chọn. Nhìn chung, công nghệ Bayer được áp
dụng cho loại bauxite có chất lượng cao, có hàm lượng SiO2 thấp. …Theo
đánh giá chung, chất lượng bauxite của VN thuộc loại thấp, So với
bauxite của các nước trên thế giới, bauxite của Tây Nguyên thuộc loại
chất lượng thấp nhất, đòi hỏi phải có thêm công đoạn tuyển rửa quặng
nguyên khai để tăng modun silic, vì vậy tính cạnh tranh khi sử dụng
công nghệ Bayer cũng là thấp.”
* Những người được hưởng lợi lớn từ Dự
án Khai thác Bauxite Tây Nguyên ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng
sản Việt Nam (TKV) nói: “Hiện nay công ty chúng tôi đã tận thu được
hơn 1,3 triệu tấn quặng bauxite. Tùy theo khu vực, có những nơi quặng
nằm lộ thiên, có những nơi quặng nằm dưới lớp đất dày 0,5-3m. Chúng tôi
dùng xe máy bốc hết lớp đất trên mặt đi, sau khi khai thác hết quặng
bên dưới sẽ trả lại lớp đất về chỗ cũ và đảm bảo đất sẽ tốt hơn khi
chưa khai thác quặng.”
Nhưng thực tế thì: tại Bảo Lộc (Lâm
Đồng) có một mỏ bauxite nhỏ đã được khai thác hàng chục năm nay. Diện
tích bị đào bới lên tới 36ha nhưng sau khi khai thác, chỉ 2ha trong số
được hoàn thổ. Đất hoàn thổ ở đây cũng chỉ thấy trồng bạch đàn và keo,
song ngay cả hai loại cây này cũng phát triển kém.
* Thông báo Kết luận số 245- TB/TW, ngày 24/4/2009 của BCT nêu: “Phát
triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, chế biến alumin, nhôm phải
bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi
thích hợp.”
Một hội thảo khoa học nghiêm túc do GS.
NGND Nguyễn Văn Chiển, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam,
Chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên I chủ trì, có sự tham gia của một số
nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh tế có uy tín như: Nhà văn Nguyên
Ngọc; GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam; GS.TS
Trần Nghi, Chủ tịch Hội Trầm tích, tổng Hội Địa chất VN; GS.TS Phạm Duy
Hiển, Nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt; PGS.TS Khổng Diễn,
Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học; PGS.TS Hà Huy Thành, Viện trưởng
Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Khoa học Xã hội
Việt Nam; PGS.TS Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt
Nam… đã khẳng định: “Việt Nam không nên quá vội vã trong việc khai
thác Bauxit và xây dựng các nhà máy sản xuất Alumin để xuất khẩu, bởi
giá trị của Alumin chỉ bằng 12% giá trị của Nhôm kim loại. Bauxit là
tài nguyên không tái tạo, khi khai thác và sử dụng thì nó sẽ vĩnh viễn
mất đi vì thế chúng ta không nên vội vàng lãng phí tài nguyên mà hãy để
dành Bauxit đến khi có điều kiện (điện năng, công nghệ…) để sản xuất
thành các sản phẩm có giá trị cao như nhôm và các sản phẩm nhôm. Bài
học kinh nghiệm từ ngành than cho thấy sau bao nhiêu năm khai thác và
xuất khẩu, đến nay Việt Nam đã phải tính đến việc nhập khẩu 3,5 triệu
tấn than / năm từ Indonesia.”
Lại nữa, vì biết rằng quá trình oxy hóa
của nhôm kim loại sẽ giải phóng một lượng nhiệt cực lớn, các nhà khoa
học coi nhôm kim loại là vật tích năng lượng tiềm ẩn vô giá. Công nghệ
nano nhôm đang được tích cực nghiên cứu triển khai. Bột nano nhôm được
xếp đầu bảng về năng lực phản ứng và hiệu quả tích năng lượng cao. Chỉ
vài ba thập kỷ nữa, khi công nghệ nano nhôm phát triển mạnh thì chính
bauxite Tây Nguyên sẽ là nguồn năng lượng dự trữ khổng lồ cứu vãn tình
hình đói năng lượng cho nước ta khi dầu mỏ, than… đều sẽ cạn kiệt.
