Thứ Ba, 2024-11-05, 8:33 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 15 » Luật sư Việt Nam có hoạt động độc lập?
11:19 AM
Luật sư Việt Nam có hoạt động độc lập?



Hình: chinhphu.vn

HÀ NỘI 13-5 (NV) - “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, luật sư phải độc lập, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp và đạo đức nghề nghiệp.” Ông Nguyễn Minh Triết, chỉ tịch nước CSVN tuyên bố như vậy và được hệ thống thông tin tuyên truyền của chế độ tường thuật khi ông đến chủ toạ “Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc” ngày 11/5/2009 ở Hà Nội.

Dịp này ông Triết còn khuyên giới luật sư là “Thời gian tới, giới luật sư cần trau dồi kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, chính uy tín và danh tiếng nghề nghiệp đòi hỏi các luật sư tham gia tích cực vào việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo".

* Luật nhưng phải theo “ý” đảng


Sau bài phát biểu của ông Triết thì đại hội nói trên bắt tay vào một cuộc bầu bán đã được Bộ Chính Trị đã dàn cảnh từ trước.

Bản tin của tờ “Pháp Luật TPHCM” viết về kết quả của cuộc bầu bán các chức vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Tối qua (11/5), 93 ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc đã bầu ra 21 ủy viên Ban Thường vụ liên đoàn, đồng thời bầu ban lãnh đạo gồm Chủ tịch Liên đoàn Lê Thúc Anh (nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, hiện là luật sư Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu).

Bốn Phó Chủ tịch là các ông Nguyễn Văn Thảo (nguyên Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, hiện là luật sư Đoàn luật sư TP Hà Nội), ông Đỗ Ngọc Thịnh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, Ban Tổ chức trung ương, hiện là luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội) và hai luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn luật sư Sài Gòn), Phạm Hồng Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Ban lãnh đạo cũng đã “thống nhất phân công ông Thảo làm Phó Chủ tịch thường trực, ông Thịnh kiêm Tổng thư ký.”


Trước đó, cũng tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất luật sư toàn quốc đang diễn ra ở Hà Nội, hơn 320 đại biểu luật sư cả nước đã bầu Hội đồng luật sư toàn quốc - cơ quan thường trực của liên đoàn giữa hai kỳ đại hội.

Cơ cấu Hội đồng luật sư toàn quốc là 93 vị, gồm 62 trưởng đoàn luật sư các tỉnh, thành (cả nước chỉ còn Lai Châu chưa lập đoàn) và 31 người do bầu cử. Chuẩn bị cho cuộc bầu cử này, Hội đồng lâm thời đã giới thiệu 31 vị; các đoàn luật sư, tổ đại biểu luật sư đề cử và tự ứng cử thêm chín người.”

Bản, tin tờ Pháp Luật TPHCM viết rằng: “Cuộc bầu cử được tiến hành khách quan, dân chủ với sự giám sát của 24 vị trong ban kiểm phiếu do đại hội bầu. Kết quả là 27/31 ứng viên do Hội đồng lâm thời giới thiệu trúng cử, 4/9 ứng viên do các đoàn luật sư, tổ đại biểu đề cử và tự ứng cử trúng cử.”

* Nói một đằng, làm một nẻo


Nhưng thực tế thì ngược hẳn lại.

Bộ Chính Trị CSVN muốn quản lý chặt chẽ một tổ chức có tầm quan trọng với những người có kiến thức pháp luật cao nhất nước, chuyên môn nhất nước, đã “cơ cấu” những người đứng đầu tổ chức bằng cách “điều” một số đảng viên CSVN từ bên Bộ Tư Pháp sang.

Lê Thúc Anh, Nguyễn Văn Thảo, Đỗ Ngọc Thịnh không phải là luật sư chuyên nghiệp trước đó. Chỉ khi chuẩn bị cho việc bầu bán ban chấp hành Liên đoàn luật sư thì những ông đảng viên được tin cậy này mới được “điều” sang làm luật sư.

Trên nguyên tắc, đại hội nói trên gồm đại diện các đoàn luật sư khắp nước và từ đây họ bầu trực tiếp các chức vụ. Tuy nhiên, các tin tức trước đây cho thấy, để “cơ cấu” được các người do Đảng CSVN đưa ra để cầm đầu, ban đại diện lâm thời (cũng là các ông được bầu chính thức) đã xếp đặt để bầu bán gián tiếp. Vẫn là cách “đảng cử đại biểu bầu” chứ không có “khách quan dân chủ” gì cả.

