Thứ Năm, 2025-01-16, 7:03 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 15 » Đảng từ lỗ nào chui lên?
11:25 AM
Đảng từ lỗ nào chui lên?

Phạm Trần

“Sở dĩ chúng tôi phải dùng hình thức thư ngỏ, vì kinh nghiệm cho thấy quý vị rất hiếm khi – thậm chí không bao giờ – đối thoại với những người gửi thư tới quý vị, ngay cả những công dân có công lớn với đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, … thì thư gửi tới quý vị đều không được phản hồi, vậy nên, việc viết thư ngỏ là biện pháp bất đắc dĩ mà chúng tôi phải lựa chọn để công khai cho đông đảo nhân dân xem và phán xét lập luận cùng thái độ của chúng tôi đúng hay sai.”

Đó là lời mở đầu bức Thư Ngỏ (thứ 2) của nhóm “Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên” do các ông Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn, Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thế Hùng gửi cho những người cầm đầu Nhà nước Cộng sản Việt Nam hôm 7-5-2009 vừa qua.

Mục tiêu chính của lần này, theo lời nhóm Đại diện: “Nhằm mục đích phân tích những sai trái trong Thông cáo của Bộ Công thương đề ngày 28 tháng 4 năm 2009, trong đó đã sai về nội dung khi phản bác lại các luận điểm của bản Kiến Nghị đối với chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, lại còn sai cả về thái độ khi quy chụp những trí thức đã ký tên vào kiến nghị là “kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, […] thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.

Đầu đuôi câu chuyện

Nhưng tại sao lại có chuyện Bộ Công Thương (Cơ quan Chủ quản khai thác Bauxite) phản bác những quan điểm và yêu cầu của hơn 1,000 Trí thức trong và ngoài nước đòi Nhà nước phải ngưng ngay việc khai thác Bauxite và đưa vấn đề này ra xin ý kiến của Quốc Hội ?

Tại vì, trong Kiến Nghị gửi Nhà nước và Chính phủ ngày 17-4-2009, các nhà trí thức đã cáo giác những việc làm giấu dân của Chính phủ. Họ tiết lộ: “Chủ trương lập dự án được công khai hoá vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại diện của nhân dân tức Quốc Hội.”

Kiến Nghị cũng cảnh giác về hiểm hoạ khôn lường sẽ để lại cho dân cho nước qua việc Nhà nước “mở cửa” cho người Trung Hoa vào khai thác bauxite.

Các trí thức viết: “Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công kích.”

Về phương diện quốc phòng, Kiến Nghị báo động: “Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý do quốc phòng).”

Kết luận, những người ký tên đã yêu cầu 3 điểm:

1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định.

2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp.

3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Phản ứng chụp mũ

Sau khi Kiến nghị được phổ biến khắp toàn cầu, một làn sóng phẫn nộ về hành động “làm sau lưng dân” của đảng CSVN được lột trần khiến đảng lúng túng mở đợt phản công.

Nhưng thay vì giải trình nghiêm chỉnh và đứng đắn để thuyết phục, Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa ra nhiều bài viết phản biện vụng về, chẳng những không đủ sức thuyết phục mà còn làm cho mọi người bực bội hơn với lối thói quen quy chụp ấu trĩ để “vẩy bùn vào mặt nhau” hay tự coi chỉ có đảng là đúng, là phải còn tất cả đều sai.

Tỉ dụ như trong bài phản bác của Bộ Công Thương ngày 27-04-2009, họ đã chỉ trích Kiến nghị của các trí thức: “Bên cạnh những ý kiến đúng đắn đó, có nhiều ý kiến rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hoá, thhậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng. Thể hiện rõ nhất là nội dung Bản kiến nghị với nhiều thông tin không chính xác” .

Đối với phê phán đảng và nhà nước đã không đem vấn đề khai thác bauxite quan trọng này ra bàn bạc với Quốc Hội và cũng không thèm công khai kế hoạch trên báo chí cho dân biết, Bộ Công Thương trả lời: “Các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin đã được nghiên cứu từ rất lâu, trong giai đoạn hợp tác với các nước SEV [*] Chủ trương phát triển ngành công nghiệp này đã được nêu trong văn kiện của hai Đại hội Đảng IX, và X. Bộ Chính trị đã xem xét và có nhiều chỉ đạo về vấn đề này, giao cho Chính phủ lập quy hoạch. Dự án Quy hoạch phân vùng thăm, dò, khai thác, chế biến, sử dụng quăng bauxite giai đoạn 2997-2015, có xét đến 2025 được xây dựng từ nhhững năm 2005, trong qúa trình xây dựng có nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước v.v. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007. Như vậy, không thể nói quy hoạch mới chỉ công khai từ năm 2008,2009”.

