Thứ Năm, 2024-11-21, 11:51 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 16 » Động cơ chiếm đất của chính quyền
7:14 AM
Động cơ chiếm đất của chính quyền

Khi tòa Khâm Sứ cùng với khu đất của giáo xứ Thái Hà được chính quyền đóng cọc để xây dựng khu thương mại, giải trí, thành khu biệt thự cho các quan chức, nhiều người cho rằng chính quyền đang chiếm đoạt đất của Công Giáo để nhằm bán chác, tư túi, kiếm lời. Ý kiến này hoàn toàn chính xác căn cứ trên những sự thật diễn ra, nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ.

Việc chiếm đoạt đất của các nhà thờ Thiên Chúa Giáo đã có từ rất lâu, khi mà đất đai chưa có giá trị như bây giờ và nhất là lúc đó diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn, thậm chí nhiều chỗ trong trung tâm thành phố còn bỏ hoang. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hầu như không ai nghĩ đến chuyện đất đai. Do đó, cần phải đặt ra câu hỏi, ngay tại thời kỳ đó, chính quyền đã chiếm dụng đất của nhà thờ Thiên Chúa Giáo làm gì khi mà quỹ đất sử dụng không hề thiếu, thậm chí còn thừa thãi bỏ hoang?

Gần đây, việc chiếm dụng đất của chính quyền vẫn tiếp tục như vài chục năm trước bằng những thủ đoạn phức tạp và tinh vi hơn, như xây vườn hoa, bệnh viện, nhà trẻ... với chiêu bài phục vụ công ích. Chính quyền có thiếu đất đến nỗi phải dùng đất nhà thờ để phục vụ những việc như vậy không? Hoàn toàn không khi mà hiện nay, ngay tại trung tâm thành phố có hàng lô khu biệt thự, chung cư cao cấp xây dựng tràn lan không có người ở.

Xin thưa, đây là hành động “mượn gió bẻ măng’’ của chính quyền. Họ không muốn tôn giáo có điều kiện phát triển, mở mang. Do đó, ngay cả lúc không thiếu đất nhưng chính quyền vẫn chiếm đoạt đất đai của nhà thờ. Họ làm thế chỉ vì muốn thu hẹp càng nhiều càng tốt ảnh hưởng của nhà thờ, của tôn giáo.

Dù cho trước công luận họ luôn một mực cho rằng nhà nước tôn trọng quyền tự do tôn giáo, nhưng thực chất hành động của họ cho thấy họ tìm mọi cách hạn chế sự phát triển của tôn giáo: từ việc tra xét lý lịch giáo dân đi học, đi làm, đến nhiều việc khác mà điển hình nhất là việc chiếm đất. Với diện tích đất hạn hẹp, khi nhà thờ tổ chức hoạt động gì sẽ cực kỳ khó khăn, từ tìm chỗ đứng dự lễ đã thiếu nói gì đến chỗ để xe hoặc các thứ khác. Sự chật chội và thiếu cơ sở sẽ khiến người giáo dân muốn đi đến nhà thờ dự lễ cũng phải cân nhắc, đắn đo. Một sự thực là nhiều gia đình vì lý do nhà thờ chật chội đã phải cắt cử thành viên gia đình mình đi dự lễ luân phiên. Ngày nay những nhà thờ tại thành phố hầu hết đều không đủ sức chứa giáo dân dự lễ trong những ngày Chúa nhật và lễ Trọng. Từ những khó khăn này, dần dần mọi hoạt động tôn giáo bị bó hẹp mà ít ai nhận thấy. Những cách làm này khiến người dân theo đạo nản dần việc đến nhà thờ, mà không nhận thấy nguyên nhân sâu xa từ đâu ra.

Một nhà thờ rộng lớn, khang trang, thoáng đãng với chiếc tháp chuông cao vút, với lối đi thênh thang, một bãi để xe thoải mái, những tổ chức hoạt động không bị hạn chế về diện tích sẽ thu hút và động viên nhiều người dân có tín ngưỡng muốn đến nơi thờ tự hơn là những nơi chật chội, vướng víu. Chính quyền biết rõ điều đó.

Ở những trường hợp vừa qua như 42 Nhà Chung, 178 Nguyễn Lương Bằng và vài nơi khác, một số bộ phận trong chính quyền có ý đồ chiếm đất của nhà thờ để nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời. Ý đồ này được toàn bộ lãnh đạo trong chính quyền đồng ý mặc dù biết là sai trái. Vấn đề đặt ra là, cho dù nhiều bộ phận trong chính quyền không trực tiếp được hưởng lợi nhuận từ việc đó, họ biết đồng chí của họ đang kiếm lời, nhưng vì sao mà tất cả đồng ý? Sở dĩ như vậy là vì những kẻ chiếm đất đưa ra một lý do nằm trong "chủ trương lớn" xuyên suốt từ khi thành lập chính quyền đến nay, đó là bắt tôn giáo đi theo làm một bộ phận của chính quyền, hoạt động dưới sự lãnh đạo của chính quyền dưới cái mác "đồng hành cùng dân tộc’’. Tôn giáo nào chấp nhận điều này, xa rời những tôn chỉ của mình để thành một bộ phận của chính quyền sẽ được ưu đãi như một cơ quan, đoàn thể của chính quyền. Tôn giáo nào không chịu từ bỏ tôn chỉ của mình sẽ bị bóp nghẹt bằng mọi biện pháp từ bỏ tù, vu cáo, lăng mạ đến chiếm đoạt cơ sở thờ tự, khủng bố, đe dọa từ tu sĩ đến giáo dân. Trong tất cả những thủ đoạn đê hèn để hạn chế, tiêu diệt những tôn giáo không thuần phục chính quyền thì việc chiếm đất là một trong những biện pháp nằm trong "chủ trương lớn’’ đó.

Chính bởi thuộc chủ trương lớn đó cho nên nhiều sự việc diễn ra hoàn toàn trái với pháp luật, trái với những văn bản pháp qui được ban hành từ phía công quyền.. nhưng vẫn được chính quyền các cấp ra vẻ đồng thuận, cố tình làm ngơ để thi hành bằng được, cốt sao đạt được tinh thần của chủ trương tiêu diệt, bó hẹp tôn giáo.

Việc đòi đất của người Công Giáo không chỉ là đòi những vật chất hiện hữu nhìn thấy. Đó là đòi hỏi chính quyền phải đối xử công bằng, minh bạch với những quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng mà họ đương nhiên phải có ngay từ khi họ sinh ra làm người. Chỉ khi nào những quyền đó được thực hiện trên đất nước Việt Nam này, thì lúc đó xã hội mới hoàn thiện thành một xã hội công bằng, tự do, dân chủ như ước nguyện của toàn bộ dân tộc Việt Nam.

Phong Thương

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 691 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 46
Khách: 46
Thành Viên: 0