 
 Luật sư Nguyễn Đăng Trừng
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, thủ lãnh Đoàn luật sư Sài Gòn đã tẩy chay không tham dự vào ban chấp hành lâm thời và cũng không tham dự đại hội đại biểu luật sư nói trên vì chống lại sự áp đặt, và dù ông bị ép buộc phải tham dự.

Ông Trừng đã từng từ chối không cho ông Lê Thúc Anh gia nhập luật sư đoàn Sài Gòn hồi năm ngoái vì thấy ông này không hội đủ các điều kiện như qui định phải có để gia nhập một tổ chức luật sư.

Tuy Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006 cùng đề cập đến việc cần có một “Tổ chức Luật sư Toàn quốc” làm đại diện cho giới luật sư ở Việt Nam nhưng đến nay, các Đoàn Luật sư tại Việt Nam vẫn là những tổ chức độc lập với nhau. Thành viên của các Đòan Luật sư trực tiếp bầu ra Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng và Kỷ luật. Về phía nhà nước, UBND tỉnh, thành phố chỉ ban hành quyết định thành lập Đoàn Luật sư trong địa phương của mình và Bộ Tư pháp chỉ giữ vai trò giám sát họat động của các Đoàn Luật sư.

Trong Luật Luật sư hiện hành, dù “Tổ chức Luật sư toàn quốc” được xem là “cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển hoạt động luật sư”, song kế họach thành lập “Tổ chức Luật sư toàn quốc” vẫn liên tục bị giới luật sư Việt Nam phản đối, vì việc sắp đặt nhân sự lãnh đạo tổ chức này bị cho là thiếu dân chủ, thậm chí vi phạm pháp luật.

Tháng 10 năm 2006, Bộ Tư pháp Việt Nam chính thức giới thiệu “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc”. Theo đó, tên gọi chính thức của “Tổ chức luật sư Toàn quốc” sẽ là “Liên đoàn Luật sư Việt Nam”. Bộ Tư pháp cho biết sẽ thành lập “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc” để tổ chức “Đại hội đại biểu Luật sư lần thứ nhất”, qua đó lập ra “Liên đoàn Luật sư Việt Nam”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn đã thay mặt Đòan Luật sư Sài Gòn, gửi “Kiến nghị khẩn cấp”, đề nghị Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp không chỉ định bất kỳ cán bộ nào đại diện Bộ Tư pháp làm thành viên của “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc”.

Trong “Kiến nghị khẩn cấp” ký ngày 20 tháng 10 năm 2006, Đoàn Luật sư Sài Gòn cho rằng: “Việc Bộ Tư pháp đưa hai đại diện của mình làm thành viên ‘Hội đồng Luật sư lâm thời’ và dự kiến cơ cấu một người làm Chủ tịch, một người làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thư ký là “vi phạm nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, được quy định tại Luật Luật sư”.

Phản ứng của Đòan Luật sư Sài Gòn và dư luận trong giới luật sư trên toàn quốc đã khiến việc thực hiện “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc” bị khựng lại. Mãi 15 tháng sau, vào ngày 16 tháng 1 năm 2008, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN mới phê duyệt “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc”. Khi phê duyệt đề án, ông xác định: “Người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải là người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư và thực tiễn hoạt động luật sư ở Việt Nam, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư...”.

Cho dù ông Dũng yêu cầu trong năm 2008, phải thực hiện xong “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc” nhưng đến nay, ngày 11/5/2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới được nặn ra theo sự “cơ cấu” tiền chế.

Khi được báo điện tử VietNamNet hỏi, hồi Tháng Mười 2008 vì sao lại chậm trễ như vậy, ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc, cho biết: “Đây là một tổ chức nghề nghiệp đặc thù nên công tác nhân sự tương đối phức tạp”. Nhưng ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc thì tiết lộ “Dù đã động viên nhiều luật sư giỏi tham gia nhưng họ đều từ chối vì bận công việc”.

Một người cũng được “cơ cấu” làm phó chủ tịch thường trực của Liên đoàn luật sư là ông Trần Đại Hưng (nguyên phó Ban Nội Chính Trung Ương) thấy sự áp đặt lộ liễu nên đã rút tên.

Theo giới luật sư ở Sài Gòn, cái tổ chức “Liên đoàn Luật sư” được nặn ra chỉ để chỉ để kềm chế giới luật sư, không muốn đó là là một tổ chức nghề nghiệp độc lập.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 666 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 59
Khách: 59
Thành Viên: 0