Từ SEV đến Gs Nguyễn Văn Chiển

Nhưng khi nói đến khối SEV thì không thể không nhắc đến bài viết về Bauxite của cụ Giáo sư, Nhà Giáo Nhân dân Nguyễn Văn Chiển, người được mọi người ở trong nước ca tụng là “Người anh cả của khoa học địa chất Việt Nam”, “Người làm tươi thêm hồng phúc của dân tộc”.

Cụ Giáo sư 90 tuổi viết trên Tạp chí Tia Sáng ngày 03-11-2008: “Dự án khai thác quặng bauxit ở Tây Nguyên là một việc không quan tâm đến các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà.

Thiên thời ở đây là điều kiện khách quan không thuận lợi. Trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cơn khủng hoảng tài chính thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ khi đang phải hứng chịu lạm phát phi mã, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Việc triển khai dự án này không phải là giải pháp lợi ích kinh tế hiệu quả bởi: bauxit không phải là quý hiếm do vậy nếu chúng ta khai thác sẽ rất khó bán. Hiện nay chỉ có Trung Quốc, quốc gia đứng thứ hai thế giới trong khai thác và chế biến bauxit, mới có thể đứng ra “bao tiêu” được với giá rất rẻ.

Trong quá khứ, chúng ta đã đặt vấn đề với khối SEV, trong đó có cả Liên Xô, trong việc hợp tác khai thác bauxit ở Tây Nguyên nhưng chính các chuyên gia SEV đã cảnh báo về những bất lợi sẽ xảy ra tiến thành khai thác sẽ không có lợi, đồng thời họ cũng khuyến cáo chúng ta nên trồng những cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, cao su…với hiệu quả kinh tế cao hơn”.


Nhà giáo lão thành của thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh còn cảnh báo đảng CSVN: “Còn về địa lợi, Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương. Việc khai thác bauxit ở Tây Nguyên về mọi mặt không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn cả với các nước láng giềng như Lào, Campuchia. Quá trình khai thác sẽ có một tác động rất lớn đối với môi trường bởi lẽ, để khai thác quặng bauxit, cần phải bóc một lớp đất dày 10 mét chứa bao nhiêu cây rừng và các thảm thực vật kèm theo đó là hệ sinh thái nhiệt đới phong phú, đồng thời trong quá trình khai thác sẽ tạo ra một lượng bùn khổng lồ gây ô nhiễm. Theo nguyên tắc, khai thác xong phải hoàn thổ, nhưng công đoạn này đã hết sức khó khăn tốn kém. Thực tế việc khai thác than tại các mỏ lộ thiên ở Quảng Ninh đã cho chúng ta thấy, vì ham lợi mà vô trách nhiệm không hoàn thổ đã để lại một “quang cảnh hãi hùng” ở nơi này.”

Cụ kết luận: “Trong 5 năm làm điều tra lãnh thổ Tây Nguyên (1977-1981), chúng tôi đã kiến nghị Nhà nước phải coi trọng đời sống cư dân bản địa Tây Nguyên. Dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên là một ví dụ điển hình về việc 30 năm qua, chẳng mấy ai quan tâm đến kiến nghị đó của các nhà khoa học.”

Tiếng than cô đơn của nhà khoa bảng địa chất hàng đầu trong nước không được đảng và nhà nước quan tâm có lẽ cũng chỉ xúc phạm đến một cá nhân, nhưng khi có nhiều tiếng nói của người dân bị đảng làm ngơ thì những ngườ đứng đầu đảng và nhà nước này phải có vấn đề với dân, với nước.

Bằng chứng có đấy rẫy, nhưng hãy kể ra 2 chuyện mới nhất.

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng

Trước tiên là việc Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội cho biết vì kinh phí khai thác bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) mới ở mức 600 triệu dollars nên chưa đạt đến số kinh phí quy định bởi Quốc Hội đối một dự án kinh tế phải đem ra thảo luận.

Ông Trọng không cho biết phải mất bao nhiêu tiền cho một dự án thì Quốc Hội mới chịu nhúng tay vào. Tuy nhiên, Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng, đã cho biết trong Cuộc Hội thảo về bauxite ngày 09-4-2009 rằng khi nào mức sản xuất từ 1 đến 2 triệu tấn thì mới phải trình Quốc Hội xem xét. Cả hai nhà máy hiện nay chỉ dự trù sản xuất mỗi năm 600 ngàn tấn.

Trong cuộc nói chuyện với Cử tri quận Ba Đình, Hà Nội ngày 4/5/2009, nhiều người dân Hà thành đã yêu cầu Quốc Hội “giám sát việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên ngay tại kỳ họp này, hoặc có người “đề nghị Quốc hội phải lắng nghe góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về hiệu quả từ dự án này”. Nhưng theo báo điện tử ViệtNamNet, Nguyễn Phú Trọng đã giải thích: "Không phải bất kỳ vấn đề nào cũng đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội mà còn tùy thuộc vào quy mô, tầm cỡ của các dự án. Trong khi đó, quy mô mỗi dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ mới chỉ là hơn 600 triệu đôla". Ông Trọng cũng cho biết: “Trong báo cáo về kinh tế - xã hội đưa ra trước Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ dành một phần để đánh giá về dự án khai thác bô-xít”.

