Bản
tuyên ngôn Nhân quyền toàn thế giới của Liên hợp quốc được nhìn nhận là
những giá trị phổ quát về những quyền cơ bản của con người mà xã hội
loài người phải tuân theo. Văn bản đó được thông qua đến nay đã 61 năm.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền Toàn Thế giới và Việt Nam
Việt
Nam xin gia nhập và ký kết bản Tuyên ngôn này từ 20 năm nay. Theo đó,
Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận: “Tuyên
ngôn thế giới về quyền con người là văn kiện quan trọng có ý nghĩa tiến
bộ lịch sử và giá trị to lớn về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý” và
“Tuyên ngôn khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng
về phẩm giá và các quyền", "Mọi người sinh ra đều được hưởng tất cả các
quyền và tự do... không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc,
mầu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc các quan điểm
khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, nòi giống hay các tình
trạng khác". Tuyên ngôn nhấn mạnh tính bất di bất dịch và không thể bị
xâm phạm của tất cả các quyền con người, vì đó là "nền tảng của tự do,
công bằng và hòa bình trên thế giới". (Trích báo Nhân Dân ngày 9-12-2008).
Bản Tuyên ngôn có 30 điều, trong đó:
“Điều
30: Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên
ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá
nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất
kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản
tuyên ngôn này”
Như vậy, theo thông lệ quốc tế hiện hành,
tất cả những văn bản luật pháp ở tất cả những nước đã tham gia không
được phép chống lại bất cứ điều nào của bản Tuyên ngôn này. Điều này
không loại trừ bất cứ đất nước nào, điều kiện nào và ở đâu. Có nghĩa là
không loại trừ Việt Nam. Những văn bản luật pháp trong nước trái ngược
hoặc có nội dung không đúng với bản Tuyên Ngôn nói trên, bất kể cấp nào
thông qua, đều không có giá trị.
Bởi khi xem xét về luật pháp
phải chiếu với các văn bản của quốc tế mà Việt Nam tham gia, cụ thể là
bản Tuyên Ngôn Toàn thế giới để ưu tiên.
Báo cáo nhân quyền tại Liên Hợp quốc.
Ngày 8/5 tại Geneva - Thụy Sỹ, Việt Nam báo cáo nhân quyền trước Liên Hợp Quốc
Trước
đó, bản báo cáo nhân quyền của Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam
đưa ra, báo chí Việt Nam đăng tải, trong đó nêu những thành tích đạt
được của Việt Nam về nhân quyền.
Đọc bản báo cáo, người ta thấy
những thành công, những bài học rút ra và những khó khăn, thách thức…
cuối cùng là cam kết của Việt Nam.
Sau ngày 8/5/2009 khi Việt
Nam báo cáo trước Liên Hợp quốc, báo chí nước ngoài đã đưa tin nhiều về
việc này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm một vài ngày sau đó báo chí Việt
Nam đưa tin hết sức ít ỏi về sự kiện này.
Trên báo VietnamNet của Việt Nam, nổi bật thông tin: “Các nước đánh giá cao báo cáo nhân quyền của Việt Nam”.
Trong đó, nêu lên một đánh giá của số nước như Cu Ba, Trung Quốc, Thái
Lan, Philippines… chủ yếu là nói đến vấn đề xóa đói giảm nghèo, rút
ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Còn Indonesia “mong muốn Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ thúc đẩy quyền con người trong khu vực”.
Tuyệt
nhiên, trên báo chí Việt Nam không thấy những thông tin phản hồi từ các
nước khác vốn rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam và thế giới.
Báo chí nước ngoài, cụ thể là Hãng tin BBC đưa tin như sau:
“Báo
cáo của Việt Nam nói chất lượng của việc thực hiện pháp
luật còn thấp nhưng hứa rằng việc thực hiện các tiêu chí nhân
quyền quốc tế là ưu tiên của chính quyền… chính quyền Việt
Nam thừa nhận trong các quan chức nhà nước còn có hiện tượng
"nhận thức về nhân quyền "ở một số người còn "hạn chế".
Theo
dõi việc trình bày báo cáo thì không có điểm nào nói lên sự
khác biệt giữa quan điểm nhân quyền của chính quyền Việt Nam
và Công ước Nhân quyền Quốc tế...
…đại biểu nhiều quốc gia
đã bày tỏ ý kiến của họ. Các nước phương Tây như Canada, Hà Lan và Úc
nhấn mạnh Việt Nam cần cởi mở hơn về tự do báo chí.