Cho nên, muốn “bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước” thì chưa nên xúc tiến đề án khai thác bauxite Tây Nguyên một cách ồ ạt như đang bắt đầu triển khai.
Tinh thần “Dân biết, dân bàn” dấy lên
mạnh mẽ như vừa qua, đã đóng góp cho các nhà lãnh đạo những ý kiến hết
sức xác đáng với đầy trí tuệ và tâm huyết nhẽ ra phải được những người
lãnh đạo cao nhất chân thành cảm ơn và nhiệt liệt biểu dương.
Trớ trêu sao, người ta lại chỉ thị mở chiến dịch phản kích họ một cách rất tàn nhẫn!
- Báo Nhân Dân, số ra ngày 26-4-2009 đăng: “Cần
cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính
trị hóa vấn đề của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ
nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng
liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện
những mưu đồ xấu xa của họ.”
- Tờ Tuần Việt Nam đăng: “Chúng
ta không thể đồng tình và cần cảnh giác với lối phản biện có tính chất
chia rẽ xã hội, thù địch và hằn học của những kẻ tiểu khí nhằm thỏa mãn
những toan tính vụ lợi cá nhân, vì xét cho đến cùng đó chỉ là lối phản
biện ‘té nước theo mưa‘ rất vô trách nhiệm và không có hiệu quả.”
- Báo cáo của Bộ Công Thương viết: “Cả
ba nội dung trong kiến nghị (do giáo sư Nguyễn Huệ Chi, GSTS Nguyễn Thế
Hùng, nhà giáo Phạm Toàn khởi xướng, đã thu thập được trên hai vạn chũ
ký) đều không có cơ sở và không đúng tình hình thực tế. Hoàn toàn mang
tính bịa đặt và kích động“. “Điều đáng buồn là các nhà khoa học, do thiếu thông tin, lại ký vào một bản kiến nghị sai trái như vậy.”
- Thứ trưởng Lê Dương Quang quy chụp các người phản biện là: “Rất
kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện,
trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản
động lợi dụng.”
Không kể các nhà báo có thể là được
thuê viết, phát biểu của ông Lê Dương Quang phải được đánh giá là hàm
hồ và hỗn xược. Chẳng nhẽ bao nhiêu tên tuổi như: đặc đẳng công thần Võ
Nguyên Giáp; những trí thức lão trượng như Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn
Chiển, Hoàng Tụy, Trần Văn Khê, Nguyễn Trung…; những lão tướng cách
mạng như Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sĩ Nguyên…; những nhà khoa hoc trứ
danh như Nguyễn Thanh Sơn, Phan Đình Diệu, Chu Hảo, Lê Văn Cương, Hà Sĩ
Phu, Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh…; những nhà văn, nhà báo nổi tiếng
như Dương Tường, Bùi Minh Quốc, Trần Văn Thủy, Hoàng Hưng, Phạm Đình
Trọng, Lê Phú Khải…; những trí thức giầu lòng yêu nước đang ở nước
ngoài như Ngô Bảo Châu, Ngô Vĩnh Long, Trần Văn Thọ, Trịnh Xuân Thuận,
Vũ Quang Việt… cùng hàng trăm, hàng vạn người đã đứng tên trong các bản
Kiến nghị đề ngày 3 tháng 3 năm 2009 và Kiến nghị đề ngày 17 tháng 4
năm 2009 không đủ làm cho ông thứ trưởng hậu sinh này dù không còn đức
khiêm tốn vẫn cần phải biết nghiêm túc lắng nghe và thận trọng trước
khi nói sao?
Cũng thật đáng tiếc là ngay cả giáo sư Nguyễn Ngọc Trân dù biết thừa nhận “những ý kiến lạc lõng này chỉ càng làm sáng hơn các phản biện xây dựng và khách quan” vẫn nói như để trả ơn những ai đã cơ cấu mình vào làm đại biểu Quốc hội: “trong
thời gian qua, bên cạnh những ý kiến phản biện tâm huyết và khoa học
của các giới, đã có những phát biểu mang tính xuyên tạc của một số
người muốn lợi dụng vấn đề bô-xít để kích động, chia rẽ dân tộc“! (Có thể đúng như giáo sư nói: “đã có những phát biểu mang tính xuyên tạc của một số người muốn lợi dụng vấn đề bô-xít để kích động, chia rẽ dân tộc“, tuy nhiên số ý kiến như thế có là bao và đáng kể gì.)