"Dự án chỉ mới đang thí điểm, chưa đâu vào đâu", ông Trọng phân bua và nói thêm, “không chỉ cử tri Hà Nội mà trong chuyến đi công tác nước ngoài vừa qua, rất nhiều kiều bào cũng quan tâm đến việc Quốc hội phải giám sát dự án bô-xít Tây Nguyên. Nhưng đây là chủ trương lớn đã được thống nhất cao sau khi tính đến hiệu quả kinh tế, an ninh”.

"Đây là chính sách với dân tộc, vùng nghèo. Nếu lỗ thì không ai làm. Lao động nước ngoài cũng không chỉ có Trung Quốc mà rất nhiều nước khác và đều được quản lý theo Luật Lao động".

Quốc hội CSVN dự trù họp vào ngày 20-5-2009. Theo tin trong nước ngày 14-5-2009, Chính phủ sẽ báo cáo công tác khai thác bauxite, nhưng vì Chương trình nghị sự không có ghi sẽ biểu quyết nên nghe rồi để đó cũng như không.

Ông Trọng cũng được báo Nhân Dân tường thuật nói với cử tri Ba Đình rằng: “Chủ trương thăm dò, khai thác bô-xít là chủ trương nhất quán từ Ðại hội IX của Ðảng ta”.

Nhưng nhà địa chất học, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang bảo ông Trọng “đã nguỵ biện”.

Quan điểm của ông gửi ra nước ngoài viết rằng: “Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX còn ghi đó: “Khai thác chế biến các loại khoáng sản: phát triển công nghiệp khai thác bôxit, luyện alumin và chế biến nhôm theo một trong hai phương án: sản xuất 300 nghìn tấn/năm alumin để điện phân 75 nghìn tấn nhôm sử dụng trong nước; sản xuất 1 triệu tấn alumin cho xuất khẩu, giai đoạn sau nâng lên 3 triệu tấn. Đầu tư khai thác và tuyển quặng đồng, khai thác inmênit, đá quý, vàng, đất hiếm; xây nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên, luyện đồng ở Lào Cai”.

“Không hề nói khai thác bôxit ở Tây Nguyên, càng không hề nói phải đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang còn thống trách Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng đã tự ý thỏa thuận để cho Tấu vào khai thác bauxite ở Đắk Nông (trong 2 chuyến thăm Tàu năm 2001 và 2008). Ông Giang hỏi: “Sao ông Nông Đức Mạnh lại làm như vây?

Trước khi quyết định mời Trung Quốc vào làm bôxit ĐakNông ông đã bàn kỹ ở Trung ương chưa? Đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học chưa? Đã thông qua Quốc hội chưa?...”

“… Có ai đó đặt câu hỏi: ông Mạnh đã bị lừa, hay đã bị mua? hay là cả hai ? Không bị lừa thì không thể nào lại dại dột như thế! Bị mua thì có thể bằng cả hai giá. Cái giá chính trị: lời hứa bảo vệ ngai vàng. Và cái giá tài chính không biết là bao nhiêu! (Dân gian truyền tụng: “Theo Tàu mất nước, theo Mỹ mất Đảng”. Khẩu lệnh “thiên đình”: “Trung với Đảng” ( chứ không phải “Trung với Nước” như lời Hồ chủ tịch). Có nghĩa là thà mất Nước chứ quyết không để mất Đảng! Mất Tổng Bí thư tức là mất Đảng chăng?).”


Đúng như câu hỏi của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cho đến tháng 5/2009, cả nước chưa được đảng báo cáo rành mạch và bảo đảm về “hiệu qủa kinh tế” cũng như “an ninh”, dù Nhà nước vẫn không ngừng cổ võ cho chủ trương ”dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Ngay cả Quốc Hội, “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cũng mù mịt dân, mặc dù Điều 83 của Hiến pháp 1992 còn quy định: “Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước....Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” . Điều 84 cũng cho phép Quốc Hội “Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Như vậy, chẳng lẽ khi một vấn đề được cả nước quan tâm như kế hoạch khai thác bauxite lại “chưa đủ điều kiện” cho Quốc Hội xem xét hay sao? Như vậy thì Quốc hội đại diện cho ai, hay chỉ biết hành động khi nào có lệnh của đảng ?

Bằng chứng thứ hai là chuyện Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, đã “tự nuốt lời” với tướng Võ Nguyên Giáp và không coi người dân ra gì trong khuyến cáo khai thác bauxite.