Đại diện
Canada đề nghị Việt Nam cho phép báo chí tư nhân (một ý mà Hà Lan cũng
đề cập), có luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Luật Việt Nam đôi khi
được dùng để hình sự hóa việc bày tỏ quan điểm chính trị hòa bình và
hạn chế tự do lập hội.
Người của đoàn Canada nói: "Có
vẻ luật Việt Nam đôi khi được dùng để hình sự hóa việc bày tỏ quan điểm
chính trị hòa bình và hạn chế tự do lập hội." Canada đề nghị Việt Nam
"giảm bớt việc dùng luật an ninh để hạn chế công chúng thảo luận dân
chủ đa đảng”.
… Đại diện Úc đề nghị Việt Nam tăng
cường bảo vệ tự do báo chí, và hoan nghênh Việt Nam đang cân nhắc gia
nhập Công ước LHQ chống tra tấn.
Trung Quốc cũng phát biểu, kêu gọi Việt Nam "khép bớt khoảng cách giàu nghèo". Đại diện nước này đề nghị Việt Nam "giúp các nhóm thiểu số nhận thức tốt hơn quyền và trách nhiệm để họ có cuộc sống tốt hơn".
Về phần mình, Nhật Bản nhấn mạnh "tầm quan trọng của tự do ngôn luận, và vai trò của truyền thông độc lập và tự do". Nhật đề nghị Việt Nam "thúc đẩy nhân quyền cho những nhóm dễ tổn thương" và cải thiện hệ thống luật pháp trong nước.
Giáo dân Hà Nội và Thái Hà với bản Tuyên ngôn – những dẫn chứng cụ thể
Tuyên Ngôn nhân quyền ghi rõ: “Điều 6: Mọi người đều có quyền được thừa nhận tư cách là con người trước pháp luật ở khắp mọi nơi”.
Cho
đến nay, chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào có hiệu lực chỉ ra
rằng những giáo dân và tu sĩ ở Thái Hà nói riêng và những tín hữu Công
giáo Việt Nam không còn là công dân Việt Nam. Những quyền lợi được đảm
bảo cho công dân, nghiễm nhiên giáo dân Thái Hà phải được hưởng, những
nghĩa vụ của công dân, Giáo dân Thái Hà phải thực hiện.
Bản Tuyên ngôn nhân quyền viết: “Điều 17: 1. Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản của riêng mình hay chung với những người khác.
2. Không ai bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.
Tài
sản của Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm sứ đã bị chiếm đoạt không phù hợp
ngay cả với pháp luật của nhà nước ban hành trong thời kỳ bị chiếm
đoạt. Những tài sản đó bị chiếm đoạt không có văn bản, quyết định hợp
hiến và hợp pháp, không đúng đối tượng của các chính sách nhà nước đã
ban hành qua các thời kỳ. Trong khi Hiến pháp và pháp luật đã quy định
rõ ràng: “Đất đai tôn giáo, nơi thờ tự được được bảo hộ”.
Nhà
thờ Thái Hà và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã có đơn từ đề nghị được xem
xét và trả lại quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu tài sản của mình kể
từ năm 1996. Nhưng đơn từ đã qua cả chục năm gửi đi không được hồi đáp,
đến khi hồi đáp không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về luật pháp,
bỏ qua các chứng cứ cụ thể nhà thờ đã đưa ra về tài sản, đất đai của tổ
chức tôn giáo.
Khi đang trong quá trình đối thoại, Nhà nước đã dùng vũ lực khống chế để đoạt bằng được làm vườn hoa công cộng.
Nhà
cầm quyền Hà Nội đã căn cứ vào một Nghị quyết của Quốc Hội Việt Nam năm
2003, không xem xét trả lại tài sản đất đai bị chiếm đoạt trước năm
1991?
Việt Nam đã tham gia ký Tuyên ngôn nhân quyền Toàn thế
giới năm 1988. Như vậy, văn bản này có đi ngược lại điều 17 trong bản
“Tuyên ngôn nhân quyền toàn Thế giới” mà Việt Nam đã long trọng ký kết
trước đó hay không?
Nếu văn bản này đi ngược lại bản tuyên ngôn
nói trên, thì hiển nhiên không có giá trị pháp lý để thực hiện, bởi
nguyên tắc cơ bản là phải ưu tiên tham chiếu các văn bản quốc tế mà
Việt Nam đã tham gia.