Thật ra thì, không ai lạ gì cái ngón
nghề sở trường này của nhà cầm quyền. Mồi khi bị búa dìu dư luận chĩa
mũi nhọn phê phán quyết liệt vào, họ thường vẽ ra một bóng ma ghê rợn
để hù dọa nhân dân, đồng thời dùng đó vừa làm khiên chắn cho họ, vừa để
đánh lạc mục tiêu.
Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
thành khẩn hứa sẽ trình Quốc hội các dự án khai thác bauxite ở Đak Nông
và Lâm Đồng thì chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lại phủi bỏ: “Dự án Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu đôla, chưa thuộc dự án phải đặt dưới sự giám sát của Quốc hội.”
Là chủ cơ quan lập pháp của Nhà nước
nhưng phải chăng ông Trọng không nhớ rằng theo Nghị quyết của Quốc hội,
bất cứ dự án, công trình quan trọng quốc gia nào thuộc về một trong năm
tiêu chí sau đây thì đều phải được Quốc hội duyệt xét:
1 - Quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn
tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba
mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên;
2 - Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường;
3 - Dự án, công trình phải di dân tái
định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn
người trở lên ở các vùng khác;
4 - Dự án, công trình đầu tư tại địa
bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có
di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa;
5 - Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Dự án Khai thác Bauxite Tây Nguyên không rơi vào điều quy định số 1 nhưng vào điều 2 và điều 4.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba
Đình ngày 4 tháng 5 vừa qua, ông Trọng còn quả quyết rằng: chủ trương
khai thác bauxite ở Tây Nguyên “đã được thống nhất trong các Nghị quyết 9, 10 của Đảng“.
Ông Trọng đã ngụy biện!
Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX còn ghi đó: “Khai
thác chế biến các loại khoáng sản: phát triển công nghiệp khai thác
bauxite, luyện alumin và chế biến nhôm theo một trong hai phương án:
sản xuất 300 nghìn tấn/năm alumin để điện phân 75 nghìn tấn nhôm sử
dụng trong nước; sản xuất 1 triệu tấn alumin cho xuất khẩu, giai đoạn
sau nâng lên 3 triệu tấn. Đầu tư khai thác và tuyển quặng đồng, khai
thác inmênit, đá quý, vàng, đất hiếm; xây nhà máy luyện kẽm Thái
Nguyên, luyện đồng ở Lào Cai.”
Không hề nói khai thác bauxite ở Tây Nguyên, càng không hề nói phải đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên.
Vậy mà trong chuyến đi Trung Quốc năm 2008 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thỏa thuận: “Hai
bên tích cực ủng hộ và thúc đẩy các doanh nghiệp của hai nước hợp tác
lâu dài cùng có lợi trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế
tạo, phát triển nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các
lĩnh vực quan trọng khác. Hai bên tăng cuờng hợp tác trong các dự án
như: Bauxite Đắc Nông, các dự án trong khuôn khổ ‘Hai hành lang, một
vành đai kinh tế’ và các dự án lớn khác. Hai bên khẳng định tăng cường
hợp tác trong các cơ chế kinh tế khu vực, liên khu vực và quốc tế như
Tổ chức Thương mại Thế giới.“
Sao ông Nông Đức Mạnh lại làm như vậy!
Trước khi quyết định mời Trung Quốc vào
làm bauxite ĐakNông ông đã bàn kỹ ở Trung ương chưa? Đã tham khảo ý
kiến các nhà khoa học chưa? Đã thông qua Quốc hội chưa?
Cho nên người ta thấy đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nén một tiếng thở dài, nghẹn ngào thốt lên: chuyện ấy đã an bài!
Có ai đó đặt câu hỏi: ông Mạnh đã bị lừa, hay đã bị mua? Hay là cả hai?
Không bị lừa thì không thể nào lại dại dột như thế!
Bị mua thì có thể bằng cả hai giá. Cái giá chính trị: lời hứa bảo vệ ngai vàng. Và cái giá tài chính không biết là bao nhiêu?
(Dân gian truyền tụng: “Theo Tàu mất
nước, theo Mỹ mất Đảng”. Khẩu lệnh “thiên đình”: “Trung với Đảng” (chứ
không phải “Trung với Nước” như lời Hồ Chủ tịch). Có nghĩa là thà mất
Nước chứ quyết không để mất Đảng! Mất Tổng Bí thư tức là mất Đảng
chăng?).