Theo tường thuật của báo ViệtNamnNet, khi ông Dũng đến nhà thăm ông Giáp ngày 7-5-2009, nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp đã nói với ông Dũng: “Rất mong các đồng chí lưu tâm đến chuyện khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đây là địa điểm chiến lược quan trọng của đất nước, có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh không chỉ với Việt Nam mà cả với Đông Dương".

Nhưng chỉ 24 giờ đồng hồ sau khi ông Dũng khẳng định: "Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng" thì đương sự đã nuốt lời để huênh hoang lên giọng với các cử tri tại Thành phố Hải Phòng (9-5-2009): “Việc khai thác sẽ được chỉ đạo nghiêm túc và có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo bền vững về môi trường; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên". (Thông tin Chính phủ CSVN)

Tuy nhiên chủ đầu tư là Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV), cho đến tháng 5/2009 vẫn chưa hoàn thành kế hoạch bảo đảm không hủy hoại môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước. Tất cả mọi hứa hẹn hay cam kết mới chỉ viết trên giấy, ngay cả những kế hoạch tạo công ăn việc làm và phúc lợi kinh tế lâu dài cho người dân địa phương cũng chưa thấy, trong khi hàng ngàn công nhân Tàu đã có mặt khắp nơi ở Lâm Đồng và Đắk Nông.

Nếu tính chung các khu kỹ nghệ và nhà máy có vốn đầu tư của Trung Hoa, theo tin các báo trong nước, số công nhân Tàu đang làm việc ở Việt Nam lên đến cả chục ngàn người, đa số là khách du lịch để lấy cớ ở lại làm việc. Trong khi đó số người Việt Nam thiếu việc làm mỗi ngày một lênh cao là những băn khoăn và thắc mắc của nhiều người trong nước.

Việt – Tàu muôn năm?

Đối với những lời than phiền và thắc mắc tại sao chỉ có Công ty Chalco của Tàu trúng thầu khai thác và vì sao đảng chưa giải thích cho nhân dân và Quốc hội biết về quyết định lịch sử của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng cho Tàu nhẩy vào khai thác bauxite ở Đắk Nông từ năm 2001, Bộ Công Thương phản công: “Còn việc Đảng và Nhà nước ta hợp tác với Đảng và Nhà nước Trung Hoa là mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Chúng ta đã ký nhiều văn kiện hợp tác và được đưa tin công khai trên quốc tế, không có gì là bí mật ở đây cả. Cách đưa tin trong Bản kiến nghị này chính là nhằm dụng ý xấu nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như phá hoại tình đoàn kết hữu nghị an hem giữa hai nước Việt Nam, Trung Quốc” .

Trả lời cho thứ ngôn từ “gắp lửa bỏ bàn tay” này của Bộ Công Thương, các trí thức nói cương quyết: “Có ý kiến cho rằng, do cam kết quốc tế, Việt Nam không thể ngưng dự án khai thác bauxite, sản xuất alumina. Tình hình cụ thể cho thấy: nhân dân Việt Nam thông qua Quốc Hội, cơ quan quyền lực tối cao của mình, chưa hề có dịp biểu quyết về chủ trương làm bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bên “cam kết quốc tế” thực sự tôn trọng quyết định của cả dân tộc Việt Nam, thì đó là điều tốt cho họ. Còn không, nhân dân Việt Nam đã biết dựng nước thì cũng biết giữ nước. Nhân dân Việt Nam từng trải nhiều ách nô lệ, chắc chắn không một ai vì quyền lợi riêng mà bênh “bên đối tác” và phản bội lại dân tộc mình“.

Như vậy giữa nhân dân và nhà nước CSVN đã có hố ngăn cách sâu và rộng về kế hoạch khai thác Bauxite trên Tây Nguyên. Vấn đề đặt ra là đảng cũng từ nhân dân mà ra và cán bộ, đảng viên là “đầy tớ của nhân dân” và nhân dân là người “làm chủ đất nước”. Nhưng khi đầy tớ lại nhẩy lên làm chủ và tiếng nói của ông chủ nhân dân không còn được đảng nghe nữa thì câu hỏi đặt ra là: Đảng từ lỗ nào chui lên?

Phạm Trần
14/05/2009


[*] SEV: tên viết tắt theo tiếng Nga: Совет экономической взаимопомощи, Soviet ekonomicheskoy vsaymopomoshchi, СЭВ, SEV, theo tiếng Anh: COMECON, CMEA, or CAME (1949–1991), dịch qua tiếng Anh là “Council for Mutual Economic Assistance”, là tổ chức tương trợ kinh tế thời Liên Bang Xô Viết.
Nguồn: Thông Luận
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 665 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 19
Khách: 19
Thành Viên: 0