Thậm chí, ngay cả áp dụng văn bản nói
trên, thì đất đai của Nhà thờ Thái Hà, Tòa Khâm sứ cũng không nằm trong
diện phải bị chiếm đoạt. Nhưng các khiếu nại đã không được giải quyết
thỏa đáng.
“Điều 3: Mọi người đều có quyền sống, tự
do và an toàn cá nhân Điều 12: Không ai bị can thiệp một cách độc đoán
đối với cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hay thư tín của cá nhân
người đó cũng như không bị xâm phạm tới danh dự và uy tín. Mọi người
đều được pháp luật bảo vệ chống lại những hành vi can thiệp hoặc xâm
phạm như vậy”.
Sự kiện những người dân và tu sĩ
Thái Hà, Tòa Tổng Giám mục bị cô lập trong bốn bức tường của Nhà thờ,
bên ngoài là hàng loạt người bao vây, có sự chứng kiến của cán bộ, công
an và nhiều thành phần khác. Chúng hò hét bên cạnh dòng tu, bệnh viện,
khu dân cư đòi giết người… và sau đó là đập phá, kéo sập cửa và phá
phách đền Thánh Giêrađô của Giáo xứ Thái Hà lúc nửa đêm. Những người
này được nhà nước giải thích là “quần chúng tự phát”?
Phụ nữ và
trẻ em đang cầu nguyện trên linh địa Đức Bà đã bị xịt hơi cay vào mặt
trong khi có đầy đủ nhiều lực lượng công an, cảnh sát và cán bộ chính
quyền, đã có biên bản được lập, có đơn từ, hình ảnh chứng cứ…
Nhưng, cho đến nay không hề có một cuộc điều tra nào để chỉ ra ai đứng chủ mưu, ai phải chịu trách nhiệm về những tội ác đó.
Vậy
những điều nói trên của bản Tuyên ngôn này có ý nghĩa gì ở đây không?
Những dòng trong báo cáo của Việt Nam về nhân quyền phải hiểu như thế
nào ở đây như thế nào về quyền lợi của phụ nữ và trẻ em?
Trong
khi đó, 8 giáo dân phá một đoạn tường rào giá trị chưa đầy 3 triệu 500
ngàn đồng trên một tài sản mà đến nay họ vẫn xác định là của họ đã bị
bắt bớ, giam cầm, xét xử hết sức quy mô và khẩn trương như đã thấy.
Và các giáo dân cầu nguyện ôn hòa đã bị kết án là “gây rối trật tự công cộng”(?).
Giữa
các sự việc đó, ai là kẻ gây rối? Vậy trong các trường hợp này giáo dân
và tu sĩ Thái Hà có được đối xử bình đẳng không? Họ có được bảo vệ
không? Nếu không, thì quyền được sống trong độc lập, tự do và quyền tự
quyết vận mệnh của mình đối với giáo dân, tu sĩ Thái Hà có được công
nhận không? Nếu có, thì quyền đó của họ hiện ai đang thụ hưởng?
Bản Tuyên ngôn nhân quyền ghi rõ: “Điều
7: Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo
vệ như nhau không có bất cứ sự phân biệt nào. Tất cả mọi người đều được
bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử vi phạm Bản
tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi giục phân biệt đối xử
như vậy”.
Báo cáo của Việt Nam viết: “Mọi
người dân Việt Nam luôn được bảo đảm việc thụ hưởng ngày càng toàn diện
và đầy đủ các quyền con người, trong đó có các quyền dân sự, chính
trị”…
Qua những sự việc và cách xử lý trên đối với các
giáo dân, tu sĩ Công giáo, nên hiểu chữ “bình đẳng” được nhà nước luôn
ghi rõ và ký kết, tuyên truyền ở đây có nghĩa như thế nào? Phải chăng,
phải hiểu chữ “bình đẳng” này theo cách giải thích của nhà cầm quyền?
Sau
những vụ xịt hơi cay, bao vây nhà thờ nửa đêm… Nhà thờ đã đều có đơn
nhưng không được cứu xét, không trả lời… Vậy điều mà bản báo cáo của
Việt Nam đã viết: “Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ” đã thể hiện như thế nào trong trường hợp này? Ai tôn trọng quyền đó, Giáo dân và tu sĩ Thái Hà có được quyền đó không?
Bản Tuyên ngôn viết: “Điều
11: 1. Mọi người, nếu bị quy tội hình sự, đều có quyền được coi là vô
tội cho đến khi một toà án công khai, nơi người đó đã có được tất cả
những đảm bảo cần thiết để bào chữa cho mình, chứng minh được tội trạng
của người đó dựa trên cơ sở luật pháp.”