Vậy là ông Mạnh đã đặt Đảng vào thế kẹt
của “chuyện đã rồi”. Làm theo lời khuyến dụ chân chính để bảo vệ quyền
lợi Tổ quốc thì Tổng Bí thư thất hứa với Bắc triều. E rằng, vấn đề
không chỉ là danh dự và uy tín.
Cho nên, chẳng cần bàn thảo thêm nữa làm gì. Như tiếng “Sát Thát” ngày nào, toàn dân Việt Nam hãy hô xé trời khẩu lệnh này: “Không được cho Trung Quốc vào Tây Nguyên!“
“Không được cho Trung Quốc vào Tây
Nguyên”, bởi đã thêm một lần ta nghe lời căn dặn thiết tha hôm Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Võ Đại tướng nhân kỷ niệm 55 năm chiến
thắng Điện Biên Phủ: “Rất mong các đồng chí lưu tâm đến chuyện khai
thác bauxite Tây Nguyên. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng của đất
nước, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt
Nam mà cả với Đông Dương.“
Tây Nguyên đã từng là hậu cứ giúp vua
Quang Trung chống quân Thanh và từ đây tấn công đè bẹp Chiêm Thành khi
người ta muốn tạo thế gọng kìm giúp nhà Thanh quấy phá nước ta.
Tây Nguyên đã tạo thế chân kiềng kết nối ta với các nước bạn Lào và Campuchia trong suốt mấy cuộc kháng chiến vừa qua.
Tây Nguyên đã khởi đầu cuộc tháo chạy của quân đội Mỹ và mở màn cho chiến dịch dẫn đến đại thắng 1975.
Các nhà quân sự Pháp đã đánh giá: “Tây
Nguyên là xương sống Việt Nam và là chỗ dựa không gì hơn của đất nước
này. Nếu mất nó là Việt Nam mất nước, nếu giữ vững nó thì không kẻ thù
nào có thể đánh bại được họ.”
Vậy mà, ai không thể không giật mình
thảng thốt khi nghe thiếu tướng PGS TS Lê Văn Cương, đương kim viện
trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an thông báo: “Hiện nay
Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri, sát biên
giới tỉnh Đắc Nông với thời gian 99 năm và Trung Quốc đã làm chủ các dự
án lớn ở tỉnh Atapư, cực nam của Lào, giáp với Việt Nam và Campuchia (tại Ngã ba Đông Dương)”.
Và, thiếu tướng cảnh báo khẩn thiết: “Đây
là hậu họa khôn lường đối với an ninh quốc gia. Không rõ những người
quyết định cho Trung Quốc vào Tây Nguyên có biết điều này không?”
Người ta không chỉ lo lắng mà còn rất
nghi ngại. Đúng như tâm trạng của nhà văn Nguyên Ngọc: “Theo tôi, người
ta vẫn giữ ý định của người ta muốn làm vì do những áp lực hay do những
cái gì đấy… cho nên cái thông báo (ngày 24/4/09 của BCT) nó cũng phản
ánh một sự giằng co.”
Không nghi ngờ sao được khi, cho đến 24 tháng 4 năm 2009 Bộ Chính trị còn thông báo: “Chưa chủ trương bán cổ phần cho tổ chức và cá nhân nước ngoài; sử dụng lao động trong nước“, vậy mà cờ quạt, biểu ngữ Trung Quốc đã trưng đỏ Tây Nguyên.
Người ta bảo số Trung Quốc mới kéo vào
Tây Nguyên chỉ khoảng 600, nhưng có nguồn tin cho biết đã lên tới hàng
ngàn. Phóng viên báo Nhân Dân ở Tân Rai viết trong báo cáo: “Hầu hết số lao động Trung Quốc đang có mặt tại công trình là lao động phổ thông.”
Chính trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng vô cùng bức xúc: “Tại
sao có chuyện dự án nước ngoài thắng thầu và đưa lao động phổ thông của
nước họ vào làm việc ngang nhiên tại Việt Nam, kể cả trường hợp không
có giấy phép lao động?”