Vậy, việc UBND TP
Hà Nội bỗng dưng đưa công văn cảnh cáo TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và các
linh mục Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội hết lần này rồi lần khác. Những vị
này là được coi phạm vào tội gì? Căn cứ nào để kết tội? Tòa án nào cho
phép hay căn cứ luật pháp nào để cho một công dân cảnh cáo một công dân
hoặc một quan chức kết tội một công dân mà không qua tòa án, không căn
cứ một cơ sở nào để kết tội?
Giáo dân Thái Hà ra tòa, luật sư
chính của họ, ông Lê Trần Luật đã bị gây khó dễ trong quá trình tiến
hành bảo vệ cho họ và cuối cùng vẫn bị ngăn chặn trắng trợn, không thể
có mặt tại phiên tòa phúc thẩm xét xử 8 giáo dân Thái Hà, có đúng với
tinh thần của bản tuyên ngôn nói trên không?
Những việc làm đó có đúng với là “Tất
cả mọi người đều được bảo vệ như nhau chống lại mọi hình thức phân biệt
đối xử vi phạm Bản tuyên ngôn này cũng như chống lại mọi hành vi xúi
giục phân biệt đối xử như vậy”.
Trong quá trình vụ việc
Thái Hà xảy ra, một đội ngũ các cơ quan truyền thông đã không tiếc lời
vu cáo các giáo sĩ, giáo dân Thái Hà và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, kết
tội họ ngang nhiên. Dù đã có những văn bản phản đối, những đơn khiếu
nại gửi đi, nhưng hầu như không có tác dụng.
Thậm chí, khi
những giáo dân Thái Hà cùng nhau cầu nguyện cho những mục đích tốt đẹp
của quê hương, của đất nước, cho các nhà lãnh đạo đất nước được sáng
suốt… đã bị guồng máy truyền thông báo chí áp đặt và quy kết đủ mọi thứ
tội. Kể cả việc họ ngang nhiên phân biệt đổi xử trắng trợn trên mặt báo
đối với các công dân là giáo dân, linh mục, tu sĩ: Rằng đã vượt qua
giới hạn của nhà tu hành, rằng là can thiệp chính trị, rằng là đi ngược
lợi ích dân tộc?
Vậy “điều 29: 1. Mọi người đều có
nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất người đó có thể
phát triển nhân cách của mình một cách tự do và đầy đủ” này có được áp dụng ở Việt Nam không? Nói riêng với giáo dân và tu sĩ Công giáo?
Tất
cả những ý kiến của giáo dân, giáo sĩ Thái Hà gửi đến đều không được
đăng tải một cách minh bạch hoặc bị xuyên tạc ác ý. Những tiếng nói để
nói lên sự thật thì bị quy kết, làm khó dễ, bị điều tra… ảnh hưởng
không nhỏ đến đời sống cá nhân.
Tôi cảm nhận sâu sắc điều này, cá nhân tôi đã nhiều lần bị triệu tập để làm việc “về nội dung một số bài viết trên mạng internet” mà những bài viết của tôi đơn giản chỉ là những sự thật được nói ra đúng bản chất của nó.
Kể
cả linh mục Nguyễn Văn Khải đã nhiều lần nhận giấy mời, giấy triệu tập
đến cơ quan điều tra về nội dung bài các bài viết trên internet…
Trong
một đất nước mà khi nói lên những sự thật thì bị điều tra, kết tội, còn
những kẻ ngang nhiên dựng chuyện, dối trá và bóp méo, xuyên tạc sự thật
lại chẳng hề bị hề hấn gì và còn được khuyến khích, khen thưởng…
Điều
này có ý nghĩa gì? Phải chăng, sự thật phải được lên án, sự dối trá
phải được coi là mẫu mực trong hành xử và điều hành xã hội?
Thủ tướng chính phủ Việt Nam nói: “Tôi xin nói suy nghĩ riêng của mình. Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực, ghét nhất, giận nhất là sự giả dối”.
Điều
này đã gây cho nhiều người những thắc mắc: Hệ thống báo chí Việt Nam là
độc quyền của nhà nước, chính ông Thủ tướng là người đã khẳng định cấm
báo chí tư nhân. Vậy Thủ tướng có suy nghĩ gì về sự dối trá của báo chí
được nêu quá nhiều lần, nhất là qua sự việc Tòa Khâm sứ và Thái Hà hay
không khi ông “ghét sự giả dối”? Ông nghĩ gì
khi những người nói lên sự thật, nói lên những ý nghĩ tìm cách xây dựng
tốt đẹp cho đất nước, đã bị làm khó dễ, bị hăm dọa và điều tra khi ông “yêu nhất, quý nhất là sự trung thực”?
Phải chăng điều này được giải thích: Đây chỉ là “suy nghĩ riêng” của Thủ tướng mà thôi?
“Điều
19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan
điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ
sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền
bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại
chúng nào và không giới hạn về biên giới”
Vậy nhà
cầm quyền Việt Nam có loại điều này ra khỏi bản tuyên bố mà Nhà nước
Việt Nam đã ký kết hay không? Nếu không, những việc như trên thể hiện
điều gì nếu không là sự phân biệt đối xử và vi phạm quyền tự do ngôn
luận của công dân được pháp luật minh nhiên công nhận?
Những
ngày gần đây, nhiều đoàn khách hành hương về Thái Hà đã bị ngăn chặn
một cách bất hợp pháp mà không có lý do chính đáng. Đây là những cuộc
hành hương hoàn toàn mang tính chất tôn giáo thuần túy. Tuy nhiên công
an đã hành động bất chấp ngay cả luật pháp Việt Nam về quyền đi lại của
con người. Giám mục Nguyễn Văn Sang giáo phận Thái Bình đã công khai tố
cáo điều này cũng như đã có đơn phản đối. Các hình ảnh, âm thanh trên
mạng internet đã chứng minh điều đó. Các linh mục, giáo dân đã nói lên
những hiện tượng và sự việc có thật đó không chỉ xảy ra với giáo dân
Thái Bình, mà còn nhiều nơi, nhiều chỗ khác.
Tuy nhiên, đến nay
các cơ quan pháp luật Việt Nam vẫn làm ngơ những hành động này. Khi sự
vi phạm pháp luật rõ ràng được làm ngơ, điều đó đồng nghĩa với sự dung
túng cho các những hành động vi phạm pháp luật đối với một bộ phận giáo
dân là công dân Việt Nam.
Vậy “điều 13.1 1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãng thổ của mỗi quốc gia” đã được thực sự tôn trọng?
Những
câu hỏi với những sự việc trên, đang là một sự thật hiển nhiên, nhức
nhối và luôn là những vấn đề làm ảnh hưởng nặng nề đến khối đại đoàn
kết dân tộc, làm cho đất nước mất đi sức mạnh cần thiết bảo vệ và xây
dựng Tổ quốc.
Vài điều cần suy nghĩ
Nhà
nước Việt Nam đã long trọng ký vào bản Tuyên ngôn nhân quyền, những
điều khoản của bản tuyên ngôn này mọi cá nhân, tổ chức và nhà nước phải
có trách nhiệm thực hiện đầy đủ. Không có một lý do nào có thể biện
minh cho việc vi phạm.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Thực tế
cho thấy, những vấn đề cụ thể, những vụ việc được dẫn chứng ở trên đã
cho thấy con nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn ngang nhiên vi phạm.
Đó
có phải là khoảng cách giữa lời nói và việc làm của những người cộng
sản khi tiến hành các sự việc trên? Hay bởi nó là hậu quả của sự dung
túng cho những hành động vi phạm pháp luật ngang nhiên mà không bị
trừng trị? Hay đó chỉ là một trong những biểu hiện của sự kỳ thị đối
với người Công giáo - những công dân hạng hai?
Dân tộc Việt
Nam, đất nước Việt Nam đã trải qua một thời kỳ lịch sử rất dài kể từ
ngày dựng nước. Những người con đất Việt vốn được ca ngợi là thông
minh, cần cù chịu khó và rất anh dũng. Thiên nhiên Việt Nam được coi là
giàu có về tài nguyên và tươi đẹp, ưu đãi con người.
Tuy nhiên, sau bốn ngàn năm nhìn lại hiện tại, chúng ta thấy gì?
Vài
chục năm gần đây là thời kỳ Việt Nam từ bỏ thói tự mãn, tự coi mình là
tiến bộ hơn phần còn lại của thế giới, là lương tâm nhân loại… để hội
nhập vào thế giới, đất nước đã có những biến đổi về kinh tế. Đó là máu
xương, công sức của toàn dân tộc Việt Nam.