Người Việt Nam rất nể trọng nước Trung
Hoa láng giềng khổng lồ đã từng sớm có nền văn minh cổ đại huy hoàng;
cũng rất yêu một dân tộc tài hoa, cần mẫn đã từng có lúc chia ngọt sẻ
bùi, nhưng trước những hành vi xâm lấn không chỉ Biển Đông với các quần
đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả thác Bản Giốc, suối Phi Khanh (Mục Nam
Quan)… với thái độ trịch thượng, bằng những thủ đoạn vừa quỷ quyệt, vừa
đê tiện thì không thể không cảnh giác và sẵn sàng đối phó.
Nhưng, không hiểu sao người ta lại lén
lút đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên và khẩn trương kiến tạo con đường cao
tốc rộng rãi nhất, hiện đại nhất Việt Nam dẫn thẳng từ Trung Quốc đến
thủ đô Hà Nội?
Đất nước này thực ra đã và đang chịu sự “đô hộ mềm” của Trung Quốc qua huấn thị: “Việt Nam không nên sốt sắng gia nhập WTO”
(mà phải để cho Trung Quốc vào trước đã). Huấn thị này được cơ quan
tình báo Hoa hải ngoại truyền qua Báo cáo của Bộ Quốc phòng (thực chất
là của Tổng cục II) tại Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng ngày 24
tháng 8 năm 2004. (Vì những huấn thị kiểu như thế, mặc dù Thủ tướng
Phan Văn Khải đã sang đến New Zeeland chuẩn bị ký kết thỏa ước Việt
Nam-Hoa Kỳ, mở đường cho Việt Nam vào WTO, vẫn bị TBT Lê Khả Phiêu điện
sang bắt phải đình hoãn. Cho nên, đâu phải chỉ Mỹ can thiệp vào nội bộ
Việt Nam!)
Qua cái gọi là cùng chung ý thức hệ. Qua các hội nghị, hội thảo song phương Trung-Việt về Văn hóa-Tư tưởng-Lý luận.
Qua chủ trương: “Hai bên cùng lập
nhiều cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương giáp biên
giới hai nước, đặc biệt là cơ chế Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương để
chỉ đạo và điều phối sự hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trên tất cả các
lĩnh vực.” (Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cuối tháng 5 năm 2008)
Qua “Đường dây nóng giữa các nhà lãnh
đạo”… (Có người còn bảo Trung Quốc tác động cả vào cơ cấu nhân sự cấp
cao của ta, cụ thể như trường hợp Nguyễn Chí Vịnh.)
Trong bài viết đăng trên tập san Tổ Quốc
số 63, luật sư Trần Lâm nêu kiến nghị giải pháp tách ĐCSVN làm hai. Tạm
hình dung là sẽ có một Đảng Tiến bộ và một Đảng Bảo thủ. Sáng kiến này
kể ra rất hay. Có điều e ngại là ngộ nhỡ xẩy ra tình trạng Đảng Tiến bộ
dồn Đảng Bảo thủ vào thế sống còn thì có thể chăng sẽ có lời mời, và…
xe tăng, thiết giáp Trung Quốc sẽ rầm rập trên đường cao tốc hiện đại
nhất Việt Nam kia để không chỉ đến Hà Nội mà còn nhanh chóng phối hợp
cùng cánh quân Trung Quốc Tây Nguyên tiến qua Sài Gòn (không cần lập
căn cứ địa đầu tiên ở Thanh Hóa quê tôi như bản kế hoạch tác chiến đã
công bố trên các mạng Trung Quốc hồi năm ngoái).
Julius Fučík đã từng tha thiết: “Nhân loại hỡi, tôi yêu tất cả mọi người, các bạn hãy cảnh giác“.
Không phải chỉ thế hệ trẻ cần thức
tỉnh. Hỡi các bạn già chúng ta, dù sức tàn lực kiệt, hãy cứ vẫn phải
mang tinh thần dũng sĩ mà soi xét, mà suy ngẫm và sẵn sàng hành động.
Sự tưởng tượng kỳ quái kia mong sao chỉ
là hoang tưởng. Nhưng, không thể không đề phòng, không thể không sẵn
sàng, bởi thực tế trước mắt đã cho ta thấy chỉ riêng chuyện bauxite
thôi mà ta đã phải đặt vấn đề “Bauxite, hay vận mệnh đất nước”!
Hà Nội 9 tháng 5 năm 2009
© 2009 Nguyễn Thanh Giang
|