Nhưng đất nước này
vẫn là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu nguy cơ tụt hậu khỏi thế giới
văn minh là điều đã được cảnh báo. Chiều hướng suy đồi đạo đức xã hội
đang không ngừng gia tăng. Những giá trị truyền thống bị đảo lộn, những
giá trị con người bị coi nhẹ, tệ nạn xã hội lan tràn. Tệ nạn tham nhũng
trong guồng máy công chức, lãnh đạo ngày càng nghiêm trọng từ vấn nạn
chuyển thành quốc nạn.
Người dân dần dần bị mất đất đai, tư
liệu lao động chính của họ đang dần dần bị thâu tóm vào tay một số chủ
đầu tư, một số kẻ giàu có. Câu chuyện “người cày có ruộng” thời kỳ đầu
của nhà nước đang được diễn ngược, đất đai đang dần dần đươc thâu tóm
vào các nhà đầu tư, các cá nhân lắm của nhiều tiền, người dân cày lại
hoàn toàn trở về tay trắng.
Điều này tạo ra biết bao cảnh khó khăn của nhân dân, những người đã đóng góp xương máu xây dựng nên đất nước này, chế độ này.
Những
dự án như bauxit Tây Nguyên, đã và đang tạo ra những nguy cơ mới đối
với đồng bào sinh sống tại chỗ, với truyền thống văn hóa Tây Nguyên lâu
đời và môi trường của cả miền Nam đã gây nhiều lo ngại.
Nhưng
trên hết, vấn đề an nguy của dân tộc, của Tổ quốc đã được báo động mạnh
mẽ khi những đội quân của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, kẻ đã từ bao
đời nay chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính và xâm lược Việt Nam được
đưa vào mái nhà Tây Nguyên. Việc ngoại bang xâm chiếm lãnh thổ của đất
nước, của cha ông để lại ngàn đời nay đã là hiển nhiên và thực tế,
không còn chỉ là một nguy cơ.
Đó là những sự thật hiện nay.
Trước
tình hình đó, mọi người con dân Việt cần phải làm gì để đưa đất nước ra
khỏi những những nguy cơ đó? Cũng như mọi dân tộc, mọi đất nước trên
hành tinh này, Việt Nam cần phải vượt qua những khó khăn thử thách trên
bước đường phát triển.
Một dân tộc, một đất nước hùng mạnh là
điều mà mọi công dân đều mơ ước. Khi tiếp xúc với những người nước
ngoài, không ai không cảm thấy hổ thẹn bởi ánh mắt nhìn, bởi sự không
thân thiện khi biết mình là người Việt Nam. Câu nói của Tổng Giám mục
Giuse Ngô Quang Kiệt dù bị cắt xén đi nữa thì không lâu sau đó đã được
những người nổi tiếng như Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh đã nói rõ ràng
trên báo chí nhà nước. Nhưng tất cả đã im lặng.
Đó là nỗi đau, nỗi nhục mà mọi công dân còn có lòng yêu nước còn phải trăn trở, nghĩ suy.
Để
vượt qua điều đó, không thể bằng sự dối trá, lừa lọc và đàn áp bằng vũ
lực. Tất cả cần sự đoàn kết nhất trí từ trong lòng mỗi người dân. Để có
sự đoàn kết, nhất trí vững bền trong mọi người dân, điều cơ bản phải
vẫn là sự thật. Không có một đất nước, một thể chế nào vững bền khi dựa
vào sự dối trá và xảo quyệt hoặc dựa trên sức mạnh súng đạn.
Để
đất nước vượt qua khó khăn, không còn con đường nào khác là phải đối
diện với thực tế để sửa mình. Ngay cả bản thân chính phủ, nhà nước cũng
hết sức cần thiết nhìn nhận lại chính mình nếu muốn trở thành một nhà
nước chân chính.
Một Nhà nước chân chính, là một nhà nước phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu chính phủ nào không phục vụ nhân dân thì nhân dân có quyền đuổi chính phủ”.
Hãy
để lòng dân được yên, đó mới là kế “sâu rễ, bền gốc” của một nhà nước
mà cha ông ta đã ngàn đời đúc kết. Vì chèo thuyền là dân nhưng lật
thuyền cũng chính là dân.
Đọc lại bản Tuyên ngôn Toàn thế giới
về nhân quyền, nhìn lại vài sự kiện đã xảy ra với Giáo dân Công giáo
vừa qua để thấy rằng con đường đi lên còn ở phía trước và để đi trên
con đường đó Sự thật – Công lý – Hòa bình càng cần được nêu cao.
Đó cũng là con đường để mọi tín hữu Công giáo đồng hành với dân tộc, với đất nước.
Hà Nội, Ngày 15/5/2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh